Vài ngày sau khi nhập viện Mt. Sinai, Kaminski tử vong. Ông đã nhiễm Covid-19 - dịch bệnh do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra. Bởi nỗi sợ virus sẽ lây lan, người thân và gia đình không ai được phép đến vào thời điểm ông trút hơi thở cuối cùng.
"Nó có chút gì đó phi thực tế," - Diane Siegel, con dâu của Kaminski bàng hoàng. "Làm sao một người có thể ra đi nhanh đến vậy, mà chẳng có gia đình ở bên?"
Mitzi Moulds, người vợ đầu ấp tay gối của Kaminski suốt 30 năm qua, trước đó đã phải tự cách ly vì bản thân cũng đã nhiễm virus. Bà lo sợ, Kaminski đã tỉnh lại và nghĩ bà bỏ rơi ông.
"Sự thật là, tôi nghĩ ông đã ra đi trong cô độc," - Bert Kaminski, con trai của Steve. "Kể cả khi có các bác sĩ ở đó."
Khi đại dịch Covid-19 lan ra, một trong những điều ảnh hưởng nhất có liên quan đến nỗi sợ sâu kín nhất trong bản năng của mỗi chúng ta, đó là cô độc. Con người chúng ta từ xưa đã có tập tính sống gần gũi với cộng đồng, và đặc biệt cần đến người thân, gia đình vào những thời điểm sinh tử. Nhưng trớ trêu thay, điều chúng ta cần vào thời điểm sống còn ấy, lại có thể giết chết chúng ta.
Rất nhiều bệnh viện và nhà dưỡng lão đã phải đóng cửa, đặt người nhiễm Covid-19 vào khu cách ly nhằm ngăn dịch bệnh lan ra. Một bác sĩ thậm chí đã gọi đây là "biệt giam phiên bản y tế."
Sự đơn độc này thậm chí lan ra phạm vi bên ngoài các bệnh nhân nhiễm virus. Amy Tucci - chủ tịch Quỹ an dưỡng cuối đời Hoa Kỳ cho biết ước tính 40% người bệnh nhân an dưỡng của họ hiện đang ở các bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão, và rất nhiều trong số đó tiến hành hạn chế người vào thăm. Thân nhân giờ cũng lo lắng, rằng các cụ có thể ra đi mà chẳng có con cháu bên cạnh.
Việc phải ra đi một mình có một thứ gì đó gây ám ảnh. Nó tạo cảm giác người ra đi đã có một cuộc đời không trọn vẹn, thiếu tình thương, đến mức thời khắc cuối cùng của họ cũng không ai biết tới.
Người Nhật có một từ để mô tả về hiện tượng này: "kodokushi" - nghĩa là "chết đơn độc", để chỉ về hiện tượng những con người sống cả đời tách biệt, lúc ra đi mãi cũng chỉ đơn giản là biến mất, chẳng ai hay biết. Và giờ đây, khi các lễ tang buộc phải hủy hoặc hoãn lại vì virus, các nạn nhân của nó cũng chẳng khác gì đã biến mất mà chẳng ai hay cả.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đang phản bác lại điều này. Họ cho biết gần như tất cả các trường hợp, y bác sĩ và nhân viên y tế sẽ đứng quanh giường bệnh trong thời khắc cuối cùng của bệnh nhân. Dù không đủ, nhưng đó không đến nỗi là một cái chết cô độc như những gì nhiều người đang tưởng tượng.
Ít nhất, họ vẫn có các y bác sĩ ở bên
Là một chuyên gia bệnh phổi thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts, bác sĩ Emily Rubin là một trong những người phải ra tiền tuyến chống dịch. Bệnh viện của cô đã có 41 nhân viên y tế dương tính với virus, cũng không cho phép bất kỳ ai vào thăm trừ một vài trường hợp hãn hữu như sinh nở, và đôi khi là thời khắc cuối cùng của một bệnh nhân.
Tuy nhiên, Rubin cho biết tình hình đã thay đổi rất nhanh. Nhiều trường hợp, bệnh viện đã phải liên hệ với thân nhân, để 2 bên gặp nhau qua màn hình điện tử. Các trường hợp không liên hệ được, y bác sĩ và nhân viên y tế sẽ ở bên người bệnh trong thời khắc ấy.
"Dù dịch bệnh có kinh khủng thế nào, 'nghĩa cử nghĩa tận' vẫn là quan trọng," - Rubin cho biết. "Chúng tôi cảm thấy việc ở bên cạnh một người khi cuối đời có ý nghĩa rất lớn."
"Các nạn nhân trọng viên, họ không ra đi trong đơn độc." Tuy nhiên, Rubin cũng cho rằng việc tiễn đưa các bệnh nhân có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc và thể chất của y bác sĩ.
