Khi còn sống, "Ông hoàng công nghệ" Steve Jobs đã từng có câu nói nổi tiếng: "Thời gian của bạn là hữu hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời giáo điều – đó là sống với kết quả từ những suy nghĩ của người khác. Đừng để tiếng ồn lấn át giọng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy can đảm đi theo trái tim và trực giác. Chúng biết bạn muốn trở thành con người như thế nào. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu".
Một trong những dữ kiện quan trọng đầu tiên mà Jobs dùng trực giác quyết định là bỏ học tại đại học Reed – một trong mười đại học mỹ thuật hàng đầu ở Mỹ và mức học phí thì đắt đỏ ngang ngửa Standford.
Ông bảo: "Tôi đã rất ngây thơ khi chọn Reed. Tất cả tiền tiết kiệm của bố mẹ đã phải dành để đóng học phí cho tôi. Sau 6 tháng, tôi chẳng thấy được ích lợi gì của việc học đại học. Tôi chẳng có câu trả lời nào về việc sẽ làm gì với cuộc đời của mình và cũng chẳng tin rằng trường đại học có thể giúp tôi trả lời câu hỏi đó. Tôi đã tiêu tất cả tiền tiết kiệm của bố mẹ phòng khi về hưu vào trường đại học. Vì vậy, tôi đã quyết định bỏ học và tin tưởng rằng, rồi mọi chuyện cũng sẽ tốt đẹp thôi".
Trực giác là gì?
Như Steve Jobs đã nói: "Trực giác là giọng nói bên trong bạn". Đó là tiếng gọi của con tim, không phải là tiếng nói phát ra trong đầu hay một thứ thuần về cảm nhận – xúc cảm bình thường. Trực giác giống như thần hộ mệnh hay người canh gác, luôn đưa ra những báo hiệu nào đó để bạn tự nhủ có nên cân nhắc trước khi đưa ra quyết định hay không.
Chẳng hạn, khi du lịch một mình, chúng ta thường dùng trực giác để quyết định tin tưởng và nhận trợ giúp từ người lạ. Lúc này, niềm tin đó không xuất phát từ lý luận phân tích trong đầu mà là một cảm giác đặc biệt tự nhiên nảy sinh khiến chúng ta đưa ra một quyết định.
Mỗi người đều sở hữu trực giác này, nhưng "độ mạnh" thì khác nhau. Có người sở hữu trực giác rất nhạy bén, trong khi người khác thì không. Trực giác có thể rèn luyện được thông qua trải nghiệm. Càng trải nghiệm, trực giác (có thể) sẽ càng nhạy bén. Bằng cách nào đó, độ mạnh của trực giác có mối liên hệ tỷ lệ thuận với độ chín của tâm hồn. Có những người thiên về lý tính nhiều hơn, họ ưa thích lập luận - phân tích và không có xu hướng quyết định dựa trên trực giác. Nhưng trực giác sẽ đưa bạn đến một thế giới trải nghiệm đầy thú vị, một cuộc phiêu lưu đầy tính tâm linh.
Tỷ phú Israel – Igal David Ahouvi nhấn mạnh rằng một trong 3 nguyên tắc đầu tư của ông là phải nghe theo trực giác, đó là điều vô cùng quan trọng. Điển hình, những năm lăn lộn làm thuê kiếm sống, tỷ phú Lý Gia Thành đã chiêm nghiệm và tích lũy được vốn kinh nghiệm đáng kể trong nghề kinh doanh. Công việc chào hàng là cơ hội để ông tiếp xúc với nhiều người, nhiều môi trường khác nhau, điều đó đã giúp ông rèn giũa được một trực giác nhạy bén. Như vậy, độ mạnh của trực giác thực sự phụ thuộc vào tính trải nghiệm của mỗi cá nhân, bao gồm cả hành trình trải nghiệm tâm linh.
"Trực giác là thứ duy nhất có giá trị"
Albert Einstein từng có câu nói vô cùng nổi tiếng: "Trực giác là thứ duy nhất có giá trị". Đây cũng là lời giải đáp cho câu hỏi cũ "Làm sao Einstein có thể có một sức mạnh tư duy phi thường đến vậy?"
Chính Charlie Chaplin cũng nói "Chúng ta tư duy nhiều quá nhưng cảm nhận ít quá!". Tư duy trực giác – linh cảm là một quà tặng thiêng liêng và tư duy lý lẽ là một tên đầy tớ trung thành. Thật tiếc, chúng ta lại tạo ra một xã hội vinh danh tên đầy tớ và bỏ quên món quà tặng. Người ta thường nói trực giác là cái năng khiếu trời phú cho. Ta không thấy Ông Trời ở đâu, nhưng ta tin có Ông Trời phú cho ta nhiều năng khiếu khác nhau. Trực giác là một trong số đó.
Nên nhớ rằng, trực giác rất thích sự tĩnh lặng - ấy là lúc chúng ta có sự an yên và bình tâm trong lòng, trực giác sẽ phát huy tối đa năng lực của nó. Như vậy, có thể nói rằng, độ tĩnh lặng của hai vĩ nhân Albert Einstein hay Steve Jobs còn hơn cả một vị Thiền sư đơn thuần vì tĩnh lặng ấy không những khiến trực giác của họ nhạy bén hơn mà còn khiến họ sáng tạo biết bao điều vĩ đại cho nhân loại.
Trong cuộc sống bận rộn như hôm nay, có thể nói việc thiền định – yoga – hay trở về với thiên nhiên sẽ khiến đầu óc con người cân bằng hơn, từ đó nâng cao trực giác của họ.