Sau khi bất chấp nguy hiểm để cứu được bé gái mắc kẹt trên tầng tum của ngôi nhà đang bốc cháy dữ dội ở Hà Nội, anh Trung Văn Nam (Thanh Hóa) được cộng đồng mạng gọi là "người hùng", được các cấp Trung ương và địa phương khen thưởng. Thế nhưng, khi được hỏi về hành động của mình, anh thợ sửa điều hòa này vẫn ngượng ngùng, xem đó là điều bình thường.
Thấy có người gặp nguy hiểm không thể khoanh tay đứng nhìn!. Đó là nguyên tắc sống của anh Nam, nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải ai cũng có thể làm được như thế.
Trong một năm dịch giã đau thương vừa qua, biết bao người đã không màng sức khỏe của mình để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Có những người bình thường đã làm nên những điều phi thường như "người hùng" Vũ Quốc Cường (TPHCM).
Người đàn ông hơn 20 năm dành toàn bộ thành quả lao động của bản thân và gia đình cho hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là hỗ trợ đồng bào chống dịch Covid-19. Đến khi nằm xuống vì chính Covid-19, anh Cường vẫn đau đáu về những kế hoạch thiện nguyện dang dở dù bản thân mình vẫn chưa có một căn nhà riêng đúng nghĩa để vợ con có thể thờ phụng anh một cách đàng hoàng.
Tính đến nay, hơn 6.000 trẻ đã và đang được nuôi dưỡng tại 17 Làng Trẻ em SOS trên cả nước. Những đứa trẻ có hoàn cảnh riêng bất hạnh, đã được nhận sự yêu thương, chăm sóc, bao bọc của hàng trăm bà mẹ. Những người mẹ chưa từng mang nặng đẻ đau, không hề có quan hệ huyết thống đã dành toàn tâm, toàn ý nâng đỡ những cánh chim mồ côi vượt qua bão tố cuộc đời.
Suốt 17 năm qua, hàng chục phóng viên Báo điện tử Dân trí đã và đang tận lực cống hiến cho hoạt động thiện nguyện, lan tỏa thông điệp "Nhân văn - Nhân bản - Nhân ái". Mỗi năm có 365 ngày thì cũng có bấy nhiêu hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo được đăng tải, kết nối với những tấm lòng hảo tâm; hàng chục ngôi trường, cây cầu mang tên Dân trí được xây dựng khắp các vùng khó khăn nhất cả nước.
Nếu bảo viết bài vì nhuận bút, điều đó chắc chắn không đúng với phóng viên Dân trí, bởi lẽ, những hoàn cảnh trước khi đến và đón nhận sự giúp đỡ từ độc giả, luôn được chúng tôi chia sẻ từ những đồng nhuận bút của mình. Bằng ngòi bút của mình, chúng tôi tự hào khi đã lan tỏa sự tử tế đến với những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, tiếp thêm lòng tin và động lực để họ vượt lên nghịch cảnh, bằng chính tình yêu thương của cộng đồng xã hội.
Sự tử tế đáng giá bao nhiêu? Tôi nghĩ không thể đong đếm bằng những thước đo vật chất thông thường, bởi sự tử tế và thiện lương là điều vô giá.
Những người như anh Nam, anh Cường hay hàng trăm bà mẹ Làng Trẻ em SOS, chắc hẳn chưa bao giờ họ nghĩ mình làm như thế để được gì? để mưu cầu gì cho bản thân. Đơn giản, họ đã sống và làm những việc mà bản thân nghĩ nên làm và phải làm, để không sống hoài, sống phí và hổ thẹn với lòng mình .
Tôi đã chạnh lòng xót xa khi nhìn ban thờ đơn sơ, đóng tạm trên bức tường căn phòng cả gia đình anh Cường "ăn nhờ ở đậu" bấy lâu nay. Nhưng khi thấy nụ cười anh trên di ảnh, giữa những tấm giấy khen, bằng khen tôi lại nghĩ khác. Những gì anh đã làm, những di sản yêu thương anh để lại, như chị Tuyết Lan, vợ anh nói "anh đã sống một cuộc đời ý nghĩa, ngay cả khi mất".
Tin rằng, người thân và cộng sự của anh, sẽ lan tỏa thêm những điều tử tế mà anh đã tận lực cống hiến cho đời.
Có một câu châm ngôn khuyết danh "Không hành động tử tế nào sẽ dừng lại chỉ với chính nó. Một hành động tốt đẹp dẫn tới một hành động khác. Những tấm gương được noi theo. Một hành động tử tế đơn giản vươn rễ về mọi hướng, và rễ vươn lên mọc thành cây cối. Điều vĩ đại nhất mà lòng tốt làm được cho người khác là khiến chính họ cũng trở nên tốt đẹp".
Sống tử tế, suy nghĩ tích cực và làm những điều tử tế, tôi nghĩ không phải là bản năng, mà là sự lựa chọn. Lựa chọn để lan tỏa niềm vui, niềm hi vọng tới nhiều người; lựa chọn để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chính mình.
Và cuộc đời dẫu khó khăn đến mấy cũng trở nên tốt đẹp hơn, nhờ những điều tử tế, dù nhỏ bé hay lớn lao, phải không các bạn?