Thởi cổ đại, Trung Quốc cổ đại đã sản sinh ra rất nhiều trí thức, triết gia và chiến lược gia vĩ đại. Trong số những anh tài đó nổi lên 4 thần đồng vô cùng thông minh, tài giỏi, được Khổng Tử, Tần Thủy Hoàng và Tào Tháo rất coi trọng.
Họ là ai? Và đâu là những giai thoại thú vị bộc lộ tài năng thiên phú của 4 thần đồng này?
Thừa tướng trẻ nhất trong lịch sử Trung Hoa
Cam La sinh ra vào cuối thời Chiến Quốc. Tổ phụ (ông nội) của Cam La là Cam Mậu - một vị Thừa tướng nổi tiếng dưới thời Tần Vũ Vương trong lịch sử Trung Hoa, lập nhiều chiến công lừng lẫy.
Sinh ra trong gia đình dòng dõi hiển hách, Cam La sớm bộc lộ là người thông minh cơ trí, ham học hỏi, chăm chỉ và nhanh chóng nổi tiếng khắp chốn là thần đồng.
Thủa đó, Cam La đã sớm tôn thờ và ngưỡng mộ Tướng quốc của nhà Tần Lã Bất Vi. Vừa hay, Lã Bất Vi lại là người trọng anh tài, thu nhận nhân tài khắp nước. Khi nghe danh thần đồng của Cam La, Lã Bất Vi liền triệu đến cho làm môn khách, kề cận bên mình.
Năm 12 tuổi là quãng thời gian thú vị nhất của Cam La.
Chuyện kể rằng, vào cuối thời Chiến Quốc, nước Tần đang lập mưu lớn thống nhất Trung Hoa. Khi thấy nước Yên và Triệu có mối bang giao bất hảo, nước Tần muốn liên Yên công Triệu.
Cam La theo Lã Bất Vi biết chuyện liền lên tiếng nói rằng nên làm việc ngược lại: Liên hợp với Triệu để đánh Yên; đồng thời xin đích thân sang nước Triệu để thuyết phục họ.
Thấy vậy, Lã Bất Vi bèn bẩm báo đến Thái hậu Triệu Cơ (mẹ đẻ của Tần Vương Doanh Chính, là Tần Thủy Hoàng sau này). Khi nghe chuyện, Thái hậu lấy làm kinh ngạc về thần đồng nhỏ tuổi, tài trí và can đảm.
Để thử lòng Cam La, Thái hậu Triệu Cơ "hỏi xoáy": "Trong đơn thuốc chữa bệnh của ta có trứng gà trống, khanh hãy mang về cho ta!"
Cam La đáp: "Nếu Thái hậu muốn có trứng gà trống thì trước tiên phải tìm được người đàn ông biết sinh đẻ!"
Thái hậu Triệu Cơ kinh ngạc: "Đàn ông sao có thể sinh đẻ"
"Vậy, gà trống sao có thể đẻ trứng, thưa Thái hậu" - Cam La tự tin.
Đoạn, Thái hậu Triệu Cơ đi từ kinh ngạc, ngỡ ngàng sang khâm phục tài đối đáp của cậu bé. Nghe cuộc trò chuyện giữa Thái hậu và Cam La, Tần Vương Doanh Chính rất hài lòng và lập tức phong cho Cam La chức Thiếu thứ tử và đồng ý cho Cam La sang nước Triệu.
Cam La sang Triệu và thuyết phục được nước này tấn công nước Yên. Sau khi dẹp được Yên, nước Triệu dâng cho nhà Tần 11 tòa thành. Tần nhờ Cam La mà không cần hao binh tổn tướng lại còn lấy được không ít đất đai.
Nhờ đó, Tần Vương Doanh Chính vô cùng vui mừng trước chiến công của Cam La, liền phong cho thần đồng chức Thượng khanh. Cam La vì thế trở thành vị Thừa tướng trẻ nhất trong lịch sử.
Theo ghi chép không chính thức, Cam La không rõ vì sao về sau mất dấu vết trong lịch sử. Người ta nói rằng, thần đồng trẻ tuổi này đã chết một cách bi thảm khi chưa đầy 20 tuổi.
Được Khổng Tử tôn làm "thầy" khi mới 7 tuổi
Hạng Thác là một thần đồng nổi tiếng nước Cử - một nước chư hầu thời Xuân Thu và đầu thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Giai thoại Hạng Thác vấn Khổng Tử đã nói lên trí thông minh vượt bậc của một thần đồng khi cậu bé mới 7 tuổi.
Chuyện kể rằng, khi Khổng Tử cùng một số học trò đang đi xe ngựa, trên đường gặp một nhóm tiểu nhi đang chơi đùa. Khi nhìn thấy một cậu bé đang xây thành nhỏ, không đứng dậy tránh đường cho xe qua, Khổng Tử ôn tồn hỏi lý do thì cậu bé nói:
"Xưa nay, xe phải tránh thành, có bao giờ thấy thành phải tránh xe đâu".
Khổng Tử thấy cậu bé nhanh nhạy, thông minh, liền đáp: "Vậy ta hỏi cháu nhé. Núi nào không có đá? Nước nào không có cá? Ngày nào thì ngắn, ngày nào thì dài?"
Nghĩ một thoáng, Hạng Thác đáp gọn: "Núi đất không có đá. Nước giếng không có cá. Ngày mùa Đông ngắn, ngày mùa Hạ dài".
