Học cách tư duy là học cách kiểm soát suy nghĩ và cách thức suy nghĩ. Điều đó nghĩa là bạn phải đủ ý thức và nhận thức để lựa chọn đối tượng mình chú ý đến cũng như cách rút ra ý nghĩa từ trải nghiệm. Bởi lẽ nếu không thể đưa ra những lựa chọn này khi đã trưởng thành, bạn sẽ gặp rắc rối.
Chọn một hướng đi, đặt một mục tiêu
Thử nghiệm taxi: Nào, bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu với một thử nghiệm tưởng tượng. Bạn bước vào một chiếc taxi…
Thử nghiệm taxi 1
Bạn bước vào một chiếc taxi và không nói cho tài xế biết địa điểm mình muốn đến. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Hai tình huống sau có thể xảy ra. Bạn vẫn ở nguyên tại chỗ, hoặc tài xế sẽ chở bạn vòng quanh thành phố trong suốt đêm. Thỉnh thoảng, tài xế sẽ dừng xe lại và hỏi, “Có lẽ anh/chị muốn xuống xe ở đây?”, nhưng bạn không trả lời được câu hỏi đó. Làm sao bạn biết nơi mình muốn đến trong khi chẳng có hướng dẫn nào để bạn dựa vào và ra quyết định?
Thử nghiệm taxi 2
Một lần nữa, bạn bước vào một chiếc taxi và cho tài xế biết chính xác địa điểm mình muốn đến, bao gồm tuyến đường bạn muốn người này đi theo. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Bạn sẽ đi trên tuyến đường định trước và đến đúng nơi cần đến. Bây giờ, câu hỏi đặt ra là “Chuyến đi này mang lại cho bạn những gì?”. Nếu định sẵn mọi thứ, bạn sẽ không còn cơ hội trải nghiệm những điều mới mẻ.
Thử nghiệm taxi 3
Bạn lại bước vào một chiếc taxi. Lần này, bạn hướng dẫn tài xế, “Tôi muốn đến khu phía đông của thành phố, tới một quán bar nơi tôi có thể vừa thưởng thức đồ uống ngon vừa nhún nhảy theo điệu nhạc”. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Bạn sẽ đến được nơi mình muốn, nhưng bạn không biết trước đó là nơi nào.
Kết luận: Nắm khái quát hướng cần đi là một điều tốt, vì nếu không thì bạn sẽ chẳng đến được đâu. Tuy nhiên, đừng cố định mục tiêu một cách cứng nhắc mà hãy chừa chỗ cho những trải nghiệm và hiểu biết mới. Nói tóm lại, bạn nên đặt ra mục tiêu nhưng cởi mở về con đường mình sẽ đi.
Hãy làm điều bạn thích để không phải: Nuối tiếc việc đã không làm
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để xem con người ta tiếc nuối điều gì vào cuối đời. Hóa ra mọi người đặc biệt tiếc nuối những việc họ đã không làm. Một khảo sát ở Mỹ còn cho thấy 70% số người lao động ở Mỹ – hơn 108 triệu người – thức dậy mỗi sáng và không hề hào hứng với công việc mình sắp làm trong ngày. Bạn đâu muốn là một trong số họ phải không?
Biết mình muốn gì là một trong những việc khó khăn và quan trọng nhất trong cuộc đời. Không bao giờ là quá trễ để trở thành người bạn có thể trở thành.
Câu chuyện truyền cảm hứng về Barbara Beskind
Ngay từ bé, Barbara Beskind đã biết mình muốn trở thành nhà sáng chế. Ở tuổi 91, cuối cùng ước mơ của bà cũng trở thành hiện thực và bà đang làm công việc trong mơ tại IDEO – công ty tạo ra con chuột máy tính đầu tiên cho hãng Apple.
Barbara Beskind trưởng thành trong thời kỳ Đại Suy thoái. Thiết kế đầu tiên của bà là một con ngựa bập bênh. “Trong thời kỳ suy thoái, nếu không có tiền mua đồ chơi thì tôi phải tự làm. Tôi quyết tâm có bằng được một món đồ chơi, thế là tôi mày mò làm con ngựa bập bênh bằng những chiếc lốp xe cũ. Tôi cũng học được nhiều điều về trọng lực sau nhiều lần ngã ngựa.” Sau đó, bà muốn học trường kỹ thuật nhưng bị từ chối vì là phụ nữ, vì vậy bà chuyển sang học về Kinh tế Gia đình. Cuối cùng, bà gia nhập và làm việc trong quân đội với vai trò chuyên gia trị liệu cơ năng trong 44 năm.
