Phó tổng trấn Gia Định là sủng thần thời Gia Long bị Minh Mạng xử chết vì tham nhũng
Không có chuyện vua Minh Mạng xử tử 'cha vợ' là Phó tổng trấn Gia Định
Tại sao người ta tin Hoàng Công Lý là cha vợ của Minh Mạng là một điều hiển nhiên, không cần bàn cãi? Đa phần đều tin theo quán tính từ ghi chép của Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn năm xưa và cả từ cuốn Ký ức lịch sử về Gia Định và các vùng phụ cận của Trương Vĩnh Ký.
Ghi chép của Vương Hồng Sển như sau: "Gần Tam Tông Miếu, mấy năm về trước còn thấy một ngôi mộ xây ô dước to lớn, vì chồm ra lộ cái quá nhiều nên bị cải táng. Hỏi ra đó là mả Huỳnh Công Lý. Công Lý là quan to có con gái hầu đức Minh Mạng, được vua sủng ái nên hay cậy thế ỷ thần. Theo cụ Trương Vĩnh Ký chép lại, Lê Tả quân mắc ra chầu vua ngoài Huế, Công Lý ở lại Sài Gòn, có làm nhiều điều ngang dọc và dường như có xúc phạm đến một cô hầu của Tả quân. Khi về Quan Lớn Thượng hay được cả giận bèn tâu tự sự lên Minh Mạng. Ông vua này có ý binh vực cha vợ nên hạ chỉ giải Công Lý ra Kinh đặng dễ bề tha tội. Tả quân biết trước, sẵn có trong tay Thượng phương Kiếm được quyền “tiền trảm hậu tấu” bèn chém đầu Huỳnh Công Lý, sai quân đóng thùng ướp muối, gởi thủ cấp về Kinh, trên nắp thùng viết mấy chữ: "Phụng Thừa Thánh Chỉ, xử trảm tội nhân". Minh Mạng thấy sự đã rồi, trong lòng căm giận nhưng không làm gì được Lê Công. Sau Bố chánh Bạch Xuân Nguyên đem chuyện này ra kết tội khi quân cho Lê Công và vu thêm nhiều tội lớn nữa".
Chi tiết phi lý thứ nhất trong giai thoại kể trên là "Công Lý là quan to có con gái hầu đức Minh Mạng". Nếu được Minh Mạng sủng ái thì con gái của Hoàng Công Lý đã được phong tước phi hay tần và được ghi chép. Trong khi thế phả của hoàng tộc nhà Nguyễn không hề ghi tên bà phi hay người vợ nào của Minh Mạng mang họ Hoàng hay Huỳnh.
Cuốn Nguyễn Phước tộc (nxb Thuận Hóa 1995) có ghi vua Minh Mạng có tổng cộng là 43 bà vợ. Ngoài ra, còn một số bà khác không rõ tên và lai lịch. Con gái của Hoàng Công Lý (nếu có) thì sẽ thuộc thành phần có tên, có lai lịch và tất nhiên sẽ được ghi vào. Ngay cả con gái của một tội thần là Lê Thị Tường (con gái của Lê Chất) còn có tên trong danh sách 43 bà vợ thì không lẽ gì con gái của Hoàng Công Lý bị bỏ rơi cả. Nhưng đáng tiếc là trong 43 người được nêu gồm cả các cung nhân không được phong tước đều không có ai mang họ Hoàng hay Huỳnh. Hơn nữa, Minh Mạng lên ngôi chưa được 1 năm thì Hoàng Công Lý đã bị tố cáo thì e rằng ông chưa đủ thời gian để cậy thế ỷ thần.
Chi tiết phi lý thứ hai trong giai thoại kể trên là "Lê Tả quân mắc ra chầu vua ngoài Huế, Công Lý ở lại Sài Gòn, có làm nhiều điều ngang dọc". Cần nhớ 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (tức ngày 3.2.1820 Tây lịch), Gia Long băng hà thì Minh Mạng lên ngôi. Sau đó khoảng 2 tháng tức tháng 2 âm lịch 1820, Tổng trấn Gia Định khi ấy là Nguyễn Văn Nhân dâng biểu thành khẩn xin vào viếng tang. Vua y cho, sai Hiệp tổng trấn Trịnh Hoài Đức quyền lĩnh ấn vụ Tổng trấn.
Tháng 5 năm Minh Mạng 1 (1820), lấy Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định. Một tháng sau, Trịnh Hoài Đức được triệu về Kinh. Tháng 7, Duyệt sai Hoàng Công Lý đi đánh giặc Kế cướp phá trên các đạo Quang Hóa, Quang Phong và Thuận Thành (vùng biên giới Tây Ninh). Hoàng Công Lý thắng trận. Tháng 9 cùng năm, Phó tổng trấn Gia Định là Hoàng Công Lý tham lam trái phép bị quân nhân tố cáo hơn 10 việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên.
Những mốc sự kiện được ghi chép trong Đại Nam thực lục cho thấy chức vụ Tổng trấn Gia Định luôn có người tại chỗ nắm giữ. Văn Nhân sau khi dâng biểu và được phép cho ra Huế thì Hoài Đức lĩnh ấn, Lê Văn Duyệt đến thì Trịnh Hoài Đức mới có thể về kinh. Vậy lấy đâu ra khoảng thời gian cho Lê Văn Duyệt ra chầu còn Hoàng Công Lý ở nhà trêu ghẹo người hầu của Tả Quân? Đại Nam thực lục năm đó cũng chép Lê Văn Duyệt có biểu tấu xin về Kinh nhưng bị Minh Mạng bác nên quả thật khó có chuyện như giai thoại chép.
