Trần Lập Nhân, kỹ sư làm việc tại Google từng tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa đánh chết vợ; Tôn Vệ Đông, một tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Phúc Đán trở thành người ăn xin, sống lang thang ở Mỹ suốt 16 năm; Ngô Tạ Vũ, được tuyển thẳng vào Đại học Bắc Kinh trở thành kẻ giết mẹ - Đây là 3 vụ việc gây chấn động dư luận không chỉ ở Trung Quốc mà cả thế giới những năm gần đây.
Cả Trần Lập Nhân, Tôn Vệ Đông và Ngô Tạ Vũ đều là "con nhà người ta", sở hữu thành tích học tập xuất sắc, nổi trội. Vậy vì nông nỗi nào mà "con nhà người ta" lại sa ngã như vậy? Để làm sáng tỏ điều này, các chuyên gia giáo dục đã thảo luận và chỉ ra rằng, bi kịch bắt nguồn từ các khía cạnh sau:
Trần Lập Nhân và Ngô Tạ Vũ thời đi học đều là những học sinh xuất sắc; chắc hẳn họ thường xuyên nhận được những lời khen ngợi quá mức từ cha mẹ và mọi người xung quanh. Những lời khen ngợi này giống như thuốc độc, dễ khiến trẻ phát triển tính tự ái.
Tính cách tự ái khiến trẻ vui vẻ, kiêu ngạo nhưng một khi gặp thất bại sẽ khó chấp nhận và gặp phải vấn đề tâm lý, chẳng hạn như chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Khi không còn được khen ngợi quá mức, những cảm xúc tiêu cực tích lũy có thể dễ dàng chuyển sang thành tổn thương tâm lý, một khi có chuyện gì xảy ra, tổn thương tâm lý chồng chất sẽ được kích hoạt, cảm xúc rất dễ bùng nổ, dẫn đến xảy ra hành vi tàn nhẫn.
Là cha mẹ, bạn không nên suốt ngày khen ngợi con mà còn cần phải dạy con cách vượt qua thất bại, nghịch cảnh. Đừng khen ngợi thành tích mà phải khen ngợi cả những nỗ lực, sự chăm chỉ của con.
Nhiều bậc cha mẹ rất coi trọng việc rèn luyện chỉ số IQ và EQ cho con gái nhưng lại thường quên dặn dò, dạy dỗ con trong chuyện tình cảm. Chẳng hạn như: Làm sao để nhận biết những gã tồi, làm sao để tránh/thoát khỏi một mối quan hệ không lành mạnh,...
Trong một cuộc tranh cãi, về mặt cảm xúc, liệu con bạn có đang bị đối phương thao túng tâm lý hay không, có sử dụng những ngôn từ xúc phạm?,... Về mặt lợi ích, điểm mấu chốt trong hành vi của đối phương là gì? Đối phương có đang lợi dụng, chiếm đoạt tài sản không?,...
Từ một số vụ việc cực đoan xảy ra gần đây, có thể nhận thấy, nhiều người có xu hướng bỏ qua những nhu cầu bên trong của trẻ và chỉ chăm chăm vào kết quả học tập xuất sắc. Kết quả là nhiều đứa trẻ được đào tạo, có một tấm bằng đẹp, kiến thức lớn, nhưng trái tim lại trống rỗng và tâm lý nhiều vấn đề.
Một giáo sư tài chính tại một trường đại học nổi tiếng ở Mỹ nói rằng, ban đầu ông nghĩ sinh viên Trung Quốc giỏi Toán, thông minh, chịu khổ tốt nên đã trao tặng rất nhiều học bổng. Tuy nhiên, sau đó người ta phát hiện ra, một số sinh viên có thể kiếm được việc làm tốt ở phố Wall nhưng sau đó họ cảm thấy sứ mệnh cuộc đời mình đã hoàn thành và không còn trau dồi bản thân, không chịu tiến bộ nữa.
Thay vì chỉ chăm chăm vào việc học, trẻ cần được khuyến khích phát triển các sở thích, tiềm năng của bản thân, từ đó tìm ra mục tiêu, con đường phù hợp với bản thân. Trong quá trình này, cha mẹ cần ở bên cạnh động viên, khuyến khích trẻ. Sự tiến bộ của trẻ sẽ không chỉ dừng ở tấm bằng tốt nghiệp mà sẽ kéo dài suốt cuộc đời.
Một nghiên cứu chỉ ra, môi trường phát triển không phù hợp là nguyên nhân chính khiến những thần đồng thường xuyên gặp phải những vấn đề tâm lý. Nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ Alice Miller cho rằng những đứa trẻ có năng khiếu thường nhạy cảm và có nhận thức về mặt cảm xúc cao hơn những đứa trẻ khác.
Điều này có nghĩa, các em sẽ ngày càng cố gắng làm hài lòng cha mẹ, và thường bỏ qua cảm xúc, nhu cầu của bản thân. Dần dần các em dễ rơi vào trạng thái vô cảm. Khi trưởng thành, các em có nhiều khả năng bị khủng hoảng và quen với việc đạt được sự công nhận bằng cách làm hài lòng người khác.
Nhiều người cho rằng chuyện gia đình không phải là "vấn đề hình sự", rằng vợ chồng, cha mẹ xô xát là chuyện bình thường. Tuy nhiên, để tránh những bi kịch xảy ra, mỗi cá nhân ngay từ nhỏ cần được phổ biến luật pháp để biết được điều gì nên, không nên và biết cách giải quyết bạo lực gia đình.