Ánh Tuyết ở ngoài nói chuyện dân dã, liến thoắng liên hồi. Trong những câu chuyện của chị, không hề có sự xa cách, mà chỉ có những chuyện vui vui từ nhỏ đến lớn, từ “chay” đến “mặn” được chị diễn đạt lại tếu táo thêm chút nữa khiến người nghe không khỏi bật cười. Từ khi biết dùng mạng xã hội, chị cũng là người rất chăm chỉ đi sưu tầm các video clip độc lạ hài hước gửi mỗi ngày cho bạn bè gần xa. Để cùng vui. Và trêu ghẹo lẫn nhau. Một ngày mà chị không nghĩ ra cái chi để ghẹo, để cười là chịu không được. Chị kể hồi nhỏ chị đi đâu là đám con nít tụ lại chạy theo rần rần tới đó. Không phải vì… chị đẹp, mà chạy theo để được coi chị chọc gheo ai đó cùng cười cho đã.
Ca sĩ Ánh Tuyết trên sân khấu
Nằm bịnh kiểu Ánh Tuyết
Năm 1983, Ánh Tuyết ở Huế và đang là một giọng hát vơ-đét đất Thần kinh.Chị đi cắt amidan nên phải nằm bịnh viện. Ánh Tuyết nằm ở phòng có 2 giường, cùng một bà cụ nữa. Nhiều sinh viên trường y thực tập năm thứ 5 biết phòng Ánh Tuyết ở nên hay đến gõ cửa, trước là thăm khám thực tập sau là gặp mặt cho thỏa tò mò và ngưỡng mộ. Tiếp hoài mệt quá nên có bữa Ánh Tuyết đóng cửa phòng lại. Bà già cùng phòng hỏi sao không mở,Ánh Tuyết nói,“mở cửa ra mệt lắm cô ơi, tụi hắn sẽ vô, mà tụi hắn có phải bác sĩ mô, vô hỏi hỏi thăm thăm khám khám rờ rờ, mệt mà nhột lắm”. Thấy các sinh viên cứ gõ hoài cũng sợ mệt bà già cùng phòng nên chị quyết định mở cửa. Sau khi để một loạt 5,6 người vào phòng rồi, Ánh Tuyết niềm nở mời ngồi xong ra ngoài chốt cửa lại đi luôn. Rồi qua phòng bác sĩ trưởng khoa ngồi chơi nói chuyện ta bà thế giới. Ông ấy không hiểu sao cái cô bịnh nhân ca sĩ bữa ni lại kiếm mình chuyện vãn. Một lúc sau ông trưởng khoa nghe tiếng ồn đập cửa mới hỏi “ơ, cái gì mà ồn ào ầm ĩ chỗ phòng Ánh Tuyết thế nhỉ”. Chị mới trình bày: Dạ, em… nhốt mấy bạn sinh viên trong đó. Mấy bạn sinh viên đi thực tập cứ gõ cửa phòng em miết, cứ đòi đè em ra khám miết. Hôm qua hôm kia khám rồi hôm ni khám nữa. Hết tốp nọ tới tốp kia. Cứ gõ cửa đòi vô nên em cho tụi hắn vô một lượt luôn rồi khóa cửa cho tiện.
Ca sĩ Ánh Tuyết bên món ăn mang đậm hương vị quê nhà Quảng Nam
Ông trưởng khoa tròn mắt: “Ối giời ôi, cô làm thế hả”. Chị cũng tỉnh queo đáp: “Dạ em làm rứa chứ biết làm răng”.
Bán “cây si” kiểu Ánh Tuyết
Thời sinh viên tui nhiều người theo lắm. Tui không đẹp mà có duyên.Hồi nớ trông tui có vẻ điềm đạm, nhưng nghịch ngầm mà không ai biết, không phát lộ ra ngoài như bây chừ đâu.Thời sinh viên tui quậy hết biết, rứa mà có nhiều người theo mình trồng cây si lắm, nhiều kinh khủng, nên nhiều khi tui cũng xài…hoang. Ánh Tuyết cười cười kể.
