Bên cạnh dịch bệnh đang còn hoành hành, công nghệ hiện tại đang phát triển nhanh như vũ bão, người trẻ Việt Nam không thể dậm chân tại chỗ hãy chờ cơ hội đến mà phải tận dụng tri thức qua việc đọc những sách tham khảo cần thiết và tự phát triển kỹ năng.
Khởi nghiệp bước vào cuộc sống có nhiều loại: Đa số là những “Doanh nghiệp nhỏ” như cửa hàng tạp hoá, nhà hàng ăn, tiệm cà phê, quán bán hàng rong v.v… Những người khởi nghiệp này thường làm việc một mình hay chỉ với vài người thân trong gia đình. Ho có kỹ năng chuyên môn trong kinh doanh của họ nhưng chỉ hoạt động giới hạn trong thị trường địa phương góc độ nhỏ. Những người này biết rõ nhu cầu của khách hàng và sẵn sàng bắt lấy cơ hội cũng như rủi ro nhưng mục đích duy nhất của họ chỉ để kiếm sống tồn tại qua ngày.
Khởi nghiệp công nghệ không như thế. Mục đích của nó là phát triển, TĂNG TRƯỞNG, tạo ra sự khác biệt để thay đổi thị trường địa phương cũng như thế giới. Thí dụ như Apple, Microsoft, Tiktok, Google, Facebook, Wechat, và Twitter v.v… Mục đích của khởi nghiệp công nghệ là phát huy sáng tạo để TĂNG TRƯỞNG thành công ty lớn, có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán, và có thể kiếm hàng triệu hay cá biệt có những công ty ước mong hàng tỷ đô la.
Hầu hết những người khởi nghiệp công nghệ đều có ý tưởng, tri thức và kỹ năng rất cao. Một khi thành công, họ hội tụ ngay vào việc TĂNG TRƯỞNG nhanh chóng, để thâu tóm thị trường. Tuy nhiên đây là lúc nhiều công ty khởi nghiệp gặp khó khăn rồi thất bại. Một trong những nguyên nhân chính là họ đã hành động như một công ty lớn. Rập khuôn theo mô hình kinh doanh của các công ty lớn, ứng xử, tiêu tiền hoang phí như công ty lớn.
Tôi thường dạy sinh viên: “Công ty khởi nghiệp dù thành công nhưng CHƯA phải là công ty lớn. Các em chỉ vẫn là một tổ chức “LÂM THỜI” (Temporary) đang tìm kiếm thêm khách hàng để tiếp tục phát triển. Đừng thuê văn phòng lớn, đừng mua trang thiết bị mới, đắt tiền, đừng thuê nhiều nhân viên văn phòng nếu không thật sự cần thiết. Phải hết sức thận trọng và dè đặt vì các em cần vốn để tiếp tục TĂNG TRƯỞNG. Đừng tham dự vào các “Trò chơi Bản ngã” tiêu pha phung phí số tiền dành dụm hay vừa kiếm được. Đừng tự coi mình như những người quan trọng với các chức danh to tát do chính mình tự đặt ra. Đó là nguyên nhân tại sao chỉ một thời gian ngắn đa số công ty khởi nghiệp tuy thành công đều cạn hết vốn cần thiết để phát triển. Họ KHÔNG thất bại vì ý tưởng của họ. Họ KHÔNG thất bại vì tri thức kỹ thuật của họ. Họ THẤT BẠI vì quá vội vàng - chưa tự hiểu mình, những biến động thị trường và hành động NHƯ HỌ ĐÃ thành công. Họ THẤT BẠI vì hết sạch tiền.
Nên nhớ, khởi nghiệp thành công CHƯA PHẢI phải là công ty lớn. Nó CHƯA có đủ số khách hàng để phát triển lớn mạnh. Nó CHƯA kiếm đủ tiền để TĂNG TRƯỜNG lớn hơn. Nó chưa thâu tóm được thị trường địa phương lâu dài, ổn định và chưa sẵn sàng để bước ra thế giới. Nó chưa có đủ các điều kiện để những người đầu tư uy tín bỏ vốn thêm vào công ty. Nó chưa chuẩn bị đủ để có thể được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Do đó KHÔNG THỂ hành động như một công ty đã thành lập vững chắc có kinh nghiệm nhiều năm. Người khởi nghiệp công nghệ phải chú trọng vào việc tiếp tục phát triển sản phẩm, thu hút thêm khách hàng để kinh doanh SINH LỜI BỀN LÂU ĐƯỢC. Đừng vội vàng, đừng hấp tấp, đừng tự mãn mà hãy khiêm tốn để tiếp tục tăng trưởng cho công ty thêm vững mạnh trong một giai đoạn mà thế giới có khá nhiều bất ổn. Để làm điều đó, người khởi nghiệp công nghệ cần có kinh nghiệm và vốn lớn để tài trợ cho kinh doanh của họ, bằng cách thu hút vốn từ các nhà đầu tư và không người nào mạo hiểm rót tiền vào những công ty mà sự chi ra nhiều hơn số tiền kiếm được.
Suy nghĩ chín chắn trong giai đoạn mới này là điều cần thiết.
- GS. John Vu, 27/8/2022