Steve Jobs xứng danh "cao thủ" thu phục lòng người: Tất cả gói gọn trong 9 tuyệt chiêu khôn khéo

14/06/2019 08:30
Steve Jobs xứng danh "cao thủ" thu phục lòng người: Tất cả gói gọn trong 9 tuyệt chiêu khôn khéo

Không phải tự dưng mà Steve Jobs lại có thể vực dậy cả Apple lẫn Pixar, biến chúng trở thành đế chế khổng lồ như ngày nay. Bởi lẽ, ông nắm trong tay những bí quyết đặc biệt này để lôi kéo lòng người và đạt được những gì mình muốn

Để Apple và Pixar thành công như ngày nay, Steve Jobs đã phải trải qua rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, ông luôn biết cách thuyết phục người khác tin vào lý tưởng của mình - khả năng giúp ông lèo lái hai công ty đi qua giông bão. Steve Jobs cũng sử dụng hàng loạt những chiến thuật "thao túng" để luôn giành chắc phần thắng, nhất là khi đối đầu với các tập đoàn lớn mạnh nhất trên thế giới.

Dưới đây là những nguyên tắc mà bạn có thể học hỏi theo để đạt được những gì mình muốn như vị CEO quá cố của Apple.

Diễn thuyết một cách đam mê. Con người luôn bị ảnh hưởng bởi những màn thể hiện đầy cảm xúc.

Trước khi Apple ra mắt iTunes, Steve Jobs đã đến gặp một số nghệ sĩ để thuyết phục họ hợp tác. Theo nghệ sĩ kèn trumpet Wynton Marsalis, Jobs đã nói liên tục suốt 2 tiếng.

"Ông ấy như thể bị nhập vậy," Marsalis nói. "Sau đó, tôi bắt đầu nhìn ông ấy thay cho chiếc máy tính do bị niềm say mê của ông cuốn hút."

Jobs cũng trình bày ý tưởng của mình với đội ngũ quảng cáo bằng niềm đam mê tương tự "để đảm bảo mọi chiến dịch quảng cáo đều ngập tràn cảm xúc của ông".

Hoàn toàn thành thật sẽ khiến mọi người đi theo bạn.

Khi Steve Jobs quay lại Apple năm 1997, ông đã nhanh chóng bắt tay vào sửa chữa sai lầm lúc bấy giờ của công ty - quá nhiều sản phẩm, nhưng quá ít định hướng.

Jobs đã gọi các quản lý vào hội trường và hỏi: "Tại sao công ty lại ra nông nỗi này?" Một vài người lý nhí đáp lại, nhưng bị ông cắt lời: "Là tại sản phẩm! Sản phẩm bị làm sao?" Nhiều người xì xào hơn, còn ông thì hét lên: "Sản phẩm quá tệ! Chẳng có tí thu hút gì hết!"

Mọi người thường bị các ý tưởng của Steve Jobs mê hoặc nhờ sự chân thành trong từng lời ông nói.

Không chỉ là thiên tài, Steve Jobs còn xứng danh cao thủ thu phục lòng người, muốn gì có đó: Tất cả gói gọn trong 9 tuyệt chiêu khôn khéo ai cũng nên học theo - Ảnh 1.

Làm việc chăm chỉ, người khác sẽ tôn trọng bạn. Tôn trọng là bước đầu tiên để đạt được điều mình muốn.

Steve Jobs có nguyên tắc làm việc cực kỳ tuyệt vời. Khi quay trở lại Apple, ông làm việc từ 7h sáng đến 9h tối mỗi ngày, nhưng vẫn dành thời gian để lãnh đạo Pixar. Ông làm việc không biết mệt mỏi, đến mức bị sỏi thận. Tuy nhiên, ông vẫn muốn thúc đẩy cả hai công ty bằng cách thường xuyên xuất hiện và khích lệ nhân viên. Vì thế, mọi người rất tôn trọng Jobs.

Khiến mọi người mất cảnh giác bằng cách dụ dỗ và khen ngợi.

Mọi người luôn tìm kiếm sự đồng tình cho hành động của mình. Chỉ cần bạn cho họ điều họ muốn, cuối cùng họ sẽ khát khao điều đó từ bạn.

Trong cuốn tiểu sử về Steve Jobs, tác giả Walter Isaacson viết: "Jobs có thể thuyết phục, mê hoặc bất kỳ ai. Các cựu CEO của Apple - Amelio và Sculley - tin rằng, Jobs mê hoặc họ vì ông quý và tôn trọng họ. Ông thường tạo ra ấn tượng như vậy bằng cách đưa ra những lời khen ngợi mà người ta muốn nghe. Steve Jobs có thể thuyết phục người ông ấy ghét dễ dàng như mắng mỏ người ông ấy thích."

Không chỉ là thiên tài, Steve Jobs còn xứng danh cao thủ thu phục lòng người, muốn gì có đó: Tất cả gói gọn trong 9 tuyệt chiêu khôn khéo ai cũng nên học theo - Ảnh 2.

Đưa ra quyết định một cách nhanh chóng, dứt khoát. Bạn luôn có thể thay đổi sau đó.

