Trước sự kỳ thị mà người gốc Á đang phải đối diện tại nhiều quốc gia phương Tây, tạp chí The Kit đang thực hiện loạt bài kể những câu chuyện bình dị để khắc họa chân dung, cuộc sống của những người Canada gốc Á, về công việc, năng lực của họ, để độc giả có được những góc nhìn truyền cảm hứng.
Hơn thế, những trải nghiệm cay đắng, nghiệt ngã cũng sẽ được chia sẻ chân thực để độc giả có được sự thấu hiểu, cảm thông nhiều hơn đối với người gốc Á.
Bài viết của chuyên gia trang điểm - làm tóc Veronica Chu có tiêu đề "Tôi phát ngấy những kỳ thị xung quanh thợ làm móng người Việt". Bài viết là một góc nhìn của người trong cuộc đối với những định kiến, kỳ thị mà phụ nữ gốc Á phải đối diện trong lĩnh vực làm đẹp:
Khi xảy ra loạt vụ xả súng tại những tiệm spa ở Atlanta (Mỹ), sự việc khiến tôi bàng hoàng, đau khổ và giận dữ bởi nơi xảy ra sự việc rất gần với nơi ở cũ của gia đình tôi. Mẹ tôi cũng từng có một tiệm làm móng nhỏ ở gần khu đó. Sự việc tác động mạnh tới tôi, tôi nghĩ tới những đứa trẻ mất mẹ vì hành động tội ác của kẻ xả súng.
Mẹ tôi là người Việt, bố tôi là người Việt gốc Hoa. Khi gia đình chúng tôi tới Canada được một thời gian thì cha mẹ tôi ly hôn. Mẹ tôi khi đó còn rất trẻ, mới 23 tuổi, một mình bà phải nuôi hai con nhỏ, không có bằng cấp, không có người thân, không nói được tiếng Anh.
Thoạt tiên bà làm việc trong một xưởng may gia công với đồng lương rất ít ỏi, nhưng bà vẫn cố gắng dành dụm được một khoản tiền để học một khóa đào tạo chuyên viên thẩm mỹ.
Học xong, bà làm cho một tiệm làm móng có người chủ gốc Việt, sau này, bà tự mở tiệm của riêng mình. Khi còn nhỏ, tôi ở trong tiệm cả ngày với mẹ, thích thú với những dụng cụ làm việc của mẹ. Tôi chứng kiến mẹ giúp cho những người phụ nữ trở nên xinh đẹp hơn, cùng với đó là hành trình bà tự gây dựng nền tảng cho gia đình, cho các con.
Tôi có cái nhìn sâu sắc về ngành thẩm mỹ - làm đẹp chính nhờ mẹ, bởi thẩm mỹ không chỉ là kết quả sau cùng ở diện mạo bên ngoài, mà còn là những biến đổi bên trong, là khía cạnh cảm xúc của quá trình làm đẹp ấy. Những ngày tháng ấu thơ trong tiệm "nail" của mẹ đã khiến tôi hứng thú với lĩnh vực làm đẹp và giúp tôi trở thành tôi của ngày hôm nay - một chuyên gia trang điểm, làm tóc.
Tôi không bao giờ xấu hổ về công việc của mẹ, nhưng tôi rất ghét những sự kỳ thị mà người ta dành cho những người phụ nữ "làm nail" như mẹ tôi. Mẹ tôi không biết tiếng Anh, nhưng tôi thì có, và trong lúc ngồi chờ làm móng, có những khách hàng nói với nhau: "Bọn họ đang nói về chúng mình đấy, bọn họ thô lỗ lắm, mất vệ sinh lắm...".
Tôi ngồi đó và nghĩ: "Chính mấy người cũng đang nói về mẹ tôi đấy thôi, mấy người đang bình luận về bạn bè, họ hàng của chúng tôi đấy thôi".
Những người phụ nữ như mẹ tôi luôn sống rất mạnh mẽ, nỗ lực, làm việc chăm chỉ bởi họ còn phải lo cho gia đình, thực sự họ chẳng có nhiều thời gian để quan tâm tới việc mấy người khách hàng nhiều chuyện đang bình phẩm những gì.
Trong khi mẹ tôi đang bàn với mấy người thợ về việc tối nay nấu gì, ăn gì, thì có những khách hàng hình dung đủ chuyện xấu xa không hề tồn tại, tôi nghe mà thấy thực sự mệt mỏi.
Tôi vẫn nhớ khi mẹ tôi còn đang làm nghề, mỗi khi tôi quen bạn mới và họ biết mẹ tôi có tiệm "nail", họ luôn hỏi địa chỉ để tới "ủng hộ", nhưng tôi luôn thẳng thắn đề nghị họ tới tiệm khác bởi tôi muốn tách bạch công việc của mẹ với những mối quan hệ xã hội.
Tôi không muốn bạn bè tôi chứng kiến những cuộc hội thoại không hay của những khách hàng nhiều chuyện, tôi không muốn phải kể lể, giải thích gì bởi một khi phải nói về cuộc sống, về sự lựa chọn, mọi chuyện trở nên rất phức tạp và dễ gây tổn thương.
Những lời bình luận tiêu cực hướng vào những người phụ nữ "làm nail" không biết tiếng Anh thực sự đã từng khiến tôi đau khổ nhiều. Hình ảnh những người phụ nữ làm nail khiến tôi nhớ tới mẹ và những người bạn của mẹ. Tôi hiểu rõ họ, hiểu rằng họ là những người phụ nữ dễ thương và chăm chỉ.
Ngay từ đầu, trước câu chuyện kỳ thị, tôi luôn lựa chọn sự im lặng. Người Châu Á vốn không dễ biểu đạt xúc cảm và sự tổn thương, yếu đuối của mình ra ngoài.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tôi càng cảm thấy nặng nề bởi những quan điểm lệch lạc, chứa đựng sự thù ghét vô lý.
Những người gốc Á đang phải đối diện với những hành động bạo lực bột phát chưa từng thấy, thực tế từ trước khi báo chí lên tiếng, chúng tôi đã phải chịu đựng những sự kỳ thị, những hành động tấn công rồi, đã có lúc tôi cảm thấy chúng tôi như bị mất đi tiếng nói.
Trái tim tôi đau đớn, nặng nề trước những gì đang xảy ra với những người gốc Á như mình, tôi cố gắng mạnh mẽ, nhưng tôi đang sống trong nỗi sợ hãi, lo lắng cho cha mẹ, cho bạn bè, và cho chính mình.
Tôi thấy mình đi ra đường phải quan sát nhiều hơn, không ngừng nhìn lại phía sau xem có đang bị đeo bám hay không, ngay cả khi bước trên đường phố đông người, tôi cũng không còn cảm thấy an toàn tuyệt đối nữa. Sống trong nỗi lo lắng và tôi không biết bao giờ những chuyện này sẽ có thể kết thúc...
Bích Ngọc
Theo The Kit