‘Con rồng tơ’ trong nghệ thuật thêu cổ truyền xứ Việt

Theo Luxuo14/02/2024 11:00
‘Con rồng tơ’ trong nghệ thuật thêu cổ truyền xứ Việt

Trong vô vàn những đồ án mỹ miều được thể hiện dưới ngón tay tài tình của nghệ nhân Đại Việt, con rồng Việt Nam vẫn là hình ảnh sinh động nhất trong cả tạo hình lẫn hòa sắc.

20220603_114025401_ios-scaled.jpg
Một trong những tấm tranh thêu tinh tế nhất trong BST La Quốc Bảo. Một tác phẩm trứ danh của nghề thêu Hà Nội đầu thế kỷ 20. Tranh được hiệu thêu Ả Thiện (妸善) hoàn thành vào năm 1909 (Kỷ Dậu), tức đã 115 tuổi, sử dụng loại tơ xe rất mịn trên nền lụa mỏng mà không hề có vết chùn vải.

Con rồng là linh thú duy nhất của hệ tứ linh được xếp vào “thập nhị chi”, và cũng là biểu trưng tối cao của tín ngưỡng và quyền lực từ thuở xa xưa trong văn hóa Việt Nam. Giữa dòng xuân phong Giáp Thìn đương tới, người người nhà nhà lại vẽ rồng, nói về rồng, đan xen trong những câu chuyện trên trời dưới bể về văn hóa Tết, nhưng vẫn còn một đề tài thú vị đang đón chờ ta luận bàn, đó chính là “con rồng tơ” trong nghệ thuật thêu cổ truyền xứ Việt.

Dưới triều Nguyễn, nghề thêu phát triển đỉnh cao, nắm thị trường tại vùng Đông Dương. Tệp khách hàng này không chỉ giới hạn trong nước mà còn mở rộng ra các vùng lân cận như: Cao Miên, Lào, Nam Dương, và cả châu Âu. Đã nhiều lần trong quá trình nghiên cứu hình xưa, tôi bắt gặp những bức tranh gà chọi đầy sinh khí trong tiết Tân hôn của người Bà Ba xứ Mã Lai, hay những tấm tranh rước sắc thần, tranh rồng uốn lượn trang trọng trong một thư phòng giữa trời Tây. Trong vô vàn những đồ án mỹ miều được thể hiện dưới ngón tay tài tình của nghệ nhân Đại Việt, con rồng Việt Nam vẫn là hình ảnh sinh động nhất trong cả tạo hình lẫn hòa sắc.

51870050523_f242652844_o.jpg
Vương hậu Chao Kam Fan và vương nữ Chao Sammathi, Luang Prabang, Lào, 1930 [1]. Ta thấy chiếc khăn trải bàn thêu tứ linh lối Bắc Việt Nam với kích thước ấn tượng.
tonkin-hanoi-brodeurs-e1707355047132.jpg
Thợ thêu, Tonkin (Bắc kỳ) – Hà Nội.
423062822_240041722494775_3388459459815565180_n.jpg
Chân dung một vị mệnh phụ ở tỉnh Hải Dương đầu thế kỷ 20, tận dụng tấm trải bàn ngũ long làm thảm kê ghế để tăng phần trang trọng. Nguồn ảnh khảo sát thực tế: Đặng Công.
51701660361_a9d51d9361_o-1-scaled.jpg
Tranh rồng tại một làng thêu Hà Đông (1920–1929)[2]. Hình ảnh thuộc sở hữu của Musée de l’Homme (Bảo tàng Con người), Paris, Pháp.

Mỗi một văn hóa trong khối đồng văn (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên), tạo hình rồng có những đặc trưng riêng biệt, không chỉ gói gọn trong lãnh thổ quốc gia mà còn thay đổi theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, bởi tính chất mỏng manh của chất liệu vải vóc và sự hạn chế trong tiến trình khai quật khảo cổ, hiện ta chỉ có thể giới hạn nghệ thuật thêu Việt Nam trong giai đoạn giữa thế kỷ 19 đổ về sau.

