Dù ở bất kì vị trí nào, làm bất cứ công việc gì, sẽ đến lúc bạn nhận ra mình phải đối mặt với những khó khăn, khiến bản thân trở nên lưỡng lự, mất niềm tin vào bản thân. Nên nhớ rằng bản năng sinh tồn luôn giúp con người linh hoạt khi đối diện với khó khăn, quan trọng là khi sự cố xảy ra, chúng ta không được để tâm lý chấp nhận, hoảng hốt, tuyệt vọng chi phối. Tất cả chỉ là cảm giác, hãy tạo ra cảm giác mới và lấy lại tinh thần để bước tiếp.
Sự thay đổi mấu chốt giữa việc dừng lại ở thất bại, hay sẵn sàng đứng lên và bước tiếp lại nằm ở sức bật tinh thần của mỗi cá nhân. May mắn thay, sức bật tinh thần không phải là một khả năng thiên bẩm chỉ một vài người sở hữu, mà là điều mọi người có thể luyện tập và trau dồi.
Khái niệm sức bật tinh thần được tác giả Susan Kahn định nghĩa là “khả năng đương đầu với những tình huống khó khăn, đồng thời phục hồi, phản ứng và trở lại đường đua. Với sức bật tinh thần, chúng ta có thể biến thách thức thành cơ hội, học hỏi từ nghịch cảnh và xây dựng các chiến lược để đảm bảo tình trạng thể chất và tinh thần luôn ở mức có thể kiểm soát".
Tất cả mọi người đều có thể tìm hiểu, nhưng không nhiều người thật sự biết về những nguyên nhân sâu xa và những yếu tố tạo nên sức bật tinh thần. Bởi khi nhắc đến sự thành công của một ai đó, người ta sẽ dễ dàng bỏ qua, hoặc ít khi nhắc đến mối liên hệ giữa thất bại trước đó và thành công hiện tại. Thế nhưng, sự thật là những người thông minh và tài giỏi nhất đều từng phạm phải sai lầm nghiêm trọng và trải qua thất bại.
Chẳng hạn như câu chuyện về các giám đốc điều hành của Blockbuster đã từ chối mua lại Netflix với giá chỉ bằng một phần nhỏ với giá trị thực hiện nay của nó. Giờ thì nhìn vào sự phát triển đến kinh ngạc của Netflix, bạn cũng có thể hình dung sự tiếc nuối của các giám đốc điều hành ngày đó đang phải chịu đựng như thế nào. Khó hơn cả việc đám đông tha thứ cho thất bại của chúng ta chính là chúng ta tha thứ cho thất bại của chính mình.
Cuốn sách gồm 8 chương, mở đầu bằng việc trò chuyện về mối liên hệ giữa con người với thất bại. Trong các chương tiếp theo, tác giả đưa ra những phân tích và lý thuyết về tâm lý học, sức bật tinh thần cùng các bài học nhằm duy trì cái nhìn tích cực đối với các vấn đề liên quan.
● Chương 1: Thất bại nhanh
● Chương 2: Não bộ và cơ thể
● Chương 3: Bên dưới tảng băng
● Chương 4: Sự thay đổi, xáo trộn và mất mát
● Chương 5: Lãnh đạo
● Chương 6: Xung đột
● Chương 7: Mục đích
● Chương 8: Tổng kết
Cuốn sách “Sức bật tinh thần” không chỉ đơn thuần đưa ra và phân tích một khái niệm mới, mà ở đây, chúng ta sẽ gặp những tình huống quen thuộc như việc ta sợ hãi thất bại, kiểu phản ứng như đứa trẻ khi đối mặt với lo lắng, hay tình trạng bắt nạt nơi công sở. Các phân tích về mặt sức khỏe tâm lý và thể chất cũng rất được quan tâm và trở thành vấn đề gần như tối quan trọng chứ không còn là việc thứ yếu. Ngoài ra, những quan điểm của các triết gia, nhà tâm lý học, tác giả có tên tuổi như: Socrates, Martin Seligman, Aryanne Oade về chủ nghĩa Khắc kỷ hay Memento Mori... cũng sẽ đem đến cho bạn đọc những kiến thức mới.
