Chắc hẳn không ít lần bạn đã đọc được những bài báo về việc smartphone bốc cháy hay phát nổ, trong đó có không ít trường hợp đã gây ra những thương tích hay thậm chí khiến người dùng tử vong.
Dù không thường xuyên xảy ra, việc smartphone phát nổ là hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào với bất cứ chiếc smartphone nào.
Có rất nhiều lý do khiến smartphone bốc cháy hay phát nổ, nhưng nguyên do chủ yếu liên quan đến lỗi pin trên thiết bị. Các thiết bị di động ngày nay, từ smartphone, máy tính bảng đến laptop… đều được trang bị pin công nghệ lithium-ion, trong đó, lithium là một chất dễ cháy và có thể nổ khi tiếp xúc với không khí, đặc biệt là nước.
Nếu pin sử dụng lâu ngày dẫn đến xuống cấp, hoặc xảy ra sự cố trong quá trình sử dụng, như smartphone bị rơi, vỡ… có thể làm cho phần vỏ pin có thể bị hỏng, khiến các thành phần bên trong pin bị bay hơi, tiếp xúc với không khí rồi dẫn đến hỏa hoạn.
Một nguyên do phổ biến khác có thể khiến pin trên smartphone bốc cháy hoặc phát nổ, đó là nhiệt độ cao. Nếu nhiệt độ thiết bị tăng cao trong quá trình sạc hoặc sử dụng liên tục có thể tạo ra một phản ứng dây chuyền trên pin và kết quả cuối cùng là pin bắt lửa hoặc phát nổ.
Một nguyên do khác bắt nguồn từ nhà sản xuất, khiến pin không đảm bảo được chất lượng và có thể phát nổ khi đang sử dụng hoặc đang sạc. Tình trạng này hiếm khi xảy ra do pin trên smartphone thường phải trải qua một quá trình kiểm tra nghiêm ngặt trước khi xuất xưởng, nhưng không phải là không có trường hợp sản phẩm đến tay người dùng với phần pin bị lỗi khiến thiết bị dễ cháy, nổ.
Trong trường hợp đang sử dụng hoặc đang sạc pin, bạn nhấn thấy lớp vỏ smartphone trở nên nóng hơn bình thường, thậm chí cảm giác nóng đến bỏng tay, đó là một dấu hiệu nguy hiểm. Đặc biệt, nếu bạn ngửi thấy mùi cháy khét của nhựa hoặc mùi hóa chất, smartphone phát ra tiếng rít hoặc tiếng lộp bộp, đôi khi có khói bốc ra từ smartphone… lập tức hãy rút nguồn điện (nếu đang sạc), đặt chiếc smartphone tránh xa khỏi cơ thể và tránh xa khỏi những thứ dễ cháy khác, tránh trường hợp smartphone bị nổ gây thương tích hoặc có thể gây hỏa hoạn nghiêm trọng.
Một dấu hiệu cảnh báo khác đó là pin trên smartphone bị phồng. Trong trường hợp pin phồng quá mức có thể làm hỏng và lớp vỏ ngoài của điện thoại hoặc làm cong mặt lưng của máy. Hãy chú ý quan sát lớp vỏ smartphone, nhất là với các sản phẩm có vỏ nhựa, nếu pin phồng, mặt lưng của smartphone có thể bị uốn cong lên hoặc viền máy bị hở ra, đặt smartphone không còn nằm bằng phẳng… trong trường hợp này, cần lập tức tắt nguồn rồi mang thiết bị đến các cửa hàng có uy tín để được xử lý và thay pin trước khi hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Nếu smartphone không may phát nổ, bạn nên tìm cách đưa thiết bị tránh xa những thứ dễ cháy. Tuyệt đối không sử dụng tay không để chạm vào chiếc smartphone đang cháy và tránh để không hít phải khói bốc ra từ vụ cháy, bởi lẽ đây là những hóa chất rất có hại cho cơ thể.
Một điều cần nhớ, tuyệt đối không sử dụng nước để dập lửa, bởi lẽ lithium có thể phát nổ khi tiếp xúc với nước. Để dập ngọn lửa do cháy pin, bạn cần sử dụng cát, baking soda hoặc bình cứu hỏa. Trong trường hợp không thể tự dập lửa hoặc ngọn lửa bùng lên mạnh mẽ, có nguy cơ gây hỏa hoạn nghiêm trọng, hãy gọi ngay cho lực lượng cứu hỏa để được hỗ trợ kịp thời.
Trong trường hợp nguyên do gây cháy, nổ smartphone bắt nguồn từ lỗi của nhà sản xuất, người dùng không thể làm được gì, ngoại trừ chờ đợi hãng sản xuất thu hồi sản phẩm để sửa lỗi.
Ngược lại, bạn có thể áp dụng một số giải pháp dưới đây để ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ pin khi sử dụng smartphone.
Làm rơi smartphone ngoài việc có thể làm hỏng bề mặt thiết bị còn có thể làm hỏng lớp vỏ bảo vệ của pin ở bên trong. Đã có không ít trường hợp smartphone phát nổ chỉ một thời gian ngắn sau khi bị rơi.
Việc sử dụng ốp lưng điện thoại không chỉ giúp bảo vệ bề ngoài của thiết bị, mà còn giảm nguy cơ pin bị hư hỏng khi rơi, có thể dẫn đến khả năng pin bị cháy, nổ.
