Trong căn trọ nhỏ ở TP Thủ Đức, Ngọc Nhứt ngồi xổm, cúi người xuống rồi dùng đôi tay đã bị cưa đến cùi chỏ của mình rửa chén. Một tay Nhứt tì giữ chén, tay kia xoay miếng mút bên trong để rửa. Rồi cũng đôi tay ấy, chàng trai bật vòi nước, tráng chén, úp lên kệ. Những đoạn video quay lại cảnh sinh hoạt hằng ngày của Nhứt thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội.
"Thay vì nói 'tôi không thể làm' và phó mặc bản thân trở nên vô dụng. Tại sao bạn không nói "tôi làm được" để cho bản thân một cơ hội, một lý do để sống tốt hơn", chàng trai 23 tuổi, sinh viên năm 3 trường Đại học Hutech chia sẻ.
Một lần bất cẩn…
Ngọc Nhứt là con thứ 3 trong gia đình có 4 chị em ở huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ. Năm 2014, kết thúc học kỳ 1 với học lực yếu, Nhứt nản chí nên bỏ học. Hơn hết, chàng trai nôn nóng đi làm để kiếm tiền phụ cha mẹ.
Vốn quen phụ cha làm nghề hàn cửa sắt từ nhỏ, Nhứt dễ dàng có được công việc làm thuê ngay sau đó. Ước mơ của anh là về gầy dựng lại xưởng của người cha vừa phải đóng cửa vì làm ăn không hiệu quả. Làm thuê được hơn nửa năm, anh thực hiện được ước mơ. Cửa tiệm lớn được thay bảng hiệu bằng cái tên Ngọc Nhứt, chàng trai thay cha thi công nhiều công trình lớn.
Một sáng mưa tháng 9/2014, một người thợ của gia đình chạy về nhờ anh hỗ trợ một công trình gần nhà. Đến nơi, Nhứt trèo lên mái nhà thoăn thoắt, nhận thanh sắt dài của người thợ đứng từ dưới đưa lên. Thanh sắt vừa lên đến nơi thì vướng vào đường dây điện. Nhớ lại khoảnh khắc luồng điện chạy qua người, chàng trai vẫn chưa quên cảm giác toàn thân tê cứng.
Rồi anh ngã xuống đất, vẫn tỉnh táo nhờ người chạy đi gọi cha nhưng không thể nhúc nhích. Sau gần một tháng điều trị ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ nói với anh: "Cánh tay trái không thể giữ vì phần thịt đã hoại tử, phải cắt bỏ". "Có cách nào khác không bác sĩ?", Nhứt gượng hỏi bằng giọng bất lực. Vị bác sĩ chỉ lắc đầu rồi rời đi, để lại anh với giọt nước mắt chảy dài xuống gối.
Cũng khi đó, mọi niềm hy vọng của Nhứt và gia đình đều đổ dồn vào cánh tay phải còn lại. Tự trấn an bản thân, anh bắt đầu nghĩ đến cuộc sống một tay sau này. Thử tưởng tượng mình sẽ sinh hoạt, lái xe hay quay trở lại làm nghề cửa sắt bằng cách nào. Nhưng tình hình không khá hơn nên gia đình buộc chuyển con lên Sài Gòn điều trị. Đến nơi, phần thịt hoại tử đã lan sâu vào tận xương nên cánh tay phải cũng không thể giữ lại.
"Mình sẽ sống tiếp như thế nào? Liệu mình có trở thành gánh nặng của cha mẹ?..." hàng trăm câu hỏi được đặt ra nhưng anh không thể tìm câu trả lời. Duy chỉ một điều mà anh biết chắc chắn, đó là bản thân không bao giờ dám kết thúc cuộc đời.
"Em có một người anh mất từ năm 3 tuổi vì đuối nước. Em thấy được sự đau khổ của mẹ. Nếu mất thêm em, chắc mẹ cũng không sống nổi", Nhứt phân trần.
Bà Võ Thị Vân, 55 tuổi, mẹ Ngọc Nhứt khi ấy dù rất suy sụp nhưng chỉ dám khóc ngoài hành lang bệnh viện. Ngược lại, cậu con trai luôn động viên mọi người trong gia đình phải phấn chấn lên dù mọi người biết rõ, tương lai của Nhựt là một mảng tối.
Sau khi xuất viện, Nhứt phải mất thêm nhiều tháng để chờ vết thương lành hẳn. Hầu hết mọi sinh hoạt cá nhân của anh lúc này đều phải nhờ đến người thân hỗ trợ.
"Em bỏ học đi làm sớm là mong phụ giúp cha mẹ nhiều hơn, chẳng nhẽ giờ lại chịu cảnh phụ thuộc, ba mẹ đâu có thể lo cho mình cả đời?", chàng trai trăn trở.
Một hôm đói bụng nhưng nhà không có ai đút cơm. Thấy tô cơm trên bàn, Nhứt úp mặt, cố gắng cạp được ít cơm nguội dưới đáy chiếc tô. Thấy mình ăn chẳng khác nào một "con cún", bữa cơm tiếp theo, anh dùng đôi tay đã bị cắt đến cùi chỏ đè đầu muỗng, cúi đầu đưa thức ăn vào miệng.
"Tôi sợ con không làm được nên hay đề nghị để mẹ làm giúp nhưng con nhất quyết không chịu. Đôi khi nhìn lén con học cách đánh răng, lau mặt là tôi khóc. Muốn ôm con để an ủi nhưng không dám, sợ mình sẽ khóc con lại càng buồn", bà Vân trải lòng.
