Trần Thùy Linh vốn xuất thân là dân văn chương và họa sĩ, nhưng chị có thêm nhiều "tài lẻ" như chụp hình, cắm hoa, "tôn thờ chủ nghĩa xê dịch" và vì thế, nếu theo dõi facebook cá nhân của chị, hẳn bạn sẽ phần nào thấy niềm đam mê, sự dấn thân trong nghệ thuật và hành trình du lịch khám phá của chị.
Đi như tờ giấy trắng gồm 2 phần: Những miền đất lạ và Những miền đất quen, đều là bức trranh sống động. Trần Thùy Linh dẫn dắt người đọc đi theo mạch cảm xúc từng nơi đến khiến chúng ta có cảm giác “được đi” qua những trang sách thể loại bút ký của chị.
Mỗi hành trình của chị không phải là nơi du khách “vội vã đến, vội vã đi” mà đó là sự chiêm nghiệm, khám phá bằng chính cảm xúc và tri thức của người họa sĩ. "Ngày trôi đi rất chậm” ở các nơi chị đến và không có sự khám phá nào là nhỏ nhặt: "Chỉ cần hạ thấp tầm nhìn chút thôi, cúi xuống với cỏ một chút thôi, tôi tin rằng bạn cũng sẽ sững sờ giống tôi. Có một thế giới khác đang lung linh đón chào, đang reo vui cùng bạn. Hoa dại ngập tràn khắp nơi trong thế giới ấy. Cũng khác với những cánh hoa cỏ dại Âu châu, những cánh hoa đồng nội trên thảo nguyên Mông Cổ nhỏ bé và mong manh hơn nhiều”.
Chị đã từng nói nghệ thuật rất cần vốn sống và sự chiêm nghiệm. Thế nhưng, trong các chính các hành trình khám phá ở từng bài viết, vốn sống và sự chiêm nghiệm hiện hữu rõ rệt.
Đi như tờ giấy trắng thể hiện sự lạc quan, tư duy tích cực, cái nhìn xúc cảm của người họa sĩ qua từng chuyến đi: “Tôi bỗng nhận ra, một nơi chốn đẹp hay xấu đều do thái độ của mình. Với tình yêu thiên nhiên vô bờ, bạn sẽ chấp nhận những đổi thay của mùa, khi cây trút lá chỉ còn trơ cành, khi hoa không đua nở và lá không còn là chồi non. Bạn vẫn sẽ nhận ra những vẻ đẹp bên trong những khẳng khiu kia. Bạn vẫn “nghe” được tiếng mùa da diết gọi. Và bạn vẫn thấy khắp nơi năng lượng của một vòng tròn sinh diệt. Xét cho cùng, đó cũng là quy luật muôn đời của tạo hóa. Thiên nhiên hay con người thì cũng vậy thôn. Vấn đề chỉ nằm ở suy nghĩ của bạn”- Trích Bay cùng lá thu.
Rất nhiều chi tiết trong hành trình của chị khiến người đọc như đang hít thở chính bầu khí quyển mà chị đã từng; thiên nhiên và con người vô cùng gần gũi. ‘Tôi đã ở trong những chiếc lều như thế, giữa đồng cỏ trên thảo nguyên mênh mông. Để trải nghiệm cuộc sống du mục, dù chỉ vài ngày, bạn cũng cần có sức chịu đựng. Chịu đựng mùi cừu ngây ngây, ngái ngái ngày đêm vây quanh bạn, bám vào quần áo đầu tóc bạn, Chịu đựng một cuộc sống khắc nghiệt không điệu, thiếu nước, không thiết bị điện tử, cắt đứt liên hệ với thế giới bên ngoài, chịu đựng sự thất thường của thời tiết với bốn mùa trong ngày…. Nhưng bù lại bạn sẽ không bao giờ thiếu trời xanh, mây trắng, hương nắng sớm trong trẻo và vị ngọt ngào của những làn gió đẫm hơi sương” – trích Bước chân du mục.