Tuy nhiên, một điều cần ghi nhớ, bạn nên tháo ốp lưng bảo vệ smartphone mỗi khi cắm sạc để giúp thiết bị có thể thoát nhiệt tốt hơn khi sạc, tránh tình trạng smartphone bị tăng nhiệt, làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin.
Như trên đã đề cập, một trong những nguyên do chủ yếu khiến smartphone cháy, nổ đó là tình trạng pin trở nên xuống cấp, khiến pin bị phồng và hư hỏng. Kiểm tra mức độ chai của pin smartphone có thể giúp người dùng xác định tình trạng pin hiện tại và biết được đã đến lúc cần phải thay thế hay chưa.
Để kiểm tra mức độ chai của pin smartphone (bao gồm cả Android lẫn iPhone), người dùng có thể thực hiện theo hướng dẫn của Dân trítại đây .
Nếu smartphone đã ở mức độ pin chai quá lớn, người dùng nên thay thế pin trên thiết bị, vừa giúp kéo dài thời gian sử dụng pin, vừa đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Nhiệt độ được xem là kẻ thù lớn nhất của pin lithium-ion. Pin lithium-ion được thiết kế để hoạt động tốt nhất trong phạm vi nhiệt độ từ 0 đến 35 độ C, nếu thường xuyên phải tiếp xúc với nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp sẽ làm giảm tuổi thọ của pin và có thể dẫn đến nguy cơ cháy, nổ pin.
Tại Việt Nam, nhiệt độ thường không xuống quá thấp, nhưng mùa hè lại rất nóng. Do vậy, người dùng cần tránh việc đặt smartphone dưới ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài, đặc biệt là khi đang sạc. Tuyệt đối không nên để các loại thiết bị sử dụng pin lithium-ion như smartphone, laptop… bên trong xe ô tô vào mùa hè, bởi lẽ nhiệt độ cao bên trong xe có thể dẫn đến nguy cơ cháy, nổ thiết bị.
Khi sạc pin smartphone, nên tháo rời lớp vỏ bảo vệ và không nên để gần các vật dụng dễ cháy, tránh nguy cơ smartphone phát nổ trong lúc sạc có thể dẫn đến hỏa hoạn.
Sau một thời gian dài sử dụng liên tục, nếu phát hiện smartphone nóng lên quá mức, bạn nên tạm ngừng sử dụng trong một thời gian để smartphone hạ nhiệt, hoặc mua các loại phụ kiện quạt tản nhiệt trong trường hợp bạn thường xuyên sử dụng smartphone trong thời gian dài.
Smartphone cần có điện áp và dòng điện phù hợp để sạc đúng mà không làm ảnh hưởng đến pin, do vậy, cách tốt nhất đó là sử dụng cáp và củ sạc đi kèm sản phẩm. Còn nếu smartphone bán ra mà không kèm theo củ sạc, bạn nên mua loại củ sạc có danh tiếng, uy tín, thay vì sử dụng các loại phụ kiện rẻ tiền nhưng không đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, nếu dây cáp sạc bạn đang sử dụng đã bị hư hỏng, lớp vỏ ngoài không còn toàn vẹn… thì hãy lập tức mua một dây cáp sạc mới để thay thế. Việc sử dụng dây cáp sạc bị hư hỏng này không chỉ dẫn đến nguy cơ bị giật do rò điện mà còn có thể dẫn đến hỏa hoạn, hư hỏng pin trên smartphone do nguồn điện không ổn định…
Nếu smartphone của bạn bị dính mã độc hoặc cài đặt quá nhiều ứng dụng rác… sẽ khiến cho các tiến trình chạy ngầm liên tục trên smartphone, điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hiệu suất của thiết bị mà còn khiến cho pin smartphone mau hết, nhiệt độ trên máy luôn bị tăng cao…
Để tránh nguy cơ lây nhiễm mã độc, người dùng smartphone chỉ nên cài đặt ứng dụng từ các kho ứng dụng uy tín như CH Play hay App Store; cần kiểm tra kỹ hồ sơ và thông tin của nhà phát triển cũng là một điều nên làm, nếu nhà phát triển có nhiều ứng dụng với lượt tải cao thì mức độ tin cậy của nhà phát triển sẽ cao hơn…
Vừa sạc pin vừa sử dụng smartphone là một thói quen của không ít người, nhưng đây là một thói quen nguy hiểm và có thể dẫn đến chết người . Việc cầm smartphone khi đang cắm sạc có thể đối mặt nguy cơ bị rò điện hoặc pin smartphone phát nổ… dẫn đến tai nạn chết người. Đã có không ít vụ tai nạn thương tâm từ thói quen nguy hiểm này, do vậy, bạn cần phải từ bỏ thói quen nguy hiểm này để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Smartphone có thể bốc cháy và phát nổ bất cứ lúc nào, tại bất cứ đâu… nhưng đây không phải là một tình trạng quá phổ biến. Cần phải nhớ rằng, pin trên smartphone phải mất một thời gian khá dài mới bắt đầu xuống cấp và dẫn đến nguy cơ gây cháy, nổ. Thời gian này sẽ càng kéo dài hơn nếu người dùng sử dụng smartphone một cách cẩn thận.
Dù sao, smartphone vẫn là một thiết bị không thể thiếu trong cuộc sống ngày nay, do vậy, người dùng cần phải lưu ý những dấu hiệu cho thấy smartphone có thể phát nổ để kịp thời xử lý.
Hy vọng những thông tin kể trên sẽ hữu ích cho người dùng, giúp bạn có thể tránh được những tai nạn và sự cố đáng tiếc có thể xảy ra với chiếc smartphone của mình.