Ở một quốc gia nơi nghệ thuật xăm vẫn đang bị cấm đoán, Horiren đã phải trãi qua chặng đường làm nghề đầy nhọc nhằn trước khi vươn tới thành công.
Warabi - thành phố của tầng lớp lao động, chỉ cách Tokyo một chuyến xe lửa ngắn. Duy đến đây, bạn thấy như vừa lạc vào thế giới khác. Khi ánh đèn neon rực rỡ phủ khắp thủ đô nước Nhật ‘nhường chỗ’ cho những căn nhà mái thấp và khu căn hộ chung cư chen chúc người ra vào, cảm nhận hoa lệ, hào nhoáng ở chốn phố thị trung tâm bỗng chốc lùi về ký ức.
Sau hàng tá con hẻm nhỏ hẹp quanh co - qua một hiệu bánh, dãy quán bar, đến một nhà hàng rồi một câu lạc bộ thoát y vũ lâu đời - tọa lạc một căn nhà mộc mạc, với điểm hút mắt duy nhất là đoạn tranh tường theo phong cách thổ dân Maori cùng tấm banner quảng cáo giản dị treo trên tầng hai. Ngôi nhà thoạt nhìn không có vẻ gì nổi bật, lại là chốn đi về của một trong những thợ xăm mình nổi danh nhất thế giới: Horiren, biệt hiệu ‘Đệ nhất’, bậc thầy của nghệ thuật xăm Tebori truyền thống.
Xưởng làm việc có không gian khiêm tốn, duy Horiren luôn giữ mọi thứ ngăn nắp. Những bức tường được phủ kín bởi tác phẩm nghệ thuật và kệ sách. Một con trăn bạch tạng âm thầm trườn mình qua lại trong bể thủy tinh. Gần đó, chú mèo Necoste của nữ nghệ sĩ cũng đang đi ‘tuần tra’ chậm rãi khắp phòng.
Horiren, với vóc dóng nhỏ bé cùng nụ cười thân thiện, phản ánh cá tính điềm tĩnh lẫn năng lượng sống mạnh mẽ - dấu ấn có thể khiến bạn mường tượng về một thầy tu. Người thợ xăm 51 tuổi ngồi yên lặng, chuỗi hình xăm ẩn hiện bên ngoài mép tay áo khoác, cổ áo và cổ chân. Cô cười mỉm, mở đầu cuộc trò chuyện bằng câu hỏi, “Tôi nên kể từ đâu nhỉ?”
Horiren lớn lên ở Kisarazu, thành phố thuộc quận Chiba (phía đông, ngoại thành Tokyo). Gia đình cô đầu tư vào đa dạng lĩnh vực kinh doanh - từ trồng rong biển đến sửa xe máy. Nữ nghệ sĩ từng được kỳ vọng sẽ tiếp nối sự nghiệp thương nhân. “Bố mẹ tôi rất khắt khe, với lối sống nghiêm chỉnh gần như trong quân ngũ”, Horiren hồi tượng.
“Đúng 6 giờ sáng, tôi phải có mặt tại bàn dùng bữa, rồi chuẩn bị rời nhà. Nếu chậm trễ, hôm đó tôi sẽ không được phép ăn sáng”.
Từ nhỏ, Horiren sớm rèn giũa kĩ năng mỹ thuật, thế nhưng bố mẹ cô từ chối giúp cô phát triển tài năng ở một trường đào tạo chính quy. “Bố tôi không tin rằng nghề họa sĩ hay nghệ sĩ nói chung là những công việc đúng nghĩa, có thể giúp tôi kiếm tiền”.
Khát khao muốn thoát ly khỏi cuộc sống bó buộc nơi tỉnh lẻ, Horiren cố gắng tích góp một khoảng chi phí riêng để theo học trường thiết kế tại Tokyo mà không có sự ủng hộ từ gia đình. Cô theo học ngành thiết kế trò chơi máy tính và vẽ tranh tường. Ngoài giờ học, Horiren làm thêm tại quán bar rồi ngủ nhờ đây đó vào cuối ngày, tiết kiệm hết mức để trang trãi học phí. Tuy nhiên bấy giờ, cô vẫn chưa thật chắc chắn về tương lai, mãi cho đến một kỳ nghỉ - khi Horiren sang Úc.
