Được tạp chí kinh doanh Fortune giới thiệu là một trong những “cuốn sách mê hoặc nhất về những tranh đấu ở Thung lũng Silicon”, “Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram” (tựa gốc: “No Filter”) của Sarah Frier, phóng viên Bloomberg News, đã cung cấp cho độc giả một câu chuyện sâu sắc và chân thực xoay quanh hành trình phát triển của Instagram.
Với những “tình tiết chưa từng được tiết lộ” từ các nguồn tin độc quyền - trong đó có các nhà sáng lập, nhân viên, giám đốc điều hành và cả người nổi tiếng - cuốn sách này đã cho thấy sức tác động to lớn của Instagram đối với xã hội, mối quan hệ đầy rủi ro giữa chúng ta với công nghệ, cuộc chiến khốc liệt giữa các công ty trong việc tranh giành sự chú ý của người dùng cũng như tham vọng thống trị đáng sợ của Facebook.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2010 khi Kevin Systrom và Mike Krieger - hai cựu sinh viên Đại học Stanford - ra mắt ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram, cho phép người dùng sử dụng các bộ lọc để làm cho những bức ảnh họ chụp trở nên đẹp hơn. Nhờ tận dụng được sự ủng hộ của cộng đồng nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia, ứng dụng này nhanh chóng trở nên phổ biến với cả người nổi tiếng lẫn người bình thường.
Bước ngoặt xảy đến khi Instagram được Facebook mua lại với giá 1 tỷ đô-la, “gây rúng động” giới công nghệ vào năm 2012. Kể từ đó, Instagram đã không ngừng chinh phục các cột mốc ấn tượng về số lượng người dùng, cải thiện các tính năng giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, tăng doanh thu quảng cáo…
Nhưng cũng từ đó, cuộc đấu tranh với “công ty mẹ” để giữ vững các giá trị văn hóa và đảm bảo lợi ích của người dùng đã kéo dài dai dẳng, cuối cùng kết thúc với sự ra đi của hai nhà sáng lập Instagram. Đây cũng là nội dung cốt lõi của tác phẩm này, được kể từ một góc nhìn “không áp dụng bộ lọc nào ngoài bộ lọc của chính tác giả”.
Đến nay, Instagram không còn là một “cộng đồng” nhỏ bé. Khi những người dùng trẻ tuổi tham gia Instagram, họ đã phát minh ra một quy tắc giao tiếp mới, bao gồm cả việc trao đổi lượt thích và lượt theo dõi. “Cộng đồng Instagram của những người khát khao thuật lại những câu chuyện thú vị trong từng khoảnh khắc đã phát triển thành một nền văn hóa siêu đại chúng.” Instagram dần thay đổi cách chúng ta giao tiếp, mua sắm, ăn uống, du lịch; đồng thời nó cũng tạo nên nền công nghiệp hàng tỷ đô-la xoay quanh những “người có ảnh hưởng” (influencer). Tuy nhiên, cũng chính sự lớn mạnh của Instagram đã làm lan rộng những vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm và gây nhiều tác động không tốt khác đến người dùng.
Nói đến Instagram, chúng ta không thể không nhắc đến câu hỏi về tính độc quyền của Facebook: Liệu công ty này có nên được chia nhỏ hoặc quản lý chặt chẽ hơn hay không, khi quyền lực của nó ngày càng lớn và có thể khuynh đảo nền chính trị? Năm 2019, ngay cả nhà đồng sáng lập Chris Hughes của Facebook cũng kêu gọi cơ quan quản lý đảo ngược thương vụ thâu tóm Instagram. Anh viết trên tờ New York Times: “Quyền lực của Mark là vô tiền khoáng hậu và không hề có chất Mỹ”.
Systrom và Krieger đã bán Instagram cho Facebook vì muốn nó lớn mạnh hơn, hợp thời hơn và tồn tại lâu hơn. Nhưng sau cột mốc 1 tỷ người dùng, ứng dụng mà họ phát triển đã mắc kẹt trong những rắc rối về cá tính, lòng tự tôn cá nhân và các ưu tiên. Ngày nay, Instagram ngày càng giống với hình ảnh của Facebook - công ty thực dụng nhất ở Thung lũng Silicon - hơn bao giờ hết.