Đi như tờ giấy trắng là thể loại bút ký cá nhân, rất khó với người viết, thế nhưng, Trần Thùy Linh đã chọn để phóng bút. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết ngay trong phần giới thiệu: "Với thể loại bút ký cá nhân, đây là một thể loại chơi mà người chơi rất mạo hiểm. Chi tiết quá, mắt thấy tai nghe quá thì lại dây dưa sang thể thức báo chí và phim tài liệu. Lơ đãng quá, điệu đàng quá, động bút vào tâm tư quá thì lại lấn sân của tản văn. Ở một chừng mực nào đó, Trần Thùy Linh tương đối tránh được những sa đà kể trên. Tuy nhiên, chúng ta hay tham lam trước cái đẹp. Sự tham lam nào cũng có chút trả giá. Sẽ có những chặng đường của chị mà khi tôi đọc, thỏa mãn. Những có những chặng đường chị đi, tôi muốn dừng lại nhiều hơn, để thở hơn là nghe, muốn biết cảm giác nhiều hơn là chi tiết".
Nhiều điểm đến trong cuốn sách hẳn còn xa xôi, xa lạ với nhiều người như Tanzania, các thành phố vùng thượng Ai Cập, Mông Cổ… hoặc những điểm đến dù quen thuộc qua giọng văn của chị đều như "xứ lạ ở miền quen", bởi đó là cách khám phá của con người tự do, xúc cảm và tinh tế. “Tôi luôn thấy Melbourne có gì đó rất giống Hà Nội. Tinh tế và đầy màu sắc nhưng không dễ thấy, nếu bạn luôn vội vã hay để những xô bồ bề ngoài che lấp. Những sắc màu nghệ thuật và sự hiện diện của thiên nhiên nơi phố xá ấy thu hút và cuốn tôi đi. Đi bao nhiêu cũng chưa đủ để hiểu. Hiểu bao nhiêu cũng chưa thấy sâu. Biết bao nhiêu cũng vẫn còn thiếu. Đó là điều đặc biệt của thành phố ấy, một trong số những xứ người mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc không chỉ từ vẻ đẹp hiển nhiên của phố, của rừng hay biển – trích Lạc lối ở Úc.
Sự phát triển của công nghệ cùng mạng xã hội giúp con người có thể nhìn ngắm được thế giới mà không cần phải bước chân ra khỏi nhà. Dường như người ta không còn trân trọng các chuyến đi nữa. Cũng bởi vậy, những chuyến đi dần nhuốm màu vội vã. Chúng ta chọn địa điểm vội vã, lên đường vội vã, trải nghiệm vội vã, rồi vội vã trở về. Không kịp cảm nhận, càng không thể lưu giữ những ký ức hay giá trị tốt đẹp của vùng đất mình từng đặt chân đến. Thế nhưng, với họa sĩ Trần Thùy Linh, Mỗi chuyến đi xa để thấy được niềm hân hoan của những chuyến về, trong tâm thức và mỗi bước chân. Với chị, hành trình đi để hành thiền, để giải thoát là có thực, và chị đã biết chia sẻ điều đó với người đọc qua ngòi bút của mình.
Thiên Di
Họa sĩ Trần Thùy Linh sinh năm 1964 tại Hà Nội, hiện sinh sống ở TP.HCM. Chị bắt đầu vẽ từ khi 8 tuổi. Trần Thùy Linh từng theo học văn chương và ngôn ngữ tại Đại học Leipzig - Đức; học dự thính tại khoa Mỹ thuật và Lịch sử Mỹ Thuật. Sau khi trở về Việt Nam vào năm 1988, Thùy Linh học vẽ với họa sĩ tranh lụa nổi tiếng Nguyễn Thị Tâm và theo đuổi con đường hội họa chuyên nghiệp. Thùy Linh đã tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Mỹ và Hàn Quốc. Tác giả Trần Thùy Linh chia sẻ quan điểm cá nhân về nghề vẽ và viết của chị, rằng: “Với tôi Đi, Viết và Vẽ là phương tiện để hành thiền, để tìm về với cội nguồn bản ngã của vạn vật và chính mình, để giải thoát mọi cảm xúc với đích đến cuối cùng là đạt được sự tự do”. Đã xuất bản “Sài Gòn những mùa Yêu” – 2017; “Đi như tờ giấy trắng” – 2019; sắp phát hành "Muôn nẻo đường hoa". |