"Cho con gánh mẹ một lần,
Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con.
Cho con gánh mẹ đầu non,
Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời
Ngày xưa mẹ gánh à ơi!
Con xin gánh lại những lời mẹ ru.
Đường đời sương gió mịt mù,
Vì con hạnh phúc chẳng từ gian nan"
Khi đọc văn bản trên, nếu không giới thiệu chắc nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một đoạn thơ lục bát. Nhưng không, đây là phần lời bài hát Gánh mẹ của nhạc sĩ Quách Beem.
Nếu mổ xẻ ở góc độ nghệ thuật thơ ca thì rõ ràng không ai không nhận ra đây là một đoạn thơ lục bát rất hoàn chỉnh.
"Cho con/gánh mẹ/một lần (6 chữ - lục)
Cả đời/mẹ đã/tảo tần/gánh con (8 chữ - bát).
Hai câu 6/8 trên rất đúng vần, nhịp và niêm luật của thơ lục bát. Chúng ta cũng có thể thấy, xuyên suốt lời bài hát Gánh mẹ là những cặp lục bát tương tự như vậy.
Thơ lục bát có ràng buộc rất chặt chẽ về số lượng chữ, vần điệu theo luật bằng trắc. Quy tắc cơ bản của cặp câu lục bát là các chữ thứ 2, 6, 8 mang thanh bằng, chữ thứ 4 mang thanh trắc, còn lại có thể tùy ý.
Đuôi câu lục vần với chữ thứ 6 của câu bát, đuôi câu bát vần với đuôi câu lục sau. Trong câu bát thì chữ thứ 6 và 8 cùng là thanh bằng nhưng phải khác dấu. Nghĩa là chữ thứ 6 là dấu huyền thì chữ thứ 8 phải không có dấu và ngược lại.
Ví dụ:
Ngày xưa mẹ gánh à ơi (vần ơi không có dấu huyền)
Con xin gánh lại những lời (vần ơi nhưng có dấu huyền) mẹ ru.
Mô hình của một bài thơ lục bát cũng được tóm tắt như sau;
(Ký hiệu: B là thanh bằng, T là thanh trắc, * là tự do):
Các từ số: 1 2 3 4 5 6 7 8
Câu lục 1: * B * T * B
Câu lục 2: * T T * * B
Câu bát 1: * B * T * B * B
Câu bát 2: * T * B * T * B
Từ phân tích như trên chúng ta có thể thấy ca từ bài hát Gánh mẹ của nhạc sĩ Quách Beem cũng là một bài thơ lục bát.
Câu hỏi đặt ra là tác giả Quách Beem đã làm một bài thơ lục bát rồi mới phổ nhạc đưa bài thơ này vào, hay là anh viết lời cho ca khúc nhưng ngẫu nhiên ca từ bài hát trở thành một bài thơ lục bát?
Từ vụ tranh chấp tác phẩm Gánh mẹ, công chúng quan tâm cũng đặt ra câu hỏi rằng ca khúc của nhạc Quách Beem hay bài thơ của ông Trương Minh Nhật có trước? Có phải ông Trương Minh Nhật đã lấy ca từ của bài hát Gánh mẹ để làm ra một bài thơ lục bát rồi nhận là của mình hay nhạc sĩ Quách Beem lấy thơ của ông Nhật làm phần lời cho bài hát?
Vụ tranh chấp trở nên lùm xùm suốt một thời gian dài, nhiều tranh cãi "tay đôi" của hai bên đã diễn ra trên mạng xã hội. Cả ông Trương Minh Nhật và nhạc sĩ Quách Beem đều khẳng định họ mới chính là tác giả duy nhất của Gánh mẹ.
Sau đó ông Trương Minh Nhật đệ đơn ra tòa án nhờ phân xử. Vụ kiện đã được báo chí quan tâm theo dõi với nhiều phân tích bình luận. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng.
Sau khi phiên xử ngày 21.10.2020 bị hoãn đến nay, cả bên nguyên đơn và bị đơn đều im lặng một cách khó hiểu khiến cho người yêu thơ nhạc bối rối không biết ai là tác giả thật của tác phẩm này.
Diễn biến vụ tranh chấp tác phẩm Gánh mẹ:
Như Một Thế Giới đã thông tin, vụ tranh chấp bản quyền tác phẩm "Gánh mẹ" giữa ông Trương Minh Nhật và nhạc sĩ Quách Beem bắt đầu nổi lên vào tháng 9.2019 khi ông Trương Minh Nhật phát hiện bài hát "Gánh mẹ" của nhạc sĩ Quách Beem đăng tải trên mạng YouTube có phần ca từ mà ông cho rằng lấy trái phép từ bài thơ "Gánh mẹ" của ông.
Ông Trương Minh Nhật khẳng định bài thơ "Gánh mẹ" được ông sáng tác vào những ngày mẹ ông hấp hối trong bệnh viện. Sau đó, ông đăng lên nhóm Thơ văn Facebook do nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn làm quản trị từ ngày 13.6.2014 và trên trang cá nhân vào ngày 31.7.2014.