Với phong cách tường thuật câu chuyện qua một góc nhìn tổng thể kết hợp lời kể của nhiều người, tác phẩm của Sarah Frier có sức hấp dẫn chẳng khác gì một bộ phim truyền hình. Độc giả sẽ được dẫn dắt từ những vấn đề trong quá trình hình thành ý tưởng đến những diễn biến kịch tính khi Systrom và Krieger phải đấu tranh để giữ vững “giá trị Insta” mà họ luôn theo đuổi, không để nó bị ảnh hưởng bởi tham vọng “tăng trưởng bằng mọi giá” của công ty mẹ…
Tuy là tác phẩm đầu tay, nhưng với cách hành văn sắc sảo và những hiểu biết sâu sắc của một nhà báo từ Bloomberg News, “Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram” đã mang về cho Sarah Frier giải thưởng “sách kinh doanh của năm” do Financial Times trao tặng vào năm 2020. Tác phẩm này cũng được tạp chí Fortune, The Economist và NPR vinh danh là “cuốn sách hay nhất của năm”. “Một câu chuyện hấp dẫn cho thấy lý tưởng của các nhà sáng lập công ty công nghệ có thể bị tác động thế nào bởi việc tạo ra lợi nhuận”. (Wall Street Journal)
Báo chí nói gì về cuốn sách
* “Frier đã bám sát Instagram và các nhà sáng lập của nó - Kevin Systrom và Mike Krieger, đồng thời đưa ra thêm chi tiết mới về các nhân vật tầm cỡ như Jack Dorsey và Mark Zuckerberg.... Cuốn sách nhìn nhận rõ ràng và khách quan về các nhà sáng lập và những khuyết điểm của họ, mà không quá cường điệu hoặc đơn giản hóa - một sự cân bằng đáng kinh ngạc trong việc đưa tin về công nghệ hiện nay.... Chúng ta cần một cuốn sách như thế này để giải thích về cái mà chúng ta đang nhấp vào mỗi ngày. Tôi dành hàng giờ nhìn chằm chằm vào màn hình, và bây giờ tôi đã hiểu rõ hơn về những người đang nhìn lại tôi.” – New York Times
* "Những công ty khởi nghiệp thành công ở Thung lũng Silicon đôi khi được miêu tả như một con tàu vũ trụ vừa bay vừa được xây dựng. Với cuốn sách ‘Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram’, Sarah Frier đưa bạn vào bên trong con tàu vũ trụ Instagram. Đây là một tài liệu được phác thảo một cách chi tiết và đẹp đẽ về một công ty đã thay đổi xã hội, danh tiếng, văn hóa, kinh doanh và giao tiếp – điều đó đôi khi là tốt hơn, như Frier đã thể hiện một cách khéo léo, hoặc cũng có thể là tệ hơn." —Nick Bilton, phóng viên đặc biệt của Vanity Fair, tác giả cuốn Hatching Twitter
* "Cuốn sách kết hợp các báo cáo chi tiết với cách kể chuyện mãnh liệt chạm đến trái tim người đọc về cách mà Instagram đã định hình cuộc sống của chúng ta, cho dù bạn có đang sử dụng ứng dụng này hay không. Đây không chỉ là một câu chuyện về kinh doanh, mà còn là một câu chuyện về văn hóa, danh tiếng và cuối cùng là sự kết nối con người. Frier kể về cuộc sống của những người đã được thay đổi nhiều nhất bởi Instagram với sự cẩn thận và sắc thái tuyệt vời, dẫn bạn đến những nơi mà bạn không bao giờ ngờ đến. Báo cáo đầy thuyết phục, kết hợp với cách viết thông minh và quan điểm thấu đáo, khiến ‘Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram’ trở thành cuốn sách giải trí hay nhất mà tôi từng đọc trong nhiều năm." —Taylor Lorenz, phóng viên của the New York Times
* "Sarah Frier đã mang đến một cuộc khám phá tuyệt vời về những thăng trầm của bản chất con người. Cuốn sách một phần là những drama về kinh doanh - đầy những câu chuyện về sáng tạo, tham vọng và âm mưu - một phần là nghiên cứu của nhà nhân chủng học về cuộc sống hiện đại. Báo cáo sinh động của Frier và cách tường thuật kịch tính mang lại bản thảo chính xác về cách Instagram trở thành một hiện tượng văn hóa và ý nghĩa của sự thành công của ứng dụng này đối với chúng ta." —Ashlee Vance, tác giả cuốn sách Elon Musk: Tesla, SpaceX, and the Quest for a Fantastic Future
* "Frier nắm bắt được sức mạnh mà Instagram mang lại trong xã hội ngay cả với những người không sử dụng nó.... Tác giả đã khéo léo lồng ghép tác động văn hóa của Instagram vào những gì có thể là một câu chuyện kinh doanh lạnh lùng, bổ sung kết cấu và bối cảnh phong phú, đồng thời mang đến cho những người không phải là tỷ phú thứ gì đó mà chúng ta có thể liên hệ được. Những dòng chảy phức tạp của thung lũng." - Bưu điện Washington
Về tác giả
Sarah Frier là phóng viên của Bloomberg News, chuyên viết về các công ty công nghệ lớn. Những bài báo đoạt giải và câu chuyện nổi bật của Frier đã giúp cô được nhiều người biết đến như một chuyên gia về cách các quyết định kinh doanh của Facebook, Instagram, Snapchat hay Twitter đang ảnh hưởng đến tương lai của họ và xã hội của chúng ta.
Frier cũng là một cộng tác viên quen thuộc của tạp chí Bloomberg Businessweek và kênh Bloomberg Television.