GPA 2,65 nhưng Steve Jobs vẫn làm CEO, đạt toàn điểm C nhưng J.K. Rowling vẫn là nhà văn tỷ phú

18/08/2019 08:15
GPA 2,65 nhưng Steve Jobs vẫn làm CEO, đạt toàn điểm C nhưng J.K. Rowling vẫn là nhà văn tỷ phú

Người ta thường nói: Chất lượng hơn số lượng. Muốn thành công, bạn không cần phải hiểu biết nhiều, mà nên học được những tri thức cốt lõi nhất.

Khi còn trẻ, chúng ta thường được dạy rằng tri thức là sức mạnh. Hệ thống giáo dục của chúng ta đánh giá học sinh, sinh viên dựa trên khả năng nhồi nhét càng nhiều kiến thức vào đầu càng tốt.

Tương tự, trong cuộc sống ngày nay, ai cũng cho rằng hiểu biết nhiều sẽ giúp tăng cường lợi thế cạnh tranh. Chúng ta có thể thỏa mãn "cơn khát" kiến thức của mình vào bất cứ lúc nào, thông qua hàng nghìn, hàng vạn khóa học trực tuyến 24/7 - từ digital marketing cho tới gấp origami.

Bản thân cũng là một CEO, tôi chẳng lạ gì cảm giác khát khao tri thức mọi lúc. Ngay khi đang viết bài báo này, tôi đã thủ sẵn hàng trăm bài báo khác trên máy tính. Đôi lúc, tôi không thể ngừng lo lắng rằng mình sẽ bỏ lỡ một thông tin hay cập nhật nào đó đáng giá trong nghề.

Thế nhưng, thành tích học tập không phải lúc nào cũng đảm bảo cho thành công sau này. Hiểu biết nhiều không có nghĩa bạn sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt.

Cứ nhìn vào những sinh viên "cá biệt" này, bạn sẽ hiểu: Điểm GPA của Steve Jobs hồi cấp 3 là 2,65; nữ nhà văn tỷ phú, mẹ đẻ của bộ truyện Harry Potter - J.K. Rowling - chỉ đạt toàn điểm C khi còn học tại ĐH Exeter. Vậy mà sau này cả hai đều trở thành những tên tuổi lớn đáng gờm trong lĩnh vực của mình.

Bởi lẽ, bạn học hỏi được bao nhiêu không quan trọng; quan trọng là bạn biết lĩnh hội và áp dụng những điều mình học được một cách khôn ngoan. Vì thế, trước khi đăng ký bất cứ workshop trực tuyến nào, hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây để học cho "chất", chứ không nên quan tâm tới "lượng".

 GPA 2,65 nhưng Steve Jobs vẫn làm CEO, đạt toàn điểm C nhưng J.K. Rowling vẫn là nhà văn tỷ phú: Tri thức là sức mạnh nhưng biết nhiều chẳng khiến bạn thành công hơn! - Ảnh 1.

Đừng chỉ học thuộc, hãy tận dụng kiến thức mới

Rất nhiều người trong số chúng ta tin rằng học hỏi là ghi nhớ được càng nhiều thông tin càng tốt. Tuy nhiên, việc học tập thật ra lại đòi hỏi một sự hiểu biết sâu rộng.

Theo thang Bloom - mô hình phân loại mục đích học tập mà các giáo viên hay dùng, mức độ học tập cao nhất xảy ra khi ta sáng tạo - kiến tạo, lên kế hoạch, sản xuất ra các tư liệu và ý tưởng gốc - bằng các tri thức mới.

Có lẽ đó chính là lý do tại sao những doanh nhân thành đạt nhất thế giới hay học hỏi và thử nghiệm cùng lúc. Như vậy, họ có thể áp dụng luôn kiến thức mình vừa biết vào thực tiễn.

Hãy lấy việc học ngoại ngữ làm ví dụ. Ghi nhớ từ mới sẽ giúp ích rất nhiều, nhưng quá trình học chỉ thực sự diễn ra khi bạn sử dụng vốn từ vựng đó, chẳng hạn như sắp xếp các từ để viết thư hay bày tỏ ý kiến. Bất cứ ai thạo ngoại ngữ cũng sẽ nói rằng, việc học chỉ được coi là thành công khi bạn có thể truyền đạt ý tưởng của mình bằng ngôn ngữ mới đó.

 GPA 2,65 nhưng Steve Jobs vẫn làm CEO, đạt toàn điểm C nhưng J.K. Rowling vẫn là nhà văn tỷ phú: Tri thức là sức mạnh nhưng biết nhiều chẳng khiến bạn thành công hơn! - Ảnh 2.

Thang học tập của Bloom

Tiếp cận các lĩnh vực mới trên tinh thần cởi mở

Trước khi học một thứ gì đó mới, đôi lúc chúng ta phải bỏ qua những điều đã biết. Nếu không, chúng ta sẽ có nguy cơ rơi vào bẫy "bình cũ rượu mới" - áp dụng kiến thức mới vào những khuôn khổ sẵn có.

