Lụa là cô gái 20 tuổi, nhìn bề ngoài cô không khác gì với người bình thường bởi khuôn mặt đẹp như thiên thần cùng với nụ cười tỏa nắng. Điều đáng nói ở đây là Lụa không bao giờ được thấy ánh sáng bởi cô bị mù từ lúc mới chào đời.
Chật vật lớn lớn ở một vùng quê hẻo lánh, Lụa mưu sinh bằng nghề đan thảm lót chân rồi ngày ngày mò mẫn ra đường ngồi bán. Đối với Lụa, thế giới xung quanh thật là tươi đẹp, cô sống hồn nhiên trong cộng đồng người khiếm thị và bằng lòng với những gì đang có.
Làng quê bình yên nơi cô Lụa - cô gái mù sinh sống
Thế nhưng cuộc đời của Lụa bắt đầu thay đổi khi có một chàng trai xuất hiện. Hùng là một người thanh niên bình thường, cùng quê với Lụa nhưng gia đình anh chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Trong một dịp về thăm quê anh đã đem lòng thương yêu cô gái mù xinh đẹp. Ban đầu Lụa còn mặc cảm, nhưng chính vì sự chân thành của của Hùng, Lụa đã rung động, cô vượt qua sự tự ti để yêu thương Hùng. Mối tình tưởng chừng rất đẹp và lãng mạn ấy sẽ xóa đi biên giới vô hình giữa một người bình thường và người khiếm thị, thế nhưng đó chỉ là…mơ ước.
Lụa được một người bình thường đem lòng thương yêu
Biết được con trai yêu một cô gái mù không có tương lai, gia đình của Hùng ra sức ngăn cản. Mẹ của anh quyết định mang con trai về Sài Gòn lập tức, dù mạnh mẽ đấu tranh để bảo vệ tình yêu của mình nhưng cuối cùng Hùng cũng không vượt qua sự cương quyết của gia đình, anh đã rời xa Lụa…
Mối tình đầu tan vỡ Lụa mới ngỡ ngàng nhận ra giữa một người khiếm thị và người bình thường luôn có một đường biên vô hình ngăn cản. Thế giới của người mù chỉ là bóng tối và không có tình yêu dù người mù cũng có những rung động bình thường như bao người khác. Để vượt qua đường biên đó là điều không hề dễ dàng…
Đó là nội dung của bộ phim Đêm dài như biển – Một dự án phim về đời sống của người khiếm thị của đạo diễn trẻ Hoàng Minh Phi. Kịch bản được xây dựng dựa theo một câu chuyện có thật. Tên phim cũng lấy cảm hứng từ một bản nhạc của cố nhạc sĩ Bắc Sơn.
Phim dựa theo những nhân vật có thật và cảm tác từ bản nhạc cùng tên của cố nhạc sĩ Bắc Sơn. Thông điệp của phim cũng rất đơn giản và rõ ràng là chúng ta phải có cái nhìn yêu thương hơn với người khiếm thị. Họ cũng là những con người bình thường, biết yêu, biết thương và luôn khát khao về một cuộc sống công bằng không có khoảng với những người ở thế giới bình thường
“Khi chúng ta nỗ lực 10 lần thì người khiếm thị phải nỗ lực gấp 100 lần để sống như một người bình thường. Có thể những câu nói đơn thuần không hàm ý như “bộ đui hả” nhưng đối với họ là cả một trời tự ti mặc cảm khi họ vô tình nghe thấy ai nói. Người khiếm thị ở Việt Nam hiện nay rất ít được quan tâm, chúng tôi làm bộ phim này với mong muốn ngày sẽ có nhiều người hiểu hơn về đời sống của người khiếm thị”, đạo diễn trẻ Hoàng Minh Phi chia sẻ.
Ekip thực hiện phim Đêm dài như biển có buổi gặp gỡ và giới thiệu dự án phim với báo giới vào chiều 8.7.2019 tại TP.HCM
Để xây dựng bộ phim này, ekip đã có nhiều tháng sống chung với người khiếm thị để tìm hiểu tâm tư đời sống thực tế của họ. Sau đó ekip cũng đã mất 3 tháng để quay dựng và hoàn thành dự án.
Đêm dài như biển cũng là bộ phim thứ hai về đời sống của người khiếm thị do Hoàng Minh Phi cùng ekip thực hiện. Trước đó phim Nơi nào dành cho em cũng đã tạo nên nhiều xúc động cho khán giả.
Phim Đêm dài như biển cũng là một dự án độc lập phi lợi nhuận, toàn bộ kinh phí làm phim là tiền dành dụm của Hoàng Minh Phi cùng ekip.
Đạo diễn Hoàng Minh Phi cho biết phim đã được công chiếu tại Pháp 2 tuần
“Bộ phim vừa rồi đã được trình chiếu tại Pháp và nhận được sự hưởng ứng của nhiều khán giả. Dù bộ phim không đạt được doanh thu lớn nhưng đó là niềm hãnh diện và hạnh phúc của đoàn phim. Chúng tôi mong muốn tổ chức những buổi ra mắt dự án phim trên 4 thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Huế và Cần Thơ nhưng hiện tại không có kinh phí… Chúng tôi hi vọng, những nhà hảo tâm sẽ cùng chung tay với ekip phổ biến dự án này rộng rãi hơn, qua đó có thể lan tỏa yêu thương đến với cộng đồng người khiếm thị Việt Nam”, đạo diễn Hoàng Minh Phi chia sẻ.
Tiểu Vũ