Thế giới mà chúng ta sống đang có nhiều biến chuyển đáng báo động. Những biến chuyển ấy không còn xa xôi hay mơ hồ nữa, mà đã bắt đầu tiến đến gần và dần có những tác động lên đời sống của chúng ta. Hãy dành một chút thời gian nhìn xung quanh mình, nhìn lại vài năm gần đây, khi thiên tai ngày càng cực đoan, trái đất nóng lên chạm ngưỡng báo động, băng ở hai đầu địa cực tan chảy, dịch bệnh tràn lan cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, chiến tranh bùng nổ và có nguy cơ lan rộng…
Nhiều người trong số chúng ta nghĩ rằng, đó là những vấn đề toàn cầu, người có trách nhiệm trực tiếp và xử lý những vấn đề ấy là các nhà chức trách. Khi vấn đề đáng báo động như bệnh tật, chiến tranh kia chưa gõ cửa nhà mình, thì họ vẫn giữ thái độ sống thờ ơ, vô cảm hay thậm chí là vô đạo đức.
Nếu toàn thể nhân loại đều có ý nghĩ như vậy, thì thế giới này sẽ đi về đâu? Và chúng ta sẽ để lại cho con cháu mình một thế giới như thế nào?
Đây cũng là một trong những trăn trở mà giáo sư John Vũ đặt ra trong phần mở đầu của cuốn “Muôn kiếp nhân sinh 3”, cuốn sách tiếp nối hành trình ông cùng người bạn tâm giao lâu năm Thomas trò chuyện về những kiếp sống mà Thomas đã đi qua, để từ đó rút ra những bài học, những triết lý về bản ngã, chân ngã của cá nhân cũng như mối liên kết của cá nhân với xã hội và toàn nhân loại, cùng mong muốn cao đẹp nhất là hướng con người về nẻo thiện.
Chúng ta được sinh ra vào thời đại này, được gắn kết với những người xung quanh, gặp những người cần gặp, làm những việc cần làm không đơn giản chỉ là ngẫu nhiên. Đó là nhân quả từ nhiều kiếp sống đưa chúng ta đến với hiện tại, nhưng nếu hiện tại chúng ta vẫn giữ thái độ sống vô tâm, mang lòng tham, sự thờ ơ và ích kỷ thì chúng ta đã và đang mang theo các nguồn năng lượng tiêu cực tác động đến toàn cầu. Từ những kiếp sống của mình, Thomas đã nhìn ra rằng, mọi thiên tai đều bắt nguồn từ các năng lượng tiêu cực từ tâm con người. Do đó muốn trừ thiên tai, bệnh tật hay chiến tranh mọi người cần phải thay đổi từ trong tâm.
“Muôn kiếp nhân sinh 3” được ra đời trong hoàn cảnh nhân loại đầy những biến động cấp thiết như thế. Cuốn sách chính là liều thuốc chữa lành giúp mỗi cá nhân thay đổi tâm thức. Hướng con người về nẻo thiện, tránh việc giết chóc, dẹp bỏ lòng sân hận, tham lam. Bởi vì: Khi tâm bình thì thế giới sẽ bình, khi tâm an thế giới sẽ an lành.
“Muôn kiếp nhân sinh” lần đầu tiên ra mắt bạn đọc vào năm 2020 và nhận về tiếng vang lớn cùng sự yêu mến của hàng triệu độc giả bởi những kiến thức uyên bác với góc nhìn mới mẻ về quá khứ, hiện tại và tương lai, những bài học và câu chuyện về luật nhân quả, luật luân hồi,...
Tiếp nối những câu chuyện tiền kiếp của nhân vật chính Thomas, “Muôn kiếp nhân sinh 2” ra đời với những kiến giải uyên bác về tương lai của nhân loại và thế giới thông qua góc nhìn của cả khoa học và tâm linh. Nhiều câu hỏi về hiện sinh, về nguồn gốc vạn vật dần được giải đáp.
Chung quy lại, từ những câu chuyện tiền kiếp của nhân vật Thomas được Giáo sư John Vũ thuật lại trong “Muôn kiếp nhân sinh 1-2” đều mang một mục đích cuối cùng là giúp loài người bình tâm trước những biến động của thế giới, đề cao tình yêu thương, lòng tốt và sự tỉnh thức.
