DeepSeek đã trở nên vô cùng phổ biến. Dạo trước, tôi đã thử dùng nó để chỉnh sửa một bản thảo. Một số đoạn miêu tả của nó khiến tôi toát mồ hôi hột. Còn về văn bản hành chính hay viết tài liệu thì nó xử lý cực kỳ dễ dàng. Dù là viết bài hay lập kế hoạch, toàn bộ quá trình vừa hiệu quả lại vừa đơn giản. Chỉ cần dùng một lần là tôi mê mẩn luôn, cảm giác như có một nhà văn đỉnh cao làm trợ lý bên cạnh.
Cho đến cuối tuần trước, tôi đến nhà một người bạn chơi. Lúc tôi gõ cửa, hai mẹ con đang cãi nhau đỏ mặt tía tai. Bạn tôi giận dữ quát con: "Sao con lại dùng DeepSeek để viết văn? Làm thế chẳng khác gì đối phó với cô giáo!" Cậu con trai thản nhiên đáp: "DeepSeek viết vừa nhanh lại vừa hay, con phải tốn công làm gì". Bạn tôi bất lực nói: "Cứ dựa dẫm vào AI như thế, sau này con sẽ hỏng mất."
Câu nói ấy khiến tôi lạnh toát sống lưng: DeepSeek cái gì cũng làm được, vậy tôi còn có ích gì nữa?
Đúng như nhà bình luận thời sự đã từng nói: "Hiện nay xã hội đang tràn ngập tâm lý sốt ruột kiểu DeepSeek, việc gì cũng trông chờ vào một cú click với AI.
Về bản chất, đó chính là sự lười biếng, khôn lỏi, nóng vội, muốn có thành quả mà không cần nỗ lực, không cần suy nghĩ…" Một khi con người đã sinh ra sự lệ thuộc vào AI, thì sẽ dần dần trở nên vô dụng.
Trên Zhihu, tôi đã đọc được một bài chia sẻ cá nhân. Chủ bài viết vừa được nhận vào làm nhân viên văn thư ở một doanh nghiệp nhà nước, công việc chủ yếu là viết một số tài liệu đơn giản.
Có lần, anh ấy dùng DeepSeek để soạn một bài phát biểu – chỉ mất năm phút là xong. Lãnh đạo đọc xong liên tục gật đầu khen ngợi, thậm chí còn dùng nguyên văn bài đó để phát biểu trong cuộc họp. Khoảnh khắc ấy, anh cảm thấy vô cùng phấn khích, nghĩ rằng bản thân thật sự rất giỏi. Từ đó về sau, bất cứ việc gì liên quan đến viết lách, anh đều phó thác hết cho DeepSeek.
Trong khi các đồng nghiệp lâu năm còn đang lặng lẽ chỉnh sửa câu chữ, anh đã pha tách trà, thảnh thơi lướt điện thoại. Nhưng đúng lúc anh đang đắc ý nhất, thì phòng nhân sự lại thông báo anh bị sa thải. Lý do rất đơn giản: Tập đoàn đã tích hợp AI vào quy trình làm việc, vị trí của anh bị thay thế hoàn toàn.
Thật ra, cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, ngày càng có nhiều người xuất hiện "tâm lý AI": chỉ cần có thể dùng AI để hoàn thành công việc thì nhất quyết không động tay động não. Đặc biệt là năm nay, khi DeepSeek đạt được bước đột phá, trở nên thông minh và hiệu quả hơn nữa. Con người, một cách vô thức, đã trở thành kẻ có thể bị thay thế.
Giáo sư Tần Tông Tài – chuyên ngành Báo chí – từng kể lại một câu chuyện như sau: Trong một buổi học, ông giao cho sinh viên năm cuối viết một bài luận ngắn. Không ngờ, lần này chất lượng bài làm lại đặc biệt cao.
Cả lớp không ai nộp trễ, bài nào cũng đúng định dạng, câu từ mạch lạc, văn phong trôi chảy. Trên lớp, ông hứng chí mời một sinh viên đứng lên trình bày quan điểm trong bài luận của mình. Không ngờ sinh viên đó ấp úng mãi, chẳng thể nói rõ ràng được điều gì. Sau khi hỏi kỹ, ông mới biết bài luận kia là do DeepSeek tự động tạo ra.
