Trước tòa án dân sự, các cặp ly hôn thường chỉ trình bày lý do là không hợp nhau. Nhưng đó chỉ là cách nói chung chung, bao gồm nhiều lý do khác. Theo một nghiên cứu mới đây của UBMVGĐ, thì hiện nay có 4 nguyên nhân đang tạo nên “tâm bão ly hôn”. Đó là: mâu thuẫn về lối sống: 27,7%; ngoại tình: 25,9%; kinh tế: 13%; bạo lực gia đình: 6,7%.
Đáng lưu ý là 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ mà vợ/chồng trong độ tuổi từ 18 - 30; trong đó 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1 - 5 năm, nhiều trường hợp mới cưới nhau được vài tháng.
Và đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng báo động của xã hội: ly hôn xanh. Dưới đây là những nguyên do cơ bản.
Chuyện ngoại tình quá dễ
Thật vậy, theo bác sĩ tâm lý Trịnh Hòa Bình, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hiện tượng “ly hôn xanh” là ngoại tình. Vẫn biết các cặp đôi đến với nhau là hoàn toàn tự nguyện, tuy vậy, khi thay đổi môi trường sống từ độc thân sang có gia đình, ít nhiều các cặp đôi đều sẽ cảm thấy mất sự tự do và cuộc sống không còn phóng khoáng như xưa. Đây là lý do dẫn đến hiện tượng ngoại tình, với mục đích giải tỏa những áp lực căng thẳng và sự ràng buộc mà cuộc sống vợ chồng mang lại.
Ngoài ra, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ lắm lúc không được như ý muốn, khi người trong cuộc có khúc mắc không thể giải tỏa, thông thường có tâm lý sẽ tìm đến người thứ ba. Khi cuộc sống vợ chồng có sự xuất hiện của một người không liên quan, đây là dấu hiệu cho sự thất bại của hôn nhân.
Không có sự đồng cảm
Cũng do sự thay đổi tình trạng chung sống khiến đôi vợ chồng son lắm lúc cãi vã, đôi khi nguyên nhân chỉ là do những biến đổi tâm sinh lý hết sức bình thường. Một khi những xung đột không thể hóa giải, tình cảm vợ chồng không có mối đồng cảm, lúc này là lúc dễ dàng xảy ra rạn nứt nhất, và tiếp đó là sự chán ghét cuộc sống hôn nhân dẫn đến ly hôn.
Kỳ thực với những đôi vợ chồng trẻ, cần nhất là sự kiên trì và đồng cảm đối với người kia. Cãi vã là điều không thể tránh trong đời sống hôn nhân, chính vì vậy nếu có thể khoan dung, mở lòng và tha thứ cho nhau thì cuộc sống vợ chồng mới hạnh phúc được.
Thiếu sự chia sẻ trong gia đình
Sự chia sẻ lẫn nhau trong đời sống gia đình thật sự cần thiết bởi nó chính là yếu tố tạo nên sự cân bằng trong đời sống hôn nhân của vợ chồng nói riêng và đời sống chung của hai bên nội ngoại nói chung. Việc chia sẻ có thể chỉ đơn giản là việc tâm sự với nhau về công việc thường ngày của bản thân hay phụ giúp nhau làm công việc nhà sau giờ làm việc.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, khi những mối lo cứ liên tục kéo đến như công việc quá nhiều không có thời gian chăm sóc gia đình; những áp lực cơm áo gạo tiền đang đè nặng; việc giáo dục con cái sao cho tốt…đã khiến cho mối quan hệ giữa vợ chồng dần trở nên xa cách và mờ nhạt. Chính sự thiếu tâm lý và suy nghĩ cảm thông chia sẻ trong gia đình đó khiến cho hôn nhân dần dần rơi vào sự bế tắc, mệt mỏi và khi không còn chịu đựng được nữa nó sẽ trở thành nguyên nhân gây ra đổ vỡ của các cặp vợ chồng.