Nhưng khi đã có thể tự xoay sở mọi việc, anh lại để bản thân chìm trong cô đơn. Chàng trai ít khi ra khỏi nhà bởi còn tự ti về đôi tay khiếm khuyết.
"Cụt yêu đời!"
Gần 2 năm sau vụ tai nạn, trong một lần theo bạn đến chơi nhạc cho một đám cưới, Nhứt quen biết với nhiều giáo viên dạy nhạc trẻ trong huyện. Họ khuyên anh nên đi học lại, sau này có thể kiếm được cái nghề đầu óc bởi lao động chân tay với Nhứt là điều hoàn toàn không thể.
Lo sợ không thể cầm bút được, chàng trai vẫn đắn đo.
Một hôm, cha anh cần bán chiếc xe máy, nhưng mẹ thì không biết chữ, những thành viên còn lại trong gia đình chưa ai học hết lớp 9, không viết được đơn nên Nhứt đánh liều. Kẹp cây bút vào tờ giấy, chàng trai viết những dòng nguệch ngoạc nhưng đủ để người đọc hiểu.
"Nếu không thử, chắc mình sẽ không biết được mình vẫn viết chữ được", chàng trai nói.
Đó là động lực để anh đăng ký học bổ túc lớp 9 trong vòng 6 tháng. Sau đó, anh học tiếp cấp 3 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Tự ý thức được việc mình là học sinh yếu trước đó, anh chủ động học thêm trên mạng để lấy lại kiến thức cơ bản.
Cô Phạm Ngọc Trân, 36 tuổi, giáo viên dạy Văn ba năm liền của Nhứt cho biết ban đầu sợ cậu học trò khiếm khuyết không thể chép kịp bài giảng. Tuy nhiên, cô Trân bất ngờ vì không những theo kịp bài mà Nhứt còn viết chữ sạch đẹp.
"Nhiều người nghĩ học bổ túc chỉ cưỡi ngựa xem hoa để lấy tấm bằng nhưng tôi thấy em ấy nỗ lực thật, học đều các môn và đạt học sinh giỏi trong ba năm liền. Cuối năm lớp 12, Ngọc Nhứt còn ôn bài cùng các bạn để lấy lại kiến thức", cô Trân chia sẻ.
Trước ngưỡng cửa đại học, Nhứt một mực đòi cha mẹ cho anh được học ở Sài Gòn để tự lập vì "cha mẹ không thể theo mình suốt đời". Dù biết con có thể xoay sở được, nhưng khi thấy con qua màn hình điện thoại ở trong căn trọ xập xệ, bà Vân không kìm được nước mắt.
Trái với những điều gia đình lo lắng, ở Sài Gòn anh chứng minh cho cả nhà thấy mình vẫn sống tốt với việc vẫn tự lái xe máy đi học mỗi ngày nhờ sự hỗ trợ của tay giả. Mới đây, bà Vân lần đầu lên Sài Gòn thăm con. Người mẹ ngày thường vẫn thấy nơi ở của con trai qua điện thoại nhưng không ngờ phòng trọ sạch sẽ và ngăn nắp. Bất ngờ nhất là thi thoảng con vẫn tự nấu cơm ăn, tự giặt đồ mà không cần phải mang ra tiệm.
Ở trường Nhứt cũng là sinh viên đạt thành tích xuất sắc. Mới đây, chàng trai còn đạt giải nhì trong cuộc thi sinh viên nói tiếng Hàn do Viện Công nghệ Việt Hàn tổ chức tại trường Hutech.
"Con đã nên người rồi", người mẹ nghẹn ngào, nói.
Thấy bản thân mất gần 2 năm để học cách xoay sở trong sinh hoạt cá nhân và vượt qua mặc cảm là khoảng thời gian quá dài, anh quay video ngắn chia sẻ kinh nghiệm đến những người đồng cảnh. Trên mạng xã hội, anh có biệt danh là "Cụt yêu đời". Từ cách đánh răng, rửa chén hay làm sao để mua nước trong máy tự động ở trường cũng được anh hướng dẫn.
Anh Nguyễn Văn Vui, 32 tuổi quê Đắk Lắk bị điện giật, bỏng nặng, cũng bị cưa hai cánh tay nên mấy tháng nay rất suy sụp. Tình cờ thấy những video của "Cụt" trên mạng xã hội, anh Vui chủ động nhắn tin hỏi chuyện nên giờ đã tự xoay sở được sinh hoạt cá nhân, không cần người thân hỗ trợ.
"Bằng những lời động viên, tinh thần lạc quan, tự tin, em ấy khiến tôi bớt nghĩ đến những điều tiêu cực, bi quan", anh Vui chia sẻ.
Tối muộn, chàng sinh viên ghé quán hủ tiếu trên đường ăn vội. Có ông lão dáng khắc khổ đi bán vé số đứng nhìn anh một hồi lâu rồi tiến lại gần tặng anh một tờ. Ở Sài Gòn, chàng trai nhiều lần nhận được những yêu thương và sự đồng cảm từ người lạ như thế.
"Trời lấy đi của em đôi tay nhưng cũng mở ra cho em nhiều con đường khác. Em cảm thấy vì mình vẫn còn sống sau cú ngã đó, may mắn là vẫn được đi học, được lên Sài Gòn để thấy cuộc đời vẫn ưu ái em nhiều lắm", chàng trai tâm sự.
Theo Dân Trí