Năm 73 tuổi, nhà thơ Phan Vũ lên xe hoa lần thứ hai với người vợ kém ông gần 40 tuổi. Trong đám cưới, họa sĩ Lưu Công Nhân nói với cô dâu mới: “Đừng tưởng làm đám cưới với Phan Vũ là xong, bởi đó là một gã lãng tử. Thời còn trẻ gã cứ đi 7 bước là có một chuyện tình đấy”. Cho đến tận bây giờ, vợ chồng họ vẫn sống rất hạnh phúc bên nhau và tình yêu dành cho nhau lúc nào cũng đong đầy. Thế nhưng, câu nói đùa của họa sĩ Lưu Công Nhân dành cho người bạn của mình không phải là không có cơ sở.
Nhắc đến cái tên Phan Vũ, hẳn ai cũng nghĩ đến bài thơ "Em ơi, Hà Nội phố" đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Trong ca khúc ấy có những gương mặt của người con gái Hà Nội.
Nhà thơ Phan Vũ thổ lộ rằng, có một lần, ông nhận được một lá thư của một người phụ nữ Việt từ Nga gửi về hỏi: “Ông từng có rất nhiều chuyện tình lãng mạn, vậy cô gái trong Em ơi, Hà Nội phố là cô nào trong số 36 cô gái ấy”; trong lá thư phúc đáp của mình, nhà thơ Phan Vũ trả lời rằng: “Nếu chỉ có một cô thì tôi không làm được bài thơ ấy. Đó là tình cảm tôi dành cho cả 36 cô, tình yêu tôi dành cho Hà Nội”.
Trong cuộc trò chuyện với tôi, ông từ chối nhắc đích danh của những người phụ nữ ấy bởi hiện tại, họ đã có gia đình, có cuộc sống riêng của mình. Và hình như, ông cũng muốn những hình ảnh đẹp đẽ của quá khứ sẽ được giữ gìn trong một chiếc hộp thần kỳ không bị thời gian làm cho héo úa.
Thế nhưng, thi sĩ vẫn quay ngược một cuốn phim trở về những năm tháng tuổi trẻ đầy say mê không thể nào lãng quên của cuộc đời mình.
Sân vận động Hàng Đẫy trong một buổi chiều nóng rực bởi trận cầu nảy lửa. Cô gái ngồi cạnh thi sĩ rất hiếu động, chẳng bao giờ chịu để cho chân tay ở yên một chỗ. Cô khua chân múa tay và hò hét cổ vũ cho các cầu thủ đang hừng hực trên sân.
Khi bàn tay vô tình đập vào người mình, chàng thi sĩ nhanh tay giữ chặt lấy bàn tay nhỏ bé kia. Thật kỳ lạ, cô bé ấy không những không giằng tay ra mà để yên bàn tay cho anh nắm. Khi trận đấu kết thúc, bỗng nhiên cô gái ấy bảo: “Anh đi chơi với em một lúc”.
Hai người đi một vòng hồ Tây cùng nhau rồi ai về nhà nấy. Trong tâm trí chàng trai trẻ, chàng chỉ coi cô bé ấy như một thằng con trai nghịch ngợm nên cuộc đi chơi ấy rơi vào quên lãng. Cho đến một ngày gặp lại nhau, chuyện tình đến một cách tự nhiên như nó phải vậy.
Sau này khi Phan Vũ ra sân bay vào Sài Gòn, chính người con gái ấy là người duy nhất đã đến tận hội quán Nam Bộ ở gần Hồ Gươm để chia tay ông và nhìn theo chiếc xe đưa đoàn ra sân bay đến tận khi nó khuất bóng.
Người con gái thứ hai được ông nhắc đến là một nữ diễn viên. Khi ấy, ông đã có vợ còn cô bé kia mới chỉ mới 18 tuổi. Cô gái đến tìm ông với mong muốn được trở thành một diễn viên. Ông nói với cô rằng, mặc dù cô rất có duyên nhưng cô không có khả năng hóa thân vào nhiều nhân vật, nhiều tính cách khác nhau mà chỉ có khả năng đóng chính mình.
Nếu cô vẫn quyết tâm theo nghề diễn viên thì cả đời chỉ đóng vai phụ. Khi nghe điều đó, cô gái rất phật lòng. Thế nhưng chính sự thẳng thắn rất nghiêm khắc của Phan Vũ đã khiến cho người con gái ấy có cảm tình với ông.