Nhìn chung, tạo hình con rồng trong văn hóa Việt Nam dưới Nguyễn triều có tính ổn định và phong thái hiền hòa, ít dữ tợn hơn con rồng nhà Thanh cùng thời kỳ. Rồng Việt giai đoạn này nổi bật với thân hình đầy đặn, khuôn mặt nhiều góc tròn với hình dáng như cái khánh (một loại nhạc khí xưa), hoặc dễ hình dung hơn là dáng huân chương kim khánh của các công thần nhà Nguyễn, phần trán gồ cao, khẩu hình lớn tựa đang cười khoái chí. Ngoài dáng rồng đuôi xương tuy rất phổ biến nhưng dễ bị nhầm lẫn với người hàng xóm Trung Hoa, tạo hình con rồng đuôi xoắn vẫn nổi tiếng hơn cả, và xuất hiện trễ nhất từ thời Lê Trung Hưng thông qua những tấm sắc phong mà ta may mắn lưu giữ được. Đây có thể xem là đặc điểm dễ nhận dạng nhất của hình tượng rồng Việt Nam.

33110009_1633058953475916_353545837902561280_n.jpg
Đạo sắc phong thời Lê Trung Hưng, niên đại Cảnh Hưng năm thứ 44 (1784) với hình ảnh con rồng đuôi xoắn [3]
so-sanh-rong2.jpg
So sánh rồng nhà Thanh và rồng nhà Nguyễn, trong nghệ thuật thêu và cùng niên đại: Trên áo bào thời Quang Tự (trái) với dáng đuôi xương [4]. Trên long bào hoàng đế nhà Nguyễn nửa cuối thế kỷ 19 (phải) với khuôn miệng lớn và dáng đuôi xoắn đặc trưng Việt Nam. Hiện vật thuộc BST của Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh [5].

 

“Ra khỏi khuôn khổ cung trang, con rồng được chuyển hóa thành những tú phẩm trang trí cao cấp thể hiện quyền lực của gia chủ, và đương nhiên, dưới sự quản lý và giám sát gắt gao.”

 

Về y phục, hình tượng rồng thời Nguyễn thường gắn liền với phái nam, mà điển hình nhất vẫn là long bào, mãng bào các cấp. Hiếm khi nào ta thấy hình tượng rồng được thêu, dệt trên đồ phái nữ, mà thay vào đó là phụng, hoa các thức trang nhã. Đối với đồ nội cung, chất liệu thêu rồng trên long bào không chỉ dừng lại ở chỉ tơ hay kim tuyến, mà còn có xâu kết châu ngọc và cườm san hô li ti mà thành. Thông qua Đức Nicolas, một chuyên gia mỹ thuật Việt Nam nổi tiếng ở Paris, Pháp (đang điều hành kênh Instagram: @vietnameseartinparis), chúng ta được tiếp cận chi tiết này trên một bộ long bào Việt Nam (thuộc nửa sau thế kỷ 19) [6] từng được đấu giá 2 lần tại Pháp và Mỹ [7], nguyên thuộc sở hữu của bà Phạm Lan Hương.

body-embroidered-with-sequins-gold-threads-pearls-and-coral-beads.-this-outstanding-dress-shows-a-layout-very-similar-to-the.jpg
Chi tiết thêu nhồi/độn gòn và bắt trân châu, san hô ở khuôn mặt rồng trên long bào nhà Nguyễn (nguyên thuộc BST Phạm Lan Hương).
1.png
Long bào nhà Nguyễn, niên đại thuộc nửa sau thế kỷ 19 (nguyên thuộc BST Phạm Lan Hương)

