Khác với Oscar năm ngoái, khi có tận 9 bộ phim được đề cử Phim xuất sắc nhưng phim nào cũng ngang ngang nhau nhưng lại không thật sự có một cái tên xuất chúng, thì năm nay có một bộ phim mà theo mình là vượt trội hơn tất cả. Bộ phim này là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, hài hoà cả ba yếu tố kỹ thuật, thẩm mỹ, và cảm xúc. Bộ phim rất hợp gu của mình, chạm đến trái tim mình một cách nhẹ nhàng nhưng lắng đọng, khiến mình nghĩ nếu nó không chiến thắng ở hạng mục Phim xuất sắc thì không tác phẩm nào xứng đáng hơn. Bộ phim ấy chính là Roma.
1. Roma (Alfonso Cuarón)
Nếu chỉ nghe sơ qua về Roma, chắc chắn bạn sẽ lắc đầu không tin khi mình nói bộ phim này nên thắng và sẽ thắng Phim xuất sắc. Roma không phải là một tác phẩm kịch tính hay màu mè, mình nói theo đúng nghĩa đen, vì nó là một bộ phim đen trắng. Roma không phải là một tác phẩm nói tiếng Anh, mà trong lịch sử Oscar, chưa có một bộ phim nói tiếng nước ngoài nào từng chiến thắng tượng vàng cao nhất. So với các ứng cử viên khác của năm nay, Roma cũng không khắc hoạ một câu chuyện lịch sử trọng đại, "đao to búa lớn" giống như Vice, BlacKkKlansman, Bohemian Rhapsody, The Favourite hay Green Book, một công thức quen thuộc được lòng giới phê bình, mà đơn thuần chỉ là tự thuật cá nhân về tuổi thơ của đạo diễn Alfonso Cuarón. Cuối cùng, điểm bất lợi nhất của Roma là bộ phim không được phát hành bởi một hãng phim tên tuổi, mà là một tác phẩm của Netflix, trang streaming trực tuyến vốn bị giới chuyên môn coi thường, cho rằng các tác phẩm "mỳ ăn liền" của họ không phải là nghệ thuật.
Roma, ngược lại với định kiến ấy, lại thấm đượm tính nghệ thuật trải dài 135 phút phim. Đặt bối cảnh vào những năm đầu thập niên 70 tại Mexico City, bộ phim là câu chuyện thơ ấu của Alfonso Cuarón được kể qua đôi mắt của cô người giúp việc Cleo mà ông vô cùng yêu quý. Hai vợ chồng chủ nhà, cha mẹ của Cuarón, là bác sĩ Antonio và Sofía đang rạn vỡ hạnh phúc, thì cùng lúc ấy Cleo phát hiện mình đang mang thai với một người đàn ông đã bỏ rơi cô. Bộ phim đào sâu vào những nỗi đau, thù hận, nước mắt, nụ cười từ hai sự kiện đan xen này, những nỗ lực để hàn gắn tình cảm, những cuộc gặp gỡ tình cờ làm nhói lòng, những ngây thơ của tuổi trẻ và những hối hận của những kẻ đã đi quá xa. Bộ phim không có nhiều cao trào, trôi qua nhẹ như cuộc sống, nhưng lại chạm vào lòng người bằng những chi tiết rất nhỏ, làm gương cho nguyên lý "tả chứ không kể" ("show not tell") của điện ảnh. Bộ phim mở ra bằng một chiếc sân nhà toàn phân chó, ngay lập tức khán giả có linh tính không lành về một gia đình lộn xộn, nhiễu nhương. Cái ôm chặt bất ngờ của người vợ cầu xin chồng quay về trước cửa nhà là một chi tiết nhỏ, nhanh nhưng rất "đắt," lột tả được nội bộ lục đục của cuộc hôn nhân và sự tuyệt vọng của người vợ bị phản bội. Cách Cleo ân cần, kiên nhẫn gọi lũ trẻ dậy vào buổi sáng là tất cả những gì Alfonso Cuarón cần để khắc hoạ tình yêu bao la của cô giúp việc đối với lũ trẻ con. Đây là điểm mình thích nhất ở Roma: các chi tiết đều được chắt lọc sao cho thật ngắn gọn, đơn giản, nhưng gây tác động lớn. Chỉ cần vài giây trên màn ảnh, người xem đã có thể hiểu ngay được bản chất của một người hay nhìn rõ sự lộn xộn của một gia đình trông thật hoàn mỹ từ bên ngoài. Alfonso Cuarón thật tài tình khi kể được một câu chuyện có chiều sâu nhưng cũng thật nhẹ nhàng, tinh tế. Mình tin rằng ông cũng sẽ chiến thắng Best Director ở Oscars năm nay.