Đặc biệt, “Sức bật tinh thần” nổi bật với loạt bài tập nằm ở phía cuối mỗi chương, nhằm hướng dẫn những liệu pháp thả lỏng tâm lý cho bạn đọc. Việc chia sẻ này không chỉ giúp độc giả dễ tiếp cận và thực hành những gì đã đọc được trong cuốn sách, mà còn hữu ích trong việc giải tỏa áp lực tinh thần thông qua việc tự mình đối diện với vấn đề và tìm ra giải pháp từng bước một.
Với lối diễn đạt rõ ràng, câu từ súc tích, cùng với việc thêm vào lập luận từ các chuyên gia và những câu chuyện từ thực tế, Susan Kahn đã góp phần làm tỏ tường những vướng mắc mà bạn đọc gặp phải khi nói tới sự thất bại hay việc vực dậy tinh thần sau mỗi lần vấp ngã. Cũng như cách thức nhanh chóng phản ứng với nó và xây dựng cho bản thân tính kiên cường, khả năng hồi phục khi đối mặt với biến cố trong công việc và đời sống.
Người nổi tiếng nói gì về cuốn sách:
“Tiến sĩ Susan Kahn viết về hai cực đối lập nhất của con người: quyết tâm thành công và nỗi sợ thất bại. Trong quyển sách này, bà đề cập đến sức bật tinh thần, không phải như một kiểu yếu tố cứng nhắc, mà như một thứ có khả năng uốn nắn, thích nghi, linh hoạt và (quan trọng hơn) là thứ mà chúng ta có thể học và phát triển. Các bài tập đặc sắc giúp quyển sách trở nên thú vị và khai thác được những hiểu biết sâu hơn. Sức bật tinh thần là một tác phẩm chứa đầy sự cảm thông và lạc quan”, Giáo sư, Tiến sĩ Andreas Liefooghe, Giám đốc tổ chức Centaur, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn công nghệ Shrink Technologies
“Ai cũng có thất bại. Điều quan trọng là chúng ta đối mặt với nó như thế nào. Tôi vẫn sẽ có lúc vấp ngã, nhưng sau khi đọc cuốn sách này, tôi biết mình luôn có thể đứng dậy với một tâm thế tự tin hơn và cơ hội thành công cao hơn”, Finkelstein Daniel – Phóng viên tạp chí Times.
“Susan Kahn đã mang đến những khám phá toàn diện về tính kiên cường trong cả công việc lẫn đời sống cá nhân. Cô ấy đã khéo léo áp dụng những hiểu biết về thần kinh học, phân tâm học và tâm lý học để đưa ra hướng dẫn thiết thực, giúp độc giả xây dựng những hành vi có “sức bật” hơn. Đây xứng đáng là cuốn sách bạn nên đọc mỗi khi cảm thấy bấp bênh trong cuộc sống”, Raul Aparici – Chuyên viên khai vấn, cố vấn và hỗ trợ, Trưởng khoa tại The School of Life.
“Thông thường, những quyển sách dạng này sẽ rơi vào 2 dạng: quá phức tạp và thiên về tâm lý học, hoặc quá “mì ăn liền” và đơn giản. Susan Kahn đã phá vỡ vòng lẩn quẩn đó bằng cách cho ra đời cuốn sách pha trộn những hiểu biết sâu sắc với các lời khuyên đầy tính thực tế”, Derek Draper – Giám đốc điều hành CDP Leadership Consultants, tác giả cuốn Create Space.
;
Tiến sĩ Susan Kahn là nhà tâm lý học kinh doanh: chuyên gia khai vấn, nhà diễn thuyết, người cố vấn và chuyên gia hoà giải. Bà vừa là một người học hỏi trọn đời, vừa là giám đốc chương trình Chứng chỉ Khai vấn sau đại học tại Birkbeck, Đại học Luân Đôn, chuyên giảng dạy phương pháp huấn luyện cho các nhà lãnh đạo. Susan là thành viên đầu tiên của Khoa Kinh doanh tại tổ chức The School of Life, nơi bà giảng dạy và khuyến khích trí thông minh cảm xúc nơi công sở.
Quyển sách đầu tiên của Susan, Death and the City (Cái chết và Thành phố), đề cập đến cảm giác mất mát, buồn rầu và trầm uất tại nơi làm việc, đồng thời là bài nghiên cứu về hồi kết của các tổ chức trong cơn khủng hoảng tài chính. Nghiên cứu sử dụng công cụ quan sát theo phân tâm học này đã nhận được giải thưởng của Viện nghiên cứu Birkbeck.