Giáo sư buồn bã nói: "Trước đây, tuy bài luận của sinh viên còn lộn xộn, thiếu sáng tạo, nhưng ít nhiều vẫn thể hiện được sự suy nghĩ và hiểu biết của các em.
Giờ đây, bề ngoài tuy có vẻ đẹp đẽ, nhưng thực chất sinh viên đã đánh mất năng lực tư duy độc lập." DeepSeek giống như một loại ma túy – có thể giúp giảm đau, làm dịu cảm giác khó chịu. Nhưng một khi đã nghiện, nó sẽ chỉ tàn phá não bộ, khiến con người hoàn toàn mất đi khả năng suy nghĩ.
Nhà sinh vật học Lamarck từng đưa ra thuyết "dùng thì tiến, không dùng thì thoái". Ý của ông là: Các cơ quan hay năng lực của sinh vật, nếu được sử dụng thường xuyên thì sẽ ngày càng phát triển, còn nếu ít sử dụng thì sẽ dần dần thoái hóa. Bộ não con người cũng không ngoại lệ. Nếu một người lâu dài phụ thuộc vào công cụ thông minh, não bộ sẽ mãi ở trong vùng an toàn, chức năng tư duy cũng sẽ thoái hóa theo.
Giáo sư Trương Di Vũ của Đại học Bắc Kinh từng nói: Trong làn sóng công nghệ AI, năng lực cạnh tranh cốt lõi vẫn nằm ở con người. Bởi vì những thông tin và kiến thức mà AI dễ dàng thu thập được, xét cho cùng vẫn là kết quả của tư duy con người. Vì thế, những người thật sự đi đầu luôn giữ cho mình một khả năng tư duy độc lập.
Nhà sáng lập DeepSeek – Lương Văn Phong – chính là một ví dụ như vậy. Đầu thế kỷ 21, máy tính bắt đầu phổ biến tại Trung Quốc và được đông đảo công chúng đón nhận.
Thời đó, rất nhiều sinh viên đại học theo đuổi các ứng dụng máy tính, nhưng Lương Văn Phong lại tin rằng tương lai của máy tính không chỉ dừng lại ở đó. Sau khi suy nghĩ kỹ càng, anh chuyển hướng sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo – một lĩnh vực khi ấy vẫn còn rất ít người quan tâm.
Khi tốt nghiệp đại học, trong khi bạn bè đều làm luận văn về phát triển phần mềm ứng dụng, thì anh lại nộp một bài nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Không ngờ, ý tưởng độc đáo của anh đã thu hút sự chú ý của một doanh nghiệp thuộc top 500 thế giới. Họ lập tức đưa ra một mức đãi ngộ vô cùng hấp dẫn. Thầy cô và bạn bè đều khuyên anh: "Cơ hội này hiếm có, nên nắm lấy thật chặt." Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ, Lương Văn Phong nhận thấy định hướng nghiên cứu của công ty này không phù hợp với mình. Anh không chút do dự từ chối lời mời, quyết định khởi nghiệp, phát triển hệ thống giao dịch định lượng tự động hoàn toàn.
Trong mắt nhiều nhà đầu tư, việc dựa vào AI để giao dịch tài chính nghe thật hoang đường. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh rằng con đường Lương Văn Phong chọn là hoàn toàn đúng đắn. Chỉ sau 10 năm, anh đã dùng AI để đầu tư và nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những nhà quản lý hàng đầu trong lĩnh vực quỹ đầu tư định lượng tại Trung Quốc, với số vốn quản lý vượt mức 100 nghìn tỷ nhân dân tệ. Về sau, nhờ kinh nghiệm nghiên cứu AI trong nhiều năm, Lương Văn Phong đã phát triển thành công DeepSeek và một bước tiến vào danh sách các tỷ phú thế giới.
Chính vì anh luôn kiên định với tư duy độc lập, mới có thể đạt được thành công rực rỡ như vậy.
Ngày nay, khi AI trở nên phổ biến, nhiều việc đã trở nên vô cùng dễ dàng. Những điều không hiểu, không biết, không làm được – ta đều có thể nhờ AI tìm ra câu trả lời có sẵn. Nhưng chính vào thời điểm đó, chúng ta lại càng nên chọn "chế độ khó".