Mình vốn là người không thích xem phim đen trắng, nhưng đối với Roma thì mình đã nhìn màn hình không rời mắt, vì chính cái đen trắng ấy tạo nên tính nghệ thuật của phim. Khi những màu sắc rực rỡ không còn, chúng ta mới thật sự chú ý đến nghệ thuật sắp đặt trong mỗi cảnh quay, cách đạo diễn bố trí vật gì, ai đó ở đâu trong khung hình, và cách máy quay đứng tĩnh hay chuyển động để lột tả được hết dụng ý đó. Alfonso Cuarón đã chứng minh ông là một bậc thầy trong cinematography ở tác phẩm này. Qua những cảnh quay rộng trong ngôi nhà của bác sĩ Antonio, ông truyền tải được sự cô độc mà mỗi người đều đang nếm trải. Qua những cảnh quay cận mặt, ông truyền tải được nỗi băn khoăn và sợ hãi trong mắt những người phụ nữ phải gánh vác gia đình. Qua những cảnh quay đôi chân, bàn tay, ông truyền tải được tình thương của chính mình dành cho cô giúp việc Cleo, khiến người xem có cảm giác chạm tới gần hơn thế giới bé nhỏ của cô, ngửi thấy mùi của gian khổ, nghe thấy tiếng của bất công, một điều mang tính rất con người. Tính con người là điều khiến Roma nổi bật hơn tất cả. Mọi thứ đều rất thật, rất đời, rất dễ đồng cảm. Những nỗi đau của Cleo, của Sofía không hề được kịch tính hoá, mà là nỗi đau chung của rất nhiều người phụ nữ, xưa và nay, khi đàn ông thoái thác trách nhiệm và chạy theo những điều mới mẻ hơn. Cảnh quay để lại ấn tượng với mình nhất là cảnh Cleo đẻ con. Mình xem mà thấy tim đập thình thịch, cuốn vào cảm xúc đa cung bậc của Cleo tới mức một lúc sau mới nhận ra đây là một cú máy không dứt, không cắt ghép, cảm xúc của diễn viên là nguyên thuỷ, là tự nhiên, không gọt giũa – nói về tính "đời" của bộ phim này!
Đúng như tiêu đề của bài viết này, Roma phải thắng. Nếu bạn theo dõi bài review Oscars thường niên của mình, có thể hiểu tại sao mình thích tác phẩm này tới vậy. Mình từng chọn Moonlight, chọn Room cho vị trí cao nhất ở những năm trước, vì những tác phẩm này không cần đao to búa lớn, mà vẫn khiến ta suy ngẫm không thôi về những bất công khó giải thoát trong cuộc đời. Bên cạnh sự xuất sắc một cách khách quan, về phương diện cá nhân, mình cũng tự tìm thấy chính mình trong câu chuyện của Roma, khi nhiều chi tiết trong phim khiến mình liên tưởng tới tuổi thơ của mình. Khi xem Roma, cảm xúc của mình cũng gần giống như khi xem một vài tác phẩm điện ảnh Việt mà mình yêu thích, như "Mùi đu đủ xanh" của đạo diễn Trần Anh Hùng hay "Đập cánh giữa không trung" của chị Nguyễn Hoàng Điệp. Đó là sự nhẹ nhàng, tinh tế, sâu lắng chạm tới cảm xúc, đập vỡ biên giới phân cách giữa đời và phim.
