Đây là cuốn sách khiến không chỉ tôi mà chắc chắn nhiều người cũng vô cùng tâm đắc bởi những bài học vô cùng đắt giá qua những câu chuyện, dẫn chứng thực tế được chính tác giả trải nghiệm và đưa ra.
Đắc nhân tâm - cuốn sách sẽ giúp con người ta thành công trên đường đời nhưng bằng một phương pháp khác: phương pháp làm sao cho được lòng người. Nó sẽ chỉ cho ta cách làm sao để được lòng hết thảy những người mà ta gặp mỗi ngày trong cuộc đời ta, từ những người thân trong nhà cho đến những người giúp việc, khách hàng, thân chủ, cả những người gặp gỡ trong câu chuyện nữa. Và điều mà ta nên nhớ rằng: hễ được lòng mọi người thì người trong bốn bể sẽ là bạn của ta, ta sẽ thành công và tìm được hạnh phúc.
Những phương pháp trong cuốn sách đều là những tâm lý không phải là mới mẻ vì vậy khi đọc cuốn sách sẽ thấy những phương pháp được ghi trong đó hoàn toàn là những triết lý đã "cũ như trái đất" mà phàm nhân chúng ta không để ý tới. Dale Carnegie đã có công đem cái triết lý cũ ấy ra phân tích, bình phẩm một cách mới mẻ, chỉ cách thực hành ra sao. Hiểu được điều đó ta có thể áp dụng nó vào chính cuộc sống thực tế một cách dễ dàng, bởi nó cũng đơn giản là bằng việc thay đổi thái độ và hành vi sống ở chính bản thân mỗi người.
Lẽ thường rằng ai ở đời cũng phải nhờ cậy tới người khác, nhưng để được người ta giúp đỡ thì họ phải có thiện cảm với ta. Mà điều căn bản để gây thiện cảm với bất kì ai ta phải từ bỏ thói quen phán xét, chỉ trích người khác về những khuyết điểm hay thếu sót của họ, sự chỉ trích là vô ích và nó chẳng có ích lợi gì hết, kẻ bị chỉ trích sẽ chỉ hằn học và chỉ trích lại ta thôi. Hãy nhớ rằng: Đừng xét người nếu không muốn người xét lại ta và nếu muốn sửa đổi người hãy sửa đổi ta trước đã.
Abraham Lincoln nói: “Ai cũng muốn được người ta khen mình” vì lẽ đó ta hãy dành cho người những lời khen, mà lời khen ở đây là phải từ thật tâm mình phát ra. Bởi xin bạn nhớ rằng sự khác biệt giữa lời khen tặng và lời nịnh hót đó là một đằng là thành thật từ đáy lòng, còn một đằng chỉ ở đầu lưỡi, giả dối để kiếm lợi. Lời khen tặng ai cũng hài lòng, lời phỉnh nịnh ai cũng khinh bỉ.
Triết gia Emerson nói: “Ngôn ngữ không giấu nổi bản tính” nghĩa là dù miệng lười có khôn khéo tới mức nào, ta vẫn không thể giấu được bản tính của ta. Biết thật tâm khen ngợi người khác ta sẽ thành công từ việc khêu gợi được lòng hăng hái của mọi người, có được thiện cảm và những lời đề nghị của ta họ cũng dễ dàng chấp thuận. Nhưng nếu chỉ biết nịnh thì sẽ thất bại, vì chúng ta thích được người khác thành thật khen bao nhiêu thì lại ghét, khinh những kẻ nịnh ta bấy nhiêu.
Hãy khêu gợi ở người cái ý tự muốn làm công việc mà chính ta đề nghị với họ, William Winter từng nhận xét: “Tự thể hiện mình là nhu cầu cơ bản của con người”. Bởi vậy, nếu muốn ai đó làm theo ý mình ta không thể nói rằng: “Tôi muốn thế này” vì sẽ chẳng ai nghe đâu. Nó giống như việc cá muốn ăn con trùng mà ta lại chìa quả táo ra để dụ, chẳng đời nào nó cắn câu đâu. Đưa ra lời đề nghị và phải biết khêu gợi cho người đó có lòng ham muốn nhiệt liệt với điều đó, làm được như vậy thì người trong bốn bể sẽ là bạn của ta, như Henry Ford nói: “Bí quyết thành công – nếu có – là biết tự đặt mình vào địa vị người và suy xét theo lập trường của người vừa theo lập trường của mình”.
Đó là những thuật cơ bản để dẫn đạo người mà Dale Carnegie đặc biệt chú trọng tới và sau khi đọc toàn bộ cuốn sách, hiểu được những phương pháp trong đó ta có thể tóm gọn được thành những quy tắc cần phải nhớ như sau: Để dẫn dụ người khác điều kiện đầu tiên phải gây được thiện cảm, họ có được thiện cảm với ta rồi, chưa đủ, phải làm sao cho họ cũng có một ý nghĩ như ta rồi mới hợp tác và giúp ta đó là điều kiện thứ nhì. Sau cùng, nếu trong khi họ giúp ta mà họ không làm vừa ý ta, thì ta phải khéo léo biết cách sửa đổi tính tình, phương pháp của họ mà họ không phật ý, vẫn giữ thiện cảm với ta, đó là điều kiện thứ ba.
Thêm nữa, quy tắc cực kỳ quan trọng mà xuyên suốt cuốn sách thậm chí Dale Carnegie đã dành riêng một chương để nhắc nhở ta rằng: Những phương pháp trong cuốn sách này chỉ có kết quả khi nó được áp dụng một cách chân thành tự đáy lòng mà ra. Xin bạn nhớ kĩ: Phải áp dụng một cách chân thành tự đáy lòng thì những phương pháp đó mới thật sự hiệu nghiệm. Nếu bỏ qua quy tắc này thì dù bạn có đọc hằng trăm cách cũng khó mà thành công được.
Cuối cùng, lời khuyên mà tác giả dành cho chúng ta chính là: Một vị thuốc không thể chữa hết mọi bệnh, hợp với người này, chưa nhất định hợp với người khác. Nếu phương pháp của bạn có kết quả thì thay đổi làm chi? Còn nếu trái lại, thì cứ thí nghiệm phương pháp của tôi đi, có thiệt gì cho bạn đâu? Vì vậy xin bạn cứ thử thực hành những quy tắc của cuốn sách này xem sao. Riêng đối với tôi, tôi đã thử nghiệm và đã có những kết quả mỹ mãn.
Bài dự Cuộc thi “Cuốn sách thay đổi cuộc đời” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức năm 2022