Sau khi phát hiện, Trương Minh Nhật đã liên lạc với phía nhạc sĩ Quách Beem để giải quyết vụ việc. Ông Nhật yêu cầu nhạc sĩ Quách Beem phải công khai xin lỗi đồng thời hiệu đính lại tất cả các ấn phẩm có bài hát "Gánh mẹ" là "nhạc Quách Beem, lời thơ Trương Minh Nhật".
Trong khi đó, nhạc sĩ Quách Beem vẫn khẳng định bài hát "Gánh mẹ" do anh sáng tác và ký âm vào ngày 25.10.2013 và được Cục bản quyền tác giả cấp bản quyền chứng nhận vào ngày 28.11.2014, và sẵn sàng đối chất trước tòa.
Cuối tháng 11.2019, ông Trương Minh Nhật đã ủy quyền cho văn phòng Luật Phan Law Vietnam đứng ra khởi kiện nhạc sĩ Quách Beem vi phạm bản quyền lên TAND TP.HCM. Song song với việc khởi kiện, ông Nhật đã viết đơn gửi lên Cục bản quyền tác giả Việt Nam yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả bài hát "Gánh mẹ" mà cục này đã cấp cho nhạc sĩ vào ngày 26.3.2019. Đồng thời ông Nhật cũng yêu cầu tháo tất cả các sản phẩm thương mại liên quan đến bài hát đang được khai thác dưới mọi hình thức khi quá trình tranh chấp chưa được giải quyết.
Ngày 4.12.2019, TAND TP.HCM đã chính thức thụ lý vụ tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ bài thơ/nhạc "Gánh mẹ" giữa ông Trương Minh Nhật (nguyên đơn) và ông Đoàn Đông Đức.
Ngày 13.12.2019, Cục bản quyền tác giả Việt Nam cũng ra văn bản số 442/BQTG–ĐK yêu cầu ông Đoàn Đông Đức (tức nhạc sĩ Quách Beem) có văn bản giải trình kèm theo các chứng cứ tài liệu chứng minh quá trình sáng tạo, sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc "Gánh mẹ" gửi về Cục bản quyền tác giả trước ngày 23.12.2019.
Ngày 26.12.2019, TAND TP.HCM đã cho mời hai đương sự là Đoàn Đông Đức và ông Trương Minh Nhật có mặt để làm việc. Tuy nhiên, buổi làm việc chỉ tiến hành xác minh nhân thân của nguyên đơn Trương Minh Nhật cũng như các thủ tục ủy quyền người đại diện pháp lý là văn phòng Luật Phan Law Vietnam và sau đó thì dừng lại vì không có mặt của bị đơn Đoàn Đông Đức.
Ngày 13.1.2020, TAND TP.HCM tiến hành phiên hòa giải thứ 2 nhưng bất thành vì Quách Beem vắng mặt.
Ngày 20.2.2020, phiên hòa giải lần thứ 3 cũng bất thành vì nhạc sĩ Quách Beem vắng mặt lần thứ 3.
Ngày 18.8.2020, TAND TP.HCM quyết định mở phiên sơ thẩm, tuy nhiên phiên tòa này bị hoãn do cả 2 bị đơn là Lý Hải Production và ca sĩ Quách Beem đều vắng mặt.
Trước khi diễn ra phiên sơ thẩm, ông Trương Minh Nhật đã rút bớt lại số tiền đòi phía bị đơn bồi thường cho ông xuống còn 825 triệu đồng thay vì 4 tỉ đồng.
Ngày 3.9.2020, phiên tòa sơ thẩm một lần nữa bị hoãn vì nguyên đơn Trương Minh Nhật và luật sư của ông đều vắng mặt.
Ngày 21.10.2020, TAND TP.HCM đã quyết định đưa ra xét xử vụ tranh chấp quyền tác giả bài thơ "Gánh mẹ" giữa ông Trương Minh Nhật và nhạc sĩ Quách Beem.
Đáng chú ý là trong phiên xử này ông Trương Minh Nhật bất ngờ trình với HĐXX một biên bản chép tay được cho là thỏa thuận giữa ông và bà Trần Ngọc Diễm Châu - người đại diện truyền thông cũng là vợ của nhạc sĩ Quách Beem thừa nhận bài thơ "Gánh mẹ" do chính ông Trương Minh Nhật sáng tác và đưa ra một số thỏa thuận theo yêu cầu của ông Nhật.
Trước tình tiết quá bất ngờ này, chủ tọa đã tạm dừng phiên tòa để hội ý. Sau phần hội ý, HĐXX công bố do xuất hiện tình tiết và chứng cứ mới của vụ kiện nên đề nghị cho giám định văn bản làm việc giữa bà Trần Ngọc Diễm Châu và ông Trương Minh Nhật để xác minh bút tích nét chữ của bà Châu. Tòa cũng yêu cầu triệu tập bà Trần Ngọc Diễm Châu đến trước tòa để đối chất trực tiếp với ông Nhật nhằm làm rõ nội dung biên bản bên nguyên đơn trình bày trước tòa.