2. The Favourite (Yorgos Lanthimos)
Xếp thứ hai trong danh sách của mình là The Favourite. Trước khi xem Roma, mình đã luôn nghĩ The Favorite là bộ phim xứng đáng với tượng vàng Oscar nhất, vì nó độc đáo, vô cùng độc đáo. Bộ phim kể về hoàng gia Anh những năm đầu thế kỷ 18, khi hai nàng Sarah Churchill và Abigail Hill cạnh tranh để giành được sự sủng ái của Hoàng hậu Anne. Mình thường không thích dòng phim hoàng gia vì sự dài, sến và giáo điều của chúng, nhưng The Favorite là một ngoại lệ. The Favorite thuộc dòng phim tragicomedy, bi-hài kịch, vừa khiến khản giả cười giòn, vừa khiến họ phải suy nghĩ khi tiếng cười đã dứt. Cái "hài" của The Favorite rất hay, vừa tiếu lâm vừa khiến người xem ngẫm nghĩ về một câu hỏi lớn lao hơn trong cuộc sống: thế nào là tình yêu? Queen Anne là một người luôn thèm thuồng sự tôn sùng, và hai người phụ nữ khao khát sự sủng ái lại tiếp cận vấn đề này theo hai cách khác nhau. Abigail là người phụ nữ luôn ngọt ngào, đầy năng lượng mà Queen Anne MUỐN, còn Sarah là người phụ nữ trầm tính, mạnh mẽ mà Queen Anne cần. Cả ba diễn viên Olivia Colman, Emma Stone và Rachel Weisz đều hơn cả xuất sắc trong vai diễn của họ, khiến cho mình là một khán giả cũng không biết nên nghiêng về ai, vì đằng sau tất cả những mưu mô, mánh khoé, chiêu trò của mỗi người đều ẩn giấu những câu chuyện rất con người và những mưu cầu rất chính đáng.
Cái "hài" của The Favorite thành công vì tốc độ phim nhanh nhưng hợp lý, khiến người ta cười đúng lúc và biết sâu lắng đúng lúc. Khi mình xem ở rạp, mọi người đều cười rung sàn ở những câu thoại kinh điển như "I like it when she puts a tongue inside me." Giọng phim có một chút dị dị, mang hơi hướm Alice in Wonderland, biến thế giới trong phim từ một câu chuyện lịch sử thành một vũ trụ của riêng nó. Trang phục và makeup đẹp khỏi bàn. Cách máy quay di chuyển một cách thường xuyên bằng các tracking shot tạo nên cái "động" của phim, kích thích trí tò mò của khán giả. Đối với mình, cái kết của The Favorite là trên cả xuất sắc.
Chỉ bằng một động thái cực, cực kỳ nhỏ của Abigail là giẫm đạp lên chú thỏ, mà Queen Anne nhận ra được tất thảy bản chất của cô ta. Đây là một chi tiết nhỏ mà đắt. Ánh mắt cuối phim của Queen Anne là sự ân hận nhưng tự biết là đã quá muộn để sửa sai, là sự bàng hoàng vì mình mù quáng trong suốt thời gian qua, là sự tuyệt vọng vì nhận ra những giá trị mà mình coi trọng thực chất không quý báu như mình nghĩ, và chính vì KHÔNG có lời giải cho tất cả những suy nghĩ này nên ánh mắt ấy mới ám ảnh và làm cô đọng thời gian. Cũng chính lúc ấy, phim kết. Quá táo bạo. Quá bất ngờ. Quá nghệ thuật.
