Bạn nghĩ gì về một câu chuyện cổ tích ? Có thể là "Cô bé Lọ Lem" quét lò sưởi bằng những miếng giẻ rách nát; là Hansel và Gretel lần theo những mẩu bánh mì trong một khu rừng tối tăm; hay nàng Bạch Tuyết, khuôn mặt tái nhợt chết chóc, nằm bất động trong quan tài thủy tinh.
Những hình ảnh này đã in sâu vào tâm thức trẻ thơ. Nhưng, tất cả câu chuyện đều có cùng một nhân vật phản diện: người mẹ kế độc ác.
Những người mẹ kế độc ác đã ám ảnh những trang sách cổ tích trong nhiều thế kỷ qua. Nhưng hình tượng kẻ gian ác này là ai, và mụ ta đến từ đâu? Và một nguyên mẫu thời hiện đại sẽ trông như thế nào?
Bà Maria Tatar, một chuyên gia về văn hóa dân gian Đức tại Đại học Harvard, đã đi tìm nguồn gốc sâu xa về hình tượng người mẹ kế luôn... ác độc.
Dì ghẻ ác độc là nữ hoàng La Mã đầu tiên?
Nguồn gốc của câu chuyện dì ghẻ độc ác có từ thời La Mã cổ đại. Đặc biệt là một nhân vật mang tính biểu tượng: Livia Drusilla, nữ hoàng La Mã đầu tiên.
Livia là vợ thứ hai của Hoàng đế Caesar Augustus, người lên nắm quyền vào năm 44 trước Công nguyên.
Theo nhà sử học người Ý Augusto Fraschetti, vào thời điểm Livia và Augustus kết hôn, cô đã là mẹ của một cậu con trai tên là Tiberius.
Ở cuộc hôn nhân trước đó, Augustus có hai con trai: Gaius Caesar và Lucius Caesar. Một trong số họ đã được thiết lập để kế vị Augustus làm hoàng đế, nhưng có một vấn đề: cả hai đều chết.
Tin đồn về việc Livia chơi xấu bắt đầu lan truyền, và ngọn lửa tin đồn lại bùng lên nhiều năm sau đó khi Agrippa Postumus, cháu trai của Augustus và một người thừa kế ngai vàng tiềm năng khác, bị trục xuất và sát hại.
Cuối cùng, con trai của Livia, Tiberius lên ngôi, thay vì là hậu duệ trực tiếp từ dòng máu của Augustus.
Ở La Mã cổ đại, chính trị thống trị tối cao, việc công khai chỉ trích những người nắm quyền, đặc biệt là hoàng đế, bị coi là xấu. Nhưng có những cách khác, tinh tế hơn để bày tỏ sự không hài lòng.
"Một trong những cách bạn có thể chỉ trích một người đàn ông, là chỉ trích những người phụ nữ mà anh ta gắn bó", bà Peta Greenfield, một nhà sử học về La Mã cổ đại tại Đại học Sydney ở Úc, nói với trang tin Live Science .
Vì vậy, Livia có thể đã trở thành vật tế thần cho những lời chỉ trích về chồng và con trai của bà.
Hình tượng "phản diện" của các nhà văn hóa
Trong các nền văn hóa trên khắp thế giới, những câu chuyện về sự ganh đua độc hại của phụ nữ có rất nhiều.
Tuy nhiên, thông thường, các chi tiết cụ thể đã thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn xã hội của nơi này. Chẳng hạn, ở một số vùng của châu Phi và châu Á, người mẹ kế mang hình dáng người vợ thứ hai độc ác, người đã tra tấn người vợ cả đức hạnh. Và ở nhiều nơi tại châu Âu, cô ấy trở thành một người chị hoặc một người mẹ chồng hay ghen tị.
Khi Jacob và Wilhelm Grimm bắt tay vào việc thu thập và sắp xếp hợp lý các câu chuyện cổ tích Grimm của Đức vào đầu thế kỷ XIX, họ đã bị tai tiếng rất nhiều do trong truyện đó có nội dung người mẹ độc ác.
Bà Tatar giải thích: "Họ đã thay đổi rất nhiều mẹ và mẹ vợ thành mẹ kế, trong nỗ lực bảo tồn sự tôn nghiêm của tình mẫu tử".
Một lý do khác khiến những người mẹ kế nổi bật trong các câu chuyện dân gian từ thời này đã phản ánh thực tế một cách đơn giản. Sinh con là một công việc nguy hiểm và nhiều phụ nữ đã không sống sót sau trải nghiệm này.
Bà Tatar nói: "Khoảng một nửa số trẻ em lớn lên với cha ruột và mẹ kế".
Tất nhiên, những câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm đã trở nên vô cùng nổi tiếng và là nền tảng cho nhiều bộ phim của Disney, từ "Bạch Tuyết" đến "Tangled".
Những bộ phim này, cũng như những bộ phim lấy cảm hứng từ tác giả người Đan Mạch ở thế kỷ XIX, Hans Christian Andersen, với truyện cổ tích Andersen, đã mang đến cho chúng ta một số nhân vật phản diện tiêu biểu nhất từng được đưa lên màn ảnh.
Từ phù thủy biển Ursula của "Nàng tiên cá", Maleficent của "Người đẹp ngủ trong rừng" và nữ hoàng độc ác của nàng Bạch Tuyết.
Nhưng khi xã hội ngày một coi trọng việc đối xử với phụ nữ hơn, Disney đã bắt đầu sửa chữa nhiều nhân vật mẹ kế độc ác của mình hoặc bỏ qua hoàn toàn, như trong các bộ phim "Moana", "Frozen" và "Maleficent". Trong đó vẽ nên người mẹ kế như một nhân vật thường bị hiểu lầm.
Bà Tatar nhìn nhận sự thay đổi này là tích cực. "Theo một cách nào đó, những câu chuyện thời xưa rất thiêng liêng. Nhưng chúng ta không còn sống ở thế kỷ XIX tại Đức nữa. Giá trị của phụ nữ đã thay đổi và những câu chuyện kể về người mẹ kế cũng sẽ thay đổi", bà nói.