Nguyễn Thị Hải Yến, 25 tuổi, sau khi tốt nghiệp khoa Công tác Xã hội, trường ĐH Lao động - Xã Hội (Hà Nội), đã quyết định bỏ phố thị về quê hương Bắc Giang thực hiện giấc mơ năm 17 tuổi của bản thân.
"Mình đam mê làm đồ handmade (thủ công). Đam mê ấy lớn dần mỗi ngày, theo mình cả những năm tháng đại học...", Yến nói.
Nguyễn Thị Hải Yến, cô gái trẻ khởi nghiệp từ quần jean
17 tuổi, cô mơ về một tiệm may nhỏ, nơi thoả sức sáng tạo với những mảnh vải, kim chỉ và máy khâu. Chưa vội kiếm tìm một công việc sau ĐH, con đường khi đó vẫn còn rối bời và chưa rõ ràng. Cô về quê, bố mẹ thực sự không hiểu con gái sẽ làm gì và những điều đó có ý nghĩa như thế nào?
Một "xưởng may", mọi người có đủ thứ hình dung về nó. Một không gian thật lớn, toàn máy móc và bụi vải. Nơi những cô công nhân sẽ vùi đầu vào công việc đến khi mệt nhoài mà không kịp thở. Nhưng không, xưởng may của Yến là một nơi hoàn toàn khác.
Đất đai ở quê rộng hơn thành phố, mảnh vườn bố mẹ trồng bạch đàn nay được dọn gọn một góc để Yến xây một ngôi nhà nhỏ. Cô nghĩ, sau này sẽ có một căn nhà giữa một rừng cây xanh, bình yên và mát mẻ.
Ngôi nhà cấp 4 được xây lên dưới sự giúp sức của rất nhiều người. Đó là những ngày nắng nhất của mùa hè, lần đầu Yến biết đến giọt mồ hôi cay xè khoé mắt, đôi bàn tay đầy rẫy những vết chai, là những buổi sáng bật dậy thật sớm để làm việc cho bớt nắng.
"Để tiết kiệm chi phí tối đa, chúng mình tự sơn nhà, tự làm đường đi, cũng như làm vườn và các món đồ trang trí", Yến cho hay. Những món nội thất hay đồ decor đều được làm từ vật liệu tái chế, bàn tiếp khách làm từ lốp xe ô tô cũ, ghế ngồi từ pallet, đệm ngồi cũng được may từ quần jean cũ.
Và rồi giấc mơ dần dần được định hình và hoàn thiện. Đây không chỉ đơn thuần là một ngôi nhà mà đó còn là tất cả tâm huyết của cô gái trẻ. Từng góc nhà, từng cây hoa trong vườn đều được Yến chăm sóc tỉ mỉ.
Căn nhà cấp 4 xinh xinh, nơi Yến gọi là "xưởng may" của mình
Từ ngoài vào trong, căn nhà rất xinh xắn, Yến chăm chút cho từng góc nhà để giúp tăng tính sáng tạo trong công việc
Là một người tay ngang, những ngày đầu khi làm quen với máy may, Yến gặp khá nhiều khó khăn. Tất cả mọi thứ, cô đều phải tự mò mẫm, từ những việc căn bản nhất như làm quen với máy may, cách cắt vải, phân biệt vải. "Nhưng đó không phải là trở ngại mà ngược lại là thử thách, giúp mình thích thú khám phá, chinh phục chúng. Dần dần mình đã có thể tự may túi theo ý tưởng của bản thân", Yến nói.
Ban đầu, tiệm chỉ bán túi xách, balo, ví vải từ vải chuyên dụng PVC. Bản thân mỗi chiếc túi đã chứa đựng sự sáng tạo và độc đáo, tuy nhiên khi cắt may từ vải mới, chúng vẫn có sự giống nhau nhất định và chưa đủ thoả mãn tính thích sáng tạo của Yến. Cô trăn trở con đường đi đúng đắn nhất cho tiệm, làm sao vừa có những sản phẩm cá tính độc đáo, vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Sau 2 năm tìm kiếm đường đi riêng, năm 2019, Yến tình cờ phát hiện nguồn nguyên liệu rất gần gũi và cực kỳ sáng tạo - đó là những chiếc quần jean cũ của chính cô. Đây là loại chất liệu khi lên túi trông rất cá tính và độc đáo, ngoài ra chúng khá bền, thích hợp để may túi xách hay balo.
"Mình đã giải cứu thêm nhiều quần jean nữa và nhận thấy công việc mỗi ngày mình đang làm không chỉ thoả mãn đam mê của bản thân, mà còn có ích với cộng đồng trong việc giảm thiểu rác thải thời trang, lan toả thông điệp sống xanh và truyền cảm hứng cho nhiều người yêu thích việc tái chế hơn. Từ những lý do đó, mình đã quyết định phát triển thương hiệu đồ túi xách tái chế từ đồ jean".