The Favorite về cơ bản là một bộ phim về tình yêu, quyền lực và sự ghen tuông, một dạng "cung đấu" của Hollywood. Đằng sau những nụ cười cay đắng, đọng lại trong mình nhất sau khi xem phim là câu nói của Sarah Churchill: "Because I will not lie. That is love." The Favorite sẽ không chiến thắng Best Picture, nhưng Best Original Screenplay khó thoát khỏi tầm tay của tác phẩm này.
3. Bohemian Rhapsody (Bryan Singer & Dexter Fletcher)
Bohemian Rhapsody có lẽ là bộ phim tai tiếng nhất mùa Oscar năm nay vì những lùm xùm xoay quanh việc sản xuất phim. Đạo diễn Bryan Singer đang bị cả Hollywood chỉ trích dữ dội vì nghi án lạm dụng tình dục trong suốt 20 năm. Vị đạo diễn "lắm tài nhiều tật" này còn bị sa thải giữa quá trình làm phim, bị thay thế bởi Dexter Fletcher nhưng Fletcher lại không được ghi credit. Ra mắt cùng lúc với một bộ phim âm nhạc khác là A Star Born, đình đám hơn, tên tuổi hơn, Bohemian Rhapsody không tránh khỏi nhiều so sánh, chê bai, chỉ trích. Tại sao mình vẫn xếp bộ phim này ở vị trí thứ 3? Vì bỏ qua hết những scandal ngoài lề kia, đây là một tác phẩm nghệ thuật kể được một câu chuyện cảm động, trọn vẹn, một bộ phim được chăm chút tới từng khung hình, và sự hoá thân quá tuyệt vời của Rami Malek khiến mình thật sự TIN vào nhân vật.
Bohemian Rhapsody có tất cả mọi yếu tố của một bộ phim giải trí: drama, âm nhạc, cảm xúc, kỹ thuật camera ấn tượng, diễn xuất nhập tâm. Điều mình thích khi xem Bohemian Rhapsody là câu chuyện được kể rất chặt chẽ, có đầu có cuối, có sự tiến triển trong hành động, nhận thức và tâm trạng của nhân vật, không có một phút nào nhanh quá hoặc chậm quá vì nhịp phim rất hoà hợp với tiết tấu cảm xúc của người xem. Đây là điều khác biệt giữa Bohemian Rhapsody và A Star Is Born, vì trong cảm nhận của mình thì A Star Is Born là một câu chuyện khá lộn xộn và "rỗng." Khi xem Bohemian Rhapsody, mình thích thú với nhân vật Freddie của Rami Malek, mình tò mò xem anh ta sẽ làm gì tiếp theo, mình hào hứng với những quyết định liều lĩnh của anh ta. Tất nhiên, những điều này không hề mới vì bộ phim này là tiểu sử của một nhân vật có thực, xong diễn xuất tài hoa của Rami Malek đã mang lại một hơi thở mới, một sự cuốn hút khó cưỡng đối với nhân vật Freddie. Freddie Mercury đi theo bản năng của mình, dám làm âm nhạc khác người, dám chiến đấu tới cùng cho tầm nhìn của bản thân, dám nhận lỗi và sám hối khi biết mình sai, dám gạt ra khỏi cuộc đời mình những người không có sức ảnh hưởng tốt, dám đứng dậy sau vấp ngã và cống hiến hết mình – đây là một bài học mình nghĩ rất hữu ích cho tuổi trẻ, và cũng chính là nguyên tắc sống của mình.