Tuy nhiên, y phục thêu rồng có thể nói là đặc quyền của hoàng gia và các đại công thần, hoặc thiểu số gồm những cá nhân được triều đình đặc ân, rất hiếm có cơ hội xuất hiện ngoài dân gian. Ra khỏi khuôn khổ cung trang, con rồng được chuyển hóa thành những tú phẩm trang trí cao cấp thể hiện quyền lực của gia chủ, và đương nhiên, dưới sự quản lý và giám sát gắt gao. Rồng Nguyễn thường xuất hiện ở hình thái 4 móng, gọi là con mãng (蟒), phải tới những dòng cuối của lịch sử hoàng triều, con rồng 5 móng mới xuất hiện trong đồ thêu đại trà và xuất khẩu, bởi lẽ triều đình đã nới lỏng rất nhiều quy định vốn rất nghiêm ngặt ở các đời trước (chẳng hạn không cho phép quan, dân sử dụng con rồng 5 móng, tiếm dụng các màu chính hoàng, màu hỏa hoàng (cam), màu hương (màu cỏ úa), v.v. – theo luật “Tiếm dụng Long Phụng văn” ghi chép trong “Hoàng Việt Luật lệ”, quyển 9[8]).

Các làng thêu nổi tiếng thời kỳ này phải kể đến hai vùng Bắc Ninh và Hà Nội – được xem là thủ phủ đồ thêu Việt Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Tuy gọi là “tranh thêu” nhưng các tác phẩm này không gói gọn trong khái niệm “tranh treo tường”, mà còn là vỏ gối, khăn phủ sập, bàn, tráp; hoặc thậm chí dùng lót ghế trong những dịp rất trọng đại.

 

“Nghề thêu thoi thóp trong một khoảng lặng hàng thập kỷ. Suốt những năm đó, các nghệ nhân lão làng cũng lần lượt viễn du tiên cảnh, cưỡi hạc về trời, những con long phụng, lân quy tinh nhã vui vờn trên những tấm lụa thuở nào cũng lần lượt “tề phi” rời khỏi nhân gian.”

 

Trong quá trình nghiên cứu và sưu tầm, có 4 kiểu thêu rồng phổ biến:

1. Thêu độn gòn kết hợp lối xếp gạch

Đây là kỹ thuật có thể nói là thịnh hành nhất. Thân con rồng được độn một lớp bông/rơm mịn, cố định bằng các dây cotton bản lớn ở các vị trí: lưng, bụng, trán, bốn chân, thậm chí là các đồ án mây núi xung quanh. Sau đó, nghệ nhân sử dụng lối thêu xếp gạch đi hết toàn bộ thân rồng, còn các bộ phận khác thì sử dụng lối thêu đâm xô, bó bạt thông thường, nhưng rất sát và tỉ mỉ. Khác với trang phục thêu, các thức tranh nội thất được độn rất cao vì không cần quan tâm công năng, vì vậy độ nổi khối vô cùng rõ rệt, có những đoạn hình thêu cao hẳn khỏi nền vải tới gần 2 centimet. Khi treo lên tưởng chừng như đàn rồng chỉ chực chờ thiên thời địa lợi mà “xuất họa đằng phi”.

20240130_030844601_ios-scaled.jpg
Tấm trải bàn do nghệ nhân Lê Văn Viên tại hiệu thêu Trường Phát thực hiện. Hiện vật thuộc BST La Quốc Bảo.
20240130_030501195_ios-scaled.jpg
Chi tiết tấm trải bàn do nghệ nhân Lê Văn Viên tại hiệu thêu Trường Phát thực hiện. Hiện vật thuộc BST La Quốc Bảo.

2. Thêu bắt chỉ bó

Tương tự như thêu độn gòn, nhưng thay vì thêu phủ bằng chỉ tơ thuần túy, các nghệ nhân sẽ chập đôi sợi tơ rồi se thành một dạng “thừng bện”. Các sợi “thừng” này sẽ được tiếp tục bắt (couch) trên bề mặt gòn đã độn trước đó. Hiệu ứng cuối cùng sẽ cho ra độ chuyển màu rất trang nhã và nhìn từ xa lại giống như thêu sa hạt (vốn là một lối thêu vô cùng kỳ công, phải thêu từng mối tròn nhỏ li ti như điểm ảnh). Nghệ thuật thêu Trung Hoa không mấy khi áp dụng kỹ thuật bắt chỉ bó này, nên có thể nói đây là một nét đặc trưng của nghệ thuật thêu Việt Nam.

