Cách đây mấy năm, trước khi nhận lời tư vấn du lịch Sa Đéc, chúng tôi đi một vòng khảo sát địa bàn, đặc biệt là làng hoa kiểng Tân Qui Đông để báo cáo với lãnh đạo ý kiến của mình. Cứ tưởng chỉ mấy anh thường trực, ai dè thành phố mời toàn bộ Hội đồng Nhân dân và Thành ủy, Ủy ban. Thấy các anh rất quyết tâm và nóng ruột. Trước khi trình bày ý kiến, tôi hỏi “Xin phép, tôi có được nói thật không?”
Đắn đo như vậy vì “lời thật mất lòng”. Không ít chuyên gia, để được việc cho mình, toàn dùng lời có cánh, tụng ca đia phương về tài nguyên và tiềm năng du lịch. Anh Võ Thanh Tùng, Chủ tịch thành phố bảo “Dân Nam bộ bộc trực, cứ nghĩ sao nói vậy”. Tôi cười rồi từ tốn “Các anh không thể làm du lịch được!”.
Biết nhiều người trong buổi họp bất ngờ, có người hơi khó chịu vì nhóm tư vấn chỉ mới về Sa Đéc mấy ngày, tôi cười hòa rồi nhỏ nhẹ “Sa Đéc có làng hoa kiểng độc bản, rộng hơn 650 ha với trên 2.000 loài, toàn trồng ngoài trời, có khi trên mặt nước. Vậy mà trong Hội trường Ủy ban thành phố, các anh toàn chưng hoa nhựa, làm du lịch thế nào được!”.
Hội trường vỡ òa bàn tán và cười . Chủ tịch thành phố chủ trì buổi họp quyết luôn “Bắt đầu từ ngày mai, các cơ quan trực thuộc dẹp hết hoa nhựa, hoa giả; dùng hoa tươi Tân Qui Đông”. Kể lại chuyện này vì đi một vòng Sài Gòn, thấy quá nhiều hoa giả. Ít ai dám tặng hoa giả cho người còn sống. Chưng hoa giả là làm màu trên bàn thờ, cả năm chỉ vài lần nhúng nước giặt bụi. Có lòng thành, ai nỡ làm vậy??
Hoa tươi, vừa đắt tiền, lãng phí và tốn công châm nước, bỏ cành rụng…Tiếc tiền thì còn có thể châm chước do hoàn cảnh nghèo khó, còn tiếc công thì chịu. Đến tình nghĩa mà cũng so đo thì thôi vậy. Lại nhớ đất nước Bhutan nhỏ bé, xứ sở được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới, quốc gia duy nhất có khí thải âm. Mọi thứ ở đây đều thuận thiên và phải đạo.
Bhutan là đất nước xanh đúng nghĩa nhất. Luật không cấm nhưng không thấy ai dùng hoa giả. Không có hoa, họ dùng cỏ, dây leo thay thế. Hầu như không thấy hoa cắt cành. Họ bảo chưng cả chậu, dùng được lâu hơn. Cái chính là không muốn làm hoa đau. Hoa cũng như người, đâu muốn xa cành, lìa cội. Không chỉ động vật mà thực vật cũng có đời sống riêng, không vô tri như hoa giả.
Việt Nam có lẽ là nước dùng hoa giả nhiều thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Ở Bắc Kinh, hoa nhựa dược dùng cho các đoàn tham quan thuê khi vào viếng lăng Mao Trạch Đông. Thói quen này có nguồn gốc từ bệnh hình thức, thích khoa trương mà thiếu thực chất. Ngay sảnh lễ tân nhiều khách sạn 3, 4, thậm chí 5 sao Việt Nam, chình ình bình hoa giả tổ chảng. Gặp cảnh đó, khi làm việc với quản lý (thường là nữ) tôi cứ nhìn chăm chăm vào người họ.
Có người giật mình. Tôi liền cà khịa “Hình như trên người em có đồ giả?”. Lâp tức, họ giãy nảy như đỉa phải vôi, thanh mình và khẳng định ngược lại. Tôi nói luôn “Vây mà anh cứ tưởng, vì thấy khách sạn em có bình hoa giả giống thật quá!”. Nghe vậy, có người cười xởi lởi vì thấy cũng chướng. Có người phân bua là “Tại sếp em thích thế”.
Gần Tết, đưa khách dạo chơi theo tour “24 giờ trải nghiệm Sài Gòn”, định ghé nhà Văn hóa Thanh niên mà thôi vì thấy giả quá. Hoa mai giả vàng rực, ngập sân, từ cổng chào, sân chơi đến tiểu cảnh, tràn lên cả vỉa hè. Những cây hoa vô hồn và tội nghiệp. Bạn tôi, người nước ngoài, làm rể Việt Nam thắc mắc, tôi chống chế là làm vậy để tiết kiệm, đỡ chăm sóc, khỏi phải đào hay bứng cây…
Bạn khó chịu và phán câu xanh rờn “Nói thế thì dùng manơcanh thay luôn người mẫu và hoa hậu cho tiện, có khi còn đẹp hơn!”. Bạn còn dẫn chứng là Dubai (UAE) toàn sa mạc nhưng họ không nghiện hoa giả. Việt Nam đâu thiếu đất mà phải làm vậy. Ừ nhỉ, sao không trồng hoa thật trên lề đưởng mà cắm hoa giả chi cho lố bịch. Trong sân có thể trồng hoa chậu. Có chăm sóc mới biết trân quí giá trị lao động và hiểu thêm Mẹ thiên nhiên.
Rất nhiều bạn trẻ xem đó là không gian rực rỡ sắc vàng đặc Tết, tha hồ check in. Hoa vô hồn nên người có đẹp cách mấy cũng giống manơcanh, có khi trên người toàn đồ giả. Thấy các bạn trẻ hí hửng selfie, tôi cũng hoang mang. Hay là mình không còn trẻ nên mới suy nghĩ lẩm cẩm như vậy.