Càng sống trong thời đại công nghệ phát triển, chúng ta càng cần khôi phục lại năng lực tư duy của bản thân. Đọc một cuốn sách hay, nghiền ngẫm một bài viết sâu sắc, tham gia một cuộc đối thoại ý nghĩa… Chỉ những người không ngừng học hỏi và suy nghĩ mới có thể bắt kịp nhịp bước của thời đại và không bao giờ bị đào thải.
"Công chức AI ở Thâm Quyến đã chính thức đi làm, biên chế công chức sẽ bị cắt giảm."
"Công ty công nghệ XYZ đã tích hợp DeepSeek, chuẩn bị sa thải 20% nhân sự."
Những chủ đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo liên tục leo lên top tìm kiếm.
Dễ dàng nhận ra, các chủ đề này đều có một điểm chung: con người bị AI thay thế.
Thật ra, khi DeepSeek vừa ra đời, rất nhiều người lao động từng vui mừng khôn xiết. Họ mơ rằng AI sẽ giúp mình hoàn thành công việc một cách nhẹ nhàng. Nhưng thực tế đã tát họ một cú đau điếng: những người chỉ biết mơ về "một cú nhấp chuột để AI làm hết" – cuối cùng đều bị AI loại bỏ.
Nhà văn Lý Nguyệt Lượng từng nói: "Trong thời đại này, nếu bạn chạy ở phía trước, sẽ thấy cơ hội ở khắp nơi, mọi thứ đều đầy sức sống. Nhưng nếu bạn tụt lại phía sau, bạn sẽ thấy mọi bước tiến đều vô cùng khó khăn." Trong kỷ nguyên AI, chỉ khi bạn là người không thể bị thay thế trong một lĩnh vực nào đó, bạn mới có thể đứng vững trong cơn sóng lớn của thời đại.
Tại Tokyo, có một xưởng phim hoạt hình. Trước đây, các họa sĩ vẽ phác thảo ở đó có thể dễ dàng kiếm được 200,000 yên mỗi tháng. Nhưng từ khi AI vẽ tranh ra đời, mức lương của họ tụt dốc không phanh – chỉ còn 30,000 yên. Bất đắc dĩ, họ đành phải dùng AI để tạo ra nhiều bức tranh hơn, mới đủ trang trải cuộc sống.
Họ giống như những công nhân dây chuyền lắp ráp, trở nên dễ thay thế và thiếu giá trị. Nhưng họa sĩ phác thảo Nakamura Yusuke ở Tokyo lại hoàn toàn khác. Trong quá trình sử dụng AI vẽ tranh, anh luôn cảm thấy các tác phẩm mà AI tạo ra quá hoàn hảo.
Cho đến một lần, anh nhớ đến tác phẩm "Tượng thần Vệ Nữ bị cụt tay", và chợt bừng tỉnh: Khiếm khuyết cũng là một loại vẻ đẹp – mà đó lại chính là điều AI không thể có: tư duy thẩm mỹ. Từ đó, anh bắt đầu nghiên cứu "mỹ học của sự khiếm khuyết" – cố ý giữ lại các lỗi logic trong tranh do AI tạo ra. Cuối cùng, loạt tác phẩm của anh đã được Bảo tàng nghệ thuật danh tiếng V&A trên thế giới thu thập và trưng bày.
Đúng như chuyên gia tư vấn kinh doanh Lưu Nhuận từng nói: Hãy làm những điều mà AI không làm được. AI không phải đến để thay thế chúng ta – mà là đến để định nghĩa lại: chúng ta nên làm gì. Khi AI phụ trách "thực thi", chúng ta nên tập trung vào "cách đặt câu hỏi". Khi AI cung cấp "dữ liệu", chúng ta nên khám phá "ý nghĩa của dữ liệu". Khi AI theo đuổi "độ chính xác", chúng ta cần khai phá "sự sáng tạo". Vì vậy, từ lúc này trở đi, hãy học cách đưa con người, cảm xúc và sự sáng tạo vào việc học và công việc của bạn.
Chỉ khi bạn đánh thức được động lực nội tại, giữ vững năng lực tư duy, bạn mới có thể dùng AI như một đòn bẩy – để luôn đứng ở thế bất bại.
