Phiên đấu giá đặc biệt có tên Fine Books and Manuscripts (Sách đẹp và thủ bút) của nhà Sotheby’s New York đang thu hút sự quan tâm của giới sưu tập sách cùng những người yêu văn chương trên khắp thế giới.
Sự kiện được tổ chức trực tuyến từ nay đến 13 giờ ngày 16.7 (giờ Mỹ) hứa hẹn sẽ mang lại nhiều bất ngờ với một tập thơ được rao bán với hàng chục ngàn USD.
Trong 217 lô hàng gồm sách quý và thủ bút của các nhà thơ nổi tiếng, giới sưu tập chú ý đến bản in trường ca Đất hoang (The waste land) xuất bản năm 1922 của Thomas Stearns Eliot – nhà thơ người Mỹ đoạt giải Nobel Văn học năm 1948.
Nhà Sotheby’s đưa ra giá ước định từ 30 – 50 ngàn USD. Căn cứ vào độ quý hiếm của cuốn sách, giới sưu tập dự đoán Đất hoang có thể vượt ngưỡng 65 ngàn USD.
Bản in Đất hoang được rao bán lần này vốn thuộc sở hữu của Scofield Thayer - nhà thơ làm việc cho một nhà xuất bản tại Mỹ. Thayer cũng là nhà sưu tập nổi tiếng với nhiều hiện vật quý được Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan (The Metropolitan Museum of Art) ở New York mua lại để trưng bày tại bảo tàng.
Ngoài tập thơ Đất hoang, phiên đấu giá Fine Books and Manuscripts rao bán thủ bút của Walt Whitman – người khởi xướng phong trào thơ tự do của Mỹ, tập thơ Howl and Other Poems (Tiếng hú và những bài thơ khác - 1956) của nhà thơ Allen Ginsberg, cùng nhiều bút tích thủ pháp của các nhà thơ nổi tiếng trên thế giới.
“Đất hoang” (The Waste Land) – bài thơ dài (trường ca) của nhà thơ Mỹ đoạt giải Nobel Văn học năm 1948, Thomas Stearns Eliot, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1922 tại London (Anh).
Đất hoang được coi là "một trong những bài thơ quan trọng nhất của thế kỷ 20”. Mặc dù vẫn còn một đôi chỗ được xem là chưa rõ ràng giữa châm biếm và lời tiên tri, nhưng những thay đổi đột ngột trong sự báo trước về địa điểm và thời gian, thuộc về bi ca nhưng đáng sợ cho thấy một phạm vi rộng lớn và gay gắt giữa các nền văn hóa và văn học - bài thơ đã trở thành một hòn đá tảng của văn học hiện đại.
Các cụm từ nổi tiếng của nó là "Tháng tư là tháng khắc nghiệt" (dòng đầu tiên của trường ca); "Em sẽ chỉ ra trong một nắm tro tàn sợ hãi" "; và dòng cuối cùng của trường ca là câu thần chú bằng tiếng Phạn "Shantih shantih shantih". Cùng với các tác phẩm “Bản tình ca của J. Alfred Prufrock”, “Ngày thứ tư tro bụi” (bài thơ), “Những kẻ rỗng tuếch” và “Bốn khúc tứ tấu”, “Đất hoang” có sự ảnh hưởng rất sâu rộng đến ngôn ngữ thơ ca Anh - Mỹ nói riêng và văn hóa thế giới nói chung.
Trường ca quan trọng này đã được trích dịch một số phần ra tiếng Việt. Hiện tại có các bản dịch của Nguyễn Viết Thắng và Dương Tường đang được phổ biến tại Việt Nam.