Phan Vũ nói rằng, khi ấy ông đã có vợ nên chuyện trai gái là điều không thể xảy ra. Họ coi nhau như những người bạn tâm giao dù khi ấy, ông đã gần 50 tuổi.
Ông kể lại, có những đêm, ông đưa cô gái ấy về nhà. Hai người đứng nói chuyện dưới ánh trăng cho đến khi cô gái bịn rịn đi lên lầu của khu tập thể còn ông thì đứng trông theo bóng cô gái cho đến khi khuất hẳn.
Chuyện về người con gái ấy, gia đình ông cũng biết. Cho đến mãi tận sau này, khi cô gái ấy vào Sài Gòn và thấy cảnh thi sĩ chăm vợ ốm, cô mới chia tay ông để trở về Hà Nội bắt đầu cuộc sống mới.
Cho đến tận bây giờ, dù đã có chồng con và có một sự nghiệp của riêng mình, người phụ nữ ấy vẫn giữ nguyên những ký ức đẹp về một cuộc tình rất trong sáng, thiêng liêng với nhà thơ Phan Vũ.
Với Phan Vũ, mỗi cuộc gặp gỡ với những người con gái Hà Nội là một bài thơ nhỏ. Tất cả những áng thơ ấy được ông tập hợp lại và trở thành tình yêu trong bài thơ Em ơi, Hà Nội phố. Những gì Hà Nội nhất, đương nhiên cả những cô gái Hà Nội cũng có hình bóng trong bài thơ ấy
Năm 2009, tại Thư viện Quốc gia tổ chức một đêm thơ mang tên Phan Vũ và Em ơi, Hà Nội phố. Trong đêm thơ ấy, ông có dịp đọc bài thơ ông viết cho Hà Nội, viết bằng tình yêu với Hà Nội, bằng tình yêu với những người con gái Hà Nội cho người Hà Nội nghe.
Trong đêm thơ ấy, cũng có những “nàng thơ” đã góp phần giúp ông viết nên bài thơ Em ơi, Hà Nội phố. Dù hiện nay họ đều đã lớn tuổi, nhưng sự xúc động họ dành cho chàng thi sĩ trẻ ngày nào vẫn còn nguyên vẹn.
Con người có thể già đi nhưng tâm hồn, trái tim và những cảm xúc thiêng liêng ngày nào thì vẫn còn trẻ mãi. Bản thân ông, mỗi khi đọc lại bài thơ Em ơi, Hà Nội phố, ông lại trở về nguyên vẹn tình yêu với Hà Nội nói chung và những người con gái Hà Nội nói riêng.
Là thi sĩ rất đa tình nhưng mối tình của nhà thơ Phan Vũ với diễn viên Phi Nga lại không phải là một tình yêu sét đánh mà bắt nguồn từ sự cảm mến, kính trọng lẫn nhau trong nghề nghiệp.
Phan Vũ gặp Phi Nga lần đầu tiên vào năm 1952, khi ông làm trong ban chấp hành chi hội văn nghệ Nam bộ. Khi ấy ông dựng một vở kịch cứu quốc, diễn viên trong vở kịch ấy là cán bộ công nhân viên của một số cơ quan đoàn thể.
Diễn viên Phi Nga là phát thanh viên Đài tiếng nói Nam bộ và cũng diễn trong vở kịch. Mãi đến năm 1954, khi tập kết ra Bắc, hai người mới chính thức về chung một nhà.
Nhà thơ Phan Vũ bảo, quá trình từ khi gặp gỡ cho tới khi nên duyên vợ chồng của hai người không lãng mạn, bởi họ đến với nhau vì cảm mến tài năng của nhau.
Phi Nga yêu Phan Vũ bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ một người đạo diễn có tài, ngược lại, tình cảm của Phan Vũ dành cho Phi Nga là sự yêu quý dành cho người diễn viên của mình.
Sau khi lấy nhau được 2 năm và sinh được 2 người con thì ông phát hiện phát hiện ra bà bị bệnh tim bẩm sinh. Từ đó cho tới khi bà mất ở tuổi 49, ông có gần 20 năm chăm vợ ốm và gần 10 năm chăm sóc khi bà bị tai biến mạch máu não và không thể đi lại.
Ông nói rằng, tình cảm của ông dành cho vợ còn lớn hơn cả tình yêu bởi đó là tình thương vô bờ bến.