Cãi nhau quá nhiều
Đây là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng ly hôn. Có đến 56% số người được hỏi nói rằng tranh cãi quá nhiều là lý do dẫn đến sự tan vỡ của họ. Việc không ngừng tranh cãi dẫn đến không có biện pháp giải quyết có thể gây nguy hiểm lớn cho bất kỳ mối quan hệ nào.
Các chuyên gia về vấn đề gia đình Clinton Power cho rằng: Một trong những lý do chính khiến tranh cãi kéo dài là do bạn không hiểu, không đánh giá đúng mức hoặc không thừa nhận quan điểm của người bạn đời của mình. Một khi bạn có thể tự mình đánh giá cao những điểm khác biệt của người bạn đời thì lúc đó bạn đã xuống thang khi tranh luận và đang tìm kiếm giải pháp để hòa giải.
Ghen tuông quá đà
Đây cũng là một trong số những nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc ly hôn của rất nhiều các cặp vợ chồng. Trong tình yêu cũng như hôn nhân, ghen tuông được ví như một thứ gia vị. Nếu được nêm nếm vừa đủ, nó sẽ khiến cho đời sống hôn nhân của bạn hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, sự ghen tuông thái quá lại giống như một liều thuốc độc giết chết hôn nhân.
Vấn đề tài chính
Đóng vai trò quan trọng với hầu hết các cuộc hôn nhân. Sẽ khôn ngoan hơn nếu trước khi kết hôn các bạn có một thỏa thuận, rằng sẽ không bao giờ để tiền bạc ảnh hưởng đến tình cảm hai người. Sẽ có những lúc khó khăn, sóng gió, nhưng đừng cãi nhau vì tiền, hãy tự nhủ với lòng: rắc rối nào rồi cũng có cách giải quyết.
Áp lực trong đời sống vợ chồng
Trong đời sống bản thân mỗi người nói chung vẫn luôn tồn tại rất nhiều những sự áp lực. Đặc biệt, khi kết hôn áp lực này còn nhân lên nhiều lần bởi quan hệ hôn nhân không chỉ là mối quan hệ của hai người mà còn liên quan đến rất nhiều người và nhiều vấn đề khác. Từ đó, hai vợ chồng sẽ có nhiều mối quan tâm, lo lắng hơn, trách nhiệm gánh vác trên vai cũng ngày một nặng hơn.
Ngoài ra, áp lực từ phía những người trong gia đình cũng là một điều đáng lo ngại. Mâu thuẫn trong tư tưởng và lối sống giữa mẹ chồng - nàng dâu là một ví dụ điển hình. Việc mẹ chồng quá khắt khe, giáo điều, ép con dâu phải làm theo ý mình,… không còn phải vấn đề quá xa lạ. Khi đó nếu bản thân người vợ không khéo léo cũng như người chồng không thể dung hòa mối quan hệ này thì mâu thuẫn sẽ ngày một trầm trọng. Do đó, một khi những áp lực trở nên vượt quá sức chịu đựng thì chuyện ly tán trở thành điều không thể tránh khỏi.
Bạo lực gia đình
Trong số các cuộc hôn nhân tan vỡ, nguyên nhân chia ly do bạo lực chiếm đến 29%, thật là một con số không hề nhỏ. Với những nạn nhân của bạo lực gia đình, ly hôn là một quá trình phức tạp. Bởi ngay trong cuộc hôn nhân thất bại đó, họ đã rất khó để bảo toàn sức khỏe và tính mạng bản thân, nói gì đến ly hôn hay chỉ là ly thân? Nạn bạo hành gia đình ở Việt Nam tuy không phổ biến, nhưng lại tương đối nghiêm trọng, rất nhiều nạn nhân sống sót qua các vụ bạo hành phải mang những di chứng tâm lý nghiêm trọng.
Tịnh Khuê (t/h)