Sau Avengers: Endgame, dường như bom tấn nào ra rạp sau đó cũng đều trở nên “nhỏ bé” và kém hoành tráng. Thế nhưng, Spider-Man: Far From Home thì khác do nó đã được Marvel Studios khẳng định là bộ phim đặt dấu chấm hết cho giai đoạn 3 của MCU. Người hâm mộ thắc mắc chú nhện nhỏ bây giờ sống như thế nào trong “một thế giới không có Avenger” và liệu Far From Home có mở ra manh mối nào dẫn đến giai đoạn 4 của MCU hay không.
Các nhà biên kịch đã xử lý một sự kiện mang đậm tính viễn tưởng như “cái búng tay Thanos” (trong phim gọi là “The blip”) trở nên cực kỳ hợp lý. Far From Home mở đầu bằng bối cảnh thế giới vừa mất đi những siêu anh hùng Avenger vĩ đại cũng như hồi phục sau “sự mất tích 5 năm của phân nửa dân số” khiến cuộc sống của họ trở nên hỗn độn.
Lúc này, Peter Parker - một trong những Avenger duy nhất còn sót lại trên Trái đất - đang phải chống chọi với nhiều luồng suy nghĩ khác nhau: suy sụp bởi cái chết của Tony Stark, kỳ vọng của nhân loại đặt lên anh và mong muốn có thể duy trì cuộc sống bình thường của một học sinh trung học. Cuối cùng, Peter quyết định bỏ lại sau lưng những nhiệm vụ cao cả và bước lên máy bay để tận hưởng kỳ nghĩ hè tại châu Âu với các người bạn cùng lớp.
Tuy nhiên, khi vừa tới Ý, Peter đã bị kéo vào một cuộc chiến khác do Nick Fury không còn Avenger nào để yêu cầu giúp đỡ. Anh gặp gỡ và làm quen với Mysterio – một người hùng đến từ Trái đất của một vũ trụ khác. Cả hai cùng chống lại Elemental – những con quái vật sở hữu năng lực có thể phá huỷ hành tinh này nếu không được ngăn chặn kịp thời. Chúng là những kẻ đã tiêu diệt Trái đất của Mysterio. Đáng tiếc, sự mâu thuẫn trong tâm trí của Peter làm anh bị phân tâm trong lúc giao chiến và bị Nick Fury khiển trách.
Jake Gyllenhaal trong vai Mysterio
Lần nữa, Peter buộc phải đưa ra quyết định giữa việc đóng vai trò là một Avenger thứ yếu hay bước thêm một bước, trở thành người kế thừa và hoàn thành ước mơ của Tony Stark/Iron Man – Avenger được nhiều thế giới ngưỡng mộ bởi lòng dũng cảm và sự hào hiệp.
Khác với không khí ảm đạm của Avengers: Endgame, Far From Home mang không khí vui vẻ, lạc quan trở lại với MCU. Thậm chí, có thể nhận xét đây là phần phim hài hước nhất của MCU. Đoạn tưởng nhớ những nhân vật đã mất ở khúc đầu được dàn dựng khá duyên dáng, dí dỏm nhưng không kém phần tinh tế.
Tom Holland dù đã 23 tuổi nhưng vẫn thể hiện xuất sắc một cậu bé 16 tuổi với những nỗi băn khoăn thông thường như háo hức trước chuyến đi của lớp hay hồi hộp, không biết làm sao để tặng quà cho cô gái mình thích. Thật khó tin đó chính là siêu anh hùng đã bay vào vũ trụ cùng Dr. Strange, Iron Man và chiến đấu trực tiếp với Thanos. Sức hút của Tom Holland tạo ra cho Spider-Man tốt hơn nhiều so với những gì Andrew Garfield đã làm được và ngang tầm Tobey McGuire. Điều này cho thấy anh đã đủ sức để đảm nhận tuyến chính trong những phần phim tiếp theo sau khi Iron Man, Captain America, Black Widow, Vision đã không còn.
Trong Far From Home, khán giả sẽ có chuyến du lịch đến những địa danh đẹp và nổi tiếng của châu Âu (chứ không chỉ gói gọn tại Mỹ hoặc vũ trụ), từ thành phố Venice thơ mộng cho đến lễ hội Pringe hoành tráng tại thành phố Prague của Áo. Đáng tiếc, như lẽ thường, khi Avenger đi tới đâu thì nơi đó… chắc chắn bị huỷ hoại không ít thì nhiều.
Các pha hành động, kĩ xảo hoành tráng diễn ra liên tiếp và mãn nhãn – hơn hẳn người tiền nhiệm Homecoming. Cảnh chiến đấu cuối tại thành phố London là đỉnh cao của công nghệ CGI khi ranh giới giữa thực và ảo hoàn toàn bị xoá mờ. Bên cạnh đó, kịch bản có nhiều “plot-twist” càng khiến cho khán giả bị cuốn vào câu chuyện và thời lượng 2 tiếng trở nên quá ngắn ngủi.
Tựu trung, Far From Home là một tác phẩm hoàn chỉnh, hay vượt kỳ vọng và là cái kết đầy ngọt ngào cho giai đoạn 3 của MCU. Trong khi đó, hai after-credit lại mở ra cánh cửa dẫn đến giai đoạn 4 hứa hẹn không kém phần gây cấn như những gì biệt đội Avengers cũ đã làm được.
Far From Home hiện đang được trình chiếu trên toàn quốc.
Mai Thảo