Hồi nớ tui nhớ có 4 anh trồng cây si tui và vác cây tới trồng cùng lúc, ngồi chung một bàn trước phòng nội trú. Tui dòm thấy là… sảng hồn. Chết rồi, kiểu ni làm răng mà nói chuyện. Chọn một người để tiếp rồi đuổi mấy người kia cũng không ổn. Tui sực nhớ trong 4 cây si nớ, có một ông mà cô bạn học cùng lớp người Nha Trang thích, tui mới quyết định nhường cho bả cái ông đó. Bả đưa tui hai chục. Tui lấy tiền nớ, vừa đủ để mua ổ bánh mì với dĩa bánh bột lọc ăn ngon lành. Còn chuyện bả ra ghế đá tiếp, tán được ông nớ không thì là chuyện của bả với ổng. Người viết buột miệng “Ủa, rứa là chị bán cái he”. Ánh Tuyết cười hì hì đính chính, “Bán người yêu chớ bán cái chi. Bán người yêu lấy hai chục đồng. À đúng hơn là bán cây si.Họ thích mình chớ mình có thích họ mô.”
Ánh Tuyết hái rau trong vườn nhà
Kén chồng kiểu Ánh Tuyết
Buổi sáng nọ, anh Thạch – ông chủ quán nhạc Văn Nghệ đi ngang nhà gọi Tuyết ơi đi ăn sáng. Tui nghe rứa là mừng rơn, kéo cửa nhảy tót vô xe ô tô của ổng liền, vì mình đang đói mà. Chui vô xe thì thấy ông tây to lớn ngồi đó. Tui sững người, ủa ai ri. Anh chủ quán nói yên lặng ngồi đó để anh chở đi.
Tới quán ăn, ngồi nghe ông chủ quán Văn Nghệ dịch lại mới biết ông ni là khách nghe nhạc quán Văn Nghệ. (Sau đó nghe kể lại là ổng bị tiếng sét khi tối hôm trước, lần đầu thấy Ánh Tuyết mặc áo dài lên sân khấu biểu diễn). Bữa ni mời đi ăn để làm quen và mong muốn lấy làm vợ.
Tui bất ngờ quá, mà cứ nghĩ giỡn chơi nên bày trò phỏng vấn cắc cớ rồi nhờ anh Thạch dịch lại.
Tui hỏi, tại sao 40 tuổi chưa lấy vợ? Ổng nói từ 25 tuổi trở đi việc nhiều không có thời gian tìm hiểu bạn bè bạn gái.
Tui hỏi, ông nghĩ sao muốn lấy tui. Tui là người phụ nữ chỉ biết ăn chứ không biết nấu.Ổng nói không quan trọng, cưới một người vợ chứ không cưới một người nội trợ.
Tui là người phụ nữ chỉ biết xài tiền chớ không biết kiếm tiền. Ổng nói không quan trọng, đó là việc của người đàn ông.
Thấy ổng trả lời gọn ơ, tui mới phát hoảng. Chết rồi, phải kiếm câu nào thử thách nữa đây. Bèn giở bài lỳ mặc cả:Tui là ca sĩ, nếu lấy chồng rồi cấm hát làm sao?
Ổng mới nói,khi em hát, anh quan sát khán giả, thấy ánh mắt và cách họ nhìn em, thì anh biết em là của mọi người.
Chu choa, nói chi mà hay rứa, nghe là ưng cái bụng, nhưng miệng cứ nói tỉnh: Ông phải chứng minh cho tui biết ông còn độc thân.
Ánh Tuyết ngoài cuộc sống đời thường rất giản dị gần gủi
Ổng nói sẽ gọi điện về gia đình làm giấy xác nhận độc thân. Thấy hết câu để vặn, tui mới nói ông đứng lên cho tui ngắm cái coi.Quay sau quay trước, quay tới quay lui. Rứa mà nói chi ổng làm theo đó. Khi mình nghịch tới mức đó thì thấy ông ni là người thiệt thà, chân thành quá.Tui nghĩ, thôi thì nhận lời người yêu mình chớ đuổi theo người mình yêu mệt quá.
