Dùng bột giặt vừa phải và phù hợp
Các loại máy giặt ngày nay thường được tích hợp bên trong nhiều công nghệ cùng những bảng mạch điện tử phức tạp. Việc cho quá nhiều bột giặt có thể dẫn đến việc có quá nhiều bọt được tạo ra và tràn ra khỏi lồng giặt, hơi ẩm từ bọt sẽ theo đó len lỏi làm ẩm và gây hư hỏng các mạch điện tử này và làm gỉ sét cả bộ phận khác của máy giặt.
Phân loại và kiểm tra quần áo trước khi giặt
Việc này sẽ giúp bạn không chỉ giặt quần áo sạch sẽ hơn mà còn giúp bạn bảo vệ lồng giặt của máy, tránh được việc va chạm với các dị vật như bật lửa, chìa khóa… bị bỏ quên bên trong quần áo làm hư hỏng lồng giặt.
Trước khi cho đồ vào trong máy, nên kiểm tra xem còn bỏ sót gì trong túi quần áo không, kéo khóa và cài hết cúc quần áo lên nếu bạn không muốn một ngày đẹp trời nào đó phải mang chiếc máy giặt của mình đi sửa chữa vì lồng giặt bị hư.
Chọn mực nước phù hợp khi giặt
Phần lớn các loại máy giặt hiện nay có 3 mực nước tương ứng với chu trình và khối lượng giặt. Nếu bạn có ít quần áo thì nên chọn cách giặt quần áo ở mực nước thấp để vừa tiết kiệm nước, vừa tiết kiệm thời gian giặt giũ. Nếu quần áo nhiều, bạn không nên chọn mức nước quá thấp, cần chọn mức nước cao nhất để có thể làm sạch triệt để những vết bẩn.
Không giặt quá tải và không giặt quá ít đồ
Cách giặt quần áo này không chỉ giúp bạn giặt quần áo sạch hơn mà còn tránh hư hỏng cho lồng giặt. Khi máy giặt quá tải thường kêu ro ro, rung lắc mạnh, thậm chí là ngừng giặt. Điều này có thể khiến bạn phải lấy quần áo ra giặt lại từ đầu và tốn điện, nước thêm một lần nữa. Bởi vậy, bạn không nên dồn quá nhiều quần áo vào lồng giặt cùng một lúc.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên giặt khi quá ít đồ. Máy giặt chỉ có những mực nước cố định. Tuy là có những chế độ sử dụng ít nước hơn, nhưng vẫn quá lãng phí khi bạn chỉ giặt 1,2 bộ quần áo. Trong trường hợp này, bạn nên giặt quần áo bằng tay hoặc để dồn lại cho lần giặt tiếp theo.
Chọn chế độ vắt phù hợp với khối lượng quần áo
Chế độ vắt thường đi kèm với mỗi chu trình giặt. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể tùy chỉnh chế độ vắt theo nhu cầu sử dụng nhằm giúp máy giặt tiết kiệm điện. Chẳng hạn, đối với những loại quần áo mỏng nhẹ, bạn nên chọn chế độ vắt thấp. Với những đồ dày như chăn, ga, gối, bạn nên chọn chương trình vắt cực khô để tiết kiệm điện cho việc dùng thêm máy sấy.
Một số lưu ý để bảo vệ máy giặt
Đặt máy ở nơi cân bằng và khô thoáng
Nếu đặt máy ở vị trí không cân bằng sẽ rất dễ xảy ra các lỗi như: nước không chảy vào ngăn đựng bột giặt và nước xả, nước bị rò ra ngoài, lồng giặt bị nghiêng dẫn đến làm máy phát ra tiếng động khi vận hành, giảm tuổi thọ của máy.
Đặt máy ở nơi khô thoáng để nước không rơi vào bàn phím, bảng điều khiển hay hơi ẩm xâm nhập vào các linh kiện điện tử bên trong máy. Nếu lỡ làm rơi vào thì phải lau khô ngay lập tức.
Thường xuyên vệ sinh và bảo dưỡng
Thường xuyên lau chùi vệ sinh máy không chỉ giúp cho chiếc máy và căn nhà của bạn trông sạch sẽ thoáng mát mà còn giúp bảo vệ cỗ máy của bạn khỏi việc có cặn bã đóng trong và ngoài lồng giặt, dẫn đến tăng độ ma sát khiến máy chạy ồn. Nếu lâu ngày không vệ sinh, máy còn có thể xuất hiện phèn, rong rêu, đất cát.v.v.. đóng ở van dẫn, van xả làm nước vào không chính xác gây lãng phí điện năng và không làm sạch được quần áo.
Tâm An (t/h