Những người đàn ông nói không với bia rượu
33 tuổi, anh Trần Tiến Dũng, quê ở Nam Định, nhưng đã có một thời gian dài làm việc ở TP. Cần Thơ - trung tâm miền Tây. Anh là 1 trong những trường hợp rất đặc biệt mà PV gặp được khi tìm hiểu về đề tài bia rượu của đàn ông miền Tây. Ở tuổi này của anh Dũng, nếu sử dụng được bia rượu thì hẳn phải có cỡ 15 năm “trong nghề”…
Thời gian đầu đi nhiều tỉnh miền Tây, anh Dũng rất ngạc nhiên khi thấy các đấng mày râu ở miền Tây - từ trẻ đến già, có thể ngồi nhậu từ sáng sớm tới chiều mà không bị vợ con hay hàng xóm phiền hà. “Đành rằng đàn ông miền nào cũng nhậu được, nhưng cách thức uống thì khác nhau quá. Tôi không uống được rượu bia, bất đắc dĩ lắm anh mới ngồi cùng và cố gắng chỉ trong một vài ly là phải xin kiếu đi về”, anh Dũng kể.
Người đàn ông này khẳng định rằng, cơ thể mình không thích hợp để uống rượu bia, hễ có chút cồn trong người là lục phủ ngũ tạng “phản đối” ngay. “Cảm giác rất khó chịu, giống như trúng độc vậy. Cố lắm tôi vẫn uống được 3 chai bia nhưng hậu quả của nó thì khôn lường lắm. Tối đó về, tôi phải đóng kín cửa phòng, quấn chăn thật kỹ và người thì lên cơn sốt, nôn ói cả đêm.
Đâu chỉ có vậy, cả ngày hôm sau tôi phải nằm suốt, đến chiều tối mới ăn được tý cháo. Đến bây giờ, tôi chỉ phải trải qua những cơn hành hạ như thế vài lần thôi. Đó là những lúc mình không từ chối được và phải chấp nhận”, anh Dũng kể chuyện trong sự khó tin của nhiều người.
Đối với anh Dũng, là người không trải qua được cảm giác lâng lâng say cho nên khó để anh đánh giá về những cái được và mất của rượu bia. Anh không thể nào biết được cảm giác những buổi chiều nóng bức, được ngồi cùng các chiến hữu thưởng thức vài ly bia mát lạnh; hay những ngày mưa dầm dề se lạnh thích hợp để nhấm nháp vài chén rượu cùng bạn bè. Anh kể rằng, thời trai trẻ bốc đồng, anh cũng tập tành uống rượu nhưng khi biết cơ thể không hấp thụ được anh không cố gắng.
Bia rượu là thứ không thể thiếu mỗi khi cánh đàn ông họp mặt - Ảnh: Thanh Nguyên
Hơn 5 năm ở miền Tây, mỗi lần thấy bàn nhậu anh Dũng lại gãi đầu, gãi tai từ chối ra về. Anh Dũng đúc kết: “Tôi nghĩ rằng bản lĩnh của người đàn ông không phải là uống được bao nhiêu rượu bia, mà là thành quả trong cuộc sống của họ tạo dựng được những gì. Tôi đồng ý rằng, trong những cuộc nhậu mọi người vui vẻ, hòa đồng, hiểu biết nhau thêm, từ đó công việc cũng trôi chảy hơn. Nhưng không phải vì thế mà cứ nhất thiết phải nhậu”.
Quan điểm thay vì hầu chuyện bên ly rượu - bia thì có thể thay thế bằng ly cà phê, tách trà của anh Dũng hẳn nhận được sự đồng tình của không ít người, đặc biệt là những người vợ, người mẹ. Đó là những người phụ nữ đã dùng hết tâm trí, sự kiên nhẫn để thuyết phục, khuyên lơn người chồng, con trai của họ bỏ bia rượu. Nhưng bia rượu là một thói quen khó bỏ. Nếu đã tới mức nghiện, điều đó còn nan giải và mang lại hậu quả nghiêm trọng hơn.