Bên cạnh câu chuyện cảm động, Bohemian Rhapsody còn gây ấn tượng bởi kỹ nghệ camera tuyệt đỉnh. Những cảnh phim như khi chiếc máy quay từ trên không sà xuống đám đông ở buổi biểu diễn Live Aid, hay khi camera luồn qua khoảng cách giữa hai chân của Freddie để di chuyển thật êm dưới chiếc đàn dương cầm, để lại ấn tượng khá đậm trong mình. Cách bộ phim miêu tả xu hướng tính dục của Freddie cũng khá tinh tế: mình cảm được tình nghĩa sâu nặng của ông với Mary, sự tán tỉnh đùa chơi với anh bồi bàn Jim Hutton, sự mù quáng khi tin tưởng Paul Prenter – manager của Queen – khiến Freddie rơi vào lối sống trụy lạc. Nhiều nhà phê bình không thích Bohemian Rhapsody vì nó không đi sâu vào những mối tình này cũng như căn bệnh AIDS mà Freddie phải chống chọi, nhưng đối với mình, như vậy là đủ, là trọn vẹn với một bộ phim hai giờ. Bohemian Rhapsody cũng sẽ không có cửa thắng Best Picture, nhưng Best Actor khó rơi vào tay ai khác ngoài Rami Malek.
4. Green Book (Peter Farrelly)
Thú thực, mình thích cả 4 bộ phim trong top 4 này, vì phim nào cũng có một hơi thở rất riêng biệt và đều xứng đáng được Best Picture. Green Book kể về tour diễn năm 1962 của nghệ sĩ jazz piano gốc Phi Don Shirley qua nhiều thành phố ở miền Nam nước Mỹ, vùng được biết đến với nạn phân biệt chủng tộc ăn sâu vào máu. Don được hộ tống bởi Tony Vallelonga, một anh chàng da trắng ít học, sừng sỏ nhưng sống tình cảm. Ngay khi biết về premise của bộ phim này, mình đã ngay lập tức tò mò muốn đi xem vì tình cảnh của Green Book nghe thật oái oăm, ngược đời: một nghệ sĩ da đen lại đi tour qua một vùng cực kỳ phân biệt chủng tộc, một anh chàng da trắng đầu gấu ở thập kỷ 60 lại đi hộ tống một người da màu giàu có hơn, danh tiếng hơn, tài năng hơn. Sự trớ trêu rất đỗi hài hước này là bàn đạp vững chắc để Green Book kể một câu chuyện đầy bi-hài kịch, nhiều cung bậc hỉ nộ ái ố, và giúp khán giả hiểu thêm nhiều điều về nước Mỹ ngày ấy lẫn bây giờ.
Đúng như cái tên lạ của mình, Green Book được bao phủ bởi một màu xanh dịu êm trong suốt chiều dài bộ phim. Tiêu đề Green Book nói tới cuốn sách màu xanh dành cho những người lữ hành da đen trong những năm 60, liệt kê các khách sạn, nhà hàng mà người da đen được quyền lui đến, vì ngày ấy nước Mỹ vẫn có sự phân biệt giữa người da trắng và da màu về chỗ nào được ở, nhà vệ sinh nào được dùng, nước nào được uống. Chiếc xe của Don và Tony mang một màu xanh sáng láng. Những cánh đồng miền Nam nước Mỹ mà họ đi qua thì mướt màu xanh của cỏ cây. Giữa đường, Tony lấy trộm một viên đá may mắn màu xanh lục bảo. Chai rượu họ uống có vỏ màu xanh lá mạ, và một trong những căn biệt thự họ tới biểu diễn tại North Carolina cũng được bao phủ bởi sắc xanh lá cây dịu mát. Green Book sử dụng màu xanh để truyền tải nhiều lớp lang ẩn dụ khác nhau. Trong một bức thư Tony gửi vợ mình, anh kể về việc nhìn thấy những cánh đồng xanh trải dài vô tận và được mở mang tầm mắt về đất nước của chính mình. Sự mở mang tầm mắt ấy không chỉ gói gọn trong cành cây ngọn cỏ, mà còn ám chỉ việc Tony hiểu thêm về nạn phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ, vì nếu chỉ quanh quẩn ở một thành phố đã tiến bộ như New York thì anh sẽ không bao giờ tưởng tượng được ở những nơi khác người da đen bị đối xử tàn độc thế nào. Màu xanh tượng trưng cho sự mới mẻ, và Tony đã học được rất nhiều điều mới lạ về cuộc sống từ chuyến đi bất đắc dĩ này.