Càng nói chuyện với cậu bé, Khổng Tử càng thấy khâm phục trí tuệ và sự thông minh của cậu. Sau này, Khổng Tử luôn nói với các học trò của mình rằng thần đồng Hạng Thác chính là thầy ta.
Đây chính là lời nhắc nhở của Khổng Tử cho học trò rằng, trong 3 người đi với nhau, nhất định mỗi người sẽ là "thầy" của một lĩnh vực mà hai người còn lại phải học hỏi.
Tiếc thay, tài năng thiên phú của Hạng Thác không được nảy nở theo năm tháng về sau. Năm 10 tuổi, Hạng Thác qua đời. Dân chúng trong làng lập đền thờ và tôn là Tiểu Nhi Thần (nghĩa là thần đồng). Từ đó về sau, cụm từ "thần đồng" được dùng rộng rãi.
Cân voi cho Tào Tháo
Tào Xung là con của Tào Tháo và người vợ thứ tư là Hoàn phu nhân, từ nhỏ đã cực kỳ thông minh. Khi mới sáu tuổi, Tào Xung đã nổi tiếng vì cân voi cho Tào Tháo.
Chuyện kể rằng, Đông Ngô của Tôn Quyền đã tặng cho Tào Tháo một con voi - vốn là loài động vật hiếm có ở Trung Quốc thời bấy giờ.
Khi voi được đưa đến, Tào Tháo cho gọi văn võ bá quan và Tào Xung đến chiêm ngưỡng. Đứng trước loài động vật khổng lồ, chân to như cột đình, Tào Tháo đem thắc mắc của mình đến quần thần rằng: Ta muốn biết trọng lượng của con voi này, ai có thể cân được?
Văn võ bá quan ai nấy đều lắc đầu bó tay vì thời đó chưa có cái cân nào đủ lớn để cân voi. Tào Xung thấy vậy xung phong thực hiện.
Cách của Tào Xung là cân gián tiếp con voi. Cụ thể như sau:
Tào Xung sai lính đưa voi lên thuyền, sau đó cậu đánh dấu mức nước trên thân thuyền. Kế đó, cậu hạ lệnh đưa con voi ra khỏi thuyền và bắt đầu sai người khuân nhiều tảng đá kích thước lớn nhỏ khác nhau lên thuyền sao cho nước chạm đúng đến vạch mà Tào Xung đã đánh dấu trước đó (lúc con voi trên thuyền).
Khi nước chạm đúng vạch, Tào Xung cho người cân lần lượt đống đá đó rồi cộng tổng tất cả lại là ra số cân của con voi.
Chứng kiến cách làm thông minh xuất chúng này của Tào Xung, ai nấy đều kinh ngạc và khâm phục. Tào Tháo thì gật gù và lấy làm hãnh diện trước đông đảo văn võ bá quan.
Lại có một chuyện thể hiện trí tuệ hơn người của Tào Xung. Đó là khi Tào Tháo được tặng một con gà lôi nhảy múa. Nhưng không hiểu sao, con gà lôi này không chịu nhảy múa cho Tào Tháo thưởng lãm.
Tào Xung thấy vậy bèn sai người lấy một chiếc gương lớn đặt trước mặt con gà lôi. Tưởng là đồng loại đứng trước mặt, gà lôi liền phô diễn bộ cánh rực rỡ và nhảy múa trước gương.
Những cách xử lý thông minh của Tào Xung khiến Tào Tháo vô cùng hài lòng và ngầm chọn cậu con trai là người tiếp nối cơ nghiệp. Đáng tiếc thay, năm 12 tuổi, Tào Xung yểu mệnh và qua đời.
"Kỳ nhân" ra đi mãi mãi ở tuổi 17
Chu Bất Nghi và Tào Xung là những người cùng thời. Sinh ra trong một gia đình dòng dõi hiển hách, Chu Bất Nghi là cháu của quan Biệt giá Lưu Tiên phò tá Lưu Biểu trấn giữ Kinh Châu.
Khi Tào Tháo mang quân đánh chiếm Kinh Châu thành công, nghe danh của Lưu Tiên và Chu Bất Nghi liền thu nạp hai người tài này về. Về sau, Tào Xung và Chu Bất Nghi kết giao hữu hảo.
Tài năng thiên phú của Chu Bất Nghi nhanh chóng thu hút được sự chú ý của Tào Tháo.
Chuyện kể rằng, khi Tào Tháo chuẩn bị lên đường đánh chiếm Liễu Thành nhưng mãi không tìm được kế đánh đột phá. Chu Bất Nghi năm đó 16 tuổi đã bày cho Tào Tháo 10 chiến lược, giúp Ngụy chiếm Liễu Thành thành công.
Khi biết Chu Bất Nghi viết được bốn bài thơ, Tào Tháo đã rất sợ hãi. Tuy thần đồng làm được thơ là chuyện bình thường nhưng đối với Tào Tháo điều này quá đỗi phi thường. Phi thường đến mức ông thấy sợ.
Khi Tào Xung yểu mệnh và qua đời năm 12 tuổi, số phận của "kỳ nhân" Chu Bất Nghi bắt đầu rơi vào vòng nguy hiểm vì trong mắt Tào Tháo, chỉ có Tào Xung mới đủ tài trí để khống chế Chu Bất Nghi. Nay Tào Xung chết rồi, Chu Bất Nghi cũng phải chịu chung số phận.
Một năm sau, Tào Tháo sai người ám sát Chu Bất Nghi. "Kỳ nhân" ra đi mãi mãi ở tuổi 17.
Tham khảo: Sohu, Baidu, 163