Chẳng mấy khi được đi, họ họp nhau và quyết định chọn tour khám phá văn hoá truyền thống.
Tuần trước, tôi ghé qua hỏi thăm. Chén trà rót ra chưa nguội, em tôi đã thao thao bất tuyệt: Chuyến đi thật bổ ích, em học được mấy sàng khôn và đúng là khám phá thêm được nhiều điều hay về văn hoá dân tộc. Lần đầu tiên em tôi được đến thăm làng Đồng Xâm – Thái Bình có nghề làm đồ bạc nổi tiếng, cũng lần đầu tiên được biết làng Chuông làm nón, làng lụa Vạn Phúc.Tiễn tôi ra đến tận đầu ngõ, vừa đi em tôi vừa chuyện, mãi không dứt ra được. Đã lên xe, đạp vài vòng cô ta còn gọi với theo. Tôi dừng lại, cô dặn thêm: dứt khoát anh phải đi thăm làng Dương Ổ trên Hà Bắc. Đây là làng làm giấy dó có truyền thống rất lâu đời. Anh hỏi thăm vào nhà cụ T, gia đình này vẫn làm giấy theo phương pháp truyền thống chứ không có máy. Em thấy thỉnh thoảng họ dùng thanh tre khua vào trong những cái bể to ngâm cây dó cho tan đều. Tôi gật đầu lia lịa, rối rít cảm ơn, vội vã đạp xe về.
Đang vui lây vì những câu chuyện cô em kể về chuyến đi bỗng tôi rất buồn khi nghe đoạn kết. Ý tưởng của những người tổ chức du lịch văn hoá để khám phá nét hay, nét đẹp trong kho tàng truyền thống của cha ông rất đáng được tôn trọng.Ý thức của lớp trẻ rất đáng hoan nghênh, nhưng tất cả những điều đó chỉ ở bề nổi và mang tính hình thức.Tôi đã vài lần đến Dương Ổ, cái làng có nghề làm giấy dó nổi tiếng này.Tôi cũng đã thuộc những công đoạn chính để làm giấy.Cô em tôi kể vừa đúng nhưng cũng vừa sai.
Thanh tre đó người ta không gọi là thanh tre mà gọi là Đòn kéo, động tác khua, ngoáy cho bột dó tan đều phải gọi là kéo tầu mới đúng và cái bể to mà em tôi tả gọi là Tầu Xeo.
Cái sai của em tôi chỉ là gọi tên sự vật, sự việc không đúng thôi.Điều đó tương đối nhỏ nhoi nhưng lại thật nguy hiểm.Cuộc sống biến đổi. Làng Dương Ổ chỉ còn vài hộ gia đình làm giấy dó theo đúng chất liệu, dụng cụ và phương pháp truyền thống. Nghề cũ mất đi, ngôn ngữ cũng mất theo. Khách tham quan, như trường hợp của em tôi chẳng hạn, họ chỉ có nhu cầu thưởng thức bằng mắt và chụp vài kiểu ảnh lưu niệm tung lên facebook là quá đủ. Nếu không có cách gì giữ lại, ghi lại thật chi tiết những từ này một cách chính xác thì quá lãng phí.Chẳng đâu xa, mấy thợ trẻ mà tôi gặp trong làng khi được hỏi về những từ đó cũng đã không nói được chính xác rồi.
Nghệ nhân làng gốm Phù Lãng – đằng sau chị là những miếng dát.
Chả cứ Dương Ổ, những người ở làng gốm Phù Lãng cũng không còn nhớ hết được những từ chỉ dụng cụ, phương pháp chế tác vốn là nghề cha truyền con nối của họ nữa chứ đừng nói người ngoài. Cách Phù Lãng không xa là làng gốm Thổ Hà, từ trên mười năm nay cũng không còn một gia đình nào làm gốm nữa.Làng Thổ Hà thì còn nhưng làng gốm Thổ Hà thì không còn nữa. Nhiều làng nghề đã chết, nhiều nghề đã chết, nhiều từ đã chết. Cho sản phẩm vào lò để nung, các cụ già ở Phù Lãng gọi là chồng lồ, trần của lò gọi là cật lồ, sườn lò thì gọi là vét lồ… Để tạo hình, Bát Tràng dùng bàn xoay tay, Phù Lãng dùng bàn xoay đạp bằng chân, hoặc một người xoay một người chuốt (vuốt) với những sản phẩm lớn như chum, vại… Việc đầu tiên của thợ gốm khi tạo dáng một sản phẩm là đặt một miếng gốm phẳng, hình tròn, dầy khoảng 2cm lên bàn xoay, để khi vuốt xong, sản phẩm còn ướt, không thể cầm trực tiếp sẽ méo mà bưng cả cái đế gốm đó ra. Cái đế gốm ấy, ở Bát Tràng gọi là bẩng, còn Phù Lãng gọi là dát…
Chỉ là những tên gọi của chất liệu, dụng cụ, phương pháp sản xuất thôi chứ không phải là những điều to tát, nhưng nếu chúng mất đi thì thật xót xa, thật đáng tiếc. Ở trong những từ ngữ đó, ở trong những cật lồ, chồng lồ, dồi, dập, lề, bẩng, dát, là văn hoá, là truyền thống, là đời sống, là tâm tính của người Việt.
Bài, ảnh Lê Thiết Cương (theo TGTT)