20201110_054107437_ios-scaled.jpg
Tranh thêu “Ngũ long hí châu” theo lối Tam lam sắc (三藍色) phỏng màu men sứ của vùng Hà Nội – Bắc Ninh xưa. Hiện vật thuộc BST La Quốc Bảo.
20201110_054612741_ios-1536x1152.jpg
Chi tiết tranh thêu “Ngũ long hí châu” theo lối Tam lam sắc (三藍色) phỏng màu men sứ của vùng Hà Nội – Bắc Ninh xưa. Hiện vật thuộc BST La Quốc Bảo.
20231115_063255788_ios-scaled.jpg
Tranh thêu “Long mã” theo hệ màu “Tam lam” phỏng theo các sắc xanh trên men sứ. Ta có thể thấy rõ kỹ thuật “bắt chỉ bó” được sử dụng trên cả tơ tằm và kim tuyến. Hiện vật thuộc BST La Quốc Bảo.

3. Thêu bắt tơ vàng

Còn gọi là thêu kim tuyến. Kim tuyến tức vàng lá dán lên một mặt giấy chuyên dụng, phơi khô hoàn toàn rồi xắt mỏng thành sợi với độ rộng chỉ khoảng một milimet; sau đó, một nghệ nhân lành nghề sẽ se các sợi vàng này quanh một lõi tơ để tạo nên các “dây vàng” (kim tuyến) phục vụ việc thêu, dệt. Lõi tơ dày hay mỏng cũng quyết định thành phẩm kim tuyến với các kích cỡ khác nhau. Ngày xưa đều hoàn toàn thủ công nên kim tuyến thường được ứng dụng trong việc thêu viền, nếu thêu toàn bộ cả tranh bằng chất liệu này sẽ vô cùng đắt đỏ, nhưng đồng thời lại càng thể hiện sự phú quý của gia chủ. Bên cạnh vàng, còn có bạc và hợp kim đồng cho ra ngân tuyến (ánh bạc) và đồng tuyến (ánh nâu đen). Ngoài lối thêu phẳng (thêu xếp vảy bán nguyệt) thì lối nhồi/độn gòn đan xen xếp gạch đề cập ở trên cũng có thể thực hiện với kim tuyến cho ra thành phẩm bắt mắt vô cùng. Các đồ án thường thấy là “Long vi thọ” (rồng cuộn chữ thọ), “Tứ linh”, “Long phụng tề phi” (rồng phụng cùng bay)...

20230614_090615825_ios-scaled.jpg
Vỏ gối tròn thêu “Long vi thọ” theo lối độn gòn, hoàn toàn bằng kim tuyến. Hiện vật thuộc BST La Quốc Bảo.
20211229_044413403_ios-scaled.jpg
Vỏ gối tròn thêu “Long vi thọ” theo lối độn gòn, hoàn toàn bằng kim tuyến. Hiện vật thuộc BST La Quốc Bảo.
20220109_033501909_ios-scaled.jpg
Áo tấc được cho là của hoàng đế Khải Định, thêu “Long vân”, 90% bằng kim tuyến, ngân tuyến với kỹ thuật đánh vảy sắc sảo. Hiện vật thuộc BST của GS-TS Thái Kim Lan, Huế.

4. Thêu thuần tơ

Đây là dòng cơ bản nhất, chỉ sử dụng tơ tằm các màu các cỡ mà tạo hình. Chính vì đơn giản như vậy nên độ tinh mỹ của tác phẩm hoàn toàn dựa vào kỹ thuật và kinh nghiệm của thợ thêu. Nổi trội nhất có lẽ là các xưởng thêu Hà Nội, với mũi thêu nhỏ như hạt mè nhưng đều tăm tắp đến kinh ngạc. Dưới sự du nhập của các phẩm màu Tây phương và Trung Hoa, điển hình là phẩm màu hồng, hòa sắc của các xưởng Hà Nội thường vui nhộn, đặc biệt một số tác phẩm sử dụng tông màu pastel vừa phảng phất hồn cốt truyền thống vừa phô bày một làn gió mới lạ.

4b4a5f0d-4fb0-41af-ba85-964f9d8d1efb-1.jpg
Khăn phủ tráp thêu “Long hí châu” (rồng vờn ngọc) lối Hà Nội bằng tơ màu, nhấn nhả sắc hồng và xanh da trời ngọt mắt. Hiện vật thuộc BST La Quốc Bảo.

