Mặc dù các hoạt chất này yếu hơn nhiều so với oestrogen của cơ thể nhưng chúng cũng góp phần quan trọng vào việc tăng hormone oestrogen.
Mãn kinh
Nhiều nghiên cứu cho thấy chất isoflavone trong đậu nành có thể làm giảm tối thiểu 1/3 những cơn “bốc hỏa” và chứng đổ mồ hôi ban đêm ở phụ nữ mãn kinh. Đó có thể là lý do tại sao những phụ nữ có chế độ ăn uống theo kiểu châu Á (dùng đậu nành và những sản phẩm làm từ đậu nành), chưa đến 25% người than phiền về chứng “bốc hỏa”; trong khi đó với phụ nữ có chế độ ăn uống theo kiểu phương Tây, con số này lên tới 85%.
Hội chứng tiền mãn kinh
Viên uống bổ sung isoflavone có thể làm giảm các triệu chứng như nhức đầu, đau ngực, chuột rút và sưng.
Chứng loãng xương
Phân tích từ 10 nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng đáng kể mật độ khoáng chất trong xương cột sống ở những người dùng isoflavone từ đậu nành – so với những người hấp thu ít.
Bệnh tim
Isoflavone đậu nành tương tác với các thụ thể oestrogen trong máu giúp giãn động mạch vành, làm giảm độ cứng của thành động mạch, giảm huyết áp, giảm cholesterol “xấu”, giảm độ dính của máu và giảm sự kết tụ tiểu cầu trong máu. Ăn 40g protein đậu nành mỗi ngày (trong vòng 12 tuần) có thể làm giảm huyết áp tối thiểu là 7/5 mmHg.
Trí nhớ
Theo nghiên cứu với sự tham gia của những sinh viên/học sinh khỏe mạnh, phụ nữ mãn kinh và nam giới, chế độ dinh dưỡng giàu đậu nành giúp cải thiện trí nhớ và các chức năng thuộc thùy trán (vận động, ngôn ngữ, khả năng giải quyết vấn đề, suy xét, kiểm soát hành vi xã hội và tình dục).
Ung thư tuyến tiền liệt
Một phân tích dựa trên 24 thử nghiệm cho thấy các sản phẩm đậu nành không lên men giúp làm giảm nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt đến 30%, và việc uống bổ sung isoflavone sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh đến 12%.
Ung thư vú
Một nghiên cứu với sự tham gia của 21.852 phụ nữ Nhật Bản cho thấy những người hấp thu lượng lớn isoflavone có khả năng giảm nguy cơ phát triển ung thư vú đến 54%, ngay cả sau khi điều chỉnh các yếu tố khác.
Hãy thử
Dùng đậu nành trong các món súp, hầm và xào. Dùng các sản phẩm từ đậu nành (như đậu phụ, nước tương ít muối), hoặc thêm bột protein đậu nành vào sữa lắc. Món muesli táo: cho một nắm yến mạch vào tô, rắc một ít nho khô và quả óc chó, thêm một chút bột quế để tăng hương vị, đổ sữa đậu nành vào, trộn đều, rồi để qua đêm trong tủ lạnh. Trước khi ăn, trộn đều với 1 quả táo nghiền hoặc một ít nước táo không đường.
Bạn có biết
Ở châu Á, nơi đậu nành thường xuyên được sử dụng, isoflavone được hấp thu trung bình 50 – 100 mg/ngày, so với ở phương Tây là 2 – 5 mg/ngày.
Trích Ăn lành sống mạnh – Sức khỏe vững bền