Câu chuyện của “Muôn kiếp nhân sinh 3” cũng vẫn mở đầu bằng cuộc trò chuyện giữa giáo sư Johh Vũ và nhân vật chính Thomas về những kiếp sống mà Thomas đã đi qua. Với 10 chương sách, trải qua nhiều kiếp sống tại nhiều thời gian từ quá khứ đến hiện tại, không gian khác nhau từ Atlantis, tới Arya, Hy Lạp, La Mã, Bactria, Pháp,.. vô vàn bài học và ý nghĩa về nhân sinh dần được hé mở.
Trái đất đang nóng dần lên chính là hậu quả của những ô nhiễm mà con người đã gây ra trong quá trình phát triển công nghiệp và công nghệ. Khi nhiệt độ gia tăng thì thời tiết cũng bị ảnh hưởng. Do đó gần đây các trận bão tố, cuồng phong, lũ lụt, cháy rừng diễn ra ngày một thường xuyên, với mức độ ngày càng nghiêm trọng và diễn biến khó lường. Tuy nhiên, mọi người vẫn tin thiên tai là do thiên nhiên gây ra, không ai làm gì được nên chẳng ai muốn thay đổi nếp sống sung sướng tiện nghi của mình.
Họ cứ mặc nhiên khai thác triệt để những nguồn tài nguyên thiên nhiên còn sót lại để làm giàu cho mình. Phá rừng, xẻ núi, chặt cây, giết hại động vật, đổ hóa chất ô uế xuống sông hồ khiến thiên nhiên tổn hại nặng nề đến mức không thể vãn hồi.
Họ tin rằng nếu những biến cố này không ảnh hưởng trực tiếp đến họ thì họ không cần quan tâm. Lòng tham và vô cảm lại tiếp tục kéo dài cho đến khi thiên tai xảy ra khắp nơi, khắp thế giới, gieo rắc những hậu quả khủng khiếp, ảnh hưởng lên nền kinh tế toàn cầu, gây ra nạn đói, bạo động hay nguy hiểm hơn là chiến tranh bùng nổ. Như trong sách đề cập:
Khủng hoảng kinh tế sẽ biến chuyển thành khủng hoảng xã hội, khiến đời sống con người trở nên bất an và khó khăn hơn. Khủng hoảng xã hội sẽ dẫn đến sự mất niềm tin vào những người lãnh đạo, tạo ra bất ổn chính trị và bạo loạn xã hội. Đây cũng không phải là điều gì mới, các chuyên gia kinh tế và môi trường đã đề cập vấn đề này từ lâu rồi. Tuy nhiên dù biết nhưng không ai muốn làm gì cho đến khi việc phải đến sẽ đến.
Những biến động của thế giới khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: phải chăng, phải trải qua những biến cố kinh khủng này, nhân loại mới hiểu rõ trách nhiệm làm người trên trái đất này là như thế nào?
Với nhiều kiếp sống đã qua đi của mình, Thomas mong muốn truyền tải tới chúng ta thông điệp rằng vật chất, quyền lực và địa vị không phải là thứ sẽ đem lại một cuộc sống ý nghĩa hay không thể giúp chúng ta tìm kiếm bình yên thực sự trong tâm hồn. Tham lam, bất chấp để đạt được mục đích, hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại chính môi trường sống của mình thì sớm muộn chúng ta cũng phải trả giá bằng chính tính mạng của mình hay thậm chí phải trả cái giá thật đắt ở những kiếp luân hồi khác.
Tất cả tai ương, hoạn nạn hay điều tốt lành đều do chính mình tạo ra, nên đừng trách cứ ai. Làm lành thì kết quả tốt, làm ác thì kết quả xấu. Cho nên mọi ý nghĩ, lời nói, hành động đều phải cẩn thận, đừng làm việc gì sai quấy vì luật nhân quả sẽ chẳng bỏ qua.
