Tờ New York Times (NYT) cho hay cánh đàn ông Trung Quốc ngày nay đang phải đối mặt với khó khăn quá lớn trong việc tìm kiếm hạnh phúc hôn nhân. Sự mất cân bằng giới tính, tiền sính lễ quá cao và lối sống ham vật chất đang khiến nhiều gia đình tiêu tiền đến mức nợ nần, phá sản chỉ để kiếm vợ cho con trai.
Năm 2023, chênh lệch giới tính tại Trung Quốc đã lên đến 31 triệu người khi nam nhiều hơn nữ. Đặc biệt tại vùng nông thôn, số lượng đàn ông nhiều hơn 19 triệu người so với phụ nữ, tạo nên những lời thách cưới cao đến mức điên rồ.
20.000 USD
Vào một ngày đẹp trời tại thị trấn Daijapu-Trung Quốc, chính quyền địa phương đã phải tổ chức một cuộc họp nhằm yêu cầu phụ nữ trong vùng từ chối hủ tục đòi sính lễ nhằm giải quyết tình trạng khó lấy vợ hiện nay của cánh đàn ông.
Theo NYT, việc giá sính lễ thách cưới tại Trung Quốc có nơi lên đến 20.000 USD ở một số tỉnh đã khiến nam giới nước này ngày càng khó tìm kiếm hạnh phúc hôn nhân, dẫn đến những sự việc thương tâm.
Mặc dù chính quyền địa phương đã cố gắng tuyên truyền, thậm chí đặt lệnh giới hạn mức thách cưới hay can thiệp trực tiếp vào các cuộc đàm phán riêng tư giữa 2 gia đình nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn.
Hơn 40 năm áp dụng chính sách 1 con và tư tưởng trọng nam khinh nữ, nối dõi tông đường đã khiến cuộc cạnh tranh tìm bạn gái, người yêu và vợ tại Trung Quốc đang gay gắt hơn bao giờ hết.
Bên cạnh việc mất cân bằng giới tính và tiền thách cưới cao, một yếu tố nữa khiến nam giới Trung Quốc khó lấy vợ là phụ nữ thích kết hôn với đàn ông có hộ khẩu thành phố hoặc gia đình có điều kiện để tiếp cận được các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở và chất lượng sống tốt hơn.
Điều trớ trêu là đàn ông phải trả nhiều tiền cho sính lễ để thể hiện họ có thể đảm bảo chu cấp cho người phụ nữ, nhưng chính vì tiền thách cưới quá cao mà nhiều gia đình nhà nam lại lún sâu hơn vào nợ nần và thậm chí là ly hôn.
"Tiền sính lễ khiến nhiều gia đình tan vỡ. Cha mẹ thường phải tiêu hết tiền bạc và thậm chí phá sản chỉ để tìm vợ cho con trai mình", giáo sư xã hội học Yuying Tong của trường đại học Hong Kong nhận định.
Theo giáo sư Tong, tư tưởng của nhiều gia đình mà đặc biệt là ở vùng nông thôn Trung Quốc hiện nay vẫn cho rằng tiền sính lễ là để "mua" lại sức lao động và khả năng sinh sản từ cha mẹ vợ. Thông thường người phụ nữ sẽ phải chuyển về sống cùng gia đình chồng, mang thai, chịu trách nhiệm nội trợ, nuôi con và chăm sóc gia đình nhà nội.
Tuy nhiên một số phụ nữ còn cho biết tiền sính lễ này cũng được dùng cho các trường hợp khẩn cấp như cha mẹ vợ ốm đau cần thanh toán viện phí.
Bà Liu Guoying là một bà mối ở Nanchang cho biết cô dâu tại đây có thể thách cưới đến hơn 50.000 USD, khiến ngày càng nhiều thanh thiếu niên trì hoãn hoặc tránh kết hôn.
Lời cầu cứu
Ngày nay với thế hệ mới có tri thức hơn, đa phần các cặp vợ chồng có trình độ học vấn chẳng đòi nhiều sính lễ vì tin rằng chỉ cần yêu nhau và hạnh phúc là đủ.
Tuy nhiên việc thoát khỏi tập tục tại quê hương là điều không hề dễ dàng.
Cô Luki Chan lớn lên ở Fujian, nơi tiền thách cưới thường khá cao. Dù cô Chan đã vào được đại học nhưng gia đình cô cho biết số tiền sính lễ ít nhất cũng phải 14.000 USD như một khoản hoàn trả học phí mà bố mẹ cô đã đầu tư cho con gái.
Hiện cô Chan đang xây dựng sự nghiệp tại Thượng Hải với vai trò nhà sản xuất rạp hát, đồng thời bí mật làm đăng ký kết hôn với bạn trai vì lo sợ gia đình mình phát hiện sẽ đưa ra yêu cầu sính lễ.
Các nhà hoạch định chính sách coi hủ tục sính lễ quá cao này là một sự cản trở cho phát triển kinh tế và gây bất ổn xã hội. Chính vì vậy nhiều địa phương như Nanchang đã tổ chức những đám cưới tập thể miễn phí cho 100 cặp đôi tại sân vận động với khẩu hiệu "Chúng tôi cần hạnh phúc chứ không phải sính lễ" nhằm loại bỏ hủ tục này.
Thế nhưng việc chấm dứt hoàn toàn tiền thách cưới là rất khó. Giới truyền thông Trung Quốc từng đưa tin về một người dân ở Baixiang đã phải cầu cứu chính quyền địa phương khi sính lễ thách cưới của nhà gái quá cao.
Các quan chức đã cử một nhóm điều tra và được biết gia đình nhà gái đòi 40.000 USD tiền thách cưới dù vùng này khá nghèo. Bất chấp lời cầu xin từ chính con gái về việc nhà trai chỉ trả được khoảng một nửa số tiền sính lễ, cha mẹ cô dâu vẫn không chấp nhận.
Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng nhà gái cũng đồng ý giảm xuống còn 9.000 USD và việc trao tiền sính lễ diễn ra tại văn phòng chính quyền địa phương với các quan chức làm chứng.