Người đàn ông lý tưởng là người nói chuyện có chừng mực mà vẫn làm ấm lòng người nghe. Đàn ông hạng A nói chuyện bằng cả con tim và khối óc. Đàn ông hạng B chỉ suy nghĩ bằng đầu, chứ không biết cảm nhận bằng trái tim. Đàn ông hạng bét ăn không nên đọi, nói không nên lời.
Không nói lời hà khắc với vợ
Đêm khuya, một người phụ nữ lái xe đâm vào dải phân cách bên đường. Vụ tai nạn khiến chiếc xe con hư hỏng nặng. Người vợ cầm lái bị thương nhẹ, còn người chồng và đứa con nhỏ vẫn bình an vô sự. Ngỡ tưởng anh chồng sẽ quay sang trách móc vợ mình. Nhưng anh lại thở phào, bảo rằng đúng là trong cái rủi có cái may, của đi thay người. Câu nói hóm hỉnh của anh chồng đã biến điều đen đủi trở thành một ký ức khó quên.
Đây đúng là một người chồng rất tâm lý. Trách móc chỉ làm mọi chuyện tồi tệ hơn. Thay vì cứ chăm chăm đay nghiến lỗi lầm của nhau, tại sao ta không chọn cách bao dung cho đối phương. Vì cô ấy là vợ của mình chứ đâu phải ai khác.
Người chồng tâm lý giống như một điểm tựa vững chắc giúp gia đình vượt qua mọi bão giông. Đôi khi, hạnh phúc của một người vợ lại đến từ những lời nói ân cần và ấm áp của người chồng.
"Nấu cơm còn không xong, liệu cô có phải là phụ nữ không vậy?"
"Tôi vô phúc nên mới lấy cô làm vợ!"
Đời sống vợ chồng khó tránh những lúc cơm không lành canh không ngọt. Trên đời, nào có chuyện ai hợp ai hoàn toàn đâu. Những lời mà người đàn ông nói ra vào những lúc không kiềm chế được cảm xúc cũng đã phơi bày toàn bộ nhân cách của anh ta.
Napoleon nói: "Người biết làm chủ cảm xúc của mình còn vĩ đại hơn một vị tướng vừa công phá được một thành trì." Khi người đàn ông trưởng thành tức giận, họ sẽ luôn cẩn trọng với từng lời nói của mình, bởi họ hiểu không thể vì một phút trút giận cho hả hê mà làm tổn thương vợ mình.
Hôn nhân giống như một chiếc bình gốm dễ vỡ. Mỗi câu nói làm tổn thương đối phương là một lần rạn nứt trong hôn nhân. Để đến khi chiếc bình ấy vỡ tan rồi, hạnh phúc của gia đình cũng sẽ vĩnh viễn biến mất.
Không nói lời cay nghiệt với con
Tình yêu cha con thường sâu lắng mà nghiêm khắc. Sự lạnh lùng của người cha thường khiến khoảng cách giữa cha và con xa càng thêm xa.
Nhà văn Chu Tự Thanh cũng có một người cha hà khắc. Khi ông làm tốt, cha ông chỉ lẳng lặng gật đầu. Khi làm không tốt, cha ông lại trách mắng thậm tệ, thậm chí còn đốt hết những gì ông viết. Những lời chửi mắng của cha cứ từ từ bóp nghẹt tâm hồn của một đứa trẻ. Cả một thời thơ ấu ông cứ loay hoay với việc làm thế nào để cha hài lòng.
Đáng buồn thay Chu Tự Thanh của sau này cũng đi vào vết xe đổ của cha ngày xưa. Ông cũng hà khắc lạnh lùng với con cái. Phải rất lâu sau, ông mới nhận ra mình đã cay nghiệt với các con thế nào. Ông không còn nhớ nổi những trận đòn roi hay những lời chì chiết mà con đã phải chịu đựng trong suốt những năm qua. Lòng ông giống như đang xát muối vào vết thương lòng cũ vẫn chưa lành. Thật chua xót biết bao!