Đó là lý do tôi thường khuyên các doanh nhân nên thực hiện "sơ tâm" - một khái niệm trong thiền Zen khuyến khích con người tiếp cận mọi thứ như một người không biết gì. Đây chính là công cụ hữu hiệu đã giúp Marc Benioff mua lại tạp chí Time và giúp Hooman Radfar đầu tư thành công vào chuỗi cửa hàng salad bình dân Sweetgreen.

Bởi lẽ, khi tư duy như một người chưa biết gì, bạn sẽ bỏ qua mọi ngần ngại, sợ hãi và nhìn ra được vô vàn những cơ hội.

Thiền sư Shunryu Suzuki từng viết: "Tâm trí của một kẻ chưa biết gì mở ra hàng loạt các khả năng, nhưng tâm trí của một chuyên gia lại gần như chẳng có gì".

Quên đi những gì bạn đã biết không phải là việc dễ dàng. Nhưng nếu biết tận dụng tư duy của một người chưa biết gì, bạn có thể tập trung vào các câu hỏi, thay vì câu trả lời. Hãy duy trì tinh thần cởi mở, dù bạn biết nhiều đến đâu; hãy nhìn mọi việc dưới nhiều góc độ, dù ấn tượng đầu tiên khắc sâu trong lòng bạn ra sao.

Tư duy như một kẻ chưa biết gì sẽ giúp bạn tìm ra những điểm mù trong kiến thức của mình, đồng thời học được cách tiếp cận các lĩnh vực mới bằng một con mắt tò mò cùng đức tính khiêm nhường.

Hứng thú giúp học hỏi thêm hiệu quả hơn

Khi còn bé, chúng ta học hỏi vì tò mò. Chúng ta học ăn, học bò, học đi, học nói vì bản thân chúng ta hứng thú với những điều đó. Tuy nhiên, khi lớn lên, việc học trở thành nhiệm vụ - một thứ chúng ta buộc phải làm, dù chúng ta có thích môn đó hay không.

Chỉ khi theo đuổi thứ mình thực sự hứng thú, chúng ta mới học hỏi được một cách hiệu quả. Đó là lý do khiến các nhà khoa học nghiên cứu về sự hứng thú trong vài năm gần đây. Theo đó, "hứng thú giúp chúng ta suy nghĩ rõ ràng hơn, hiểu sâu hơn và ghi nhớ một cách chính xác hơn".

Hứng thú thậm chí còn giúp mọi người vượt qua khó khăn về chuyên môn cũng như hạn chế về nhận thức. Một nghiên cứu đã chỉ ra, những học sinh bị điểm kém trong bài kiểm tra nhưng có hứng thú với môn toán và đọc sách sẽ giải quyết các bài toán và các đoạn văn bản dễ dàng hơn, so với những người tuy được điểm cao nhưng không có hứng thú..

Muốn thành công, chúng ta cần tập trung vào đam mê thực sự của mình. Nếu chúng ta gặp phải lĩnh vực mình không thích, hãy cứ cố gắng ở mức tối thiểu.

 GPA 2,65 nhưng Steve Jobs vẫn làm CEO, đạt toàn điểm C nhưng J.K. Rowling vẫn là nhà văn tỷ phú: Tri thức là sức mạnh nhưng biết nhiều chẳng khiến bạn thành công hơn! - Ảnh 3.

Biết giao phó trách nhiệm cho người khác

Bất cứ doanh nhân thành đạt nào cũng sẽ nói với bạn rằng, bạn không thể làm mọi thứ một mình. Để thành công, bạn cần biết giao phó trách nhiệm cho người khác một cách hợp lý. Nhờ đó, bạn sẽ tập trung giải quyết được những vấn đề cấp thiết và những lĩnh vực mình thực sự hứng thú.

Tôi luôn giao việc cho những người tôi biết sẽ làm tốt hơn mình.. Bởi lẽ, họ có thể mang lại kết quả tốt hơn trong thời gian ngắn hơn. Chẳng hạn, thay vì tự học mọi thứ về giao diện UX, tôi tin tưởng các designer (nhà thiết kế) của mình sẽ nắm bắt được những xu hướng và kỹ thuật mới nhất, vì đó là chuyên môn của họ.

 GPA 2,65 nhưng Steve Jobs vẫn làm CEO, đạt toàn điểm C nhưng J.K. Rowling vẫn là nhà văn tỷ phú: Tri thức là sức mạnh nhưng biết nhiều chẳng khiến bạn thành công hơn! - Ảnh 4.

Đối với nhiều doanh nhân, việc liên tục đọc sách, nghiên cứu, tích lũy kiến thức có thể khiến họ hiểu sai về thành công.

Đôi khi, học ít mới giúp bạn tiếp thu được nhiều hơn, bởi lẽ bạn có thể tập trung vào chất lượng và hiệu quả thay vì chạy theo số lượng. Do đó, hãy theo đuổi lĩnh vực mà bạn thực sự đam mê, tìm hiểu nó với tư duy của một kẻ không biết gì và giao phó những nhiệm vụ không thuộc thế mạnh của mình cho người khác. Bên cạnh đó, đừng quên áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn càng sớm càng tốt.

Bài chia sẻ của Aytekin Tank - CEO JotForm. Anh cũng là cây viết hàng đầu chuyên về lối sống, năng suất làm việc, khởi nghiệp, cảm hứng.

Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025