Sau khi nhà Nguyễn cáo chung vào năm 1945, các làng thêu vẫn còn duy trì được một thời gian cho tới thời kỳ binh chiến khốc liệt, nhu cầu trang hoàng nhà cửa bằng vải vóc suy giảm nghiêm trọng. Nghề thêu thoi thóp trong một khoảng lặng hàng thập kỷ. Suốt những năm đó, các nghệ nhân lão làng cũng lần lượt viễn du tiên cảnh, cưỡi hạc về trời, những con long phụng, lân quy tinh nhã vui vờn trên những tấm lụa thuở nào cũng lần lượt “tề phi” rời khỏi nhân gian. Các thức thêu về sau cũng khó mà nắm được cái hồn cốt hoàng triều vàng son, có lẽ, con rồng giờ đây chỉ còn là những mảnh vụn ký ức chắp vá đan xen hình ảnh con rồng “ngoại” du nhập vào nước ta suốt mấy thập kỷ đằng đẵng.

Nguồn:

[1] manhhai/flickr; hoặc Gallica – BnF, [50 photos. de paysages et cérémonies officielles en Indochine en 1929–1930,…] – tạm dịch: 50 hình ảnh về thắng cảnh và nghi lễ ở Đông Dương những năm 1929–1930.

[2] manhhai/flickr.

[3] “Cận cảnh đạo sắc phong cổ, quý hiếm thời Lê ở Hà Tĩnh” (05.2018), báo An ninh Tiền tệ.

[4] An imperial apricot-ground embroidered silk twelve symbol ‘dragon’ robe, Guangxu period (1875–1908) – Christie’s, Important Chinese Art (11.2020).

[5] “Câu chuyện về chiếc long bào triều Nguyễn” (6.2021) – Bảo tàng Lịch sử TP. HCM.

[6] Đức Nicolas (IG: vietnameseartinparis), “Emperor’s formal dress. Nguyễn dynasty, late 19th – early 20th century” (12.2020).

[7] An unusual Vietnamese emperor’s court robe, longpao Nguyên Dynasty (1802–1945), early 20th century – Bonhams New York, The Martin Cohen Collection – Final Chapter (10.2020).

[8] Hà Thành Hiên và Hách Đình Đình, “Ảnh hưởng của Nho gia đối với Hoàng Việt luật lệ”, Phạm Ngọc Hường dịch – Tạp chí Hán Nôm, số 3(88) 2008, trang 3–17 (hannom.org.vn/26.1.2010).

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
1

Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước Kỳ 5: Dương Văn Minh - nhân vật được chọn trong thời điểm lịch sử đặc biệt

Lịch sử không có chữ “nếu”, nhưng trong thời khắc lịch sử tháng 4.1975 ấy, giả sử không phải ông Dương Văn Minh mà là một người khác nắm quyền, hoặc nếu ông Dương Văn Minh làm khác đi, chẳng hạn kêu gọi tử thủ như Trần Văn Hương thì điều gì sẽ xảy ra?
2

TP.HCM tổ chức trình diễn nghệ thuật 3D mapping dịp lễ 30.4

Chiều 17.4, ông Nguyễn Tấn Kiệt, Trưởng phòng Nghệ thuật, Sở VH-TT TP.HCM đã thông tin về chuỗi các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
3

Kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước Kỳ 3: Nội các Dương Văn Minh và tuyên bố đầu hàng

Việc đầu tiên đại tướng Dương Văn Minh làm trên cương vị tổng thống là ông đã giao cho Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền thông báo với phía Mỹ về việc “không phản đối việc Mỹ phải ra đi trong 24 giờ”.
4

TP.HCM: Bắt đầu chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước

Tối 19.4.2025, TP.HCM bắt đầu chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước bằng chương trình trình diễn ánh sáng 3D trước trụ sở UBND thành phố, thu hút đông đảo người dân.
5

Kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước Kỳ 2: Chính quyền Sài Gòn thay người vác cờ trắng đầu hàng

Đầu tháng 4.1975, sau khi mất Tây Nguyên và Phước Long, chế độ Sài Gòn đứng trước sự suy yếu về mọi mặt và khả năng sụp đổ hoàn toàn. Lúc này, ông Dương Văn Minh và nhóm ủng hộ ông “chính thức công bố ý định thay thế Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu”.