Không chỉ Tony, mà chính nghệ sĩ piano Don Shirley cũng học được nhiều thứ mới. Anh là một trong số ít những người gốc Phi có cuộc sống vương giả, sung túc tại New York ở thập kỷ 60, qua chuyến đi này chợt nhận ra mình quá xa cách với chính đồng bào mình. Anh không ăn gà rán vì sợ bẩn tay, anh chưa nghe nhạc Aretha Franklin bao giờ, và anh trầm ngâm đầy tâm trạng khi nhìn thấy những người da màu khác oằn mình làm ruộng ở một thị trấn miền Nam, trái ngược hoàn toàn với lối sống sung túc của mình ở vùng Đông Bắc. Tuy nhiên, dù giàu có tới mức nào, Don vẫn không thoát khỏi sự kỳ thị chủng tộc. Ở nhà hát thì anh được thính giả tán dương, nhưng ra quán rượu thì bị đánh u đầu. Ở New York anh khoác lên mình những bộ quần áo chỉnh tề nhất, nhưng tới miền Nam anh bị cấm chạm tay vào một bộ suit anh muốn thử và mua. Kể cả những người da trắng thuê anh biểu diễn, tấm tắc khen ngợi tài năng của anh và đứng lên vỗ tay sau mỗi buổi tối, cũng trở mặt sau cánh gà: bắt anh phải sử dụng nhà vệ sinh ọp ẹp dành cho người da đen trong vườn, cấm anh ăn tối tại chính nhà hàng mà anh sẽ trình diễn vì "chính sách là như thế." Sự bất công dồn nén và trào ra khi Don giải thích cho Tony: "Rich white people pay me to play piano for them, because it makes them feel cultured. But as soon as I step off that stage, I go right back to being just another n****r to them. Because that is their true culture." ("Những kẻ nhà giàu da trắng trả tiền cho tôi chơi dương cầm vì họ muốn vỗ ngực tự khen rằng mình có học thức, có văn hoá, nhưng một khi tôi rời khỏi sân khấu, tôi lại quay trở về thành một thằng da đen nhãi nhách. Đấy mới là cái văn hoá thật của họ.") Sự thật này cay và thấm, vì rõ ràng những kẻ thưởng nhạc kia không thật sự "trân trọng" tài năng của Don Shirley, mà đơn thuần chỉ "tiêu thụ" nó như một món hàng để đánh bóng hình ảnh của bản thân. Họ không nhìn anh như một nghệ sĩ piano trên sân khấu, mà giống như một con thú đang làm xiếc trong sở thú thì hơn. Sự tiêu thụ văn hoá đến từ những chủng tộc khác mà không tìm hiểu, không nâng niu, không trân trọng, là một vấn đề vẫn tồn tại tới nay, điển hình trong những vụ như Ariana Grande xăm hình tiếng Nhật sai ngữ pháp, Iggy Azalea bắt chước cách phát âm của người da đen, Katy Perry mang kimono lên sân khấu chỉ để làm màu, v…v… Một câu chuyện từ năm 1962 như Green Book vì thế vẫn có thể khiến những khán giả Mỹ đương thời gật gù suy ngẫm.