May túi xách từ quần jean cũ tuy không tốn nhiều chi phí nguyên liệu nhưng lại mất rất nhiều tâm huyết và công sức. Công đoạn khó khăn nhất, dành nhiều thời gian nhất nhưng cũng thú vị nhất, chính là cắt ghép tạo hình túi. Làm thế nào để từ một chiếc quần đã sờn cũ phai màu trở thành một chiếc túi xách, balo bền mà đẹp, nhìn như mới là một bài toán khó khăn đối với Yến. "Đó cũng là điều thú vị mà mình luôn muốn chinh phục nó mỗi ngày".
Yến nhớ như in câu nói của một người chị gửi kèm những chiếc quần cũ sờn và nhờ cô biến chúng thành túi xách, "Chị thật bất ngờ khi nhìn thấy chiếc túi này, bản thân chiếc quần đã làm rất tốt sứ mệnh của nó rồi, vậy mà giờ em có thể biến chúng thành túi xách đẹp thế này, thật là tuyệt vời". Những câu nói ấy là động lực để cô gái trẻ cố gắng mỗi ngày.
Chiếc máy may ban đầu còn bỡ ngỡ, nay đã trở thành "tri kỉ" với Yến
"Gia tài" đồ sộ những thành phẩm của Yến, từ túi xách, balo, mũ, ví, dép,...
Tiệm hiện nay có 3 nhân viên, mỗi người một nhiệm vụ riêng nhất định để đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất. Tiệm thu gom đồ jean cũ từ những bạn yêu môi trường gửi về từ khắp cả nước. Những sự kiện đổi đồ cũng gửi tặng Yến nguồn jean phong phú để cô sáng tạo. Tất cả đồ cũ cô đều giặt kĩ, phơi khô trước khi may lên thành phẩm. "Mỗi ngày mới của mình bắt đầu là những chiếc quần cũ mà mọi người bỏ đi, cuối ngày sẽ có vài món hữu ích được ra đời", Yến nói.
Độ tuổi khách hàng tiệm hướng đến trong khoảng 18-35, đa số là các bạn yêu thích sự độc đáo của handmade và những người theo đuổi lối sống xanh. Ngoài bán sản phẩm, Yến tổ chức thêm những workshop, làm clip hướng dẫn để lan toả đến nhiều người về việc tái chế. Điều này góp phần thay đổi nhận thức của mọi người về giá trị của những món đồ cũ.
"Mình luôn làm việc với tinh thần chia sẻ học hỏi và cầu thị, vậy nên mình không ngại ngần chia sẻ bí quyết. Nghề chỉ mất khi mình giữ bo bo và không chịu học hỏi từ người khác".
Những sản phẩm tái chế không chỉ đảm bảo tính hữu dụng mà còn đẹp mắt, thẩm mỹ cao
Đối với phong trào tái chế vải jean ở Việt Nam, Yến là người đầu tiên làm việc một cách bài bản và nghiêm túc. Sau một thời gian, nhiều người cũng đã bắt tay tái chế jean và xem đó là nghề chính. "Điều tích cực nhất mà mình đã mang lại, chính là khơi nguồn cảm hứng cho mọi người, từ đó rất nhiều quần jean được giải cứu. Đó cũng chính là động lực để sản phẩm của chúng mình ngày càng chỉn chu và sáng tạo hơn, mang đậm dấu ấn và phong cách cá nhân".
Yến quan niệm, đồ cũ tuy đã hết giá trị sử dụng ở hiện tại, nhưng chỉ cần biết cách tái chế thì chúng vẫn có giá trị theo cách khác. Đến nay, công việc của cô đã ổn định hơn và mang lại thu nhập cho bản thân, lợi ích cho cộng đồng. Nhiều người thay vì vứt quần áo jean cũ, đã đến tìm Yến mong chúng có "cuộc đời mới".
"Đó là chút thành quả sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng của bản thân, cũng là niềm tự hào của mình và gia đình. Mình rất vui vì đã lan toả tinh thần tái chế mà mình mong muốn tới mọi người".
"Mỗi ngày mới của mình bắt đầu là những chiếc quần cũ mà mọi người bỏ đi, cuối ngày sẽ có vài món hữu ích được ra đời", Yến nói
Trong tương lai, Yến mong muốn tiệm may nhỏ sẽ được nhiều người biết đến hơn, để biến giấc mơ năm 17 tuổi thành thương hiệu tái chế quần jean đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. "Mình đã trải qua 2 năm tôi luyện và trưởng thành trước khi bắt đầu khởi nghiệp. Tuy ở quê có nhiều hạn chế nhưng tự do và thoải mái, sống chậm rãi hơn so với thủ đô, vậy nên rất hợp để mình sáng tạo".
Thời đại 4.0 đã giúp khoảng cách không còn là trở ngại. Dù bạn ở bất cứ đâu, bạn vẫn có thể kết nối tới rất nhiều người cùng chung đam mê. Yến đã biến những chiếc quần jean cũ thành những món đồ mới, bạn cũng có thể thoải mái tái chế rác thải theo cách của riêng mình!
Pháp luật & Bạn đọc