Tát đìa bắt cá đồng ăn Tết ở miền Tây

Vào mùa khô khi những cánh đồng cạn nước, đó cũng là lúc các loại cá đồng tìm đường xuống đìa (ao) để sinh sống. Khi đó, nông dân ở miền Tây bắt đầu dùng máy bơm tát cạn nước trong đìa để bắt cá.

Ngào ngạt hương bưởi mùa xuân

Bao giờ cũng vậy, cứ vào dịp đầu năm mới là mưa phùn lất phất rơi. Đó cũng là lúc các vườn bưởi ven thành phố ở quê tôi lại nở hoa, tỏa hương thơm ngào ngạt.

Cặp vợ chồng Việt mang áo dài đi 'check-in' khắp thế giới

Từ bao đời nay, chiếc áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam. Chính vì vậy, vào các dịp trang trọng, lễ tết hoặc khi đi du lịch nước ngoài, nhiều người đã chọn áo dài để thấy “tâm hồn quê hương”, tâm hồn người Việt ở đó.

Được về quê ăn tết cùng với bố mẹ là vui sướng nhất

Bao năm nay, trong cuộc mưu sinh còn nhiều khó khăn, phải sống xa cha mẹ, nhưng vợ chồng tôi đều thu xếp đưa con về đón xuân vui Tết. Được ăn tết cùng ông bà, bố mẹ, anh chị, các cháu, đó là niềm vui khôn tả.

Mãn nhãn với màn trình diễn drone trong đêm giao thừa ở Hà Nội

Hàng nghìn chiếc drone cùng những chùm pháo hoa rực rỡ đã mang lại bầu không khí phấn khích cho người dân Hà Nội trong đêm giao thừa.

Những điều thú vị về Tết tây và Tết ta

Tết dương lịch (Tết tây) và Tết âm lịch (Tết ta) đã tồn tại hàng nghìn năm cùng nhân loại. Đằng sau sự hình thành và tồn tại của những cái tết này là biết bao biến cố thăng trầm thú vị.

Văn hóa ngày Tết của người Việt

Tết cổ truyền có ý nghĩa rất lớn đối với người Việt. Đây là dịp lễ quan trọng nhất, thể hiện sự tri ân với tổ tiên, gửi gắm những mong muốn cả vào quá khứ, hiện tại và tương lai.

TP.HCM có 11 điểm bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2024

TP.HCM sẽ bắn pháo hoa tại 11 điểm trong đêm giao thừa để phục vụ người dân vui xuân đón Tết, thời gian bắn pháo hoa kéo dài 15 phút từ thời điểm giao thừa.

Tối nay 28.4, tổng duyệt trình diễn 10.500 drone trên sông Sài Gòn

Thư giãn - Thủy Long - 28/04/2025 14:00
Sáng 28.4, bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký văn bản thay đổi lịch trình diễn thiết bị không người lái (drone) trong chương trình lễ hội "Sắc màu thành phố Bác".

'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối’ ra phiên bản đặc biệt dịp lễ 30.4

Điện ảnh - Tiểu Vũ - 28/04/2025 13:00
Trong dòng chảy của tháng 4 lịch sử, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhà đầu tư cùng ê kíp phim cho ra mắt phiên bản đặc biệt của phim điện ảnh "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối".

Nghịch lý: Tại sao bạn bè ngày nhỏ rất thân, lớn lên lại tỏ ra không quen biết?

Suy ngẫm - Đông - 28/04/2025 12:00
Tình bạn cũng giống như một cái cây. Nếu không được chăm sóc, tưới nước thường xuyên, nó sẽ dần khô héo.

