Một trong những khẩu hiệu nổi tiếng của Epictetus (bậc thầy Khắc kỷ cổ đại) là “chịu đựng và buông bỏ”. Chúng ta đã thấy rằng việc từ bỏ những đồ ăn thức uống không lành mạnh hoặc không cần thiết có thể được áp dụng như một cách luyện tập để phát triển tính tự kỷ luật, hay “sự tiết độ” trong ăn uống như thế nào. Khả năng chịu đựng liên quan tới đức tính “can đảm” và có thể được phát triển đơn giản bằng cách tập chịu đựng những khó chịu hay mệt mỏi thông thường, ở một chừng mực nhất định, khi trải qua hoạt động rèn luyện thể chất.
Musonius (triết gia Khắc kỷ người La Mã cổ đại) nói rằng chúng ta có cả cơ thể và trí óc, mặc dù luôn cần chú tâm hơn vào trí óc thì chúng ta cũng phải rèn luyện cả hai. “Chúng ta sẽ luyện cả thân thể và trí óc khi chúng ta làm quen với sự nóng, lạnh, đói, khát, khan hiếm thức ăn, giường cứng, thiếu thú vui và chịu đựng đau đớn” (Lectures, 9).
Chúng ta không cần cởi bỏ quần áo và ôm những bức tượng lạnh băng trong mùa đông để luyện khả năng chịu đựng như những người khuyển nho đã làm. Nhưng chỉ cần thực hành: chạy, đi bộ nhanh, yoga duỗi người là các hình thức tập luyện đơn giản giúp chúng ta phát triển sức bền thể chất.
Một số triết gia Khắc kỷ luyện tập thể chất có thể kể đến như:
- Zeno - nhà sáng lập chủ nghĩa Khắc kỷ nổi tiếng về khả năng chịu đựng thể chất. Thay vì ngồi yên giảng bài, ông vừa thuyết giảng vừa đi tới đi lui nơi hành lang mà ông dạy học.
- Cleanthes - triết gia có ảnh hưởng thứ hai của chủ nghĩa Khắc kỷ, vốn là tay đấm bốc;
- Chrysippus, triết gia có ảnh hưởng thứ ba, là vận động viên môn chạy đường dài.
Nói cách khác, các nhà sáng lập chủ nghĩa Khắc kỷ rất chăm luyện tập thể chất. Tuy nhiên, cùng với quan điểm về chế độ ăn uống, có một sự lắt léo tinh vi kiểu Khắc kỷ ở đây. Trong khi con người ngày nay thường kiêng một số thức ăn nhất định để giảm cân, hoặc tập thể thao để tăng cường sức khỏe, cải thiện dáng vóc, thì người Khắc kỷ chỉ xem những kết quả này là “có thì tốt” nhưng suy cho cùng thì nó “không quan trọng”. Lý do thật sự để họ từ chối ăn một số loại thức ăn hoặc tuân theo một chế độ luyện tập thể chất khắc nghiệt là nhằm mục đích tăng cường đức tính “tự kỷ luật” và “can đảm”, hay khả năng chịu đựng.
Không phải chỉ khi nào chúng ta có kế hoạch giảm cân thì mới là lúc chúng ta cần rèn luyện thân thể. Nhưng rèn luyện thân thể là hoạt động cần thực hiện mỗi ngày để cơ thể được dẻo dai hơn, trí óc thêm sáng tạo hơn và tinh thần thêm hưng phấn hơn.
Với việc thực hành rèn luyện thân thể như người Khắc kỷ này, hi vọng bạn sẽ cảm thấy mỗi ngày sống là một ngày ý nghĩa mà tạo hóa đã ban tặng cho bạn, hãy sống có kỷ luật và can đảm đối mặt với nhiều thử thách trong cuộc sống.
Bạn muốn tìm hiểu hơn về những triết lý và các phương pháp thực hành sống khắc kỷ - một phương pháp sống tuy không phải mới lạ nhưng lại mang đến những kết quả rất hay mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng được, bạn có thể tìm đọc cuốn sách: Chủ nghĩa khắc kỷ.