Không ngẫu nhiên mà Thủy Hử của Thi Nại Am nằm trong "Tứ đại danh tác" nổi tiếng của văn học Trung Quốc.
Để tạo nên 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, Thi Nại Am không những "họa" nên chân dung, tính cách của từng hảo hán cùng những mối lương duyên đặc biệt đưa họ tụ nghĩa trên Lương Sơn, đồng lòng "thế thiên hành đạo", mà còn làm sao đặt cho từng người từng cái tên cùng những biệt danh thể hiện cốt cách, sức mạnh của họ tại Lương Sơn.
Mỗi biệt danh trong 108 cái tên của các anh hùng Lương Sơn Bạc đều rất đặc biệt. Ví như Tống Giang - thủ lĩnh của Lương Sơn - có đến hai biệt danh là Hô Bảo Nghĩa và Cập Thời Vũ.
Hai biệt danh này đều phần nào toát lên binh nghiệp và cốt cách của Tống huynh khi luôn dùng những lý lẽ vì dân để chiêu mộ anh tài, kêu gọi chính nghĩa (Hô Bảo Nghĩa). Lòng tốt nổi danh khắp chốn của Tống Giang cùng tinh thần trượng nghĩa, sẵn lòng giúp đỡ kẻ yếu thế của người này được ví như cơn mưa rào sau một đợt hạn hán kéo dài (Cập Thời Vũ) khiến vạn vật xanh tốt, bừng sức sống.
Dưới ngòi bút của Thi Nại Am, còn rất nhiều biệt danh làm nổi bật hình ảnh từng hảo hán Lương Sơn một cách rất sinh động.
Hỗn Long Giang (Rồng quấy sông) của Lý Tuấn vừa thể hiện tài năng sông nước, bơi lội cực giỏi của vị Thủy quân Đầu Lĩnh này, vừa "tiên đoán" hậu vận tốt đẹp của một vị vua (sau này Lý Tuấn làm vua của Xiêm La) khi Lương Sơn toàn thắng trở về.
Là người thông minh, tinh thông Đạo giáo nhất Lương Sơn Bạc, Công Tôn Thắng được tác giả Thi Nại Am đặt cho biệt danh là Nhập Vân Long (Rồng luồn mây). Đúng như biệt danh, Công Tôn Thắng được xem là "bậc thầy phép thuật Đạo giáo", có thể hô mưa, gọi gió, đạp mây, cưỡi sóng.
Biệt danh này cũng nói lên đoạn đường của Công Tôn Thắng với nghĩa quân Lương Sơn. Giữa lúc nghĩa quân đỉnh cao nhất, Công Tôn Thắng chọn cho mình con đường lui về cố hương ở ẩn, hàng ngày luyện Đạo, thưởng trà, ngắm mây, tránh xa những ồn ào của chốn giang hồ lắm thị phi. Cuối cùng, ông đắc đạo và được dân chúng tôn là "Thần sống".
Nếu như Hô Bảo Nghĩa, Hỗn Long Giang hay Nhập Vân Long đều dễ hiểu và hiểu đúng khi gắn với từng vị anh hùng, thì Thủy Hử cũng có những biệt danh khiến nhiều người hiểu sai, hiểu lầm ngữ nghĩa của nó.
Trong Thủy Hử có 3 hảo hán có biệt danh dùng chữ "bệnh", đó là: "Bệnh Quan Sách" Dương Hùng; "Bệnh Uất Trì" Tôn Lập; và "Bệnh Đại Trùng" Tiết Vĩnh.
Từ "bệnh" dễ bị hiểu lầm là ốm yếu, bệnh tật. Thực chất, không phải vậy. Từ "病" hàm nghĩa sâu xa là "giống với".
Ví dụ, biệt danh "Bệnh Quan Sách" của Dương Hùng (Bộ quân Đầu lĩnh, xếp thứ 32) có nghĩa là người này có nét giống với vị tướng Quan Sách - một nhân vật hư cấu trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, là con trai của Quan Vũ.
Quan Sách có tướng mạo tuấn tú, đào hoa nên được gọi là "Hoa Quan Sách". Tuy không quá xuất sắc trên chiến trường như hai huynh trưởng nhưng dưới quyền của Gia Cát Lượng, Quan Sách là một vị tướng mẫn cán, trung thành, đóng góp nhiều công giúp cho nhà Thục Hán bình phương Nam.
Từ nguyên mẫu Quan Sách, Dương Hùng trong Thủy Hử cũng được mô tả tương tự như vậy. Tuy nhiên, trong Thủy Hử, nhân vật này thể hiện tính cách và tài năng phong phú hơn. Từ việc xả thân vì nghĩa đến chuyện tả xung hữu đột trong các cuộc chiến bình Liêu của nghĩa quân Lương Sơn, Dương Hùng đều thể hiện rất tốt, lập đại công.