Bài học đắt giá nhất của Green Book nằm ở câu nói giữa phim của Don Shirley: "You never win with violence. You only win when you maintain your dignity." ("Bạn sẽ không bao giờ chiến thắng với bạo lực. Bạn chỉ có thể chiến thắng khi bạn giữ được phẩm cách của mình.") Mỗi khi bị gây khó dễ, thậm chí bị bắt vào tù, Don Shirley vẫn giữ bình tĩnh và ngẩng cao đầu, biết mình đang ở đâu và xứng đáng với điều gì. Anh không cần phải chửi bới, động tay chân, mà chỉ cần gọi một cuộc cho Bobby Kennedy là có thể dạy cho lũ cảnh sát ác ôn một bài học. Vai diễn của Mahershala Ali xứng đáng chiến thắng Best Supporting Actor năm nay. Suốt bộ phim, Don đã dạy Tony cách viết thư, cách hiểu những từ khó, cách phát âm dõng dạc, nhưng bài học lớn lao nhất là luôn cố gắng để trở thành người tốt nhất, thay vì chỉ vừa đủ. Bí quyết của sự phi thường chỉ đơn giản vậy thôi.
5. A Star is Born (Bradley Cooper)
A Star Is Born có lẽ là bộ phim "đại chúng" nhất trong 8 đề cử Best Picture năm nay. Cái tên Lady Gaga là đủ để đưa bộ phim này tới gần hơn với khán giả và thu thập một lượng fan khổng lồ. Lady Gaga đã làm xuất sắc vai trò viết nhạc cho phim, vì những ca khúc như "Shallow," "Always Remember Us This Way," "Is That Alright" thực sự rất bắt tai, sâu lắng và đủ đà để leo chart ầm ầm. Những ca khúc này tạo nên hơi thở hiện đại và phác nên sự độc đáo cho một bộ phim đã được làm lại tới bốn lần (bộ phim gốc ra đời năm 1937, làm lại năm 1954, làm lại tiếp năm 1976, và tiếp nữa năm 2013). Diễn xuất của Bradley Cooper cũng là một điểm sáng của A Star Is Born. Trước đây mình không thích Cooper vì những vai diễn của anh luôn cảm giác gồng cứng, nhưng với anh chàng ca sĩ đồng quê Jack Maine, Bradley đã bộc lộ được nét trầm tĩnh, sâu lắng, mềm mỏng của mình.
Nói về Gaga, mình không quá ấn tượng với diễn xuất của cô vì nó vẫn còn hơi cứng, cộng với việc vai diễn Ally không quá khác so với con người thật của Gaga nên mình không hiểu "tài năng diễn xuất" nằm ở đâu. Ánh mắt của Gaga trong A Star Is Born có sự đam mê, có sự nuối tiếc, có sự đau đớn, nhưng tuyệt nhiên mình không nhìn thấy "chemistry" đối với nhân vật của Bradley Cooper (ngược lại, ánh mắt của Cooper thì chứa đọng tình yêu ngọt ngào và cả sự giày vò dành cho Gaga). Điểm yếu nhất của A Star Is Born nằm ở cốt truyện. Dù bộ phim này đã được làm đi làm lại tới bốn lần, song ở phiên bản của Bradley Cooper, câu chuyện về sự nổi tiếng của Ally cũng như tình yêu của cô với Jack trôi qua nhạt như nước lã. Mọi thứ xảy ra đều đều, quá dễ dàng, quá dễ đoán, khiến bộ phim thiếu nhịp. Dường như con đường dẫn tới thành công của Ally không trải qua bất cứ một sóng gió nào. Cô vụt sáng qua một đêm diễn, và chỉ một chút sau đã trở thành tâm điểm của giải Grammys. Chính vì nhân vật không có sự trưởng thành, thay đổi, trước sau một màu, mà mình không có nhiều sự đồng cảm dành cho Ally nói riêng cũng như câu chuyện của A Star Is Born nói chung. A Star Is Born giống như một music video dài hai tiếng có khả năng thắng chắc Grammys, hơn là một bộ phim có chiều sâu đủ sức để tranh cử ở Oscars. (Tất nhiên, "Shallow" sẽ thắng Best Original Song.)