Mọi chuyện thay đổi khi bà xem một tập của chương trình truyền hình 60 Minutes (tạm dịch: 60 Phút) vào năm 2013. Nhân vật chính của tập đó là David Kelley, nhà sáng lập IDEO. Trong buổi phỏng vấn, ông nói về cách công ty IDEO luôn mong muốn có đội ngũ nhân viên đa dạng để mọi người có thể truyền cảm hứng cho nhau. Beskind quyết định nộp đơn ứng tuyển. Bà soạn thư ứng tuyển trong hai tháng, chỉnh sửa nhiều lần và rút gọn lá thư dài chín trang xuống còn một trang. Ở độ tuổi đã cao, cuối cùng bà cũng được làm công việc mình mơ ước.
Tuổi tác không phải là rào cản
Câu chuyện về Barbara Beskind chứng minh rằng không bao giờ là quá trễ để làm điều mình thật sự muốn. Thay vì nuối tiếc ước mơ tuổi thơ dang dở, Barbara đã tiến về phía trước và biến mơ ước thành hiện thực. Bà luôn hướng đến mục tiêu của mình. Có rất nhiều ví dụ về những người chạm đến ước mơ cuộc đời khi đã khá muộn. Diễn viên Harrison Ford làm thợ mộc đến năm 30 tuổi. Đạo diễn Lý An thất nghiệp ở tuổi 31 và cũng ở tuổi đó, J.K. Rowling – tác giả của bộ truyện Harry Potter – đang là bà mẹ đơn thân sống nhờ trợ cấp xã hội. Vậy nên dù bạn bao nhiêu tuổi, hãy luôn hướng đến mục tiêu của mình.
Đừng chạy theo đồng tiền
Con người thường để tiền bạc dẫn dắt. Họ dùng tiền làm cái cớ để không làm điều họ thật sự muốn. Nhưng tiền chỉ là phương tiện, không phải mục đích. Nếu bạn thật sự muốn làm điều gì đó, tiền không bao giờ là cái cớ có thể ngăn cản bạn. Tiền cũng không phải luôn là lý do tốt khiến ta làm một việc gì đó. Có một vài dự án tôi thực hiện với suy nghĩ “Mình có thể kiếm được nhiều tiền từ dự án này”. Hầu hết các dự án đó đều thất bại vì nó không có ý nghĩa – vì mục tiêu chính chỉ là kiếm tiền. Vì vậy, hãy đi theo con tim chứ đừng chạy theo đồng tiền.
Làm thế nào để biết bạn thật sự muốn gì
Bài học rút ra từ thử nghiệm taxi là nếu không biết mình muốn đến đâu, bạn sẽ đến một nơi bạn còn không chắc mình có muốn đặt chân tới hay không. Đúng là không dễ để biết – một cách tương đối chính xác – nơi mình muốn đến. Bạn phải thành thật với bản thân thì mới biết mình thật sự muốn gì.
Đừng tự giới hạn bản thân. Nhiều người giới hạn bản thân với những điều họ nghĩ mình có thể làm. Tâm trí của bạn vươn xa đến đâu, bạn sẽ đi xa được đến đó. Hãy nhớ rằng bạn có thể đạt được điều mình tin tưởng.
Hãy tự hỏi, “Đâu là việc mà lúc nào mình cũng hào hứng muốn làm?”. Ghi nhớ câu trả lời và làm bài tập sau.
Lập danh sách những việc bạn thật sự thích làm.
Xem xét danh sách đó một cách trung thực. Bạn đã đưa việc nào vào danh sách với suy nghĩ, “Việc này có thể giúp mình kiếm tiền”? Hãy gạch bỏ những việc đó và thay bằng những việc bạn chưa dám viết ra vì tiếng nói trong đầu bạn thì thầm “Mình không làm được”. Đừng nghe theo tiếng nói ấy, hãy viết ra việc bạn muốn làm, bao gồm cả những việc thoạt nhìn có vẻ không liên quan đến công việc. Đơn giản là cứ viết ra những việc làm bạn cảm thấy hào hứng.
Xem lại danh sách và chọn ra ba việc bạn muốn làm nhất.
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên trước danh sách vừa lập, vì nó bao gồm những việc ban đầu bạn không định kể ra khi được hỏi về mục tiêu của bản thân. Không sao. Hãy dành một chút thời gian để làm quen với nó. Rồi bạn sẽ thấy mình khác biệt như thế nào với thời gian.
"Khoảnh khắc người sáng tạo" do tác giả Donald Roos viết nhằm giúp các bạn trẻ có được những thành công trong việc định hướng cuộc đời.
Ông chia sẻ rằng Bản thảo đầu tiên của quyển sách này dài hơn 45.000 từ. Tuy nhiên, theo thỏa thuận giữa tôi và nhà xuất bản, nó chỉ được phép dài 22.000 từ, nghĩa là tôi phải cắt bỏ hơn một nửa quyển sách. "Khoảnh khắc người sáng tạo" vẫn cuốn hút hấp dẫn bạn đọc nhờ vào văn phong đơn giản, các ví dụ rõ ràng cùng với những hình minh hoạ dễ hiểu của Donald Roos.
Trích sách "Khoảnh khắc người sáng tạo"