Lưỡi mềm tuy không xương, nhưng đủ để khiến người ta đau thấu xương. Làm cha nên là ngọn núi cao để che chở cho con chứ đừng là một khối đá nặng nghiền nát tuổi thơ con. Đàn áp, tức giận, dọa nạt và ra lệnh không phải là những việc một người cha nên làm. Nó sẽ là bóng ma tâm lý cho con trẻ, để lại hậu họa khôn lường. Một người cha thương con là người cha luôn biết bao dung, nhẫn nại và tôn trọng con.
Không chê cha mẹ phiền phức
Không biết từ lúc nào, việc chăm sóc cha mẹ già lại trở nên phiền phức đến vậy. Lòng thì rất yêu đấy nhưng mồm chỉ toàn nói lời những lời khó nghe.
Một bà lão 85 tuổi đi rút tiền ở ngân hàng. Bà không may bị ngã để rồi bị thương. Người con trai nói: "Mẹ đừng đi lại lung tung nữa. Nhỡ ngã ra đấy thì ai chịu."
Bà đáp: "Mẹ không sao!"
Người con trai phát cáu lên: "Lúc nào cũng không sao, thế nhỡ mẹ lại ngã thêm lần nữa thì sao?"
Bà lão cũng tức giận: "Thế thì tôi vẫn cứ đi đấy."
Khẩu xà tâm phật vốn chẳng hay ho gì. Tình yêu cần phải được thể hiện bằng lời nói. Nếu không nó sẽ là liều thuốc độc làm tổn thương tâm hồn của đối phương.
Phải chăng bạn cũng đã từng nói những câu này với bố mẹ:
"Nói mẹ bao nhiêu lần rồi mà vẫn quên?"
"Nói mẹ ăn thêm vào, không đến lúc ốm thì lại kêu!"
"Con lớn bằng từng này rồi mà mẹ còn phải bảo à?"
Khi còn nhỏ, bạn không hề biết cha mẹ đã vất vả thế nào để dạy bạn học nói. Cha mẹ sẵn sàng nhắc lại một từ hàng trăm lần cho đến khi bạn nói được mới thôi. Khi lớn lên, chúng ta lại không bao giờ kiên nhẫn với cha mẹ như họ đã từng. Chúng ta chỉ biết dùng chính những từ đã học được để làm tổn thương cha mẹ.
Nhà văn người Pháp Maupassant từng nói: "Tình yêu dành cho cha mẹ là tình cảm tự nhiên giống như việc ta phải thở để sống vậy. Chỉ đến khi cha mẹ mất đi, chúng ta mới biết mình đã yêu họ đến nhường nào?"
Người đàn ông trưởng thành luôn lấy chữ hiếu làm đầu. Họ đau lòng khi nhìn thấy cha mẹ đang già đi mỗi ngày. Họ càng không nỡ làm đấng sinh thành phải buồn lòng. Vợ và con cái cũng sẽ theo đó mà hiếu kính với cha mẹ già. Cha mẹ vốn không cần mâm cao cỗ đầy. Cha mẹ chỉ cần con cái hãy bao dung và nhẫn nại, đừng chê cha mẹ phiền.
Đạo đức giả là kẻ không biết thương xót kính trọng người thân mà lại cung phụng, khúm núm người ngoài. Điều ngu ngốc nhất mà một người từng làm là đối xử tốt với người ngoài nhưng lại làm tổn thương những người thân yêu.
Thời gian bên nhau tưởng là nhiều nhưng còn có bao nhiêu. Nào ai đếm được năm tháng đã mang đi bao nhiêu duyên phận. Ai mà chẳng nghĩ mình vẫn còn cơ hội bù đắp cho những người mà ta đã từng làm tổn thương bằng lời nói. Nhưng ngờ đâu thế sự vô thường, tương lai đâu phải ngày rộng tháng dài.
Một người đàn ông đích thực hãy học cách nói chuyện bằng cả khối óc và trái tim của mình.
Theo Trí Thức Trẻ