Không giống như các loại trái cây thông thường khác, cam cung cấp hợp chất thiamin và folate, 2 loại vitamin nhóm B quan trọng. Uống nước cam trong bữa ăn sẽ giúp tăng cường hấp thu chất sắt từ thực phẩm (đặc biệt đối với người ăn chay). Hiệu quả chứng minh:
Bệnh hen suyễn
Vào mùa lạnh, những trẻ ăn cam, quýt hoặc uống nước chanh hầu như mỗi ngày sẽ ít bị thở khò khè hơn những trẻ ăn hoặc uống ít hơn 1 lần/tuần.
Cholesterol
Phần cùi trắng và lớp màng bao múi cam, chanh là nguồn dồi dào pectin, một loại chất xơ hòa tan có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol. Bưởi có vị đắng do chứa naringenin, với tính năng giảm cholesterol.
Nước ép bưởi có thể làm giảm cholesterol “xấu” (7% đối với bưởi ruột vàng, 15% đối với bưởi ruột đỏ). Ngoài ra, bưởi ruột đỏ cũng làm giảm 17% triglyceride (một dạng mỡ), với bưởi ruột vàng là 5%.
Huyết áp
Cam rất giàu kali (chỉ một quả thôi cũng có thể đáp ứng 10% nhu cầu khuyến nghị mỗi ngày đối với người trưởng thành), loại khoáng chất giúp thải bớt natri qua thận, giảm lượng nước tồn lưu và hạ huyết áp.
Bệnh ung thư
Từ kết quả thử nghiệm trên các tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm, limonoid và limonene đã được chứng minh là có đặc tính chống ung thư.
Ăn nhiều loại quả chứa chất này sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư tụy, ung thư dạ dày.
Bệnh tiểu đường
Cam ruột đỏ chứa các hợp chất thúc đẩy cơ thể sản sinh insulin, góp phần cải thiện khả năng dung nạp đường glucose của cơ thể.
Hãy thử
Ăn tối thiểu một loại trái cây họ cam, chanh mỗi ngày, hoặc uống nước quả mới vắt. Vắt chanh vào thức ăn – nhằm “đánh lạc hướng” vị giác – để giảm nhu cầu nêm thêm muối khi ăn. Ướp miếng phi-lê cá hồi với nước cốt cam/chanh; rắc lên một ít vỏ cam/chanh mài nhuyễn, một ít tiêu đen và rau mùi cắt nhỏ; rồi nướng khoảng 20 phút cho chín.
Trích Ăn lành sống mạnh – Sức khỏe vững bền