Thật sự mà nói, trong suốt cuộc đời của mình, tôi cảm thấy nhận định này không hoàn toàn chính xác. Nếu có ai đó nói rằng, 1 triệu USD sẽ không làm họ hạnh phúc hơn, thì có lẽ họ chỉ đang dối lòng mà thôi.
Càng nhiều tiền, bạn càng có thể làm chủ cuộc sống nhiều hơn. Nếu bạn có đủ tiền, bạn có thể nghỉ hưu sớm hơn. Nếu bạn có nhiều tiền hơn, bạn sẽ đảm bảo được sự an toàn của bản thân và chăm lo đầy đủ hơn cho gia đình. Bạn cũng sẽ có đủ khả năng để mua những thứ mà mình thích, trải nghiệm những thứ mới mẻ trong cuộc sống, hoặc thoải mái hơn khi mời bạn bè đi ăn tối chẳng hạn. Và còn rất nhiều những đặc quyền khác mà bạn sẽ có được khi trở thành người giàu có.
Vì vậy, khi trường đại học Yale mở một lớp học trực tuyến miễn phí, dạy về cách để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, tôi đã quyết định đăng ký ngay. Theo tờ New York Times, họ gọi đây là "lớp học nổi tiếng nhất từ trước đến nay". Có hàng trăm người tham gia, và đã có rất nhiều báo cáo về những kết quả khả quan mà họ đã đạt được. Đó cũng là điều khiến tôi cảm thấy vô cùng háo hức khi tham gia lớp học này. Tôi nghĩ rằng, nó sẽ giúp tôi thay đổi tư duy và cách chi tiêu của mình.
Lớp học có tên là "The Science of Well-Being", được giảng dạy trong 10 tuần bởi giáo sư tâm lý học và khoa học nhận thức Laurie Santos. Santos đã bắt đầu lớp học bằng cách giải thích lý do tại sao, những điều chúng ta muốn trong cuộc sống lại không khiến cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc.
Nguyên nhân chính là do một hiện tượng được gọi là "kỳ vọng sai lệch". Hiểu theo cách đơn giản nhất, thì nó có nghĩa là mọi người đôi khi sẽ dự đoán sai về mức độ mà họ thích một thứ gì đó trong tương lai.
Có phải "tiền bạc sẽ không mua được hạnh phúc" không?
Santos đã đề cập đến một số "đặc điểm gây khó chịu cho tinh thần", nó khiến chúng ta chạy theo những thứ không mang lại hạnh phúc cho bản thân. Santos lập luận rằng, những mục tiêu mà chúng ta theo đuổi hầu như không ảnh hưởng đến sự hài lòng về cuộc sống của mỗi người. Một trong những mục tiêu đó chính là về vấn đề tiền bạc.
Để chứng minh cho quan điểm của mình, Santos đã trích dẫn một nghiên cứu nổi tiếng của Princeton vào năm 2010. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 450.000 người Mỹ về thu nhập và chất lượng cuộc sống của họ. Dữ liệu cho thấy, mức độ hạnh phúc sẽ gia tăng cùng thu nhập cá nhân. Nhưng mối liên hệ giữa hai yếu tố này sẽ không còn nữa nếu thu nhập của người đó đạt đến 75.000 USD mỗi năm.
Nghiên cứu này được công bố cách đây một thập kỷ trước. Kể từ đó, nhiều nhà nghiên cứu đã bác bỏ ý kiến cho rằng "Tiền không mua được hạnh phúc". Ví dụ, cuộc khảo sát Wealth Sentiment Monitor, do Skandia International thực hiện vào năm 2012, cho thấy mức "thu nhập hạnh phúc" trên toàn cầu có thể lên đến 160.000 USD.
Nghiên cứu của Harvard vào năm 2018 thì cho rằng, đối với các triệu phú "giàu có hơn thì sẽ hạnh phúc hơn". Đặc biệt là nếu giá trị tài sản của bạn cao hơn 8 triệu USD thì mức độ hạnh phúc cũng sẽ cao hơn. Nhưng phần lớn chúng ta đều không phải là triệu phú. Nên vẫn có một số người quan niệm rằng, ở một mức độ nào đó, hạnh phúc thường đi đôi với tiền bạc.