Lòng tham đã khiến mọi người mù quáng, rời xa hẳn mục đích đơn thuần ban đầu là giúp cuộc sống của loài người trở nên tốt đẹp hơn, làm gì cũng chỉ muốn có lợi cho mình, làm sao để thu lợi được nhiều nhất, bất kể người khác thiệt hại ra sao. Lòng tham khiến mọi người không bao giờ biết đủ nên sẵn lòng làm bất cứ điều gì, kể cả việc chém giết, chiếm đoạt, cướp bóc, khiến đời sống ngày càng tồi tệ hơn. Từ lòng tham sẽ dẫn đến tranh chấp, rồi đưa đến chiến tranh, mà dân chúng chính là tầng lớp phải chịu khổ nhất.
Khi một biến cố nào đó xảy ra thì người ta rất dễ đổ lỗi cho người khác. Nhưng tình trạng loạn lạc của xã hội là do con người mù quáng, tham lam tranh giành chứ không phải Thượng đế trừng phạt ai hết. Lúc làm chuyện xấu thì không chịu suy nghĩ, cứ làm bừa bãi bất kể mọi sự nhưng khi hậu quả xảy đến thì chỉ biết lạy lục cầu xin được cứu giúp.
Chỉ có chính mình mới có thể giúp mình thoát khỏi những đau khổ, khó khăn mà thôi. Chỉ khi buông bỏ lòng tham với những vật chất tầm thường, con người ta mới có thể thực sự tận hưởng một cuộc đời trọn vẹn.
Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, việc kết nối, liên lạc khi ở khoảng cách xa xôi cũng trở nên vô cùng dễ dàng. Thế nhưng, người trẻ ngày nay ngày càng lạm dụng việc kết nối trên không gian ảo, dần mất kết nối trực tiếp giữa người với người.
Việc này khiến họ không những mất kết nối với gia đình và các thế hệ trước mà còn mất kết nối với chính mình. Họ bơ vơ, lạc lõng, cô đơn, khổ sở trong một thế giới máy móc, vô cảm. Đa số đều mất niềm tin vào mọi thứ, kể cả gia đình và tôn giáo.
Ngày nay đại đa số người trẻ ít để ý đến các biến cố trên thế giới, nếu so với những người thuộc thế hệ trước thì hiện nay phần lớn người trẻ chỉ xem tin tức qua Facebook, Twitter, Tiktok, YouTube. Họ chỉ quan tâm tới điều mà những người trẻ như họ đang làm trên mạng xã hội. Họ ngày càng trở nên vô cảm, không còn ham tìm tòi để gia tăng hiểu biết và chỉ chạy theo vật chất hay các xu thế nhất thời.
Người ta vẫn tin rằng nhờ internet mà người trẻ kết nối với nhau nhiều hơn nhưng thật ra đa số kết nối qua các ứng dụng công nghệ chỉ mang tính chất hào nhoáng bên ngoài và thiếu chân thật. Bắt gặp những câu chuyện trên mạng xã hội, những tin tức về chiến tranh, bạo động, cướp bóc, họ có thể đóng vai thành bất kỳ ai họ muốn. Từ người qua đường, kẻ đạo đức giả, kẻ bắt nạt, sẵn sàng buông những lời cay đắng hay tỏ vẻ quan tâm hời hợt.
Dần dần không ít người trẻ trở nên thiếu kiến thức, sống vô cảm, chỉ quan tâm đến những xu thế, chưa từng chậm lại để cảm nhận cuộc sống, thiếu sự quan tâm đến chính những người thân trong gia đình, để kiếp sống trôi qua một cách lãng phí. Không ước mơ, không tìm tòi học hỏi.
Hiểu về sự vô cảm cũng là một trong những bài học quan trọng mà Thomas đã giác ngộ ra qua những kiếp sống của mình. Hiểu về nó để đặt ra những câu hỏi và giải pháp cấp thiết cho giáo dục từ gia đình, trường học đến xã hội. Giúp gắn kết mối quan hệ giữa những thành viên trong gia đình, gia đình với xã hội, xã hội tới toàn nhân loại. Hiểu về căn nguyên của sự vô cảm, để loại bỏ nó và gieo và đó những hạt giống của tình yêu thương, sự vị tha, lòng trắc ẩn.