Tình yêu ấy có được bởi một lẽ, trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời ông, bà vẫn kề vai sát cánh bên ông. Trước khi đến với ông, bà là một người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang có rất nhiều người theo đuổi.
Với những khán giả yêu điện ảnh, chắc hẳn trong ký ức còn lưu giữ hình ảnh của nhân vật chị Hoài trong bộ phim Chung một dòng sông do NSƯT Phi Nga thủ vai.
Thời điểm đó, bà đang là một diễn viên danh giá, thường xuyên được làm tiếp tân trong những dịp Bác tiếp những đoàn khách quan trọng nước ngoài. Trong thời gian ấy, có người khuyên bà nên chia tay với ông để có thể phát triển sự nghiệp, nhưng bà đáp lời họ rằng: “Nếu tìm được cho tôi người nào như anh Vũ tôi sẽ bỏ”.
Nhà thơ Phan Vũ kể lại, trong những năm tháng bà bị bệnh, có những lần ông phải cõng bà từ nhà ở Hàng Bún xuống tận Bệnh viện Việt Xô (Hà Nội), bởi bà không thể đi xe đạp hay xích lô, vì sợ xóc, mà thời ấy lại chưa có xe cấp cứu như bây giờ.
Trong ký ức của Phan Vũ, người vợ quá cố của mình là một người phụ nữ mộc mạc và hết mực yêu chồng. Thậm chí có những lúc, con cái ông “ghen” với bố khi nói rằng, mẹ yêu bố hơn yêu các con.
Trong bất cứ cuộc gặp gỡ nào của thi sĩ với bạn bè, ông đều đưa vợ theo. Bà đi cùng ông không phải để giám sát ông hay lo sợ ông có người phụ nữ khác, mà đơn giản một lẽ, lúc nào bà cũng muốn ở bên ông, lúc nào cũng muốn ngắm nhìn chồng. Kể cả việc bà đi đóng phim, hễ có vai diễn nào mới, bà đều về hỏi ý kiến ông và trao đổi với ông để làm cho vai diễn được tốt hơn.
Ông bảo: “Tình yêu của Phi Nga dành cho tôi giống như tình yêu tuyệt đối của một con chiên dành cho chúa. Thế nhưng cô ấy không hề ghen tuông bởi cô ấy cũng có sự tự tin của riêng mình. Quả thực, khi ấy cô ấy cũng có rất nhiều người mến mộ”.
Kể cả sau này khi NSƯT Phi Nga bị tai biến mạch máu não và phải nằm một chỗ, tình yêu của họ dành cho nhau vẫn không hề thay đổi. Khi ấy, bác sĩ nói với ông rằng, ông chỉ có thể nuôi vợ tối đa được 3 năm bởi oxy không lên não nhưng ông đã kéo dài cuộc sống của bà lên tới 9 năm.
Mặc dù khi ấy, không thể di chuyển được nhưng bà vẫn nhận thức tốt và vẫn rất đam mệ nghệ thuật, sân khấu. Những lúc đó, ông không ngần ngại đưa vợ bằng xe từ nhà đến Nhà hát Thành phố rồi ân cần cõng bà vào trong để bà được xem kịch.
Ngay cả cho tới khi bà mất dần trí nhớ, trong đầu bà chỉ còn lại những hình ảnh của quá khứ, khi ấy tiếng duy nhất bà có thể kêu lên mỗi khi muốn yêu cầu một việc gì đó là tên của chồng mình: “Vũ”.
Dù đã được chuẩn bị tinh thần nhưng sự ra đi quá sớm của bà đã để lại một khoảng trống lớn trong tâm hồn thi sĩ. Ông nói rằng, sau khi vợ ông mất, cũng có vài người phụ nữ đến với ông, tất cả đều bắt nguồn từ nghệ thuật nhưng họ nói rằng, tình yêu của họ không đủ lớn để giữ ông.
Mãi tới năm 73 tuổi, thi sĩ Phan Vũ mới tái hôn với một người phụ nữ 37 tuổi, mà ông thường nói đùa rằng, hai người “bằng tuổi nhau”. Người phụ nữ ấy là nhà báo Diễm Chi, khi ấy phụ trách mục Trò chuyện với người nổi tiếng của báo Phụ nữ TP.HCM, cô quyết định đến với Phan Vũ sau một cuộc phỏng vấn.
Tuấn Hải/Cá tính Quảng