6. BlacKkKlansman (Spike Lee)
BlacKkKlansman là câu chuyện thật về Ron Stallworth (John David Washington), vị cảnh sát da đen đầu tiên của sở cảnh sát Colorado Springs những năm đầu thập niên 70. Ron liên lạc với hội Ku Klux Klan, hội kín tôn thờ thuyết người da trắng thượng đẳng cũng như bài trừ người da màu và Do Thái bằng bạo lực, giả vờ là một người da trắng muốn gia nhập hội để trà trộn và nằm vùng. Cùng sự giúp đỡ của anh bạn đồng nghiệp Flip Zimmerman, người xuất hiện ở các cuộc họp hội dưới danh của Ron, hai người đã ngăn chặn những âm mưu tàn bạo mà hội kín này vạch ra để trừ khử người da màu. BlacKkKlansman ít cửa cho Best Picture, nhưng hoàn toàn có khả năng chiến thắng Best Adapted Screenplay.
BlacKkKlansman ghi điểm ở một kịch bản độc đáo tới mức tếu táo, đặt bối cảnh gần 50 năm trước mà vẫn phản ảnh được tình hình chính sự Mỹ đương thời. Những câu thoại trong phim vừa như một lời tiên báo từ quá khứ, vừa như một lời mỉa mai của Spike Lee trong thì hiện tại về nước Mỹ dưới thời Trump. Ở một chi tiết trong phim, anh chàng Stallworth không tin rằng dân Mỹ sẽ có ngày bầu cử cho một người phân biệt chủng tộc, kể cả khi kẻ ấy khéo léo lồng những giá trị này vào các vấn đề "bình thường" hơn như nhập cư, tội phạm hay cải cách thuế. Lời nói từ những năm 1970 này chọc đúng vết thương của hơn nửa dân Mỹ hiện nay, gần như trở thành một câu tiên tri khi người đứng đầu Nhà Trắng của năm 2019 đang dính phải vô số cáo buộc về chủng tộc. Việc sử dụng diễn viên gạo cội Alec Baldwin ở đầu phim, người đóng giả Trump nổi tiếng nhất trên truyền hình, cũng như những thước phim trước credit từ cuộc bạo động của những kẻ theo thuyết da trắng thượng đẳng ở Charlottesville, Virginia vào tháng 8.2017 càng thắt chặt hơn cầu nối giữa bộ phim BlacKkKlansman với chính trị Mỹ ngày nay.
Tuy đề cập tới một vấn đề rất đương thời là chủng tộc, có một thứ mình không thích ở BlacKkKlansman, đó là cách kể chuyện khá tối giản, một màu. Tất cả những thành viên của hội Ku Klux Klan đều được khắc hoạ là những kẻ ngu dốt, đầy hận thù, bẩn tính. Cá nhân mình không bất đồng với những nhận định đó, song, nếu chỉ đơn giản như vậy thì bộ phim này không khác gì một câu chuyện ngụ ngôn, dễ dàng gán mác anh này tốt, chị kia xấu, hết chuyện. Điều mình kỳ vọng hơn ở BlacKkKlansman là hiểu được tại sao những kẻ ấy lại suy nghĩ như vậy, hành động như vậy, đầy căm ghét như vậy, một góc nhìn hiện thực và con người hơn. Nếu chỉ vẽ ra một ranh giới đơn giản giữa một bên thiện, một bên ác, thì ắt hẳn ai cũng làm được. Câu hỏi ở đây là bộ phim này có thật sự gây được hiệu ứng gì đối với vấn đề chủng tộc ở Mỹ không? Không hẳn, vì nó đơn giản chỉ khẳng định lại tất cả những điều mà đa số người Mỹ đều đã biết. Hội Ku Klux Klan nếu có xem bộ phim này thì cũng sẽ chẳng thay đổi, mà một người Mỹ với tư tưởng tiến bộ xem bộ phim này thì cũng chỉ dừng lại ở việc cảm thấy thanh thản, thoải mái, "feel-good" vì biết mình là một người tốt, chứ chẳng làm thêm được gì, thế thôi.
7. Black Panther (Ryan Coogler)