Bạn có sẵn sàng trả lại chiếc ví nhặt được trên đường nếu trong đó có tiền mặt không? Một nghiên cứu mới cho thấy bạn sẽ làm thế — không nhất thiết vì bạn có lòng vị tha, mà vì bạn cảm thấy cắn rứt lương tâm, không muốn mình giống như một tên trộm.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học, được thiết kế để khám phá và so sánh tính trung thực của công dân ở 355 thành phố ở 40 quốc gia. Ở mỗi thành phố, một người tham gia nghiên cứu sẽ tới ngân hàng, viện bảo tàng, bưu điện, khách sạn và đồn cảnh sát để nộp một chiếc ví “bị thất lạc”. Khi nộp ví tại những địa điểm này cho người tiếp nhận thì người tham gia nghiên cứu sẽ nói:
“Tôi tìm thấy cái này (chiếc ví) ở góc phố. Chắc hẳn ai đó đã làm mất nó. Tôi đang vội và phải đi. Bạn có thể vui lòng để ý tới nó không?
Sau đó, người nộp ví sẽ rời đi mà không cung cấp thông tin liên lạc. Mỗi ví chứa một mớ giấy tờ lộn xộn như thật và địa chỉ liên hệ qua email, đồng thời tất cả các ví đều trong suốt, nghĩa là nhân viên không cần phải mở chúng ra để xem bên trong có gì. Một số ví không chứa tiền mặt trong khi những ví khác có số tiền bằng nội tệ tương đương khoảng 13,45 USD.
Kết quả chỉ ra rằng, trung bình, 40% ví không có tiền mặt được nhân viên báo cáo là đã tìm thấy, so với 51% ví có tiền mặt. Mọi người thường trao nộp ví có tiền mặt nhiều hơn ở tất cả (trừ hai quốc gia: Mexico và Peru thì ví không tiền mặt được trao nộp nhiều hơn). Kết quả khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên, họ viết rằng “cả những người không phải là chuyên gia và các nhà kinh tế chuyên nghiệp đều không thể dự đoán được kết quả này”.
Để kiểm tra xem nhân viên có đang báo cáo ví tiền mặt vì 13,45 USD không đủ để mạo hiểm đánh cắp hay không, nhóm đã tiến hành thêm một số thử nghiệm ở Mỹ, Anh và Ba Lan — lần này tương đương với 94,15 USD thay vì 13,45 USD. Đáng ngạc nhiên là nhân viên trung thực hơn đáng kể khi ví chứa nhiều tiền hơn — trung bình 72% nhân viên báo cáo đã tìm thấy những chiếc ví này.
Vì vậy, cần giải thích hành vi này như thế nào? Để xem mức độ mà lòng vị tha có thể đóng vai trò như thế nào, nhóm đã đặt thêm chìa khóa vào một số ví. Không giống như tiền mặt, chìa khóa sẽ chỉ có giá trị đối với chủ sở hữu của chiếc ví. Kết quả cho thấy những chiếc ví có tiền mặt và chìa khóa vẫn có nhiều khả năng được báo cáo là tìm thấy hơn, nhưng sự khác biệt không đủ lớn để nói rằng chỉ riêng lòng vị tha thôi thúc mọi người trả lại ví.
Để khám phá một lời giải thích khác, nhóm đã khảo sát 2.525 người được chọn ngẫu nhiên ở Mỹ, Anh và Ba Lan. Những người đó được yêu cầu đánh giá mức độ "cảm thấy giống như ăn cắp" khi giữ một chiếc ví có tiền mặt và không có tiền mặt. Khi số tiền giả định tăng lên, “động cơ ăn cắp” cũng tăng theo. Nhưng thật thú vị, sự hiện diện của chìa khóa trong những tình huống đó không làm thay đổi đáng kể điểm số.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng hầu hết mọi người không muốn cảm thấy mình là một tên trộm hơn là bỏ túi thêm một số tiền mặt. Các nhà nghiên cứu viết:
“Khi mọi người kiếm được nhiều lợi nhuận từ việc tham gia vào hành vi không trung thực, mong muốn gian lận tăng lên, nhưng cái giá phải trả về mặt tâm lý khi cảm thấy mình là kẻ trộm cũng tăng lên — và đôi khi, cái sau sẽ lấn át cái trước”.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những kết quả này phản ánh mức độ trung thực của công dân ở những quốc gia này như thế nào. Trước hết, có thể nhân viên của các ngân hàng, viện bảo tàng và đồn cảnh sát sẽ trung thực hơn một chút so với người dân nói chung. Hơn nữa, mọi người có thể cư xử khác đi do tính chất công việc, đặc biệt nếu đó là một doanh nghiệp như ngân hàng. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu đã nói rằng sự hiện diện của camera an ninh dường như không giải thích được lý do tại sao nhân viên có nhiều khả năng trả lại ví tiền mặt hơn.
Trong mọi trường hợp, kết quả được xây dựng dựa trên nghiên cứu trước đây cho thấy mọi người sẽ cố gắng hết sức để duy trì hình ảnh bản thân. Vì vậy, cuối cùng, việc đánh mất tự tôn, biến mình là một tên trộm có thể khiến bạn mất nhiều hơn 94,15 USD.