Bừng tỉnh sau một lần suýt chết
Anh Huỳnh Đặng, (34 tuổi, quê Trà Vinh) hiện đang sinh sống và làm việc ở Cần Thơ. Anh đã có gia đình và 2 con. Công việc của anh là làm về truyền thông nên việc giao lưu, quan hệ với các đối tác là không tránh khỏi. Vợ anh, cũng không mấy khi phàn nàn việc anh quá chén mỗi lần trở về nhà. Và anh cũng từng một thời ít khi từ chối những tiệc rượu.
“Tôi chỉ thực sự uống rượu bia nhiều sau khi tốt nghiệp và đi làm. Rất nhiều công việc của tôi được giải quyết trên bàn nhậu, từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc những dự án. Việc cùng các đối tác, mối quan hệ ăn một bữa cơm, uống vài chai bia là điều khó tránh được. Nhưng ít khi dừng lại ở vài chai”, anh Đặng kể.
Cách đây khoảng 3 năm, trong một lần quá chén, anh Đặng chạy xe máy trở về nhà. Trên tuyến quốc lộ 1A, gần 11 giờ đêm, anh chạy xe mà không thể kiểm soát được. Sau khi dừng xe lại tấp vào lề nôn hết những gì vừa đưa vào dạ dày, anh lại lên xe, vặn ga.
“Tôi không biết mình chạy vào làn xe nào. Chỉ biết lúc tôi nhận ra thì chiếc xe khách 50 chỗ chạy cùng chiều đã chạy sát vào bên cạnh tay lái. Tôi chỉ nghe tiếng gió, tiếng động cơ sát bên tai. Chiếc xe rõ ràng đã chủ động tránh tôi chứ tôi không biết gì. Tôi dừng lại và kịp nhận ra là mình đang ở… giữa đường. Chiếc xe khách dừng lại phía trước, nhân viên xe bước xuống, ông ta quát gì đó tôi không nghe nữa. Nhưng tôi hiểu vấn đề, lúc đó tôi tỉnh luôn và chạy về nhà”, anh Đặng kể lại.
Lần suýt chết đó đã khiến anh Đặng thay đổi quan điểm hoàn toàn về những bữa nhậu tới bến. Anh nhận ra rằng, những cơn say như thế không mang lại lợi ích gì ngoài những tai họa có thể dẫn đến mất mạng như anh đã trải qua. “Rồi gia đình, cha mẹ, vợ con tôi sẽ như thế nào?”. Câu hỏi có trách nhiệm đó đã khiến anh bừng tỉnh và từ đó, anh nghỉ uống bia rượu một thời gian.
Sau lần suýt gây tai nạn, anh Đặng đã lý trí hơn với rượu bia - Ảnh: minh họa
Rồi thời gian trôi qua, anh vẫn trở lại bàn nhậu nhưng ngày thoát chết ấy vẫn hiện diện trong tâm trí anh. Anh Đặng chỉ có mặt những lúc không thể từ chối và uống vừa đủ. Anh cố gắng lý trí làm chủ trong bàn nhậu cho dù ai có khiêu khích như thế nào.
Anh nhớ lại: “Nhiều anh em, bạn bè nói tôi dạo đó lạ nhưng tôi không kể cho ai cả. Những chuyện như vậy họ phải thực sự trải qua và thức tỉnh. Còn mình có nói, nhiều người sẽ nghĩ đó như là cái cớ để từ chối. Nhưng mình phải sống cho bản thân và gia đình mình. Còn lại, để thời gian đánh giá vậy”. Quan điểm của anh Đặng về thức uống có cồn cũng rất rõ ràng. Anh cho rằng việc uống ít hay nhiều phụ thuộc vào điều kiện của từng người. Và điều quan trọng là không để ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của mình.
Có một điều chắc chắn rằng, những “đệ tử lưu linh” ở khắp nơi, ai cũng đã từng nhận được những lời khuyên từ nhẹ nhàng đến gay gắt về rượu bia. Thế nhưng mọi chuyện lại vẫn đâu vào đó, người ta có thể ngồi uống rượu trong 1 đám tang mà người chết có nguyên nhân xuất phát từ rượu.
Những lý lẽ của người khuyên nhủ đều có lý gần như đến tuyệt đối. Nào là bia rượu hại sức khỏe, làm gia đình tan nát, không làm chủ được mình mà gây ra những điều đáng tiếc ra sao. Thậm chí đưa ra những dẫn chứng diễn ra hằng ngày trên các phương tiện truyền thông về tác hại của rượu bia.
Thanh Nguyên