Đang ở Úc thăm một người bạn, Horiren bị gãy xương hông vì một tai nạn cưỡi ngựa. Cô được chuyển tới bệnh viện Sydney điều trị. Ngày nọ, trong lúc đi dạo, cô bất chợt trông thấy một tiệm xăm nhỏ. “Khi đó tôi không có nhiều tiền tiêu xài, nhưng cửa tiệm ấy đã lập tức thu hút tôi. Nghĩ đến việc vẽ một thứ vĩnh viễn không thể bôi xóa lên cơ thể, khiến tôi bị cuốn vào”.
Ban đầu chỉ lên kế hoạch du lịch 2 tuần, Horiren rốt cuộc dành 3 tháng lang thang khắp nước Úc. Nếu không đủ tiền, cô đi nhờ xe. Khi có thể thuê xe, cô dùng xe máy đến thăm quan gần như mọi tiệm xăm lớn nhỏ nhìn thấy ven đường. Tại mỗi nơi, Horiren đều xăm lên mình hình ảnh nào đó. Trước khi về Nhật, một người bạn ở Sydney chia sẻ với cô ‘bộ sưu tập’ hình xăm trên cơ thể. Trong đó có một mẫu giống hệt của cô.
“Tôi đã nghĩ, ‘Ai chà, tôi có y hình xăm như anh bạn này?’ Tôi đã thấy thật khó chịu. Vì sao tôi không thể mang một hình xăm duy nhất của riêng mình?” - Horiren kể. “Trên chuyến bay về nhà, ngồi cách mặt đất 10.000 mét, tôi đã lập một cam kết với bản thân. Tôi sẽ trở thành nghệ sĩ xăm mình, và tôi sẽ tạo ra những tác phẩm độc nhất vô nhị cho từng khách hàng”.
Ngày nay, xăm mình vẫn là điều cấm kị trong văn hóa Nhật Bản. Những ai mang hình xăm trên cơ thể thường bị cấm lui tới địa điểm công cộng nơi mọi người để lộ da thịt, như bãi biển, nhà tắm (công cộng), phòng tập thể dục,.. Nguyên nhân sự bài trừ đến từ xu hướng liên tưởng người xăm mình như những thành viên băng đảng Yakuza (hội nhóm xã hội đen ở Nhật) - vốn, theo truyền thống, thường chọn cách xăm kín thân thể để tỏ lời ‘tuyên thệ’ trung thành với tổ chức tội phạm. (Dẫu Horiren từng xăm mình cho một số thành viên Yakuza, họ chỉ chiếm số ít trong nhóm khách hàng của cô).
Mặt khác, nghề xăm ở đất nước mặt trời mọc đang đứng giữa ‘ranh giới’ pháp lý mập mờ. Hiện tại, đây không phải ngành nghề kinh doanh được công nhận, và theo quy định pháp luật đương thời, người thợ xăm cần sở hữu một chứng chỉ y khoa. Thứ, trên thực tế, không nghệ sĩ xăm mình nào có.
Horiren chia sẻ, “Ở Nhật, chúng tôi thường giữ lối suy nghĩ rằng, cơ thể bạn là ‘món quà’ bố mẹ bạn tạo nên. Và bất kì thứ gì làm ‘vấy bẩn’ món quà ấy, như một cái khuyên tai hay hình xăm - đều bị nhìn nhận tiêu cực”.
Với riêng bố mẹ Horiren, đam mê nghệ thuật là một chuyện, việc con gái họ quyết định trở thành nghệ sĩ xăm mình càng kéo theo nhiều chỉ trích. Khi mẹ cô bị chẩn đoán u não ác tính, vấn đề phức tạp hơn muôn phần. “Quá trình trị liệu tốn rất nhiều tiền”, Horiren nói. “Khi công việc kinh doanh của gia đình không đủ chi trả viện phí, tôi cảm thấy mình phải cố gắng kiếm tiền và giúp đỡ bố mẹ”.