Tuy nhiên, Dương Hùng không may mắn khi không nằm trong số ít những anh hùng sống sót trở về. Sau trận đánh với quân Liêu, Dương Hùng ốm nặng và qua đời khi trên đường về.
Cũng mang biệt danh có chữ "bệnh", nhưng "Bệnh Uất Trì" Tôn Lập lại là một trong số ít các đầu lĩnh Lương Sơn Bạc sống sót trở về từ chiến dịch bình Phương Lạp. Cả quãng đời còn lại sống yên bình ở Đông Châu.
Lý giải về biệt danh của Tôn Lập: Bệnh Uất Trì. Tương tự như Dương Hùng, Thi Nại Am sử dụng biệt danh Bệnh Uất Trì nhằm ngầm so sánh Tôn Lạp với Uất Trì Kính Đức (585 – 658) - một võ tướng và công thần khai quốc có thật thời nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc; và là một trong Nhị thập tứ công thần đồ (24 bức vẽ công thần) tại Lăng Yên các được Đường Thái Tông Lý Thế Dân vô cùng coi trọng.
Trở lại với Thủy Hử, Tôn Lập sau khi tụ nghĩa Lương Sơn Bạc được đứng ở vị trí 39, giữ chức Viễn thám Xuất tiêu Đầu Lĩnh. Vì lấy Uất Trì Kính Đức làm nguyên mẫu nên tướng mạo của Tôn Lập rất giống với danh tướng thời Đường: Cao lớn, râu ria xồm xoàm, võ nghệ cao cường, tinh thông nhiều binh khí. Đặc biệt, tính tình của Tôn Lập khá nóng nảy.
Dẫu vậy, vì là đầu lĩnh do thám và cai quản binh mã nên thân thủ của Tôn Lập rất nhanh nhẹn, khéo léo. Tụ nghĩa cùng Lương Sơn, Tôn Lập lập được rất nhiều công trạng cho nghĩa quân trong các chiến dịch bình Liêu, đánh Phương Lạp.
Để lột tả tính cách lỗ mãng, nóng nảy, hung hăng của nhân vật Lý Quỳ, Thi Nại Am dùng biệt hiệu Hắc Toàn Phong (Cơn lốc đen).
Nhiều người khi nghe thấy Cơn lốc đen thì hiểu sai và cho rằng đó là tên một loại pháo mạnh thời nhà Tống, có tính sát thương cực lớn. Tuy nhiên, vũ khí ruột của Lý Quỳ là hai cây rìu - loại "vũ khí lạnh", không phải "vũ khí nóng" như pháo binh.
Biệt danh của Trương Hoành nghe qua có vẻ liên quan đến lửa trên thuyền. Thực chất, Thuyền Hỏa Nhi ẩn ý về thủ lĩnh sông nước, dùng thuyền tuyệt đỉnh của Trương Hoành - Thủy quân Đầu lĩnh xếp hạng khá cao (thứ 28) trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.
Đúng như biệt hiệu của mình, Trương Hoành là một chàng trai cường tráng, khỏe mạnh, quen thuộc sông nước và bơi lội cực giỏi.
Người này chính là đầu lĩnh được quân sư Ngô Dụng tin tưởng giao cho vị trí dẫn đầu nhóm thủy quân phá giá pháo của Lăng Chấn (lúc này chưa gia nhập Lương Sơn), gián tiếp giúp Tống Giang thu phục được "chuyên gia pháo binh giỏi nhất thời Tống" Lăng Chấn.
Nếu không được giải nghĩa, biệt hiêu của Chu Quý khá khó hiểu. Nghĩa đen của Hạn Địa Hốt Luật chính là Cá sấu trên cạn.
Biệt danh này nói lên thân thủ nhanh nhẹn, uy lực của Chu Quý. Nắm trong tay chức vụ Đầu lĩnh Do thám, Chu Quý giỏi nhất là trà trộn vào lòng địch để do thám và làm gián điệp. Hình ảnh của người này giống như con cá sấu, hung dữ, giỏi ngụy trang nhưng vô cùng kiên nhẫn, tĩnh lặng để chờ đợi thời cơ tung đòn quyết định.
Khi cùng Tống Giang bình Liêu, đánh Phương Lạp, Chu Quý giống như "tai mắt" của nghĩa quân, không ngại ngần nguy hiểm, lẻn vào lòng địch để thám thính, giúp nghĩa quân nhiều phen thắng lớn. Tiếc thay, nhân tài giỏi ngụy trang như Chu Quý không được cùng những anh hùng hảo hán khác ăn mừng khúc ca khải hoàn.
Về sau, người này được truy tặng danh hiệu Tiết nghĩa lang vì sự dũng cảm của mình.
Tham khảo: Sohu, Baidu, Zhihu