Thông thường, người ta phải mất vài tháng để đưa ra một quyết định lớn, còn Jobs lại thường nhanh chóng quyết định dựa trên ý mình. Jony Ive - trưởng bộ phận thiết kế của Apple - cho biết: "Người ta mất vài tháng để quyết định, còn Steve chỉ mất nửa tiếng."

Lần khác, Jobs kiên quyết loại bỏ khay CD ra khỏi máy tính vì ông ghét chúng. Tuy nhiên, mọi lại người cần khay CD để burn nhạc. Nhận ra sai lầm của mình, ông nhanh chóng cho ra mắt thế hệ máy tính thứ hai có ổ đĩa CD để burn nhạc, mở đường cho Apple ra mắt iTunes và iPod sau này.

Nếu phạm sai lầm, đừng chờ đợi để sửa. Hãy sửa sai luôn.

Khi Jobs làm việc cùng Pixar trong tác phẩm "Toy Story", Disney đã can thiệp vào kịch bản, biến Woody thành một một nhân vật đáng ghét. Thế nhưng, Jobs từ chối để Disney - một trong những công ty lớn nhất thế giới - phá hỏng câu chuyện nguyên bản của Pixar.

"Nếu mọi chuyện không ổn, đừng lờ nó đi và bảo rằng bạn sẽ sửa sau. Chỉ có các công ty khác mới làm vậy."

Jobs khăng khăng đòi Disney để Pixar làm phim như ban đầu. Nhờ vậy mà hãng phim này mới có một nhân vật trở thành biểu tượng toàn cầu đến mãi về sau.

Không chỉ là thiên tài, Steve Jobs còn xứng danh cao thủ thu phục lòng người, muốn gì có đó: Tất cả gói gọn trong 9 tuyệt chiêu khôn khéo ai cũng nên học theo - Ảnh 3.

Cờ đến tay ai thì người ấy phất.

Thành công thường khiến nhiều người lầm tưởng họ có thể ngừng làm việc, nhưng Jobs thì không. Khi Pixar thành công với bộ phim đầu tiên, Jobs quyết định lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Không ai nghĩ điều này khả thi, kể cả giám đốc sáng tạo John Lasseter, khi mà Pixar đã chảy máu tài chính suốt 5 năm trước đó. Tuy nhiên, Steve Jobs vẫn khăng khăng thực hiện và quyết định này hoàn toàn đúng đắn. Đợt chào bán thành công rực rỡ và Pixar không còn phụ thuộc tài chính vào Disney. Thậm chí, Disney còn phải mua lại Pixar với giá 7,4 tỷ USD để cứu bộ phận phim hoạt hình của mình, biến Steve Jobs trở thành cổ đông lớn nhất của Disney.

Nếu bạn có lợi thế, hãy sử dụng nó.

Khi quay trở lại Apple, Steve Jobs tự nhân mình chỉ là một "người cố vấn". Nhưng ai ở đó cũng biết người thực chất nắm quyền là ông. CEO khi đó - Gil Amelio - phụ thuộc vào Jobs để đưa ra tầm nhìn lâu dài cho công ty.

Vì vậy, Jobs đã ngay lập tức tận dụng lợi thế mới này của mình. Ông mở một cuộc họp và đề xuất tái định giá quyền chọn cổ phiếu bằng cách hạ giá thực hiện. Khi ban giám đốc bác bỏ ý kiến này, Jobs đã đáp trả ngay:

Không chỉ là thiên tài, Steve Jobs còn xứng danh cao thủ thu phục lòng người, muốn gì có đó: Tất cả gói gọn trong 9 tuyệt chiêu khôn khéo ai cũng nên học theo - Ảnh 4.

Cuối cùng ban giám đốc phải nhượng bộ. Tuy nhiên, ngày hôm sau, Steve Jobs đã yêu cầu họ từ chức, nếu không "tôi sẽ từ chức và không quay lại vào thứ 2." Bằng cách tự lựa chọn ban giám đốc và làm việc độc lập, Steve Jobs đã nắm quyền để kiểm soát các dự án tiếp theo của Apple, trong đó có iPod.

Luôn đòi hỏi những thứ tốt nhất, không chấp nhận thứ gì kém hơn.

Steve Jobs ghét bất cứ ai sẵn sàng thỏa hiệp để cho ra sản phẩm đúng thời hạn và vừa ngân sách. Đối với ông, mục tiêu của Apple không chỉ đơn giản là đánh bại đối thủ, hay thậm chí là kiếm tiền, mà là: tạo ra sản phẩm vĩ đại nhất có thể, "thậm chí là tốt hơn."

Ông đòi hỏi điều này ở mọi thứ. Chẳng hạn, khi máy tính Macintosh khởi động quá chậm chạp, ông đã bắt kỹ sư phụ trách phải chịu trách nhiệm và gọi đây là vấn đề "sống còn". Ông yêu cầu rút ngắn quy trình sản xuất của mọi chiếc máy tính Apple từ 4 tháng xuống còn 2 tháng. Ngoài ra, ông còn làm việc với hàng loạt các họa sĩ và công ty quảng cáo chỉ để đảm bảo rằng hình ảnh và âm thanh trong quảng cáo của Apple đạt chuẩn.

Trí thức trẻ/BI


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024