Vài năm kế tiếp, Horiren hoạt động như một nghệ sĩ tranh tường thành danh. Đến năm 29 tuổi, khi bệnh u não của mẹ cô bắt đầu thuyên giảm, cô mới cho phép bản thân thử sức với nghề xăm.
Không thể tìm được trường lớp đào tạo chính quy tại Nhật, Horiren chọn cách luyện tập xăm hình trên chính cơ thể cô - đầu tiên là cánh tay, rồi chân. Sau một thời gian, khi đã vững tay nghề, cô nhờ bạn bè giới thiệu những khách hàng đầu tiên. “Vừa chính thức làm thợ xăm, tôi thấy căng thẳng vô cùng. Tôi sẽ vẽ lên người ai đó thứ họ mang theo suốt cuộc đời”.
Horiren nhanh chóng nổi tiếng trong giới nghệ sĩ xăm mình vì sự thuần thục đáng ngưỡng mộ trong phong cách Tebori: một kĩ thuật xăm cổ xưa đòi hỏi nét khéo léo đặc biệt của đôi tay, để họa nên những hình ảnh sống động đậm giá trị truyền thống Nhật Bản.
Danh tiếng bắt đầu vươn rộng, một nhóm Yakuza cấp thấp bất ngờ tìm đến đe dọa Horiren. Họ gây rối tại xưởng làm việc của cô và yêu cầu được chi tiền ‘bảo kê’.
“May mắn thay, không có gì nghiêm trọng xảy ra,” cô kể. “Tuy nhiên, ngày kia, một thành viên Yakuza gọi cho tôi, hỏi xem liệu tôi có thể thực hiện một hình xăm mới cho ông ấy. Cơ hội vốn đã giúp mở ra ‘cánh cửa’ mới với tôi. Về sau, tôi gặp gỡ thêm nhiều vị khách như thế. Thông thường, họ đòi hỏi một dạng hình xăm cổ điển, gọi là ‘Wabori’ (thiết kế, họa tiết mang ấn tượng truyền thống độc nhất). Từ đó, tôi có dịp luyện tập những dự án hình xăm khổ lớn”.
Phần đông khách hàng tìm tới Horiren qua phương thức truyền miệng. Từng vị khách, do đó, đều thấu hiểu nhất định về cô trước khi tìm đến cộng tác. Cách quảng bá trông có vẻ ‘quanh co’, duy Horiren chia sẻ, điều này rất quan trọng. Cô tiết lộ vẫn nhớ rõ cảm nhận kết nối thân thiết cùng những khách hàng đầu tiên cô tiếp xúc.
“[Việc xăm mình] như thể bạn xây một căn nhà - đòi hỏi sự cam kết nghiêm túc - thế nên người thợ lẫn khách hàng đều phải kiên nhẫn. Nếu tôi nghĩ một vị khách chưa sẵn sàng để đón nhận hình xăm, tôi sẽ nói thật với họ và chúng tôi không cần cộng tác nữa”.
Horiren không kể cho bố cô về công việc thợ xăm mãi đến năm 33 tuổi. Và mối bất hòa gia đình chỉ kết thúc khi mẹ cô qua đời 7 năm sau đó. Hành trình làm nghề, dẫu đầy gian nan của Horiren, đã giúp cô có cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân, thế giới, cũng như nền văn hóa tại chính quê hương Nhật Bản.
“Xăm mình là điều duy nhất tôi cảm thấy đã tự mình lựa chọn. Thiết kế đồ họa, pha rượu hay vẽ tranh tường - những trãi nghiệm ấy xảy ra đều vì tôi muốn kiếm sống, hoặc vì ai đó đã thuyết phục tôi thử làm”.
“Cuối đời, mẹ tôi từng nói: ‘Nếu con tin vào việc con đang làm, thì không gì khác quan trọng hơn niềm tin đó.’ Đây là câu nói tôi luôn giữ trong lòng”.
Như Ý (tin, ảnh: HuckMag)