Dropbox thêm tính năng trí tuệ nhân tạo

Kỹ năng - T.Thủy - 28/04/2025 11:00
Dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến Dropbox vừa bổ sung thêm tính năng trí tuệ nhân tạo, cho phép người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm dữ liệu đang được lưu trữ, kể cả các file media như hình ảnh, video…

Xem "Sex Education", tôi giật mình: Lời nói vu vơ đôi khi là con dao 2 lưỡi khiến trẻ tổn thương sâu sắc

Điện ảnh - Ứng Hà Chi - 28/04/2025 10:00
Sau khi xem bộ phim, tôi càng hiểu hơn về tầm quan trọng của lời nói trong việc nuôi dạy con cái trưởng thành.

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành

Phong cách sống - Trần Hà - 28/04/2025 09:00
Nhưng thế hệ nào cũng có âu lo đấy thôi!

Chân trần chí thép – Cuộc chiến trong lòng đất kỳ 1: Địa đạo, cuộc đọ sức dưới lòng đất

Từ sách - Phim - Quang Thanh - 28/04/2025 08:00
Sự hình thành hệ thống địa đạo Củ Chi là một bằng chứng về lòng kiên trì, quyết tâm và kỹ năng của du kích Củ Chi trong suốt ba mươi năm. Trong cuộc đọ sức về ý chí dưới lòng đất, du kích địa đạo là những tường thành vững chãi, không bao giờ bị đánh bật.

TP.HCM: Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc lần 4-2025, khánh thành Đường sách Bình Tân

Giải trí - Tiểu Vũ - 27/04/2025 13:00
Lễ khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ 4-2025 đã chính thức diễn ra tại Đường sách Bình Tân, TP.HCM.

Người dùng có thể thay thế trợ lý ảo Siri trên mọi iPhone bằng ứng dụng mới

Kỹ năng - Nam Đoàn - 27/04/2025 12:00
Ứng dụng Perplexity trên nền tảng iOS vừa nhận được bản cập nhật quan trọng, bổ sung tính năng trợ lý giọng nói sử dụng công nghệ AI đàm thoại tiên tiến.

Huyền Minh Nhị Lão không dám kể về sư phụ của mình, do âm mưu độc ác nhắm vào Quách Tĩnh - Hoàng Dung

Thư giãn - Nguyệt Phạm - 27/04/2025 11:00
Vậy tại sao Huyền Minh Nhị Lão lại luôn giữ kín về sư phụ của mình?

Câu thoại của phim Sex Education: Cứ ngỡ xem để giải trí mà lại thu về cả tá bài học dạy con!

Điện ảnh - Thanh Hương - 27/04/2025 10:00
Tôi đã rút ra thêm một bài học dạy con quý báu từ bộ phim này.

"Chú lính chì" ở Quảng Nam bị thú hoang cắn 1 chân: Phép màu sau 19 năm khiến ai nấy rơi nước mắt tự hào

Truyền cảm hứng - Hiểu Đan - 27/04/2025 09:00
Cậu bé năm xưa nay đã trưởng thành và đạt được thành tích đáng ngưỡng mộ.

Chân trần chí thép – Cuốn sách tuổi 20 nên đọc để hiểu giá trị của tự do và lòng biết ơn

Từ sách - Phim - Quìn - 27/04/2025 08:00
Chân trần chí thép là một quyển sách không chỉ kể chuyện chiến tranh, mà còn gợi mở một bài học lớn về lòng dũng cảm và lý tưởng của cả một thế hệ.

TP.HCM: Tổng duyệt diễu binh, cấm xe nhiều tuyến đường từ 3 giờ sáng 27-4

Kỹ năng - CHÍ THẠCH - 26/04/2025 14:00
TP.HCM sẽ cấm lưu thông nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm từ 3 giờ đến 12 giờ trưa ngày 27-4 nhằm tổng duyệt cấp Nhà nước chương trình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975.

8 ứng dụng của Apple không cài đặt sẵn trên iPhone

Kỹ năng - Cẩm Bình - 26/04/2025 13:00
iPhone luôn đi kèm loạt ứng dụng do chính Apple phát triển như Weather, Health, Files, Notes. Tuy nhiên còn vô số ứng dụng hữu ích khác của hãng không cài đặt sẵn.
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 29/04/2025