1. Mỗi năm tôi thường về thăm quê không dưới 3 lần. Thời buổi giao thông phát triển, muốn về cũng dễ, chỉ cần để dành ít tiền, lên mạng mua vé máy bay, đến ngày ra sân bay, 2 tiếng sau thì đã nằm trên võng đong đưa ở góc sân vườn nhà. Nhưng được về với quê vào dịp Tết là điều vô cùng khác biệt. Cứ vào khoảng giữa tháng chạp câu chuyện về quê ăn Tết lúc hiện diện trong đầu nôn nao mong đến ngày được về với gia đình bạn bè, người thân.
Còn hơn 10 ngày nữa về quê ăn Tết với gia đình, buổi tối đi bộ ra đầu hẻm, ghé xe hủ tiếu chú Chín - một người miền Trung vào đây kiếm sống chừng hơn năm năm nay. Tôi gọi tô hủ tiếu rồi ngồi hỏi chuyện.
- Hăm mấy chú về quê Tết?
- 24 mới về quê con, mà vé xe năm ni mắc, tăng gấp 2 lần năm ngoái, chấp nhận thôi, Tết nhứt cũng phải lo nhang khói bàn thờ mồ mả ông bà chứ con.
Nghe chú Chín nói, cô Hai bán cơm gà Tam Kỳ bên cạnh nói với qua: “Cô thèm về quê ăn Tết lắm, nhưng Tết nhứt trong ni người ta mua gà cúng nhiều, lượng bán ra gấp ba lần ngày thường nên cô ở lại bán kiếm thêm ít đồng ra giêng mới về”. Nghe giọng nói nửa vui nửa buồn của cô Bảy tôi thấy mắt mình hơi cay…
Người trẻ tay xách nách mang về quê là hình ảnh quen thuộc trong những ngày giáp Tết
2. "Nghe nói mi mới về hả, ghé ra bờ kè nhậu đi!”, "Về chưa cà phê đi"... Đó là những cú điện thoại tôi nghe nhiều nhất vào từ khi đặt chân về nhà.
Thường là mỗi cuối tháng chạp, thị trấn quê tôi đón nhận rất nhiều người tứ tán khắp mọi nơi về quê ăn Tết. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm khi quê hương khi đón những chuyến xe khách chở đầy niềm vui hội ngộ cặp bến quê nhà. Thị trấn có rất nhiều người già của tôi bỗng nhiên được trẻ lại, bởi trong số những người về quê ăn Tết đông nhất vẫn là đám trẻ. Tiếng í ới gọi nhau bằng chất giọng “còn lại chút Sài Gòn” rủ đi chợ hoa, đi sắm Tết, đi cà phê, đi nhậu cứ râm ran. Tôi cũng hòa mình vào niềm vui chung đó.
Tôi mừng vui trước sự đổi mới của quê hương khi thấy những dãy nhà cao, những chiếc xe hơi bóng lộn đậu ngay trước cửa ở những vị trí đắc địa trên phố. Sâu hơn một chút trong xóm vài căn nhà khang trang cũng đã mọc lên "nhờ tiền mấy đứa nhỏ đang làm bên Nhật gửi về", "Chiếc xe 7 chỗ này là nhờ tao qua Lào làm 2 năm là mua được…”. Niềm vui cứ nối tiếp niềm vui trước những điều tai nghe mắt thấy… tôi đã sống trong tâm trạng ấy suốt những ngày về quê ăn Tết.
Càng vui hơn khi thấy phố huyện của tôi ngày xưa nhỏ như lòng bàn tay giờ trông thật hoành tráng... Lứa bạn bè của tôi có vài đứa nhờ gốc gác lý lịch ngon lành giờ cũng dần lên làm lãnh đạo trong chính quyền.
Nhưng khi tĩnh tâm lại tôi mới hiểu sự hoành tráng này đã vượt qua những suy nghĩ lạc quan của tôi.
3. Tôi hỏi thằng bạn "Nhà của ai mà to đẹp 2 mặt tiền ngay công viên rứa?", "Nhà anh L hồi trước làm bí thư chứ ai!". "Cái biệt này của ai rứa", "Của anh N. phó chủ tịch". "Đây là nhà của anh S hồi xưa là phó chủ tịch huyện mình đó", "Miếng đất này của anh T đang làm bí thư", "Cái nhà hoành tráng trên đồi là của anh K hồi trước làm ở tỉnh"... đại loại là luôn được những câu trả lời như vậy.
Về quê, tôi lại được nghe những câu chuyện “muôn năm cũ” như chuyện các lãnh đạo về hưu nhưng vẫn lo cài cắm "người nhà, người quen, người thân" vào những vị trí mới trong chính quyền địa phương. Vì thế chuyện tốt nghiệp đại học xong "về phục vụ quê hương" chỉ là câu khẩu hiệu vui chưa bao giờ là hiện thực. Ngay những vị trí nho nhỏ như "cán bộ địa chính", phòng văn hoá thông tin, cán bộ đoàn, văn thư cấp xã... cũng "không có cửa" đâu nha cưng!".
Nghe những câu chuyện, tôi chợt nhận như thế thì còn cơ hội nào cho người trẻ ở lại quê nhà. Đành thôi, những người trẻ như tôi và bạn bè phải ra đi, để rồi mùa xuân trở về í ới gọi nhau: "Mi về chưa, ra bờ kè nhậu!".
Tiểu Vũ