Chuyên gia phân tích kinh doanh Tiền Mẫn Tri nói: "Thứ giết chết bạn không phải là DeepSeek, mà là tư duy 'người làm công cụ' của chính bạn." Nói một cách đơn giản, nhiều người chỉ xem bản thân như một công cụ – làm việc theo khuôn mẫu, công thức.
Những người như vậy, một khi gặp AI, sẽ dễ dàng bị AI điều khiển. Vậy trong thời đại AI, chúng ta nên phát triển năng lực tư duy từ những khía cạnh nào?
1. Tư duy lãnh đạo
Có người từng nói: "Trong tương lai, người khó bị thay thế nhất trong môi trường làm việc là người phụ trách dự án."
Bởi lẽ AI, suy cho cùng, chỉ là công cụ – là kẻ thực thi. Nó có thể viết bài, nhưng không thể quyết định tiêu đề bài viết. Nó có thể lập kế hoạch hành trình, nhưng không thể quyết định đích đến. Chỉ khi bạn phát triển tư duy lãnh đạo và trở thành người ra quyết định cho chính mình, bạn mới có thể thật sự làm chủ AI và sử dụng nó như một trợ thủ.
2. Tư duy thấu cảm
Rất đồng tình với một câu nói của nhà khoa học máy tính Lý Khai Phục: "AI dù mạnh đến đâu, nó vẫn có những điểm yếu không thể vượt qua – ví dụ như cảm xúc."
Dù thông minh đến mấy, máy móc vẫn là lạnh lùng; dù sức tính toán mạnh đến đâu, cũng không thể tính ra được cảm xúc trong lòng người. Sự ấm áp giữa người với người – đó là thứ AI không thể thay thế.
Hãy học cách nhạy bén với cảm xúc của người khác và phản hồi cảm xúc một cách phù hợp. Khi bạn có khả năng thấu cảm mạnh mẽ, bạn sẽ nhận được nhiều cơ hội hơn, có thêm không gian để phát triển.
3. Tư duy cá nhân – độc lập
Từng có người hỏi nhà văn Lưu Chấn Vân: "Anh có lo DeepSeek sẽ cướp mất 'miếng cơm' của anh không?"
Lưu Chấn Vân tự tin mỉm cười và nói: "DeepSeek chỉ có thể kết hợp và hòa trộn những thứ đã có.
Nó có thể dựa vào Tây Du Ký để viết ra Đông Du Ký, có thể dựa vào Hồng Lâu Mộng để viết ra Thanh Lâu Mộng, nhưng nó không thể viết ra "Một câu đỉnh vạn câu." (Cuốn sách từng đạt Giải thưởng Văn học Mao Thuẫn, giải văn học cao quý nhất Trung Quốc vào năm 2011, cuốn sách bàn về sự cô đơn, sự mất kết nối trong giao tiếp giữa con người với nhau, ngay cả khi họ sống gần nhau, làm việc cùng nhau hay là người thân ruột thịt, cuốn sách truyền tải thông điệp "Nói ngàn câu cũng vô ích nếu không có một câu thực sự hiểu nhau")
Vì vậy, sống trong thời đại AI, hãy cảnh giác trước việc trở thành người bắt chước. Ít chạy theo xu hướng, tăng cường sự độc lập. Cá tính của bạn – chính là "hào thành" vững chắc nhất bảo vệ bạn.
▽
Trong bộ phim "Truyền thuyết tốc độ", Trịnh Y Kiện có một câu thoại: "Người phải dữ hơn xe." Ý nghĩa là, xe chỉ là công cụ, còn con người mới là người điều khiển công cụ. Bắt kịp chuyến tàu AI của thời đại, đúng là có thể giúp tăng tốc bước đi của chúng ta. Nhưng người quyết định sẽ đi đến đâu, chỉ có thể là chính chúng ta. Những người chỉ biết leo lên tàu mà không suy nghĩ, cuối cùng sẽ lạc lối trên hành trình cuộc đời.
Vì vậy, dù làm việc gì, trước tiên hãy từ bỏ tư duy "một click là xong với AI". Giữ thói quen suy nghĩ độc lập, kiên trì học tập suốt đời, AI sẽ không bao giờ thay thế được bạn.