Kim Dung được biết đến là nhà văn nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm võ hiệp thu hút nhiều thế hệ độc giả như Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Ỷ Thiên Đồ Long ký, Tiếu ngạo giang hồ, Tuyết Sơn phi hồ.... Trong các tiểu thuyết của ông, bên cạnh các anh hùng còn có nhiều nhân vật nữ vừa giỏi vừa đẹp. Dưới đây là top 5 mỹ nhân hội tụ đầy đủ các yếu tố kể trên do các fan hâm mộ truyện Kim Dung bình chọn trên trang tin Sohu (Trung Quốc)
Tiểu Long Nữ là một nhân vật có vẻ đẹp tựa tiên nữ trong tiểu thuyết kiếm hiệp "Thần điêu hiệp lữ" của cố nhà văn Kim Dung. Trong tác phẩm này, Kim Dung miêu tả vẻ đẹp của nàng qua góc nhìn của Dương Quá như sau "Dương Quá ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy một bàn tay trắng như ngọc vén tấm màn che, rồi một thiếu nữ bước vào. Thiếu nữ ấy mặc bộ đồ lụa màu trắng, tưởng như thân hình ấy đang trong một lớp sương mù. Nàng trạc mười bảy, mười tám tuổi. Trừ mái tóc đen, toàn thân nàng trắng như tuyết, khuôn mặt tú mỹ tuyệt vời, có điều da dẻ trắng xanh, thiếu màu hồng."
"Dương Quá ngẩng mặt lên, bắt gặp ánh mắt của nàng. Nó cảm thấy thiếu nữ thật thanh lệ tú nhã, càng nhìn càng ưa thích, song thần sắc lại lạnh lùng. Đúng là thanh khiết như băng tuyết, giá lạnh như băng tuyết. Thật chẳng biết nàng mừng hay giận, buồn hay vui."
"Bạch y thiếu nữ tú mỹ này chính là Tiểu Long Nữ, chủ nhân của Hoạt Tử Nhân Mộ này. Nàng đã mười tám tuổi, có điều sống lâu trong hầm mộ, không có ánh nắng, nội công tu luyện lại theo đường khắc chế tâm ý nên trông trẻ hơn các thiếu nữ cùng trang lứa tới mấy tuổi."
Tiểu Long Nữ là truyền nhân đời thứ ba của phái Cổ Mộ. Võ công của nàng được chân truyền từ sư tổ Lâm Triều Anh với bí kíp thượng thừa do Lâm Triều Anh sáng tạo là Ngọc nữ tâm kinh. Khi kết hợp cùng Dương Quá, Tiểu Long Nữ và chàng ta tạo thành thế liên thủ "song kiếm hợp bích" cực kỳ lợi hại, từng đánh thắng cả nhất đại tông sư của Mông Cổ là Kim Luân Pháp Vương. Sau này Tiểu Long Nữ còn học được thuật Song Thủ Hỗ Bác của Chu Bá Thông, qua đó tự mình thi triển Ngọc Nữ Tố Tâm kiếm pháp mà không cần phải liên thủ cùng Dương Quá.
Lý Thu Thủy là một nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết Thiên long bát bộ. Bà cùng với Vô Nhai Tử và Thiên Sơn Đồng Mỗ là đệ tử chân truyền của Tiêu Dao Tử. Lý Thu Thủy là một giai nhân có ngoại hình vô cùng xuất chúng. Bằng chứng là Vương Ngữ Yên là cháu ngoại của bà sở hữu dung mạo mỹ miều, khí chất thanh thuần thoát tục.
Võ công của Lý Thu Thủy thuộc hàng thượng thừa trong chốn võ lâm và ít ai là đối thủ. Bà được Tiêu Dao Tử chân truyền cho bộ Tiểu Vô Tướng Công, một trong ba tuyệt kỹ bậc nhất của ông, ngoài ra bà còn tinh thông nhiều loại võ công khác nhau.
Lâm Triều Anh không chỉ dung mạo tuyệt đẹp, lại là một cái võ học kỳ tài. Bà là người sáng lập ra phái Cổ Mộ, được mô tả là có võ công cao hơn 4 người trong Thiên hạ ngũ tuyệt và bất phân thắng bại với Trung Thần Thông - Vương Trùng Dương.