Chi tiết phi lý thứ ba là "Vua có ý binh vực cha vợ nên hạ chỉ giải Công Lý ra Kinh đặng dễ bề tha tội". Trên thực tế, Đại Nam thực lục chép: "Vua sai đình thần hội bàn. Đều nói: “Công Lý bị người kiện, nếu triệu về Kinh để xét, tất phải đòi nhân chứng đến, không bằng để ở thành mà tra xét là tiện hơn”. Vua cho là phải, bèn hạ Công Lý xuống ngục, sai Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Đình Thịnh đến hội với tào thần ở thành mà xét hỏi". Rõ ràng Minh Mạng đồng ý giam Công Lý ở Gia Định và cử quan thuộc bộ hình từ kinh đô vào Gia Định xét xử chứ đâu có hạ chỉ giải Công Lý ra Kinh.
Vương Hồng Sển là nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ mà tôi luôn kính trọng, nhưng cuốn Sài Gòn năm xưa không phải là một cuốn sử mà mang tính chất ghi chép từ dân gian nhiều hơn. Bản thân giai thoại trên của Vương Hồng Sển cũng chép theo quán tính từ cuốn Ký ức lịch sử về Gia định và các vùng phụ cận của Trương Vĩnh Ký. Trong cuốn đó, Trương Vĩnh Ký có có đề cập đến một trong những ngôi mộ nổi tiếng nơi nghĩa trang mà ông biết là mộ Hoàng Công Lý như sau:
“Ai cũng biết ngôi mộ nằm cạnh đường sắt tàu hơi (tramway, khi ấy chưa chạy bằng điện) gần nhà ông Vandelet, Minh Mạng đã chu đáo cho xây ngôi mộ này để tôn vinh bố vợ là Huỳnh Công Lý; ông này bị chặt đầu theo lệnh của Lê Văn Duyệt.
Trước đây Huỳnh Công Lý làm quan trấn tỉnh Gia Định (tức Sài Gòn). Trong một lần Tổng trấn du hành ra Huế, Lý đã giao du với các bà vợ của Duyệt. Khi từ kinh về và được thông báo về tính nham nhở của quan phụ tá, Tổng trấn liền cho xử trảm mà không đủ lý do chính đáng, cũng không kiêng nể gì Minh Mạng".
Như vậy, Trương Vĩnh Ký cũng không dựa vào tài liệu lịch sử nào khác để ghi chép về câu chuyện của Hoàng Công Lý mà dựa vào điều mà ông nói là "ai cũng biết" nên có thể tin ghi chép của ông dựa theo giai thoại phổ biến thời đó mà thôi. Bằng tất cả lòng kính trọng, tôi luôn coi Trương Vĩnh Ký là một học giả uyên bác nhưng tôi cho rằng ông không phải là người nghiên cứu sâu về lịch sử hoàng tộc nhà Nguyễn.
Bằng chứng là trong ghi chép về các địa danh ở Gia Định năm 1885, Trương Vĩnh Ký có lý giải việc cầu Hoa bị gọi thành cầu Bông như sau: “Chữ Hoa bị cấm kỵ để kính tên riêng một ông hoàng”. Nhưng trên thực tế Hoa không phải tên một ông hoàng mà là tên mẹ vua Thiệu Trị, bà Hồ Thị Hoa, quê ở Thủ Đức. Nếu Trương Vĩnh Ký thực sự nghiên cứu kỹ sử nhà Nguyễn thì ông sẽ phải nhớ không ông hoàng nhà Nguyễn nào có tên là Hoa. Và nếu Trương Vĩnh Ký nhớ kỹ tên các bà vợ Minh Mạng thì ông phải nhớ bà Hồ Thị Hoa chính là người vợ số 1 của Minh Mạng, là mẹ vua Thiệu Trị và không vội vã ghi chép Hoàng Công Lý là cha vợ của Minh Mạng một cách thiếu kiểm chứng.
Lật lại cả cuốn Sài Gòn năm xưa và cuốn Ký ức lịch sử về Gia Định và các vùng phụ cận thì chúng ta đều thấy cái Phi Lý lớn nhất là ghi việc Lê Văn Duyệt chém Hoàng Công Lý vì chuyện Công Lý làm Lê Văn Duyệt nổi máu ghen (Sài Gòn năm xưa nói Hoàng Công Lý dường như có xúc phạm đến một cô hầu của Tả quân còn Ký ức lịch sử về Gia Định và các vùng phụ cận nói Hoàng Công Lý đã giao du với các bà vợ của Duyệt). Cả hai không hề nhấn việc Lê Văn Duyệt kết tội Hoàng Công Lý tham nhũng nên bị chém đầu.
Như vậy, câu chuyện được Vương Hồng Sển và Trương Vĩnh Ký ghi chép đã biến Hoàng Công Lý như kẻ đam mê nữ sắc, Lê Văn Duyệt là người hay ghen tuông, nhỏ nhen còn Minh Mạng là ông vua thù vặt. Có lẽ nhiều người không thỏa mãn với kiểu giai thoại hài hước này nên xuất hiện biến thể giai thoại theo cách bênh vực Lê Văn Duyệt hay bênh vực Minh Mạng. Điều đáng buồn là các biến thể vẫn coi chi tiết "Hoàng Công Lý là cha vợ của Minh Mạng" là điểm mấu chốt để đẩy cao giá trị câu chuyện bất chấp thực tế Đại Nam thực lục, thế phá nhà Nguyễn không ghi nhận điều này. Chúng ta sẽ bàn tiếp các biến thể của giai thoại "Lê Văn Duyệt chém đầu cha vợ Minh Mạng" với đầy các mâu thuẫn ở kỳ sau.
Anh Tú