Ca khúc "Mang tiền về cho mẹ" của rapper Đen Vâu và ca sĩ Nguyên Thảo hiện vẫn giữ vững phong độ ở vị trí #1 Trending Music trên YouTube với hơn 16 triệu lượt xem. Ngoài việc được đông đảo bạn trẻ tích cực "trích dẫn" trên các trang mạng xã hội, phần ca từ trong sản phẩm âm nhạc lần này của nam rapper nhận về ý kiến trái chiều và được "mổ xẻ" dưới nhiều góc nhìn khác nhau.
Từ góc nhìn đầu tư - lỗ lãi
Mới đây, Leng Keng - một tiktoker đã có hơn 400.000 lượt theo dõi đã chia sẻ quan điểm cá nhân khi cho rằng: "Đừng mang tiền về cho mẹ như Đen Vâu vì theo mình đó là điều không nên chút nào. Mẹ thường cất tiền vào két và két ở trong nhà rất là nguy hiểm. Vậy nên, nếu mẹ của các bạn cũng là một người ở quê, rất dân dã và không có kiến thức nhiều về tài chính hay đầu tư thì tốt nhất là bạn không nên gửi tiền về nhà quá nhiều".
Thay vào đó, cô đưa ra lời khuyên dành cho các bạn trẻ là hãy dùng số tiền đang có để đầu tư sinh lời thay vì gửi hết về nhờ bố mẹ cất giùm: "Thứ nhất là mọi người hãy học về tài chính và đầu tư để dùng số tiền ấy đầu tư sinh lời. Điều này có nghĩa là số tiền gửi về nhà sẽ được nhân lên rất nhiều lần. Thứ hai là lập tài khoản tiết kiệm định kỳ "Lương hưu của bố mẹ". Mang tiền về cho bố mẹ cũng tốt thôi nhưng tốt nhất là bạn mang về sự vững vàng, an tâm để bố mẹ bớt lo toan cho mình".
Ở góc nhìn ngắn hạn, thực sự khi "mang tiền về cho mẹ", số tiền này không mất đi nhưng cũng chẳng sinh lời. Nhưng với một cái nhìn khái quát, cởi mở và lâu dài hơn, nhiều "nhà đầu tư" có thể nhận ra ngay việc "mang tiền về cho mẹ" dịp cuối năm không chỉ là một sự báo hiếu, mà còn là một sự đầu tư vững vàng, to lớn và dài hạn. Cụ thể, gia đình chính là hậu phương, bảo vệ và là gốc rễ cuộc sống của mỗi người.
Việc "mang tiền về" cho bố mẹ, cho niềm vui của đấng sinh thành không mang nhiều giá trị vật chất, nhưng mang lại ý nghĩa về tinh thần, sức khỏe. Khoản tiền này đại diện cho sự thành công, trưởng thành của những người con trong gia đình, cũng như là sự báo hiếu, tri ân gửi đến bố mẹ sau cả một năm ròng rã làm ăn, không dành nhiều thời gian cho tổ ấm.
Trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, diễn biến phức tạp, sự báo hiếu này của các bạn trẻ còn có ý nghĩa hơn gấp bội phần.
Bạn Vũ Ngọc Linh (nhân viên truyền thông, 22 tuổi) cho biết: "So với những gì bố mẹ đã "đầu tư" vào mình, khoản tiền mừng nho nhỏ cuối năm mà mình gửi lại quả thực rất nhỏ bé, không đáng là bao. Nhưng điều quan trọng hơn là nụ cười của mẹ, của bố khi nhận được một chút thành quả lao động của mình sau thời gian dài cố gắng.
Hơn nữa, mình thực sự cảm nhận được niềm vui, sức khỏe tinh thần của bố mẹ được gia tăng. Bố mẹ cười cả ngày, bệnh tật tuổi già cũng nhờ đó mà thuyên giảm, điều này càng quan trọng hơn giữa mùa dịch đỉnh điểm như hiện tại. Sức khỏe của cha mẹ chính là "tiền", khoản sinh lãi quý giá nhất mà có khi bao nhiêu tiền mặt cũng không trả được."
Đừng mổ xẻ nghệ thuật bằng con mắt thực dụng và thô ráp
Bổn phận làm con lớn lên xa nhà lập nghiệp, những ngày giáp tết dù bận bịu đến đâu hay cả năm làm ăn khó khăn như thế nào, đến cuối năm cận tết cũng luôn băn khoăn với câu hỏi mua quà gì cho ba mẹ, biếu ba mẹ bao nhiêu tiền tiêu tết.
Điều này có vẻ trở nên khắc nghiệt trong năm nay, bởi tất cả chúng ta đã cùng nhau trải qua một năm 2021 đầy đau thương, mất mát. Theo đó, thông điệp của Đen vô tình đã gây áp lực và những tổn thương vô hình cho các bạn trẻ.
"Đưa tiền cho mẹ, mẹ là tiền "vệ"/ Đừng làm điều xấu, sẽ thành tiền "lệ"/ Lao động hăng say, hơn cả tiền "đề"/Cầm về tiền tốt, đừng có cầm về tiền "tệ"."
Cảnh đầu tiên của MV Mang tiền về cho mẹ tái hiện khung cảnh khi đứa con hỏi mẹ xem có cần mua gì không, thì người mẹ đã bảo không cần mua gì vì nhà có đủ hết rồi. Quả thật, đời sống hiện nay đã được nâng cao, hầu hết các gia đình đều đã có đủ nhu yếu phẩm, đồ gia dụng... để phục sinh hoạt hàng ngày.
Những câu hát, câu rap lặp đi lặp lại "mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ" thực chất có thể được hiểu là "về nhà đoàn tụ", mang niềm vui về với gia đình. Tâm lý đấng sinh thành chỉ cần thấy con mình về nhà ăn Tết, khỏe mạnh, công việc làm ăn học tập thuận lợi đã là một "món quà" vô cùng quý giá rồi.
Đức Nhân - một cây viết trẻ đã chia sẻ trên một diễn đàn rằng: "Đen có thể hóa thân thành giáo viên, công nhân, ngư dân và lập lại điệp khúc "Mang tiền về cho mẹ", nhưng cậu ấy đâu có thể biến đổi thực tại rằng vô số giáo viên, công nhân hay ngư dân đều chất chứa nhiều ưu phiền để có thể mang tiền về chứ không ai có tài năng và may mắn như vậy được. Nhưng nếu chỉ có thể đem về ưu phiền chứ không phải là tiền cho mẹ thì đó có phải là một tội lỗi, bất lực hay bất hiếu với gia đình của chúng ta hay không?"
Cần hiểu rõ, nhạc phẩm này cũng như bao bản rap khác, đều mang đậm tính tự sự của Đen, là một đứa con chứng kiến sự tảo tần, nhọc nhằn của mẹ và quá trình tiến thân của một nghệ sĩ đường phố, mưu sinh bằng nhiều nghề nghiệp vất vả, nhưng không ngừng nỗ lực và có chút may mắn để trở thành nghệ sĩ được nhiều người yêu mến.
Đến hiện tại, việc anh kiếm được tiền giúp mẹ của mình có thể sống thoải mái hơn nhưng vẫn không khỏi bồi hồi khi nhớ đến những ngày mẹ khó khăn "ngất giữa đường, không dám ăn/mặc...." cũng chỉ vì lo cho con trai.
Bởi vậy, những hình ảnh trong MV, hay lời hát trong bài đều mang màu sắc mộc mạc, dân dã. "Ra bên ngoài học điều hay mang về/Đừng mang mất dạy, mày về đây tao đánh" - không thể phủ nhận những lời "dọa nạt" đáng yêu này của các bà mẹ đã tồn tại như một truyền thống lâu đời trong các gia đình Việt, dù đang dần có xu hướng được loại bỏ.
Trên thực tế, bài hát này đã được Đen chắp bút từ 4 năm trước, ấp ủ và trau chuốt tới tận thời điểm này mới phát hành. Khán giả có toàn quyền thưởng thức bài hát, tuy vậy mỗi người nên thưởng thức trên tinh thần tôn trọng sáng tạo riêng của nghệ sĩ.
Không có hình mẫu nào là lý tưởng, và Đen cũng vậy. Mang tiền, niềm vui hay sự tự hào về cho mẹ là lựa chọn cá nhân của mỗi người, và quyết định của mỗi người chính là phản ánh thái độ sống - điều mà bố mẹ mong muốn được nhìn thấy nhất ở những đứa con của mình.
Tùng Lâm