Võ công chân truyền của phái Cổ Mộ là Ngọc nữ tâm kinh. Sau khi vào cư trú ở Cổ Mộ, Lâm Triều Anh tìm hiểu những võ công mà Vương Trùng Dương khắc ở đây, rồi nghiền ngẫm cách khắc chế, từ đó viết nên Ngọc nữ tâm kinh chuyên khắc chế kiếm pháp của phái Toàn Chân, nhưng khi hai thứ kiếm pháp kết hợp lại thì gọi là Ngọc nữ tố tâm kiếm pháp.
Sau này, Vương Trùng Dương trở thành thiên hạ đệ nhất và sở hữu Cửu âm chân kinh, ông muốn dựa vào đó nghĩ ra cách hóa giải được Ngọc nữ tâm kinh nên đã đem Cửu âm chân kinh khắc trong mộ để hậu nhân của phái Cổ Mộ biết được. Có điều, Ngọc nữ tâm kinh là do Lâm Triều Anh tự sáng tạo ra, còn Vương Trùng Dương thì phải dựa vào bí kíp của người khác nên so ra thực lực vẫn kém Lâm Triều Anh một bậc.
Thực ra, Hoàng Sam nữ tử là một biệt danh mà giới giang hồ đặt cho nàng - vì nàng luôn mặc một bộ đồ màu vàng (hoàng). Tên thật của nàng là gì thì không ai biết, chỉ thấy Sử Hồng Thạch gọi nàng là Dương tỷ tỷ.
Một số dị bản của Ỷ Thiên Đồ Long ký có nhắc tới Hoàng Sam nữ tử được miêu tả là cô gái có "Thân hình thướt tha, cao gầy"; "Tóc đen, bóng, mềm mại được vấn cao; không trang sức, không chút phấn son, dáng vẻ tao nhã"; "Lông mày nàng dài và nhạt, tao nhã phong lưu; một nữ tử tinh tế, uyển chuyển như trong tranh vẽ". Qua những từ ngữ này, có thể thấy Hoàng Sam nữ tử sở hữu một vẻ đẹp chim sa cá lặn.
Luận về võ công, thực lực của Hoàng Sam nữ tử thể hiện rõ khi Chu Chỉ Nhược đã luyện thành công chiêu Cửu Âm Bạch Cốt Trảo, đánh bại hai cao thủ là Du Liên Châu và Ân Lê Đình, đánh lén Trương Vô Kỵ để rồi thuận lợi có được danh xưng "Thiên hạ đệ nhất". Nhưng sau khi Hoàng Sam nữ tử xuất hiện, nàng đã đánh bại Chu Chỉ Nhược dễ dàng chỉ bằng Cửu âm chân knh. Từ đây có thể thấy, Hoàng Sam nữ tử chính là mỹ nhân có võ công cao cường nhất trong "Ỷ Thiên Đồ Long ký".
Nhà văn Kim mô tả về A Thanh như sau "nàng có lông mi dài, mắt to, da trắng trẻo và dung mạo tú lệ." Dù A Thanh chỉ mới khoảng 16, 17 tuổi cầm một cây gậy trúc nhưng có thể đánh bại cả 8 kiếm sĩ đệ nhất nước Ngô. Theo nhiều học giả, A Thanh là người sở hữu chiêu thức Việt nữ kiếm đệ nhất thiên hạ xứng đáng đứng đầu trong các mỹ nhân của Kim Dung. Nếu so sánh, dù cái tên A Thanh khiến nhiều người bất ngờ nhưng các kỳ tài võ học như Tiểu Long Nữ, Chu Chỉ Nhược, Hoàng Dung, Hoàng Sam nữ tử... đều không bằng nàng.
Đại phu nước Việt là Phạm Lãi cả mừng, mời nàng về dạy kiếm cho quân Việt. Nhờ kiếm pháp mà A Thanh truyền thụ cho kiếm sĩ nước Việt mà Việt diệt được Ngô.
Nguồn: Sohu, 163, Sina