Giáo sư Santos đã chia sẻ: "Kết quả của các cuộc nghiên cứu rất quan trọng, nhưng không thể thay đổi sự thật rằng sự giàu có ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ hạnh phúc. Tiền không giúp ta hạnh phúc hơn theo cách mà ta nghĩ. Đó là do tâm trí đã phóng đại về mức độ ảnh hưởng của tiền lên hạnh phúc cá nhân".
Theo cô, lòng biết ơn, các mối quan hệ xã hội và các hoạt động như thiền định ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, hạnh phúc của con người. Những điều này cũng dễ thực hiện hơn việc đạt được mức thu nhập 10 triệu USD.
Hãy lưu ý hơn về cách tiêu tiền của bạn
Elizabeth Dunn, một nhà nghiên cứu về sự hạnh phúc và là đồng tác giả của "Happy Money", đã được Santos mời đến tham dự lớp học. Họ thảo luận về lý do tại sao chúng ta lại chi tiền cho những trải nghiệm, thay vì những thứ khiến chúng ta hạnh phúc.
Nhưng không phải mọi thứ đều tạo ra trải nghiệm sao? Và bạn không cần tiền để mua những thứ đó hay sao? Ví dụ như, lái xe trên đường cao tốc khiến tôi hạnh phúc, vì vậy tôi đã chi hàng nghìn USD cho một chiếc ô tô. Đi du lịch khiến tôi hạnh phúc, vì vậy tôi đã chi tiền để mua hàng nghìn vé du lịch, chưa kể đến chi phí khách sạn, ăn uống và tham quan.
Santos đã nói thêm: "Nó hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận của bạn. Ví dụ bạn bỏ ra hàng nghìn USD để mua một chiếc xe hơi. Nó sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm mới nếu bạn cảm thấy hài lòng khi lái nó".
Vì vậy tôi kết luận, mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc chính là sự đánh đổi. Tiền có thể mang lại cho người ta một phần hạnh phúc, nếu nó được dùng để mua những thứ tạo ra những trải nghiệm tích cực.
Đặt ra mục tiêu mới: Thay đổi lối sống và suy nghĩ của mình
Santos kết thúc lớp học với những chia sẻ: "Vậy tiền có thực sự khiến chúng ta hạnh phúc hơn không? Nếu bạn ở Mỹ và bạn chỉ kiếm được 10.000 USD một năm, thì nhiều tiền hơn sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, đối với những người bình thường như chúng ta, nhiều tiền hơn cũng không khiến ta hạnh phúc hơn".
Nhìn chung, khóa học đã thay đổi quan điểm của tôi về tiền bạc, đặc biệt là cách tôi tiêu tiền và cách tôi ưu tiên chi tiêu. Tôi cũng đang cố gắng thay đổi lối sống và suy nghĩ của mình. Mặc dù không có một loại thuốc nào có thể mang đến sự hạnh phúc, nhưng quan trọng nhất là hãy thay đổi khi bản thân còn thiếu sót.
Santos khuyên chúng tôi nên thử thay đổi bằng nhiều cách khác nhau để xem cách nào hiệu quả nhất. Đã vài tháng kể từ khi tôi hoàn thành khóa học. Cho đến nay, tôi nhận thấy việc thay đổi tư duy theo những cách này có thể thay đổi cuộc sống một cách đáng ngạc nhiên:
● Học các kỹ năng mới. Không chỉ vì tiền hay sự thăng tiến trong công việc, mà nó có thể giúp cuộc sống của bạn trở nên tích cực hơn.
● Sống tử tế hơn bằng cách chi tiền cho người thân, thay vì cho bản thân mình.
● Dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè và gia đình (đặc biệt là vào cuối tuần).
● Hạn chế chi tiền cho những thứ không sử dụng lâu dài.
● Thực hiện các thói quen lành mạnh mỗi tuần một lần, ví dụ như ngồi thiền, tập thể dục và viết nhật ký.
Tôi có hoàn toàn tin rằng tiền sẽ không làm cho tôi hạnh phúc hay không? Không hẳn, nhưng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa. Nếu so sánh giữa quá khứ và hiện tại, bạn sẽ thấy sự thay đổi đó là một bước nhảy vọt khá quan trọng trong cuộc sống của bạn.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị