Phim lấy bối cảnh một “Trung tâm Tự quản Thẳng đứng”, thực tế đây là một tòa tháp rộng lớn với một hố sâu nằm giữa các tầng. Người sống trong tòa tháp sẽ định kỳ được chuyển tầng một cách ngẫu nhiên. Họ được cho ăn bằng một chiếc bệ chạy xuyên qua hố của mỗi tầng.
Ban đầu, bệ chứa đầy thức ăn, nhưng dần dần khi đi qua các tầng và lần lượt, người của các tầng ăn đồ ăn trên bệ, thì càng đi xuống dưới, bệ ấy càng chẳng còn mấy đồ ăn, chỉ còn lại toàn đồ thừa đáng bị bỏ đi.
Cách phân phát lương thực trong tòa tháp gây nên xung đột giữa những người sống trong tòa tháp, họ là những con người vì những lý do khác nhau phải vào ở trong này.
Những người may mắn được ở các tầng trên có thể ăn nhiều chừng nào họ muốn, người càng ở những tầng dưới càng phải chịu đói, bởi chỉ còn ít đồ ăn thừa. Những người sống ở những tầng dưới cùng thậm chí không còn gì để ăn.
Nếu những người này định tích trữ, giữ lại đồ ăn cho mình để dùng sau, căn phòng của họ sẽ ngay lập tức bị đốt nóng hoặc đông lạnh đến mức gây chết người. Điều đó khiến họ càng tranh thủ ăn ngốn ngấu khi bệ thức ăn dừng lại ở tầng mình, không buồn nghĩ tới người ở tầng dưới. Càng xuống đến các tầng dưới, bệ đồ ăn thừa càng trở nên kinh khủng.
Việc bộ phim bất ngờ gây sốt với người xem trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều chuyên trang điện ảnh phải phân tích. Đạo diễn của phim - anh Galder Gaztelu-Urrutia (46 tuổi) nhận định rằng bộ phim khiến người xem có sự liên hệ tới tình hình hiện tại, khi tất cả chúng ta đều đang cùng đối diện với khó khăn, hiểm nghèo.
Chúng ta thường dễ dàng lên tiếng khi thấy những người “hơn” chúng ta không chia sẻ với những người yếu thế trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều người quên mất rằng luôn tồn tại những người yếu thế hơn họ, và mỗi người chúng ta luôn có thể làm điều gì đó để giúp người khó khăn hơn mình, theo kiểu “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Đó chính là điều mà đạo diễn Galder Gaztelu-Urrutia tâm niệm khi thực hiện bộ phim ấn tượng này. Khi bắt đầu thực hiện bộ phim cách đây gần 2 năm ở thành phố Bilbao, Tây Ban Nha, vị đạo diễn đã mong đợi bộ phim này tạo được mối liên hệ gần gũi với người xem ở khắp mọi nơi trên thế giới, dù hoàn cảnh sống của họ ra sao.
Khi bộ phim gây sốt đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người cảm thấy phim có chút gì phản ánh hiện tại, bởi “The Platform” là một tác phẩm khai thác sâu sắc tâm lý con người, cách con người phản ứng khi đứng trước khủng hoảng.
Khi ấy, sự phân tầng trong xã hội càng bộc lộ rõ và xu hướng tích trữ của con người, cốt làm sao để bảo vệ bản thân tốt nhất, nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn bỗng như bản năng trỗi dậy.
Đạo diễn Gaztelu-Urrutia chia sẻ rằng anh rất vui khi bộ phim được khán giả tại nhiều quốc gia đón nhận: “Đây là một bộ phim giàu chất ngụ ngôn, dành để nói về sự phân bổ tài sản, đây là một câu chuyện có tính toàn cầu và luôn luôn được con người ở mọi thời đại quan tâm.
“Khi chúng tôi công chiếu phim ở LHP Toronto hồi năm ngoái, người ta nói rằng bộ phim được chiếu vào thời điểm lý tưởng, bởi khoảng cách giữa những người giàu nhất và những người nghèo nhất trên thế giới chưa bao giờ lớn như bây giờ.
“Nhưng tôi nói với họ rằng: Một bộ phim như ‘The Platform’ chiếu lúc nào cũng là ở thời điểm lý tưởng bởi chúng ta sẽ luôn phải trải qua khoảng cách giàu nghèo dù ở đâu hay ở thời đại nào”.
Đạo diễn Gaztelu-Urrutia cũng khá bất ngờ khi giữa đại dịch Covid-19, bỗng có nhiều người quan tâm tới bộ phim của mình trên kênh chiếu phim trực tuyến: “Khi phim bắt đầu được chiếu trên kênh phim trực tuyến, phim bỗng gây sốt với người xem quốc tế và khiến người ta cảm thấy đây là bộ phim hấp dẫn để xem ở thời điểm này, bởi nó khiến người ta liên hệ tới đời sống thực tại.
“Bệ thức ăn trong phim khiến người ta liên tưởng tới sự thiếu thốn khẩu trang, nước rửa tay khô, giấy vệ sinh, thực phẩm... Khi mọi thứ biến động, ta cảm thấy bất an, lo lắng, ta bỗng trở nên ích kỷ và bắt đầu thu về mình nhiều nhất có thể, để đề phòng mọi sự bất trắc. Chúng ta không nhận ra rằng hành động tham lam ấy đồng nghĩa với việc nhiều người khác sẽ không có được những thứ cần thiết”.
Theo đạo diễn, bộ phim chứa đựng một thông điệp gai góc: “Điểm chính của ‘The Platform’ không phải là cuộc chiến giữa những người ở tầng trên và những người ở tầng dưới, mà là chúng ta sẽ luôn gặp những người khiến ta cảm thấy họ ở trên mình hoặc họ ở dưới mình.
“Rất tốt thôi khi các nhân vật nổi tiếng, các doanh nhân tỷ phú ra tay hành động để góp phần xử lý những vấn đề khủng hoảng, nhưng giải pháp của họ không có nghĩa là chúng ta coi như mình không cần đóng góp thêm phần hỗ trợ nào của cá nhân mình nữa.
“Bạn có thể nhìn lên phía trên và nghĩ rằng những người ở trên mình cần phải hành động nhiều hơn nữa, nhưng khi bạn nhìn xuống và thấy còn có bao nhiêu tầng bậc ở bên dưới mình. Câu hỏi lúc này là: Tôi có thể làm gì và sẽ quyết định làm những gì từ địa vị của mình để vượt lên sự ích kỷ chỉ biết thu vén cho bản thân?!”.
Bích Ngọc
Theo The Guardian