Trong đó, nghề truyền thống Gác kèo ong (huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời) và nghề thủ công truyền thống Muối ba khía (huyện Ngọc Hiển) của tỉnh Cà Mau được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mật ong rừng tràm U Minh Hạ tỉnh Cà Mau từ lâu nổi tiếng cả nước bởi chất lượng mật hảo hạng. Và gác kèo ong là nghề truyền thống lâu đời, mang lại thu nhập cho người dân.
Kèo ong được làm bằng cây tràm già dài hơn thước. Người gác kèo phải chọn nơi tràm trổ bông kéo dài đủ cho ong lấy mật; ngoài ra phải chọn hướng gió, hướng ánh sáng rọi vào tổ và khoảng trống để ong bay lên đi lấy mật và đáp xuống dễ dàng.
Còn ba khía muối lại là một đặc sản nổi tiếng của người Cà Mau ở vùng mặn, và ba khía Gạch Gốc được xem là loại ba khía ngon nhất. Để bắt được ba khía, ta cần trang bị bao tay, thùng đựng và đèn, vì người dân chủ yếu bắt ba khía là vào ban đêm.
Cách thứ nhất là rửa sạch ba khía, đem phơi khô, pha nước với muối và nước mắm đủ độ rồi đưa trực tiếp đưa ba khía vào muối luôn. Cách thứ 2, dùng hỗn hợp nước muối và nước mắm giết ba khía chết, sau 5 đến 7 giờ, nấu nước muối đó lại cho sôi đúng độ, để nguội, rồi pha chế với đường chảy, bột ngọt, tỏi để muối ba khía.
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị DSVHPVT trên địa bàn tỉnh này đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia đối với các di sản: Nghề truyền thống Gác kèo ong và Nghề truyền thống Muối ba khía (năm 2019), Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc (năm 2020), Lễ hội Đền thờ Vua Hùng (năm 2021), Nghề truyền thống làm tôm khô (năm 2022), Lễ Vía Bà Thủy Long (năm 2023), Lễ Vía Bà Thiên Hậu (năm 2024).
Theo kế hoạch, Cà Mau sẽ sớm làm lễ công bố và trao quyết định về hai di sản văn hóa này. Và sau đó sẽ xây dựng 2 mô hình thực hành di sản Gác kèo ong và Muối ba khía để giới thiệu tại huyện Ngọc Hiển và huyện Trần Văn Thời.
Minh An