Anh bạn đi cùng thông báo: Ổng đòi cưới em, viết sẵn một cái thư xin ngỏ lời cưới. Tui tưởng giỡn, lại nói nhây them, người Việt Nam có câu, cưới vợ là cưới liền tay, chớ để lâu ngày tui đổi ý.
Ông kia dịch lại,ổng nói vậy mai cưới liền. Tới lượt tui choáng: Hả, bớt giỡn chớ. Anh Thạch nói ổng nói thiệt đó, mai cưới là mai làm giấy kết hôn.Tui hoảng lên nói khoan khoan để có thời gian tìm hiểu, coi có cảm được nhau không. 8h sáng sau thức dậy đã có bó hoa hồng ở cửa.
Nghe chị kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần vụ án đám cưới này, người viết cắc cớ ủa sao chị vô bếp cũng nhuyễn lắm mà lại nói ổng là tui không biết nấu ăn. Thì ban đầu gặp, phải nói phải thách rứa chớ, dại chi mà nói thiệt rồi mình mắc kẹt rang, chớ sau khi làm vợ thì mình “nói đúng giá”, nấu ăn cho ổng ăn chớ ai.
Ánh Tuyết trong một chuyến về quê nhà Hội An trong mùa mưa lũ để làm từ thiện
Ai cũng tưởng Ánh Tuyết lấy chồng Tây sẽ giàu và giỏi tiếng Tây. Cả hai cái ni đều không đúng. Cưới nhau xong vợ chồng chỉ có mấy ngàn đô làm vốn, đi ở nhà thuê muốn khùng luôn. Còn tiếng Pháp hả? Ổng phải học và nói tiếng Việt với tui nghe, chớ không có ngược lại. Giai đoạn đầu hai đứa giống sanh viên lắm, vì luôn kè kè mấy cuốn tự điển. cái mô không biết, là cứ cười rồi lật lật giở giờ tìm tìm chỉ chỉ.
Lạc quan như Ánh Tuyết
Ánh Tuyết luôn sống lạc quan. Chị nói chỉ có lạc quan mới có thể sống vui mà trải qua cả chục lần lên bàn mổ và những cơn đau khiến chốc chốc chị lại lôi cái nhà thuốc di động lúc nào cũng kè kè bên người ra làm vài viên. “Tui là cái đại lý bịnh, chừ tui ngồi đây chớ trong người ốc vít tùm lum hà. Mà tui vốn khó nuôi từ nhỏ xí rồi. Hồi nhỏ hay bị…ghẻ, má tui cứ năm bữa nửa tháng lại đem ra cạo đầu mà mỗi lần như rứa tui khóc ré vang nhà vang xóm. Có lẽ nhờ rứa mà sau này tui có được cái giọng nữ cao.”
Ánh Tuyết với tà áo dài bên Chùa Cầu Hội An
Chị có khả năng giả giọng 3 miền ngọt sớt khiến cho các cuộc trà dư tửu hậu có mặt chị là cứ phải cười. Đến cả lúc nằm trên giường bệnh cũng cười. Thậm chí, lên bàn mổ, trước lúc bác sĩ mổ chị cũng xin vài phút để kể chuyện cười. Ánh Tuyết có cả kho chuyện cười, mà người viết thuật lại thì không hấp dẫn bằng nghe trực tiếp. Cho nên, chút ít kể trong bài viết chỉ có tính minh họa. Không tin, bạn cứ tìm gặp chị sẽ biết. Còn chừ, tạm đọc mấy câu thơ mà người con gái phố Hội tức cảnh sinh tình sau một buổi đi thuyền dọc sông Hoài cùng bạn bè:
Chiều nay thuyền ngược trên sông
Từng cơn gió mát dòng nông nắng tàn
Em vui chễm chệ ngồi ngang
Hai người hì hục chèo khang chèo hoài.
Lê Minh Hạ/ Cá tính Quảng