Daniela Lamas - bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện Brigham ở Boston chia sẻ như sau: "Những hình ảnh bệnh nhân tử vong vì virus corona tại Ý đã luôn gây ám ảnh chúng tôi. Hôm trước tôi có trò chuyện với một y tá thuộc khoa chăm sóc đặc biệt, hỏi về điều khiến cô lo lắng nhất. 'Bệnh nhân phải ra đi trong cô đơn,' - cô đáp một cách rất nhanh."
Khi nói đến chuyện phải ra đi một mình, chúng ta nghĩ về 2 nỗi sợ: một là nỗi sợ về việc người thân đi mà không có ai ở bên, và một là việc chính bản thân chúng ta phải ra đi như vậy.
"Nó khiến gần như tất cả chúng ta phải sợ hãi," - trích lời Bianchi, chuyên gia tâm lý tại Maryland.
Kerry Egan, nhân viên nhà an dưỡng cuối đời cho biết đa số các trường hợp, người ở lại còn đau đớn hơn. Chúng ta sẽ ao ước được ở đó, để giúp đỡ, làm dịu đi cảm xúc của người thân, như thể có cách đưa họ vượt qua sự thống khổ ấy một cách nhẹ nhàng.
"Mọi người, ai cũng dễ có cảm giác tội lỗi. Đáng ra mình có thể làm tốt hơn. Đáng ra mình có thể ngăn nó lại."
Đại dịch lần này mang đến những sự ra đi đầy bất ngờ, và nó làm tăng thêm nỗi lo. Nhiều người đã không thể đến bên giường bệnh người thân, nói những lời tiễn biệt cuối cùng trước khi nhắm mắt xuôi tay. Lễ tang và các nghi lễ cuối đời cũng tạm thời không còn nữa.
"Nhà an dưỡng cuối đời vốn là nơi để mọi người chiêm nghiệm lại cuộc đời, nói lời tiễn biệt, lời xin lỗi, nắm tay và gửi cho người thân những nụ hôn trước khi ra đi. Nhưng tất cả bỗng biến mất chỉ sau 1 đêm. Quả thực là một cơn ác mộng." - Tucci cho biết.
Thực ra, chuyện một người ra đi mà không có ai ở bên không hiếm. Nó xảy ra rất nhiều, và chủ yếu là do quan niệm mà thành.
Một gia đình có thể luôn túc trực bên giường bệnh trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. Nhưng chỉ một thoáng rời đi - đi lấy bánh, uống nước, hoặc đi tắm thôi, người thân đã ra đi. Như vậy, chẳng phải là ra đi trong đơn độc?
"Những câu chuyện như vậy xảy ra rất nhiều lần," - Brewer, nhân viên nhà an dưỡng tại Maryland cho biết. "Nhưng tôi có một sự cố ý. Bởi nhiều người, họ muốn được ra đi một mình."
Nói cách khác, ra đi một mình khác với chết trong cô độc. "Việc ra đi một mình không có nghĩa là họ chết mà không có ai khóc thương. Nó đơn giản chỉ là thời khắc ra đi, không có ai ở đó thôi," - Brewer chia sẻ. "Và nếu đó là mong muốn của người bệnh thì hoàn toàn ổn."
Theo Egan, xét trên một góc độ văn hóa thì chúng ta ai chẳng phải "đi" một mình, dù có được vây quanh bởi người thân. Bởi lẽ khi ta chết, linh hồn và cơ thể cũng chẳng còn chung lối, chẳng ai đi theo được. Đó là quy tắc bất dịch của tự nhiên.
Còn cảnh người bệnh nói lời trăn trối trước khi ra đi - giống như trong phim thì sao nhỉ? Thực ra thì đa số trường hợp, cảnh tượng ấy hoàn toàn khác biệt.
"Đa số vào lúc cuối đời, họ chẳng có phản ứng gì."
Trước khi Steve Kaminski ra đi, y tá bệnh viện Mt. Sinai đã sắp xếp cuộc hội thoại qua video, để ông có thể nghe giọng nói người thân lần cuối.
Khuôn mặt ông được chiếu sáng, trong khi bác sĩ dặn người thân nói những lời tiễn biệt, gieo lên những hy vọng không có thật về việc được nhìn thấy ông ra viện. Kaminski, khi đó vẫn đang phải chạy máy thở, chẳng thể nói được điều gì.
Vài ngày sau, ông Kaminski qua đời, hưởng dương 86 tuổi. Đối với Bert Kaminski, đó vẫn là một sự ra đi đột ngột, chẳng nói nên lời. Dẫu vậy, Bert cho biết anh cũng tìm được chút an ủi, nhờ một bữa tối cùng bố và một người bạn của ông. Khi đó, ông Kaminski hoạt bát, giống như những gì ông vẫn làm mỗi ngày.
"Mọi người không nên nghĩ rằng vẫn còn thời gian để gặp gỡ nhau, đặc biệt là với các thành viên đã cao tuổi trong gia đình. Mọi chuyện có thể đến rất đột ngột. Không ai đến thăm, không lời trăn trối!"
Tham khảo: CNN - Báo dân sinh