Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương - Nghề “lộn sên” và nghĩa tình người Sài Gòn

23/11/2022 08:00
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương - Nghề “lộn sên” và nghĩa tình người Sài Gòn

Nghề “lộn sên” là gì? Bạn đã từng nghe tới công việc này chưa?

Thời bao cấp nhiều thiếu thốn, khi sên xe đạp đã dãn nở ra hết cỡ, người ta không vứt đi mà đem lại cho các “thợ lộn sên xe”. Sên sẽ được đục ra từng mắt rồi lộn các phần trong ra ngoài để “tận dụng”. Có người dùng xe đạp với cái sên được lộn tới 3 - 4 lần.

Tại Sài Gòn, như ghi chép của nhà báo Cù Mai Công trong cuốn “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương”, trên đường Trần Quang Khải cách đây 20 năm vẫn còn tồn tại nghề “lộn sên” này, trong khi ít nơi nào trong thành phố còn làm. Bởi giá một sợi sên mới toanh, hàng “xịn” chỉ vài chục ngàn đồng chứ đâu phải thiếu thốn gì như thời bao cấp.

Một thợ “lộn sên” than thở: “Cả buổi lộn được một sợi sên, công vài ngàn mà bị tém dẹp lòng lề đường tịch thu đồ nghề hoài”.

Rồi cô Ngọc Điệp, bí thư Đoàn Phường Tân Định lúc ấy, cũng than với tác giả: “Phường cũng cực với dân làm nghề này. Bày đầy vỉa hè, dơ dáy, bà con càm ràm hoài. Vừa tịch thu xong, quay lại đã thấy có sợi sên khác bày ra rồi”.

Có điều than thì than vậy chứ lúc đó chính cô bí thư cũng là dân địa phương nên biết rõ “đó là nồi cơm người ta”. Trong đó, có cả đoàn viên rất tích cực công tác Đoàn của mình hiện cũng ngày ngày đục, tán để bán lại cho những khách hàng nghèo sử dụng tiếp những sợi dây sên vốn đã xài nát.

“Con đường lạ lắm, cái xấu và tốt ở đây đôi khi rất gần, lẫn lộn trong nhau; những điều mâu thuẫn cùng tồn tại bên nhau...”. Tác giả Cù Mai Công nhớ hoài câu này của Ngọc Điệp khi trầm ngâm tâm sự với anh bên một quán nước vỉa hè.

Bạn có thể đọc thêm nhiều mẩu chuyện thú vị về Sài Gòn - Gia Định xưa trong “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” - cuốn sách tạp bút, biên khảo "tuyệt đẹp" của nhà báo Cù Mai Công.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 24/04/2024