Khoảng cách xa nhất trên thế giới có phải là khoảng cách giữa cha mẹ và con cái?

27/11/2021 08:00
Khoảng cách xa nhất trên thế giới có phải là khoảng cách giữa cha mẹ và con cái?

Cha mẹ và chúng ta, một bên thì không ngừng lớn lên, một bên thì không ngừng già đi. Khoảng cách giữa hai bên từ lối sống, mối quan hệ cá nhân đến tầm nhìn càng ngày càng lớn.

Tôi có một người bạn, mỗi lần đến kì nghỉ lễ về quê chỉ ở đó cao lắm được một tuần. Ngày thứ nhất, thứ hai, anh ta còn vui vẻ với cha mẹ. Ngày thứ ba, thứ tư, bắt đầu xuất hiện mâu thuẫn. Ngày thứ năm trở đi, anh ta chán ngán đến nỗi chỉ muốn lên đường về thành phố sớm.

Tình trạng này rất thường thấy ở nhiều bạn trẻ, xa quê thì nhớ nhà, về nhà nghe bố mẹ mắng lại muốn bỏ đi ngay...

Nhưng bạn nên nhớ, sau này khi bố mẹ già yếu. Đến lúc đó bạn sẽ phải hối hận vì không cố gắng dành cho họ nhiều thời gian hơn nữa.

Khoảng cách xa nhất trên thế giới có phải là khoảng cách giữa cha mẹ và con cái?  - Ảnh 1.

Khoảng cách xa nhất trên thế giới này, là khoảng cách giữa cha mẹ và con cái!

Một bên thì không ngừng lớn lên, một bên thì không ngừng già đi. Khoảng cách giữa hai bên từ lối sống, mối quan hệ cá nhân đến tầm nhìn càng ngày càng lớn.

Người trẻ cảm thấy chịu thiệt thòi vì bố mẹ không thấu hiểu chính mình. Bố mẹ cũng khổ sở vì không theo kịp thời đại, không bắt kịp suy nghĩ tiên tiến của con cái.

Ichiro Kishimi, tác giả của cuốn "The Courage to Be Disgusted" từng kể: Khi còn trẻ, anh mãi mê bận rộn với cuộc sống riêng, với gia đình nhỏ của mình nên rất hiếm khi liên lạc với người cha sống đơn độc. Sau đó, cha anh mắc chứng bệnh Alzheimer và dần quên đi những thứ có liên quan về anh. Kishimi Ichiro phải chăm sóc cha mình, và cuộc sống của anh cũng trở nên khác biệt từ đó.

Trong quá trình chăm sóc bố, anh nhận ra những khó khăn của bản thân, cũng như của bố mình. Thế nên, anh đã tự đặt ra những câu hỏi như: Cha mẹ lớn lên cùng ta nhưng rồi cũng sẽ già, vậy ta có thể làm được gì cho họ? Làm thế nào để cải thiện mối quan hệ với cha mẹ? Làm sao để chuẩn bị một tâm lý cởi mở, cùng đồng hành với cha mẹ, chấp nhận cha mẹ đã già?

Là người bình thường, chúng ta không có năng lực phi thường để chống lại sinh, lão, bệnh, tử. Vì thế chúng ta chỉ có thể can đảm đối mặt với sự lão hóa, cho dù đó là cha mẹ hay chính chúng ta.

Dũng cảm đối mặt với tuổi già, chính là dũng khí để điều chỉnh thái độ sống. Khi con người ta thực sự trưởng thành, mới có thể gánh vác trách nhiệm chăm sóc cho người khác.

Khoảng cách xa nhất trên thế giới có phải là khoảng cách giữa cha mẹ và con cái?  - Ảnh 2.

Muốn hòa hợp với cha mẹ, có hai điều kiện cần phải đáp ứng:

Đầu tiên: Nhận ra giá trị của bản thân; đừng quá khát khao sự đánh giá, công nhận của người khác, dù đó là cha mẹ!

Nhiều bậc cha mẹ dựa vào điểm số để đánh giá con cái. Đến khi con cái đi làm thì lại đánh giá dựa trên tiền lương, vị trí, chức vụ. Như vậy trong vô hình đã gây một áp lực rất lớn lên đôi vai họ. Thậm chí có những người con gái, vì chưa kết hôn, nên bị đánh giá là kẻ thất bại! Điều này thực sự rất bất công.

Đồng nghiệp của tôi là ví dụ điển hình trong trường hợp này. Lúc đầu, cô ấy rất quan tâm đến ý kiến của cha mẹ. Nhưng dần dần, khi phát hiện họ đang sống trong môi trường khác nhau, không thể hiểu lẫn nhau, thì cô ấy cảm thấy đó là điều bình thường.

Bởi vì không quá kì vọng, nên cô ấy đã không còn thất vọng nhiều như lúc trước. Mỗi lần về nhà, cô ấy vẫn hiếu kính cha mẹ, tặng quà, mát xa cho họ như cũ, và cô ấy thấy vui vẻ vì điều đó...

Có đôi lúc, thay đổi tư duy sẽ khiến bạn tìm ra cách thích hợp nhất để sống hòa hợp với những người bất đồng quan điểm với mình, kể cả cha mẹ.

Khoảng cách xa nhất trên thế giới có phải là khoảng cách giữa cha mẹ và con cái?  - Ảnh 3.

Thứ hai: Hiểu rằng cha mẹ không sống để thỏa mãn lý tưởng và yêu cầu của con cái.

Mỗi người đều sẽ có một quan điểm khác nhau. Nếu chúng ta có thể nhường nhịn cha mẹ một chút, vậy nên sớm làm.

Chấp nhận và tôn trọng ý kiến của cha mẹ, đồng thời hạn chế tối đa mâu thuẫn và bất hòa trong gia đình.

Khi Ichiro Kishimi còn nhỏ, mẹ anh phải nhập viện vì nhồi máu não. Lúc đó, anh ấy đang học cao học, để chăm sóc mẹ, anh ấy phải nghỉ 3 tháng.

Để rồi đến độ tuổi trung niên, anh lại phải tạm dừng công việc để chăm sóc người cha mắc bệnh Alzheimer của mình.

Anh thú nhận bản thân từng phàn nàn vì phải hi sinh sự nghiệp và thời gian để chăm sóc cha mẹ. Khoảng thời gian đó khiến anh khó thở, bồn chồn và chán nản.

Nhưng sau này anh nhận ra, nếu để những cảm xúc tiêu cực đó quấy nhiễu tâm trí, anh sẽ phải hối hận cả đời.

Bởi vì dù anh có làm việc chăm chỉ đến đâu đi nữa, cha mẹ vẫn không ngừng già đi.

Khoảng cách xa nhất trên thế giới có phải là khoảng cách giữa cha mẹ và con cái?  - Ảnh 4.

Tôi từng rất ngưỡng mộ một bác 50 tuổi đang là giáo sư đại học. Mỗi lần bác ấy đi dạy, người mẹ cao tuổi đều cố đuổi theo phía sau đưa thêm áo khoác vì sợ bác ấy bị lạnh...

Ở độ tuổi đó, vẫn còn cha mẹ chăm sóc, quả là một điều hạnh phúc.

Khi cha mẹ càng lớn tuổi, họ sẽ mắc nhiều chứng bệnh; nếu ngay cả việc lãng tai và hay quên của họ, chúng ta cũng không thể bao dung, thì làm sao có thể cảm nhận được sự yêu thương của cha mẹ, làm sao để báo hiếu công ơn của họ?

Thế nên, hãy học cách đồng hành cùng cha mẹ, thấu hiểu cho họ, đồng thời cũng giải thích cho họ những điều mà họ chưa hiểu. Tôn trọng và chấp nhận, yêu thương và bao dung, là cách để bạn khiến cuộc đời này trở nên tích cực hơn!

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024